Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 19/01/2025 01:01
Chủ nhật, 29/09/2024 07:09
TMO - Trong bối cảnh tài nguyên nước đang phải chịu tác động của nhiều yếu tố như biến đổi khí hậu, áp lực của quá trình đô thị hóa, công nghiệp hóa, tỉnh Bình Phước đã triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm khai thác hiệu quả gắn với bảo vệ tài nguyên nước trên địa bàn.
Tỉnh Bình Phước có diện tích mặt nước nội địa lên đến hơn 28.300 ha. Trong đó, diện tích mặt nước trên các hệ thống sông, suối, kênh, rạch gần 7.200 ha, phần còn lại là ao, hồ. Trước nhu cầu sử dụng nguồn nước ngày càng gia tăng cũng như tác động từ hoạt động sản xuất, sinh hoạt đến chất lượng nguồn nước, địa phương này chủ động giám sát, triển khai các phương án bảo vệ nguồn nước.
UBND tỉnh Bình Phước đã ban hành Quyết định số 3307/QĐ-UBND phê duyệt Danh mục các nguồn nước phải lập hành lang bảo vệ và chức năng, phạm vi hành lang bảo vệ nguồn nước trên địa bàn tỉnh Bình Phước. Danh mục các nguồn nước phải lập hành lang bảo vệ và chức năng, phạm vi hành lang bảo vệ nguồn nước trên địa bàn tỉnh gồm 315 đoạn sông, suối và 39 hồ chứa trên địa bàn 11 huyện, thị xã, thành phố.
Đồng thời, ban hành phương án thực hiện việc hạn chế khai thác nước dưới đất nhằm bảo vệ nguồn nước dưới đất; đồng thời ưu tiên việc cấp nước phục vụ sinh hoạt và phòng chống thiên tai. Theo đó, căn cứ vào quy định các công trình thuộc vùng hạn chế 1, vùng hạn chế 3, hoặc vùng hạn chế hỗn hợp, tỉnh Bình Phước đưa ra phương án như sau: Với các khu vực thuộc phạm vi bãi rác, bãi chôn lấp chất thải, nghĩa trang tập trung thì dừng toàn bộ mọi hoạt động khai thác nước dưới đất hiện có (nếu có) và xem xét xử lý, trám lấp giếng theo Thông tư số 72/2017/TT-BTNMT của Bộ TN&MT.
Mới đây, UBND tỉnh Bình Phước đã ban hành Công văn số 3873/UBND-KT về việc triển khai thực hiện các quy định của Luật Tài nguyên nước liên quan đến lĩnh vực sản xuất, cung cấp nước sạch. Theo đó, UBND tỉnh Bình Phước giao Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Sở Xây dựng, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND các huyện, thị xã, thành phố tổ chức quán triệt, tuyên truyền, phổ biến Luật Tài nguyên nước và các văn bản quy định chi tiết một số điều của Luật liên quan đến lĩnh vực sản xuất, cung cấp nước sạch.
Căn cứ kịch bản nguồn nước và các yêu cầu quản lý, khai thác, sử dụng tài nguyên nước tổ chức lập kế hoạch khai thác tài nguyên nước cấp cho sinh hoạt phù hợp với kịch bản nguồn nước; chủ trì tổ chức thực hiện phương án điều hòa, phân phối tài nguyên nước khi xảy ra hạn hán, thiếu nước hoặc sự cố ô nhiễm nguồn nước nghiêm trọng và thực hiện các biện pháp khẩn cấp để đảm bảo chất lượng, lưu lượng nước sinh hoạt tối thiểu cung cấp cho người dân và các nhu cầu sử dụng nước thiết yếu khác theo quy định tại Luật Tài nguyên nước 2023.
Đồng thời, Sở Tài nguyên và Môi trường cũng được giao chủ trì, phối hợp với Sở Xây dựng, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và UBND các huyện, thị xã, thành phố tham mưu UBND tỉnh việc tổ chức thực hiện biện pháp khẩn cấp để bảo đảm nước sinh hoạt trong trường hợp hạn hán, thiếu nước hoặc sự cố ô nhiễm nguồn nước nghiêm trọng gây ra thiếu nước.
Để đảm bảo nguồn nước cho hoạt động sản xuất, sinh hoạt trên địa bàn, Bình Phước triển khai đồng bộ các giải pháp.
Thực hiện công tác bảo vệ, phòng ngừa các nguy cơ gây ô nhiễm trong vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt, xử lý kịp thời các sự cố, vi phạm gây ô nhiễm nguồn nước sinh hoạt. Tổ chức quan trắc, giám sát trực tuyến về chất lượng nguồn nước khai thác, công bố thông tin chất lượng nguồn nước sinh hoạt, cảnh báo hiện tượng bất thường về chất lượng nguồn nước sinh hoạt trên địa bàn. Kiểm soát các hoạt động có nguy cơ gây ô nhiễm nguồn nước sinh hoạt.
Bên cạnh đó, Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với Công an tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Tài nguyên và Môi trường và các địa phương nghiên cứu, tham mưu UBND tỉnh đề xuất công trình cấp nước sinh hoạt đặc biệt quan trọng cần phải bảo vệ liên quan đến an toàn, an sinh xã hội, lợi ích cộng đồng và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh gửi về Bộ Xây dựng để tổng hợp, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “danh mục công trình cấp nước sinh hoạt đặc biệt quan trọng”, đảm bảo theo đúng quy định. Chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan đôn đốc, hướng dẫn các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động cấp nước trên địa bàn các đô thị tuân thủ tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật để bảo đảm cấp nước an toàn, sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả, giảm tỷ lệ thất thoát nước.
UBND tỉnh Bình Phước giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan đôn đốc, hướng dẫn các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động cấp nước khu vực nông thôn tuân thủ tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật để bảo đảm cấp nước an toàn, sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả, giảm tỷ lệ thất thoát nước.
Sở Y tế chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan thực hiện kiểm tra, giám sát chất lượng nước sạch sử dụng cho mục đích sinh hoạt được quy định tại Thông tư số 41/2018/TT-BYT ngày 14/12/2018 của Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia và quy định kiểm tra, giám sát chất lượng nước sử dụng cho mục đích sinh hoạt.
Đối với UBND các huyện, thị xã, thành phố cần chủ động thực hiện các biện pháp theo dõi, giám sát, bảo vệ chất lượng nguồn nước sinh hoạt tại địa phương. Kiểm tra, giám sát các đơn vị cấp nước sạch bảo đảm cung cấp nước cho sinh hoạt và sản xuất cho người dân trên địa bàn. Tổ chức tuyên truyền, vận động Nhân dân bảo vệ nguồn nước, công trình cấp nước; sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả, triệt để chống thất thoát, lãng phí nước.
Ngoài ra, các doanh nghiệp cấp nước có nhiệm vụ lập, thực hiện kế hoạch bảo đảm cấp nước an toàn, quản lý rủi ro (xây dựng quy trình và tổ chức thực hiện diễn tập nhằm sẵn sàng ứng phó khi xảy ra sự cố ô nhiễm nguồn nước gây mất an ninh, an toàn cấp nước). Nghiên cứu các giải pháp dự phòng nguồn nước, tăng cường kết nối giữa các nhà máy nước, mạng lưới cấp nước và chủ động bố trí quỹ đất cho công trình trữ nước trên hệ thống cấp nước tại khu vực thường xuyên xảy ra hạn hán, thiếu nước nhằm bảo đảm nguồn nước cho mục đích sinh hoạt.
Áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật và vận hành hệ thống cấp nước, có phương án cấp nước dự phòng, phòng ngừa, ứng phó sự cố ô nhiễm nguồn nước, thiếu nước và các sự cố khác theo quy định của pháp luật về cấp nước bảo đảm cấp nước ổn định, an toàn, liên tục và giảm thiểu thất thoát, lãng phí nước. Chỉ dẫn về vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt và kiểm soát, theo dõi các hoạt động trong vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt. Đồng thời, thực hiện quan trắc, giám sát khai thác tài nguyên nước và quan trắc, giám sát tự động liên tục, định kỳ chất lượng nguồn nước khai thác theo quy định và kết nối, truyền dữ liệu về Hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu tài nguyên nước quốc gia.
Cùng với việc triển khai các giải pháp bảo vệ tài nguyên nước, tỉnh Bình Phước chú trọng đầu tư nâng cấp, hoàn thiện hạ tầng thủy lợi nhằm đảm bảo khai thác hiệu quả. Xác định thủy lợi có vai trò rất quan trọng để phát triển ngành nông nghiệp địa phương, UBND tỉnh Bình Phước vừa phê duyệt đề án nâng cấp và phát triển hệ thống thủy lợi, khai thác nguồn nước phục vụ sản xuất và sinh hoạt giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2030 trên địa bàn.
Theo đó, giai đoạn 2021 – 2025, Bình Phước đầu tư xây mới 12 công trình thủy lợi, trong đó có 4 dự án được bố trí nguồn vốn từ Trung ương và vốn vay ODA, 8 dự án do tỉnh Bình Phước bố trí vốn. Giai đoạn 2026 – 2030 đầu tư xây dựng mới 6 dự án và 17 công trình nâng cấp, sửa chữa để đảm bảo an toàn và nâng cao hiệu quả của công trình. Giai đoạn này tỉnh đề xuất nguồn vốn hỗ trợ từ Trung ương và nguồn vốn hợp pháp khác.../.
Ngọc Ánh
Bình luận