Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 19/01/2025 15:01
Thứ ba, 28/02/2023 13:02
TMO - Theo đánh giá của UBND tỉnh Thái Bình, việc bảo vệ và phát triển rừng mặn cùng hệ sinh thái tại các khu đất ngập nước trong những năm qua góp phần giúp địa phương này thích ứng với biến đổi khí hậu, tình trạng nước biển dâng, đảm bảo tính toàn vẹn của hệ sinh thái địa phương, đồng thời giúp người dân cải thiện và nâng cao sinh kế.
Theo số liệu công bố hiện trạng rừng năm 2021, tỉnh Thái Bình có 4.276 ha rừng ven biển phân bố tại 12 xã ven biển của hai huyện Thái Thụy và Tiền Hải. Theo mục đích sử dụng, rừng tại Thái Bình được phân chia làm hai loại: Rừng đặc dụng và rừng phòng hộ. Nhiều năm qua, rừng ven biển Thái Bình đã đóng vai trò rất lớn trong việc phòng hộ ven biển, bảo vệ môi trường, nơi lưu giữ đa dạng sinh học vùng bờ biển…Toàn bộ phần diện tích đất lâm nghiệp là rừng phòng hộ và rừng đặc dụng nằm trên hai huyện ven biển là Tiền Hải và Thái Thụy, trồng chủ yếu những cây ngập mặn như: vẹt, sú,...
Hệ thống rừng ngập mặn ven biển hiện có tại Thái Bình nằm trên địa bàn 2 huyện Tiền Hải và Thái Thụy đang là vấn đề cấp bách từ tác động của điều kiện tự nhiên khắc nghiệt và hoạt động của cộng đồng dân cư ven biển đã làm suy thoái phần diện tích và chất lượng rừng vì thế cần phải có phương án khắc phục để giảm thiểu tác động tiêu cực đến công tác bảo vệ, quản lý và phát triển rừng trong thời gian tới.
Do vậy, để bảo vệ và phát triển rừng ngập mặn, thời gian tới tỉnh Thái Bình tiến hành rà soát và đánh giá lại quy hoạch, xác định rõ ranh giới phân định lâm nghiệp, rà soát việc quản lý và sử dụng đất lâm nghiệp giữa quy hoạch và thực tế. Kiểm soát chặt chẽ việc chuyển đổi đất rừng ngặp mặn ven biển sang mục đích nuôi trồng thủy hải sản. Thu hồi diện tích nuôi trồng hải sản kém hiệu quả để cải tạo mặt bằng tái trồng rừng nhằm khép kín đai rừng.
Bảo vệ, phát triển rừng ngập mặn tại tỉnh Thái Bình góp phần cân bằng hệ sinh thái, phòng chống biến đổi khí hậu, ổn định sinh kế.
Giữ ổn định diện tích đất rừng đã được quy hoạch. Xây dựng quy chế phối hợp trong công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng giữa chính quyền địa phương với lực lượng chức năng như kiểm lâm, bộ đội biên phòng, các tổ chức phi chính phủ trong việc đầu tư các dự án trồng mới và bảo vệ. Xây dựng và triển khai thực hiện các dự án: Phát triển kinh tế hướng biển là 1 trong 5 trọng tâm Thái Bình đang tập trung thực hiện, tạo bước đột phá tăng trưởng kinh tế của tỉnh. Cùng với chủ trương này, tỉnh Thái Bình xác định để phát triển kinh tế biển hiệu quả, bền vững, bên cạnh việc xây dựng các công trình đê biển, phải hình thành hệ thống “vành đai xanh” - đó chính là rừng ngập mặn.
Xây dựng và phát triển các dự án trọng điểm trong phát triển rừng: Dự án phục hồi và phát triển bền vững hệ sinh thái rừng ngập mặn ven biển của tỉnh do chính phủ Hàn Quốc tài trợ; Dự án phục hồi và phát triển rừng ngập mặn ven biển nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu và nước biển dâng. Dự án giảm sóng ổn định bãi và trồng rừng ngập mặn bản vệ đê biển 5 và 6 của tỉnh Thái Bình. Dự án trồng rừng bảo vệ đê biển 8 huyện Thái Thụy, đên biển 5, 6 huyện Tiền Hải và xây dựng một số đoạn đê mới, cải tạo nâng cấp tuyến đê xuống cấp có hạng mục trồng rừng....
Ngoài ra địa phương này còn có thảm thực vật ngập mặn là khu vực nằm trong vùng bồi tụ của hệ thống sông Hồng, sông Lân, sông Trà Lý, sông Thái Bình, sông Diêm Hộ. Rừng ngập mặn tạo thành thảm có diện tích lớn tập trung tại khu vực ven biển Thái Thụy. Các quần xã chủ yếu trong hệ sinh thái rừng ngập mặn: Quần xã tiên phong: Mắm biển dọc các bãi lầy gần cửa sông Bần, Trang, Sú; quần xã hỗn hợp đứng: Đước vòi, Trang và các loài khác như Vẹt, Sú; quần xã cây bụi thấp: Sú chiếm ưu thế, các loài phụ là Vẹt dù, mắm biển; quần xã cây nước lợ. Hệ thống rừng ven biển, bao phủ gần như toàn bộ tuyến đê biển của tỉnh. Các loài cây chủ yếu tại rừng ngập mặn tương đối đa dạng như: bần chua, sú, trang, mắn, đước,…
Hệ sinh thái tự nhiên của tỉnh đóng vai trò quan trọng trong quá trình phát huy giá trị đặc thù trong các khu Bảo tồn của tỉnh Thái Bình. Theo quy hoạch, đến năm 2030 toàn tỉnh có 2 Khu Bảo tồn thiên nhiên Đất ngập nước với tổng diện tích 5.018 ha nằm trên địa phận huyện Thái Thụy và huyện Tiền Hải. Trong đó: 2.911 ha hệ sinh thái lâm nghiệp và 2.107 ha hệ sinh thái ngập nước. Thời gian tới, tỉnh Thái Bình triển khai quy hoạch khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Thái Thụy và khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tiền Hải.
Việc quy hoạch phát triển các khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước cùng việc triển khai các giải pháp phát triển được tỉnh đặc biệt quan tâm. Ảnh: NT.
Cụ thể, đối với Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Thái Thụy có tổng diện tích 3.698 ha nằm ở vùng ngoài đê 8 của huyện Thái Thụy, giáp ranh với 02 xã gồm: Thụy Trường, Thụy Xuân. Phía Bắc giáp sông Thái Bình với ranh giới tính từ tim dòng sông, phía Nam giáp sông Diêm Hộ với ranh giới tính từ tim dòng sông trở ra 400m dành cho hành lang bảo vệ luồng, phía Tây giáp đê biển số 8 ra phía ngoài biển, phía Đông giáp biển Đông.
Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Thái Thụy gồm 03 phân khu: Khu bảo tồn nghiêm ngặt 1.500 ha; Khu phục hồi sinh thái 1.938 ha; Khu dịch vụ hành chính 260 ha; nhằm bảo tồn các giá trị đa dạng sinh học ở vùng đất ngập nước ven biển Thái Thụy, đặc biệt bảo tồn các loài chim di cư trú đông đe dọa cấp toàn cầu, góp phần phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội và khuyến khích sự tham gia của cộng đồng trong việc quản lý, khai thác và sử dụng khôn khéo các dịch vụ hệ sinh thái, đảm bảo tính kết nối với các sinh vật liên kết.
Khu bảo tồn đất ngập nước huyện Tiền Hải theo quy hoạch điều chỉnh giảm quy mô diện tích từ 12.500 xuống còn 1.320 ha thuộc khu vực rừng ngập mặn được quy hoạch trong phạm vi Khu kinh tế Thái Bình (ô 4.8) trên địa bàn xã Nam Thịnh; 474 ha; Nam Hưng 657 ha; xã Nam Phú 189 ha. Đất hiện đang có rừng 628 ha; Đất chưa có rừng 692 ha (bao gồm hệ thống sông, lạch, bãi bồi...).
Khu vực này sẽ thực hiện bảo tồn hệ sinh thái đất ngập nước điển hình của vùng Sông Hồng, là vùng Việt Nam đăng ký vào danh sách vùng bảo vệ theo Công ước quốc tế Ramsar; Khu dự trữ sinh quyển. Bảo vệ cảnh quan, bảo vệ nguồn lợi thủy sản, bảo vệ khu vực di trú của các loài chim nước, đặc biệt là các loài chim nước du cư quí hiếm có tầm quan trọng quốc gia và quốc tế. Bảo vệ hiện trường cho việc nghiên cứu môi trường, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và ứng phó với biến đổi khí hậu.
Tỉnh Thái Bình có 5 cửa sông (Văn Úc, Diêm Điền, Ba Lạt, Trà Lý, Lân). Các cửa sông này tạo thành một vùng có giá trị đa dạng sinh học rất lớn và thảm thực vật rất đa dạng. Trong giai đoạn 2021-2030 cần đầu tư xây dựng các đề án nghiên cứu Thảm thực vật ven cửa Sông và Quần xã chủ yếu trong hệ sinh thái rừng ngập mặn nhằm phát triển bền vững hệ sinh thái tự nhiên của tỉnh Thái Bình nói riêng và khu vực châu thổ sông Hồng nói chung.
Đối với thảm thực vật ngập mặn nằm trong vùng bồi tụ của hệ thống Sông Hồng, Lân, Trà Lý, Thái Bình, Diêm Hộ lượng phù sa tuy nhiều nhưng do địa hình trống trải, gió và sóng tác động mạnh nên dọc ven biển rừng tự nhiên không nhiều vì vậy trong giai đoạn 2021-2030 khoanh định khu vực ven biển các xã Thái Thượng, Thái Đô, Thái Thụy, Thụy Xuân, Thụy Trường huyện Thái Thụy. Quần xã chủ yếu trong hệ sinh thái rừng ngập mặn: Mắm biển dọc các bãi lầy như: Bần, Trang, Sú, Đước, Trang, Vẹt..
Đối với các loài thuộc danh mục quý hiếm: Đến năm 2030 đất lâm nghiệp của tỉnh là 5.058 ha trong đó có 2.911 ha nằm trên 2 khu Bảo tồn thiên hiên đất ngập nước. Các loài sinh vật và động vật trên địa bàn tỉnh không có loài quý hiếm đặc trưng, chủ yếu là các loài chim nước di cư, lưỡng cư, bò sát, côn trùng...phân bố chủ yếu ở Khu bảo tồn thiên nhiên Tiền Hải. Do đặc điểm khu vực này là bồi tụ phù sa sông Hồng, hình thành cánh rừng ngập mặn lâu đời xen lẫn rừng trồng những năm gần đây, vì vậy vào mùa chim di cư nơi đây trở thành nơi trú ngụ.
Trần Đức
Bình luận