Hotline: 0941068156
Thứ ba, 21/01/2025 00:01
Thứ tư, 03/05/2023 06:05
TMO - Việc triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm bảo vệ phát triển rừng ngập mặn Cần Giờ (TP.HCM) gắn với việc tạo sinh kế bền vững cho người dân xung quanh khu vực rừng ngập mặn không chỉ góp phần xóa đói, giảm nghèo, nâng cao đời sống cho người dân mà còn thúc đẩy công tác bảo vệ, phát triển khu rừng ngập mặn.
Với việc triển khai hiệu quả các Chương trình, Kế hoạch trồng rừng của Chính phủ cũng như của TP.HCM, Ban Quản lý rừng phòng hộ Cần Giờ đã phát triển vốn rừng phòng hộ và không ngừng nâng cao tác dụng phòng hộ của rừng, tính đa dạng sinh học thực vật, động vật và thủy sinh vật, trong đó nổi bật là nâng diện tích có rừng trong ranh giới quy hoạch rừng phòng hộ từ 30.303,95 ha năm 2000 tăng lên 32.483,64 ha năm 2021; tỷ lệ che phủ rừng đạt 93,3%.
Theo kết quả tổng hợp của Viện Sinh thái học miền Nam, hệ thực vật rừng ngập mặn Cần Giờ ghi nhận 296 loài, nhóm thực vật ngập mặn. Rừng ngập mặn Cần Giờ còn là nơi sinh sống của nhiều loại động thực vật quý hiếm thuộc Danh mục Sách đỏ Việt Nam. Với hệ động thực vật đa dạng, độc đáo và phong phú, điển hình cho khu dự trữ rừng ngập mặn, đây là địa điểm lý tưởng để phục vụ nghiên cứu khoa học, đồng thời là khu du lịch trọng điểm của cả nước.
Bảo vệ phát triển rừng gắn với ổn định sinh kế người dân xung quanh rừng ngập mặn Cần Giờ là nhiệm vụ được UBND thành phố quán triệt các đơn vị chức năng triển khai.
Rừng ngập mặn Cần Giờ còn có vai trò quan trọng hạn chế thiệt hại do bão lũ, giảm đến 50% năng lượng tác động từ sóng biển, ngăn ngừa nước biển dâng cũng như góp phần bảo vệ dân cư và hạ tầng ven biển. Phục hồi và bảo vệ rừng ngập mặn Cần Giờ hiệu quả là nhờ đóng góp quan trọng của cộng đồng dân cư địa phương, từ việc chung tay trồng rừng trong suốt giai đoạn sau chiến tranh cho đến việc nhận khoán bảo vệ rừng, nhiều người trong số các hộ tham gia bảo vệ rừng hiện nay trước đây đã từng chặt phá rừng. Ngoài ra, việc giao rừng cho người dân chăm sóc và bảo vệ đã tạo điều kiện cho người dân nâng cao sinh kế, ổn định cuộc sống và gắn bó với rừng ngập mặn Cần Giờ như hiện nay.
Hiện nay, Ban Quản lý rừng phòng hộ hiện đang giao khoán bảo vệ rừng cho 11 đơn vị và 158 hộ gia đình có hộ khẩu thường trú tại huyện Cần Giờ. Tổng diện tích có rừng khoán bảo vệ cho các đơn vị và hộ gia đình là 25.186,48 ha. Cùng với lực lượng bảo vệ rừng của Ban Quản lý rừng phòng hộ Cần Giờ, chính quyền địa phương, các hộ dân và đơn vị nhận khoán đã và đang có nhiều đóng góp rất lớn vào việc kéo giảm số vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp trong rừng phòng hộ hàng năm cả về số vụ, quy mô cũng như tính chất vụ việc. Nhiều cơ chế, chính sách về bảo vệ phát triển rừng gắn với công tác giảm nghèo bền vững đã được triển khai, giúp người dân nhận khoán bảo vệ rừng cải thiện đời sống, nâng cao thu nhập, hoàn thành nhiệm vụ được giao.
Trong đó, đơn giá tiền công khoán bảo vệ rừng phòng hộ không ngừng được nâng lên nhằm đảm bảo mục tiêu không để những hộ dân nhận khoán rừng có thu nhập thấp hơn mức chuẩn nghèo của thành phố theo từng thời kỳ. Được sự quan tâm của UBND Thành phố, qua nhiều lần điều chỉnh đơn giá tiền công bình quân, từ mức 50.000 đồng/ha/năm năm 1993, đến nay đơn giá bảo vệ bình quân 1 ha rừng là l.156.000 đồng/ha/năm.
Với mức bình quân mỗi hộ được khoán bảo vệ 76,40 ha (hộ cao nhất 264 ha, thấp nhất 40 ha) thì thu nhập bình quân của 01 hộ/năm là hơn 88 triệu đồng.Bên cạnh định mức tiền công khoán bảo vệ rừng, các hộ nhận giao khoán rừng còn được đảm bảo chế độ bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội cho lao động giữ rừng. UBND huyện Cần Giờ phối hợp với các đơn vị tổ chức khám chữa bệnh miễn phí cho các hộ giữ rừng nhằm chăm lo sức khỏe cho lực lượng trực tiếp bảo vệ rừng, cung cấp bồn chứa nước ngọt, phối hợp các trường đào tạo tập huấn kỹ năng cho lao động giữ rừng của hộ….
TP. HCM hướng đến mục tiêu phát triển du lịch Cần Giờ theo định hướng trở thành khu du lịch trọng điểm quốc gia. Ảnh: HT.
Để tiếp tục quản lý, bảo vệ, phát triển rừng ngập mặn Cần Giờ, khu dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn của thế giới, ”lá phổi xanh” của TP.HCM, Ban Quản lý rừng phòng hộ Cần Giờ sẽ tiếp tục triển khai những giải pháp: Nâng cao hiệu quả công tác phối hợp với các đơn vị, ngành chức năng, lực lượng công an, biên phòng trên địa bàn, kiên quyết không để xảy ra vụ việc vi phạm gây thiệt hại tài nguyên rừng.
Đẩy mạnh quảng bá giá trị rừng ngập mặn Cần Giờ đến nhiều đối tượng bằng nhiều hình thức khác nhau góp phần nâng cao vị thế Khu dự trữ sinh quyển thế giới Rừng ngập mặn Cần Giờ, tập trung phát triển du lịch sinh thái theo quy hoạch phát triển du lịch sinh thái huyện Cần Giờ thuộc Đề án du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí trong Rừng phòng hộ huyện Cần Giờ giai đoạn 2021 - 2030 và tầm nhìn 2040 sau khi được UBND Thành phố phê duyệt.
TP. HCM hướng đến mục tiêu phát triển du lịch Cần Giờ theo định hướng trở thành khu du lịch trọng điểm quốc gia với những sản phẩm mang đặc trưng của thành phố biển, trong đó chú trọng phát triển du lịch sinh thái rừng, sinh thái nông nghiệp và sinh thái biển. Cần đa dạng hóa các sản phẩm, chuỗi sản phẩm, các điểm đến thuộc nhiều loại hình đặc sắc của vùng đất Cần Giờ với các trụ cột chính là du lịch văn hóa, sinh thái, nghỉ dưỡng; Kết nối với các tuyến du lịch quốc tế thông qua cảng hành khách quốc tế trên luồng Sài Gòn-Vũng Tàu.
Trong đó, Thành ủy TP.HCM xác định quản lý, bảo vệ, phát triển bền vững hệ sinh thái rừng ngập mặn Cần Giờ - Khu dự trữ sinh quyển thế giới. Triển khai hiệu quả chiến lược phát triển bền vững Khu dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn Cần Giờ giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2030 - 2040 để Cần Giờ trở thành hình mẫu về sự hài hòa giữa bảo tồn đa dạng sinh học, các hệ sinh thái tự nhiên với nâng cao sinh kế và chất lượng sống cộng đồng dân cư, tăng trưởng kinh tế xanh, bền vững. chủ động đề xuất các chính sách chăm lo, tạo điều kiện nâng cao đời sống của các hộ gia đình giữ rừng để các hộ yên tâm thực hiện tốt nhiệm vụ được giao. Đầu tư xây dựng cơ sở vật chất và mua sắm trang thiết bị cần thiết phục vụ công tác quản lý, bảo vệ tài nguyên rừng và sinh hoạt của viên chức, người lao động bảo vệ rừng.
Nguyễn Quỳnh
Bình luận