Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 19/01/2025 18:01
Thứ tư, 24/04/2024 07:04
TMO - Tỉnh Sơn La đã xây dựng Đề án điểm về quản lý, bảo vệ và phát triển rừng bền vững tại một số lưu vực thủy điện nhỏ trên địa bàn tỉnh nhằm quản lý, phát triển các công trình thủy điện nhỏ an toàn, hiệu quả, đảm bảo hài hòa giữa việc phát triển kinh tế, giải quyết sinh kế cho người dân gắn với bảo vệ môi trường...
Theo Quy hoạch tỉnh Sơn La thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050, toàn tỉnh đã quy hoạch trên 694.700 ha đất lâm nghiệp, chiếm 49,27% tổng diện tích tự nhiên toàn tỉnh; theo số liệu công bố hiện trạng rừng năm 2023 là 669.797 ha, độ che phủ rừng năm 2023 đạt 47,5%. Với quy mô diện tích rừng lớn, rừng trên địa bàn tỉnh có vai trò rất quan trọng trong việc chống rửa trôi, xói mòn, điều hòa nguồn sinh thủy, cung cấp nguồn nước cho các công trình thủy điện. Cùng với đó, nằm ở vị trí thượng nguồn của sông Đà, sông Mã, địa hình chia cắt mạnh, độ dốc lớn và hệ thống sông suối khá dày đặc, Sơn La có tiềm năng xây dựng thủy điện vừa và nhỏ.
Tính đến tháng 11/2023, Sơn La có 76 thủy điện nhỏ đã được phê duyệt quy hoạch chi tiết, trong đó, 56 dự án đã hoàn thành phát điện lên lưới quốc gia với tổng công suất lắp máy 665,5 MW. Hàng năm, các thủy điện vừa và nhỏ đã góp 10% tổng thu ngân sách trên địa bàn; góp phần bảo vệ và phát triển rừng đầu nguồn thông qua chi trả phí dịch vụ môi trường rừng. Đáng chú ý, thống kê của Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng tỉnh, hàng năm, số tiền dịch vụ môi trường rừng thu được trên địa bàn tỉnh khoảng 240-260 tỷ đồng, nguồn thu đến chủ yếu từ các cơ sở thủy điện với tỷ trọng thu chiếm hơn 90% tổng thu. Số tiền dịch vụ môi trường rừng thu được hàng năm của Sơn La luôn nằm trong 5 tỉnh có số thu cao nhất cả nước.
Hằng năm số tiền dịch vụ môi trường rừng thu được trên địa bàn tỉnh chủ yếu từ các cơ sở thủy điện với tỷ trọng thu chiếm hơn 90% tổng thu.
Tuy nhiên, những năm gần đây, dưới tác động biến đổi khí hậu, hạn hán, mưa lũ ngày càng diễn biến phức tạp, chất lượng rừng suy giảm dẫn đến sản lượng điện sản xuất của các nhà máy thủy điện sụt giảm nhiều so với thiết kế, giảm tuổi thọ các công trình thủy điện. Quá trình xây dựng, vận hành các công trình thủy điện nhỏ chưa giải quyết được bài toán hài hòa lợi ích gắn với ổn định đời sống dân cư và phát triển rừng bền vững. Đời sống, kinh tế của người dân còn nhiều khó khăn, tạo áp lực lên rừng.
Để từng bước nâng cao chất lượng, tăng độ che phủ rừng, huy động các nguồn lực cho công tác quản lý, bảo vệ, phát triển rừng, góp phần nâng cao đời sống nhân dân tại các lưu vực thủy điện, tỉnh Sơn La đã chỉ đạo Sở Công Thương, Sở NN&PTNT xây dựng Đề án điểm về quản lý, bảo vệ và phát triển rừng bền vững tại một số lưu vực thủy điện nhỏ, được UBND tỉnh thông qua tại Quyết định số 1518/QĐ-UBND ngày 15/8/2023.
Phạm vi xây dựng Đề án điểm tại 4 lưu vực thủy điện nhỏ, gồm 12 thủy điện: Lưu vực Nậm Chiến, huyện Mường La: thủy điện Nậm Chiến 1, Nậm Chiến 2, Chiềng Muôn, Pá Chiến; lưu vực suối Nậm Hồng, huyện Mường La: thủy điện Chiềng Công 1, Nậm Pia; lưu vực suối Nậm Chim, huyện Bắc Yên: thủy điện Nậm Chim 1, Nậm Chim 2, Xím Vàng 2; lưu vực Suối Sập, huyện Bắc Yên, Phù Yên: thủy điện Suối Sập 1, Suối Sập 3. Thời gian triển khai thí điểm từ năm 2023 - 2025.
Đề án cũng xây dựng 5 mô hình điểm về quản lý, bảo vệ, phát triển rừng bền vững tại các lưu vực thủy điện nhỏ, gồm: mô hình về quản lý, bảo vệ, phát triển rừng bền vững với việc thí điểm hình thức chi trả dịch vụ môi trường rừng; mô hình tổ chức quản lý sử dụng có hiệu quả nguồn thu từ dịch vụ môi trường rừng cho công tác bảo vệ và phát triển rừng, nâng cao sinh kế cộng đồng lưu vực thủy điện nhỏ, quy mô trên 6.700 ha;
Mô hình trồng, khôi phục và phát triển rừng đặc dụng, phòng hộ, bảo vệ môi trường tại các lưu vực thủy điện nhỏ, quy mô 556 ha; thí điểm chuyển đổi từ đất canh tác nương sang trồng các loài cây lâm nghiệp bản địa lâu năm có tác dụng phòng hộ tạo nguồn sinh thủy cho các công trình thủy điện nhỏ, số lượng 20.000 cây xanh; thí điểm kinh doanh tín chỉ carbon rừng theo các chương trình, dự án được UBND tỉnh phê duyệt, quy mô gần 64.500 ha rừng.
Đề án cũng xây dựng các mô hình điểm về quản lý, bảo vệ, phát triển rừng bền vững tại các lưu vực thủy điện nhỏ. Ảnh: BSL.
Để triển khai hiệu quả đề án trên các nhóm giải pháp được nhấn mạnh thực hiện bao gồm: Tổ chức quản lý rừng và đất lâm nghiệp thông qua rà soát trình cấp có thẩm quyền công bố, công khai diện tích lưu vực, diễn biến diện tích rừng, đất lâm nghiệp và độ che phủ rừng hàng năm để xác định diễn biến, biến động rừng tại một số công trình thủy điện nhỏ. Nghiên cứu đề xuất xây dựng/rà soát bổ sung các quy chế quản lý tổng hợp lưu vực thủy điện vừa và nhỏ trong đó có quy chế quản lý về rừng và đất lâm nghiệp tại một số thủy điện nhỏ.
Tổ chức rà soát xác định quỹ đất lâm nghiệp trên cơ sở đó xác định quy mô diện tích thực hiện việc khoanh nuôi tái sinh, trồng rừng, phục hồi rừng, đặc biệt tại các lưu vực xung yếu, vị trí địa điểm có độ che phủ rừng thấp để cải thiện độ che phủ rừng và nguồn sinh thủy tại các lưu vực thủy điện nhỏ. Thí điểm xây dựng mô hình liên kết giữa một số cộng đồng bản hoặc tổ chức (Hội Cựu chiến binh, Đoàn Thanh niên...) địa phương với các doanh nghiệp thủy điện nhỏ trong công tác bảo vệ và phát triển rừng, thông qua các hoạt động hỗ trợ bảo vệ rừng, trồng rừng, trồng cây phân tán, xây dựng các mô hình sản xuất nông lâm nghiệp bền vững phát triển sinh kế…
Với giải pháp về chi trả dịch vụ môi trường rừng: đẩy mạnh việc xây dựng, nhân rộng mô hình quy chế quản lý và sử dụng tiền dịch vụ môi trường rừng tại thôn, bản để quản lý bảo vệ, phát triển rừng và nâng cao đời sống thôn/bản theo Kế hoạch số 273/KH-UBND ngày 19/11/2020 của UBND tỉnh. Xây dựng Đề án thí điểm kinh doanh tín chỉ carbon rừng. Nghiên cứu đề xuất xây dựng các mô hình nâng cao sinh kế cho người dân.
Hỗ trợ, đầu tư trồng phục hồi rừng tại một số lưu vực thủy điện từ nguồn vốn thuộc Chương trình phát triển Lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2021-2025 theo Quyết định số 809/QĐ-TTg ngày 12/7/2022 của Thủ tướng Chính phủ để hỗ trợ, đầu tư bảo vệ và phát triển rừng thuộc các lưu vực thủy điện nhỏ. Lồng ghép nguồn vốn từ dịch vụ môi trường rừng đầu tư, hỗ trợ cho công tác khôi phục và phát triển rừng; các chính sách ưu đãi, hỗ trợ; từng bước hoàn thiện cơ chế, chính sách thu hút nguồn lực xã hội phục vụ công tác bảo vệ và phát triển rừng.
Khuyến khích các doanh nghiệp thủy điện cam kết hỗ trợ đầu tư cho các cá nhân, hộ gia đình, cộng đồng, xây dựng và thực hiện các mô hình, công tác quản lý bảo vệ và phát triển rừng nâng cao sinh kế (dược liệu dưới tán rừng; lâm sản ngoài gỗ). Nghiên cứu đề xuất cơ chế thỏa thuận tự nguyện hợp tác hoặc thỏa thuận đặt hàng sử dụng rừng mới được hình thành (diện tích rừng trồng mới, rừng khoanh nuôi thành rừng) do cá nhân, hộ gia đình, cộng đồng trồng rừng, phục hồi rừng với các doanh nghiệp thủy điện sử dụng dịch vụ môi trường rừng tại một số lưu vực thủy điện nhỏ trên địa bàn tỉnh.
Nghiên cứu đề xuất các chính sách bổ sung ưu đãi, hỗ trợ về vốn đầu tư bảo vệ môi trường; chính sách hài hòa lợi ích giữa các doanh nghiệp thủy điện nhỏ với các đối tượng, hộ dân chịu tác động trong vùng lưu vực bị ảnh hưởng và trong quá trình quản lý bảo vệ phát triển rừng (mỗi lưu vực thuỷ điện nhỏ cần xây dựng được tối thiểu một mô hình sinh kế cho nhân dân phù hợp với điều kiện và lợi thế của từng lưu vực; từng bước hình thành chuỗi liên kết sản xuất, đem lại giá trị kinh tế cao); chính sách miễn, giảm thuế, phí đối với hoạt động bảo vệ môi trường.
Đồng thời, tuyên truyền vận động các Công ty/doanh nghiệp thủy điện và nhân dân chung tay hỗ trợ các nguồn lực hoặc trích một phần lợi nhuận hàng năm để hỗ trợ cho các cá nhân, hộ gia đình, cộng đồng thực hiện nhiệm vụ bảo vệ và phát triển rừng tại các lưu vực thủy điện nhỏ. Tăng cường công tác tuyên truyền vận động các cá nhân, hộ gia đình, cộng đồng tổ chức bảo vệ và phát triển rừng tại các lưu vực thủy điện nhỏ.
UBND tỉnh giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Sở Công Thương tham mưu cho UBND tỉnh xây dựng kế hoạch triển khai Quyết định phê duyệt Đề án điểm về quản lý, bảo vệ, phát triển rừng bền vững tại một số lưu vực thủy điện nhỏ. Quỹ bảo vệ và phát triển rừng chủ trì, thí điểm hình thức chi trả trực tiếp dịch vụ môi trường rừng. Thực hiện nghiêm việc quản lý, sử dụng, chi trả dịch vụ môi trường rừng theo Đề án đảm bảo chất lượng, hiệu quả.
UBND huyện Mường La, Bắc Yên chủ trì triển khai xây dựng các mô hình điểm về quản lý, bảo vệ, phát triển rừng bền vững tại một số lưu vực thủy điện nhỏ. Tiếp nhận, quản lý, sử dụng nguồn kinh phí hỗ trợ từ các công ty, doanh nghiệp thủy điện hỗ trợ cho các hoạt động xây dựng các mô hình điểm, hoàn thành mục tiêu, nhiệm vụ Đề án đã đề ra.
Tỉnh Sơn La cũng đề nghị các công ty, doanh nghiệp thủy điện thuộc 4 lưu vực triển khai hỗ trợ nguồn kinh phí cho các hoạt động xây dựng mô hình điểm theo nội dung cam kết. Chấp hành đúng, đủ các quy định của pháp luật về đầu tư, xây dựng, đất đai, tài nguyên, bảo vệ môi trường, an toàn đập, giải quyết tốt các vấn đề an sinh xã hội, an ninh trật tự và các quy định liên quan đến phát triển thủy điện an toàn, bền vững.
Đức Mạnh
Bình luận