Hotline: 0941068156
Thứ bảy, 23/11/2024 19:11
Thứ ba, 30/05/2023 13:05
TMO - Trong những năm qua tỉnh Lai Châu triển khai thực hiện hiệu quả Chương trình hành động số 15-CTr/TU ngày 18/4/2017 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về thực hiện Chỉ thị 13-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng góp phần nâng cao tỷ lệ che phủ rừng và tăng thu nhập của người dân từ rừng.
Công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng được các cấp ủy, chính quyền, các ngành trong hệ thống chính trị của tỉnh quan tâm triển khai liên tục, đúng quy định, diện tích trồng mới rừng được chỉ đạo sát sao, đúng kỹ thuật, thời vụ. Năm 2022, diện tích trồng rừng mới đạt 2.992 ha, trong đó: rừng sản xuất 2.779 ha (quế 2.023 ha, cây lâm nghiệp khác 757 ha); rừng phòng hộ 213 ha.
Ngoài ra, năm qua toàn tỉnh đã thực hiện trồng mới được 1.097 ha mắc ca, nâng tổng diện tích cây mắc ca hiện có trên địa bàn toàn tỉnh lên 6.376 ha. Diện tích rừng hiện có 487.000 ha (rừng tự nhiên 449.826 ha; rừng trồng 24.229 ha; diện tích cây cao su 12.945 ha). Tỷ lệ che phủ rừng đạt 51,87%, qua đó góp phần nâng cao đời sống cho Nhân dân vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới.
Lực lượng kiểm lâm hướng dẫn người dân địa phương làm đường băng cản lửa phòng chống cháy rừng.
Hằng năm lực lượng kiểm lâm địa bàn các xã, phường, thị trấn trong toàn tỉnh đã thường xuyên tổ chức các buổi tuyên truyền cho nhân dân nắm được những quy định của pháp luật về công tác quản lý bảo vệ rừng và phòng cháy chữa cháy rừng; đồng thời thực hiện ký cam kết bảo vệ rừng và phòng cháy chữa cháy rừng giữa UBND cấp xã với cá nhân và hộ gia đình để nâng cao trách nhiệm, nghĩa vụ của cá nhân, hộ gia đình trong bảo vệ rừng và phòng cháy chữa cháy rừng. Năm 2022, đã tổ chức họp tuyên truyền tới 1.033 lượt thôn, bản với 79.199 lượt người dân tham gia, tuyên truyền đến 25 trường học với 9.312 lượt học sinh tham gia. Ký cam kết bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng đến 25.456 lượt hộ gia đình. Phát 3.800 tờ rơi tuyên truyền bảo vệ rừng và phòng cháy chữa cháy rừng.
Các xã phường, thị trấn đã xây dựng phương án, kế hoạch bảo vệ rừng và phòng cháy chữa cháy rừng trong mùa khô theo phương châm “4 tại chỗ”; thành lập 106 Ban Chỉ huy phòng cháy chữa cháy rừng cấp xã với 2.920 thành viên và 868 Tổ chuyên trách quản lý bảo vệ rừng thôn, bản với 59.684 thành viên. Phân công lực lượng thường trực phòng cháy trong những ngày cao điểm, thường xuyên tiến hành kiểm tra, tuần tra rừng góp phần làm tốt công tác bảo vệ rừng, hạn chế tới mức thấp nhất các vụ vi phạm về lâm luật xảy ra trên địa bàn.
Thời gian qua, tỉnh Lai Châu cũng đã tận dụng nhiều chính sách, nguồn lực để phát huy, khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế phát triển ngành lâm nghiệp, thúc đẩy phát triển kinh tế dưới tán rừng. Từ đó, tạo động lực giúp nhân dân mở rộng sản xuất, phát triển rừng theo hướng bền vững; góp phần thay đổi thói quen, tập quán sản xuất trong việc tận dụng diện tích đất trống dưới tán rừng để phát triển kinh tế và làm giàu từ rừng. Trên 70% dân số của tỉnh Lai Châu có cuộc sống liên quan đến rừng từ canh tác, thu hoạch sản phẩm, sản vật từ rừng. Do vậy, việc triển khai các giải pháp nhằm ổn định sinh kế cho người dân thông qua việc phát triển kinh tế dưới tán rừng là nhiệm vụ trọng tâm được địa phương này chú trọng triển khai.
Phát triển mô hình kinh tế dưới tán rừng, ổn định sinh kế cho người dân là giải pháp hiệu quả trong bảo vệ rừng tại tỉnh Lai Châu.
Với diện tích 32% rừng có độ cao từ 1.400-3.100m so với mực nước biển cùng với khí hậu ôn đới mát mẻ quanh năm mang đến tiềm năng lớn cho phát triển cây địa lan dưới tán rừng và cây chè cổ thụ. Bên cạnh đó, diện tích rừng tự nhiên, diện tích cây ăn quả lớn, hệ thực vật đa dạng phong phú với nhiều loại cây ra hoa, phân bố quanh năm là nguồn cung cấp nguyên liệu làm mật và nguồn phấn cho đàn ong phát triển. Toàn tỉnh hiện có trên 10.700ha các loại như: sâm Lai Châu, bảy lá một hoa, lan kim tuyến, thảo quả, sa nhân, tam thất, đương quy, hà thủ ô…
Phát triển cây dược liệu dưới tán rừng là một trong những chủ trương lớn của tỉnh Lai Châu. Từ chủ trương này Lai Châu đã ban hành rất nhiều chính sách hỗ trợ thu hút doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ gia đình, cá nhân đầu tư, phát triển cây dược liệu dưới tán rừng. Sâm Lai Châu được gieo trồng trên địa bàn tỉnh khoảng 3,68ha; chi phí đầu tư trồng 1ha sâm khoảng 10 tỷ đồng, năng suất ước sau 6 năm trồng đạt khoảng 1 tấn/ha, giá bán bình quân 1kg khoảng 60 triệu đồng, giá trị thu nhập 1ha trừ chi phí khoảng 50 tỷ đồng. Cây bảy lá một hoa được gieo trồng trên 10ha; chi phí đầu tư 1 tỷ đồng/ha, năng suất 6 năm trồng 11 tấn/ha, giá trị thu nhập trừ chi phí khoảng 18 tỷ đồng. Cây lan kim tuyến giá trị kinh tế 1ha khoảng 1 tỷ đồng sau 6 năm thu hoạch.
Ngoài ra, dưới tán rừng còn có tiềm năng một số loại cây khác đã thực hiện trồng cho giá trị kinh tế cao từ 20 triệu đồng/ha đến gần 100 triệu đồng/ha như: sa nhân tím (2.300ha), thảo quả (6.400ha), địa lan (63.000 chậu), sơn tra (300ha). Riêng diện tích rừng tre nứa 12.500ha mang đến tiềm năng, lợi thế lớn cho khai thác măng ngoài tự nhiên; cùng với đó diện tích chè cổ thụ phân bố tự nhiên trên địa bàn tỉnh hơn 700ha, thu nhập khoảng 250 triệu đồng/ha.
Thời gian tới, Lai Châu tiếp tục xây dựng, hoàn thiện các chính sách phát triển kinh tế dưới tán rừng, lồng ghép với chính sách phát triển kinh tế-xã hội, mục tiêu phát triển bền vững của tỉnh. Mặt khác, tỉnh tăng cường công tác tuyên truyền về phát triển kinh tế dưới tán rừng cũng như các chính sách hỗ trợ để thu hút tổ chức, cá nhân trồng, phát triển cây dược liệu, nhất là các loại dược liệu quý có giá trị kinh tế cao; tích cực vận động người dân tập trung bảo tồn và phát triển dược liệu quý đang có nguy cơ tuyệt chủng như sâm Lai Châu.
Phương Nga
Bình luận