Hotline: 0941068156
Thứ sáu, 22/11/2024 21:11
Thứ sáu, 14/06/2024 14:06
TMO - Trước diễn biến phức tạp của biến đổi khí hậu nhất là tình trạng xâm nhập mặn như hiện nay, tỉnh Bến Tre đã triển khai thực hiện nhiều giải pháp về quản lý, sử dụng hiệu quả tài nguyên nước, đảm bảo an ninh nguồn nước nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Số liệu thống kê của ngành chức năng tỉnh cho thấy, tổng lượng mưa trung bình năm khu vực tỉnh Bến Tre biến đổi từ 1.400 – 1.600 mm. Tổng lượng nước mưa bình quân năm trên toàn tỉnh Bến Tre là 3.591.300.000 m3 /năm, tổng lượng mưa bình quân trên 1 km2 là 1,5 triệu m3 /km. Nguồn nước mặt ở tỉnh Bến Tre do sông Tiền cung cấp, trước khi đổ ra biển tách ra làm 04 nhánh sông, gồm sông Mỹ Tho, Ba Lai, Hàm Luông và Cổ Chiên, phân bố như hình nan quạt, ôm trọn 03 dải cù lao Bến Tre.
Ngoài bốn con sông chính trên, tỉnh còn có một mạng lưới sông, rạch, kênh đào chằng chịt nối liền nhau, tạo thành một mạng lưới giao thông và thủy lợi rất thuận tiện. Hàng năm, với lưu lượng trung bình mùa khô (tại Mỹ Thuận) khoảng từ 1.693,5 - 2.887,4 m3 /s và mùa mưa là 7.576,1 – 18.924,4 m3 /s sinh ra tổng lượng bình quân mùa khô và mùa mưa lần lượt là 25,12 tỷ m3 và 145,30 tỷ m3. Theo Báo cáo tiềm năng nước dưới đất tỉnh Bến Tre (năm 2018), tài nguyên nước dưới đất tỉnh Bến Tre khá phong phú với 7 tầng chứa nước đáp ứng được một phần nhu cầu khai thác nước phục vụ cấp nước cho ăn uống, sinh hoạt và sản xuất.
Toàn tỉnh có 67 công trình cấp nước tập trung (nhà máy nước) với tổng công suất ước gần 10.000 m3 /h tương đương 240.000 m3 /ng.đ. Hệ thống thủy lợi phục vụ cấp nước tưới cho 179.947 ha đất sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Bến Tre. Toàn tỉnh có 68 kênh trục với tổng chiều dài 363,52 km tạo nguồn cấp nước tưới và trên 622 km kênh cấp 1, cấp 2 và 2.009 km kênh cấp 3 nội đồng do địa phương quản lý. Toàn bộ hệ thống cống trên địa bàn tỉnh có nhiệm vụ điều tiết nước tưới cho toàn bộ diện tích đất sản xuất nông nghiệp.
Hồ trữ nước Kênh Lấp (xã Tân Xuân, Ba Tri) là nguồn cung nước dồi dào cho các địa phương. Ảnh: HN.
Trong khoảng hơn 10 năm trở lại đây, dưới tác động của biến đổi khí hậu, tỉnh Bến Tre đã chịu ảnh hưởng nặng nề bởi các yếu tố thiên tai diễn biến bất thường tác động tiêu cực đến đời sống sinh hoạt của người dân, ảnh hưởng đến phát triển bền vững của tỉnh. Là địa phương có đường bờ biển dài và hệ thống sông rạch chằng chịt, dù được quan tâm đầu tư trong thời gian qua nhưng đến thời điểm này, hệ thống đê bao ven sông, ven biển, kênh, rạch thủy lợi trên địa bàn tỉnh Bến Tre vẫn chưa được hoàn chỉnh, chưa khép kín. Vậy nên vào mùa khô, nước mặn thường xâm nhập sâu vào nội đồng, ảnh hưởng lớn trên hầu hết các lĩnh vực kinh tế - xã hội của tỉnh.
Trước thực trạng trên, để nâng cao năng lực thích ứng, người dân Bến Tre đã có những cách làm mới trong việc ứng phó với hạn mặn. Trong đó, người dân đã linh động tích trữ nước bằng nhiều hình thức khác nhau như: ống hồ, bồn chứa, túi chứa, trữ nước trong mương vườn, đào hố trải bạt đắp các công trình tạm để trữ nước trong các kênh, rạch tự nhiên.
Từ năm 2021, Tỉnh ủy Bến Tre đã ban hành Chương trình số 10 về quản lý, bảo đảm an ninh nguồn nước, nguồn cấp nước ngọt thích ứng với BĐKH tỉnh Bến Tre giai đoạn 2020 - 2030. Đến nay, các dự án, công trình thủy lợi sau khi hoàn thành đưa vào sử dụng đã phát huy hiệu quả tốt, cơ bản kiểm soát được nguồn nước. Điển hình là các công trình thuộc dự án Hệ thống thủy lợi Bắc Bến Tre giai đoạn 1 kết hợp với công trình cống Tân Phú, Bến Rớ thuộc dự án Quản lý nước Bến Tre (JICA3) đã đưa vào sử dụng giúp cơ bản kiểm soát được nguồn nước từ sông Tiền và sông Hàm Luông vào sông Ba Lai.
Đồng thời, công trình cống đập Ba Lai kết hợp với các công trình cống thuộc dự án Hệ thống thủy lợi Bắc Bến Tre giai đoạn 1 giúp giữ ngọt trên sông Ba Lai phục vụ sản xuất và các nhà máy nước sạch nông thôn trong khu vực. Đối với dự án Hệ thống thủy lợi Nam Bến Tre đã đưa vào sử dụng các công trình cống ngăn mặn giúp kiểm soát được nguồn nước từ sông Hàm Luông cho khu vực từ Thạnh Phú đến Vàm Cái Quao; phía sông Cổ Chiên kiểm soát được nguồn nước từ Thạnh Phú đến Vàm Thơm. Riêng dự án Hệ thống cống cũng đã kiểm soát được mặn ở các huyện Ba Tri, Mỏ Cày Nam và Chợ Lách.
Hồ chứa nước Kênh Lấp được đầu tư xây dựng năm 2016, với dung tích thiết kế trên 810.000m3 đã và đang phục vụ rất hiệu quả tại 24 xã, thị trấn của huyện Ba Tri. Cùng với đó, dự án Xây dựng hồ chứa nước ngọt Lạc Địa, xã Phú Lễ, huyện Ba Tri với dung tích thiết kế 2,3 triệu m3 dự kiến hoàn thành vào năm 2025 sẽ trữ nước ngọt phục vụ sinh hoạt và sản xuất của người dân trong khu vực.
Thời gian tới, tỉnh Bến Tre khai thác sử dụng nguồn nước mặt hợp lý, phù hợp với đặc điểm, khả năng nguồn nước của từng vùng, từng khu vực để bảo đảm cung cấp nước đáp ứng các mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội và bảo vệ nguồn nước ổn định, bền vững lâu dài; Việc bố trí phát triển các công trình khai thác nước mới phải bảo đảm không vượt quá giới hạn khai thác, đảm bảo duy trì dòng chảy tối thiểu trên sông, kênh cho phép khai thác, phù hợp với quy hoạch chung của quốc gia, của vùng liên tỉnh; Ưu tiên khai thác nguồn nước để cấp nước cho nhu cầu sinh hoạt, kế đến là phát triển sản xuất các ngành, lĩnh vực cần thiết. Khai thác, sử dụng nước phải gắn liền với công tác bảo vệ nguồn nước, bảo vệ môi trường.
Trong điều kiện bình thường: Đảm bảo đủ nhu cầu sử dụng nước cho các ngành theo thứ tự ưu tiên: mục đích sinh hoạt, sản xuất công nghiệp, cấp nước phục vụ sản xuất nông nghiệp (trồng trọt và chăn nuôi), nuôi trồng thuỷ sản, dịch vụ - du lịch và phục vụ giao thông thuỷ, đảm bảo dòng chảy tối thiểu trên các sông, hạn chế và giảm thiểu nguy cơ ô nhiễm, cạn kiệt nguồn nước. Trong điều kiện xảy ra hạn hán, thiếu nước: Đảm bảo đủ 100% nhu cầu sử dụng nước cho mục đích sinh hoạt và đáp ứng tối đa khả năng của nguồn nước cho các mục đích khác.
Trước dự báo về tình hình biến đổi khí hậu, nguy cơ ô nhiễm nguồn nước, tỉnh Bến Tre sẽ triển khai đồng bộ các giải pháp bảo vệ, phục hồi nguồn nước dưới đất bị suy thoái, cạn kiệt. Trong đó: Thiết lập bản đồ khoanh định vùng cấm khai thác, vùng hạn chế khai thác, vùng được phép xây dựng mới công trình khai thác và giám sát việc thực hiện các quy định này. Xây dựng hoàn thiện các hệ thống công trình thủy lợi để vừa tạo nguồn phục vụ khai thác nguồn tài nguyên nước mặt cho mục đích sinh hoạt, sản xuất vừa hướng tới giảm quy mô khai thác nguồn nước ngầm. Tuyên truyền, vận động nâng cao ý thức của cộng đồng (người dân, doanh nghiệp) trong việc tôn trọng và có ý thức trách nhiệm đối với khai thác, bảo vệ tài nguyên nước dưới đất.
Các hộ dân cũng đồng thời triển khai các giải pháp tích trữ, sử dụng hiệu quả nguồn nước nhằm đảm bảo nước tưới cho sản xuất nông nghiệp trước diễn biến phức tạp của tình trạng xâm nhập mặn. Ảnh: TĐ.
Thời gian tới, UBND tỉnh Bến Tre đề nghị các sở, ngành, địa phương tổ chức triển khai, tuyên truyền, phổ biến rộng rãi trên các phương tiện truyền thông hoặc các hình thức phù hợp khác; trong đó, tập trung phổ biến đến các tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng tài nguyên nước thuộc phạm vi lĩnh vực phụ trách để đảm bảo thực hiện nghiêm các quy định của Luật Tài nguyên nước số 28/2023/QH15, Nghị định số 53/2024/NĐ-CP, Nghị định số 54/2024/NĐ-CP, Thông tư số 03/2024/TT-BTNMT, Thông tư số 04/2024/TTBTNMT, Thông tư số 05/2024/TT-BTNMT.
Đồng thời, tổ chức rà soát, hoàn thiện các quy định có liên quan đến công tác quản lý nhà nước về tài nguyên nước ở địa phương đảm bảo phù hợp với quy định của các Nghị định, Thông tư nêu trên. Trong đó, lưu ý đến các quy định liên quan đến vùng cấm, vùng hạn chế khai thác nước dưới đất theo Công văn số 3201/BTNMT-TNN ngày 20/5/2024 của Bộ TN&MT về việc tổ chức triển khai việc hạn chế khai thác nước dưới đất theo quy định của Luật Tài nguyên nước 2023; lập, quản lý hành lang bảo vệ nguồn nước; điều hòa, phân phối tài nguyên nước; phòng, chống, khắc phục tác hại do nước gây ra; cấp, gia hạn, điều chỉnh,… giấy phép về tài nguyên nước; phân vùng chức năng nguồn nước mặt; xác định, tổ chức công bố vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt; xác định, điều chỉnh dòng chảy tối thiểu; bảo vệ nước dưới đất.
Ngoài ra, tiếp tục thực hiện rà soát, đôn đốc các tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng tài nguyên nước thuộc trường hợp phải đăng ký hoặc phải có giấy phép khẩn trương thực hiện thủ tục đăng ký hoặc nộp hồ sơ đề nghị cấp giấy phép tới cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo đúng quy định của pháp luật. Đối với UBND các huyện, thành phố, UBND tỉnh Bến Tre yêu cầu triển khai xác nhận đăng ký khai thác nước dưới đất. Riêng UBND các xã, phường, thị trấn thì thực hiện tiếp nhận kê khai việc khai thác nước dưới đất của hộ gia đình để sử dụng cho mục đích sinh hoạt theo thẩm quyền quy định tại Nghị định số 54/2024/NĐ-CP.
UBND tỉnh Bến Tre cũng giao Sở TN&MT chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị tổ chức các hội nghị quán triệt, phổ biến, tập huấn chuyên sâu các văn bản nêu trên đến các cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng tài nguyên nước trên địa bàn; tiếp tục cập nhật chậm nhất sau 5 ngày làm việc, kể từ ngày ký ban hành đối với các giấy phép mới do UBND tỉnh cấp vào cơ sở dữ liệu giấy phép tài nguyên nước dùng chung.
Bên cạnh rà soát, đôn đốc các tổ chức, cá nhân khai thác tài nguyên nước đã được cấp giấy phép thuộc trường hợp phải nộp tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước mà chưa nộp hồ sơ kê khai tính tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước thì khẩn trương thực hiện nộp hồ sơ tính tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước tới cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo đúng quy định của pháp luật nhằm đảm bảo tính nghiêm minh, bình đẳng của pháp luật, tránh thất thoát tài nguyên và thất thu ngân sách Nhà nước.../
Đức Bình
Bình luận