Hotline: 0941068156
Thứ bảy, 23/11/2024 06:11
Thứ hai, 01/04/2024 14:04
TMO - Không chỉ giải quyết công ăn việc làm, tăng thêm thu nhập cho người dân, dịch vụ môi trường rừng còn góp phần hạn chế, ngăn chặn tình trạng phá rừng trên địa bàn tỉnh Bình Thuận.
Theo đánh giá của UBND tỉnh Bình Thuận, trong bối cảnh nguồn vốn ngân sách phục vụ công tác quản lý bảo vệ rừng hạn chế thì nguồn thu từ dịch vụ môi trường rừng (DVMTR), trồng rừng thay thế đã duy trì sự ổn định, góp phần giảm áp lực cho ngân sách nhà nước trong công tác quản lý bảo vệ rừng. Đồng thời, tạo ra nhiều việc làm, cải thiện sinh kế, tăng thu nhập, đời sống của người làm nghề rừng, người bảo vệ rừng, đặc biệt là đồng bào vùng núi cao, góp phần giữ vững an ninh quốc phòng, trật tự an toàn xã hội, tăng độ che phủ rừng trên địa bàn toàn tỉnh.
Hầu hết nguồn thu từ chính sách chi trả DVMTR đã được đầu tư cho công tác bảo vệ rừng, trong đó đối tượng hưởng lợi trực tiếp là những người tham gia làm công tác bảo vệ rừng. Có thể nói chính sách chi trả DVMTR đã góp phần giải quyết công ăn việc làm, cải thiện sinh kế cho người làm nghề rừng; đồng thời hạn chế, ngăn chặn tình trạng phá rừng và suy giảm do mất rừng trong điều kiện hiện nay.
Chi trả DVMTR trở thành một trong những nguồn lực quan trọng phục vụ công tác quản lý, bảo vệ, phát triển rừng tại tỉnh Bình Thuận.
Tính đến cuối năm 2023, tổng diện tích rừng trên địa bàn tỉnh đưa vào thực hiện chi trả DVMTR là 150.435,51 ha, đạt tỷ lệ 45% so với tổng diện tích quy hoạch 3 loại rừng toàn tỉnh. Qua thực hiện chi trả DVMTR đã góp phần tạo thêm công ăn, việc làm, cải thiện sinh kế cho 2.112 hộ, trong đó có khoảng 90% hộ nhận khoán là đồng bào dân tộc thiểu số ở các xã miền núi tham gia nhận khoán bảo vệ rừng. Riêng tiền DVMTR hộ gia đình nhận khoán được nhận trong năm bình quân đã được nâng lên và ổn định ở mức 300.000 đồng/ha/năm. Từ việc tham gia nhận khoán bảo vệ rừng, ý thức của người dân về lợi ích của rừng đã được nâng lên, hạn chế việc phá rừng, góp phần phát triển rừng bền vững.
Theo Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng Bình Thuận, trong năm 2023, toàn tỉnh có hơn 150 nghìn ha rừng đưa vào thực hiện chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR), chiếm tỉ lệ 45%. Toàn tỉnh có 18 đơn vị chủ rừng là tổ chức nhà nước, 1 UBND xã, 2 tổ chức thuộc lực lượng vũ trang và 4 đơn vị chủ rừng không thuộc nhà nước đủ điều kiện để thực hiện cung ứng DVMTR.
Thống kê của Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng Bình Thuận tình hình phá rừng, cháy rừng trong lưu vực đều giảm trong năm 2023 không có vụ việc lớn nào xảy ra làm suy giảm, mất rừng, chất lượng rừng cung ứng DVMTR được bảo đảm. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bình Thuận cho biết: Thời gian qua, nhờ chi trả bằng nguồn tiền DVMTR đã góp phần lớn vào công tác bảo vệ và phát triển rừng của tỉnh. Hàng năm diện tích rừng đủ điều kiện để đưa vào chi trả bằng nguồn DVMTR được giữ ổn định.
Thực hiện chính sách chi trả DVMTR đã góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm đối với công tác bảo vệ và phát triển rừng của các cấp chính quyền, các ban ngành và các đơn vị sử dụng, cung ứng DVMTR; đặc biệt là trong công tác giao khoán quản lý bảo vệ rừng. Ngoài việc tăng cường thêm lực lượng quản lý bảo vệ rừng cho các đơn vị chủ rừng đã tạo sự gắn kết chặt chẽ giữa cộng đồng dân cư với chủ rừng và chính quyền địa phương, mối liên kết cộng đồng trách nhiệm giữa các hộ, nhóm hộ nhận khoán bảo vệ rừng với chủ rừng được tốt và thường xuyên hơn".
Thực hiện chính sách chi trả DVMTR đã góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm đối với công tác bảo vệ và phát triển rừng của các cấp chính quyền, các ban ngành và các đơn vị sử dụng, cung ứng DVMTR (Ảnh minh họa).
Theo Cục Lâm nghiệp (Bộ NN&PTNT), hoạt động chi trả dịch vụ môi trường rừng đã tạo nguồn lực tài chính quan trọng, góp phần giúp cải thiện thu nhập cho các ban quản lý rừng, người dân địa phương, đặc biệt là đồng bào dân tộc và người dân sinh sống ở khu vực miền núi tại vùng đệm các khu rừng đặc dụng và giáp ranh các khu rừng phòng hộ.
Hiện nay, theo quy định pháp luật, có các loại dịch vụ môi trường rừng là: Bảo vệ đất, hạn chế xói mòn và bồi lắng lòng hồ, lòng sông, lòng suối; điều tiết, duy trì nguồn nước cho sản xuất và đời sống xã hội; hấp thụ và lưu giữ carbon của rừng; giảm phát thải khí nhà kính từ hạn chế mất rừng và suy thoái rừng, quản lý rừng bền vững, tăng trưởng xanh; bảo vệ, duy trì vẻ đẹp cảnh quan tự nhiên, bảo tồn đa dạng sinh học hệ sinh thái rừng cho kinh doanh dịch vụ du lịch; cung ứng bãi đẻ, nguồn thức ăn, con giống tự nhiên, nguồn nước từ rừng và các yếu tố từ môi trường, hệ sinh thái rừng để nuôi trồng thủy sản.
Số liệu của Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng Trung ương cũng thống kê đến thời điểm này, cả nước có trên 228 ban quản lý rừng đặc dụng, rừng phòng hộ nhận được kinh phí chi trả từ dịch vụ môi trường rừng với tổng diện tích rừng được chi trả là trên 4,3 triệu ha và tương ứng với tổng số tiền là trên 1.663 tỷ đồng.
Lê Mai
Bình luận