Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 19/01/2025 12:01
Thứ bảy, 31/08/2024 11:08
TMO - UBND tỉnh Bình Định đã có văn bản gửi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Văn phòng điều phối Nông thôn mới Trung ương về việc điều chỉnh mô hình sản xuất nước sạch thuộc Chương trình tăng cường bảo vệ môi trường, an toàn thực phẩm và cấp nước sạch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh.
UBND tỉnh cho biết: Mô hình thí điểm sản xuất nước sạch cấp cho hộ gia đình thuộc đồng bào dân tộc thiểu số tại thôn O6, O10, xã Đăk Mang, huyện Hoài Ân, tỉnh Bình Định sẽ thay thế cho Mô hình sản xuất cấp nước sạch cho cụm dân cư thuộc đồng bào dân tộc thiểu số tại Làng Trà Hương, thôn Đại Khoan, xã Cát Lâm, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định đã được Bộ Nông nghiệp và PTNT cho dừng thực hiện tại Quyết định số 1497/QĐ-BNN-VPĐP ngày 31/5/2024.
Trước đó, hệ thống ấp nước sinh hoạt tự chảy thôn O6, O10, xã Đăk Mang, huyện Hoài Ân được đầu tư xây dựng và hoàn thành đưa vào sử dụng năm 2005 và được nâng cấp, sửa chữa vào năm 2016 - 2017, năm 2022 - 2023. Qua thời gian sử dụng một số hạng mục hư hỏng, xuống cấp dẫn đến không đảm bảo cấp nước cho người dân đủ về số lượng cũng như chất lượng. Một số điểm dân cư mới chưa có bể chứa và đường ống dẫn đã gây khó khăn về nguồn nước sinh hoạt.Ngoài ra, trước tác động của biến đổi khí hậu nên nhu cầu dùng nước sạch của người dân tăng cao, đặc biệt trong các giờ cao điểm trong ngày. Đó là những nguyên nhân chủ yếu cần thiết để xây dựng mô hình thí điểm sản xuất cấp nước sạch cho hộ gia đình thuộc đồng bào dân tộc thiểu số.
Mô hình xử lý nước đạt tiêu chuẩn nước sạch (đảm bảo đạt QCĐP 01:2022/BĐ) và cấp nước đến hộ gia đình để phục vụ cho các hộ dân thôn O6, O10, nhằm góp phần nâng cao sức khỏe, từng bước ổn định cuộc sống, phát triển kinh tế khu vực, tiết kiệm tài nguyên nước, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm thiểu các bệnh tật liên quan về nước và vệ sinh môi trường.
Theo UBND tỉnh, khi được triển khai và hoàn thành, mô hình sẽ giải quyết nhu cầu nước sạch cho 196 hộ (khoảng 784 nhân khẩu) và cơ quan đoàn thể đóng trên địa bàn thôn O6, O10, xã Đăk Mang, huyện Hoài Ân. Đồng thời, hiện nay trên trên địa bàn tỉnh Bình Định còn rất nhiều làng dân tộc thiểu số sống biệt lập cách xa khu trung tâm, đặc biệt khó khăn về nguồn nước (Làng Gia Trung, xã Cát Sơn; làng O2, xã Vĩnh Kim; làng Canh Tiến, xã Canh Liên…).
Công trình cấp nước sinh hoạt làng Cà Nâu, xã Canh Liên, huyện miền núi Vân Canh. Ảnh: TT.
Dự kiến, tổng kinh phí thực hiện Mô hình sản xuất nước sạch cấp cho hộ gia đình thuộc đồng bào dân tộc thiểu số tại thôn O6, O10, xã Đăk Mang là hơn 1,924 tỷ đồng. Trong đó, 50% tổng kinh phí từ nguồn vốn sự nghiệp ngân sách trung ương thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2024 – 2025 theo quy định tại Khoản 12 Điều 4 Thông tư 55/2023/TT-BTC; 50% còn lại từ nguồn vốn đối ứng từ ngân sách tỉnh và vốn huy động hợp pháp khác.
Cụ thể, quy mô dự án sẽ gồm lắp đặt hệ modull lắng - lọc với công suất xử lý 100m3/ngày – đêm. Hệ thống ứng dụng công nghệ lắng Lamella, thiết bị lọc nhanh từ trên xuống. Bể lắng Lamella sử dụng các tấm lắng Lamella nhựa lắp đặt dễ dàng, thiết bị lọc được thiết kế để có thể tự rửa (hoàn nguyên vật liệu lọc) mà không cần dùng bơm rửa lọc. Thiết bị được thiết kế sẵn, chế tạo đồng bộ tại nhà máy, được lắp đặt nhanh chóng tại hiện trường, có thể di chuyển dễ dàng.
Xây dựng mới nhà hóa chất, lắp đặt cụm hệ thống pha hóa chất PAC keo tụ, xút, hệ thống khử trùng, thiết bị điện được thiết kế đồng bộ cùng hệ thống. Xây dựng mới đường dây 0,4kV chiều dài L=50m. Cải tạo, chống thấm bể lọc hiện có thành bể chứa nước sạch. Lắp đặt đường ống dẫn nước rửa lọc, xả cặn bể lắng bằng vật liệu HDPE dẫn nước ra hố thu nước công cộng hiện hữu L=50m.
Xây dựng mới 1 tuyến đường ống nước sạch chuyển tải dẫn nước trực tiếp đến hộ gia đình bằng ống HDPE, đường kính ống D90 - D100, chiều dài L = 3.100m; đường ống phân phối nước sạch từ D32 đến D50 chiều dài L= 2.730m và và đường ống dịch vụ D20 vào nhà dân (dự kiến 5m/1 hộ). Trên tuyến bố trí các hố van chặn, xả cặn, xả khí. Cung cấp cụm đồng hồ đo nước sạch (hệ thống van, đồng hồ, hộp đồng hồ) cho các hộ dân và 5 cơ quan đoàn thể đóng trên địa bàn 2 thôn O6, O10, xã Đăk Mang, huyện Hoài Ân, tỉnh Bình Định.
Theo đề xuất, mô hình sẽ được giao cho Ban Quản lý đầu tư xây dựng và phát triển quỹ đất huyện Hoài Ân quản lý vận hành. Đơn vị tư vấn, thiết kế và thi công tổ chức tập huấn, hướng dẫn quản lý vận hành hệ thống cụm xử lý, hệ thống mạng đường ống và cụm đồng hồ hộ dân. Cán bộ vận hành trực tiếp (người có uy tín trong làng) vận hành trực tiếp theo quy định hàng ngày.
Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Bình Định lần thứ XX đã xác định, tỉnh tiếp tục xây dựng hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại, tạo động lực cho phát triển; đối với lĩnh vực cấp nước, đến năm 2025: 83% dân cư đô thị được sử dụng nước sạch. Để cụ thể hóa chỉ tiêu này, lãnh đạo tỉnh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các cấp, các ngành, địa phương khẩn trương triển khai thực hiện; theo đó, đã quy hoạch, xây dựng kế hoạch thực hiện, thu hút các nguồn lực để đầu tư, nâng cấp, phát triển các hệ thống cấp nước trên địa bàn tỉnh.
Hiện nay, các huyện miền núi Vân Canh, An Lão, Vĩnh Thạnh, tỉnh Bình Định đang thực hiện Dự án 1 "Giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt, thuộc chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030". Tỉnh Bình Định phấn đấu, đến năm 2025 đạt 90% hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo; hộ nghèo dân tộc Kinh sinh sống tại xã, thôn đặc biệt khó khăn được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh theo tiêu chuẩn do cơ quan có thẩm quyền ban hành.
Minh Hùng
Bình luận