Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 19/01/2025 11:01
Thứ sáu, 28/04/2023 07:04
TMO - Với nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú, tỉnh Điện Biên triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm bảo vệ rừng, đa dạng sinh học tại Khu bảo tồn thiên nhiên Mường Nhé, qua đó góp phần duy trì tính toàn vẹn của hệ sinh thái tại địa phương.
Khu Bảo tồn thiên nhiên (BTTN) Mường Nhé nằm trên địa phận huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên. Khu vực này có nhiều cánh rừng nguyên sinh đang được bảo tồn nguyên vẹn với hệ sinh thái rừng phong phú, có tính đa dạng sinh học cao và là nơi lưu giữ nguồn gen của nhiều loại động vật, thực vật quý hiếm. Theo đó, Khu BTTN Mường Nhé có tổng diện tích là 36.392,28ha, gồm 02 kiểu rừng chính: rừng gỗ tự nhiên núi đất lá rộng thường xanh (36.199,06ha) và rừng hỗn giao gỗ, tre nứa (193,22ha).
Năm 2022, UBND tỉnh Điện Biên đã phê duyệt kết quả nhiệm vụ điều tra, đánh giá thực trạng hệ sinh thái rừng, đa dạng sinh học và đề xuất các giải pháp bảo tồn đa dạng sinh học và quản lý rừng bền vững tại Khu bảo tồn thiên nhiên Mường Nhé. Trên cơ sở đó, Khu BTTN Mường Nhé đã xây dựng hệ thống quản lý thông tin về thực trạng đa dạng sinh học theo kết quả điều tra để phân tích, xây dựng kế hoạch giám sát đa dạng sinh học có định hướng, thường xuyên, tập trung vào các loài động, thực vật quý hiếm, có giá trị tại Khu bảo tồn… Cùng với đó tổ chức các đợt điều tra đánh giá tài nguyên đa dạng sinh học, hệ sinh thái đặc trưng, các loài quý hiếm, các loài ngoại lai xâm hại trên địa bàn tỉnh để có phương án quản lý, bảo vệ và bảo tồn cho phù hợp.
Theo kết quả điều tra, đánh giá thực trạng hệ sinh thái rừng, đa dạng sinh học của Ban quản lý Khu BTTN Mường Nhé, hiện nay Khu bảo tồn có 458 loài động vật hoang dã, trong đó, có 97 loài có giá trị bảo tồn cao thuộc Sách Đỏ IUCN và Sách Đỏ Việt Nam. Đặc biệt, đợt điều tra đầu năm 2022, Ban Quản lý dự án Khu BTTN Mường Nhé đã xác nhận thêm 14 loài động vật có mặt tại Khu bảo tồn thiên nhiên Mường Nhé, gồm 01 loài thú (cầy gấm), 13 loài chim (cò nhạn, cò ruồi, cắt lớn, rẽ giun thường, yểng quạ, phường chèo đỏ đuôi dài, chích hai vạch, khướu đầu hung, khướu ngực đốm, khướu mặt đỏ, kim oanh tai bạc, đớp ruồi cằm đen và đớp ruồi trán đen.)
Qua điều tra, đánh giá thực trạng hệ sinh thái rừng, đa dạng sinh học Khu BTTN Mường Nhé có nhiều loài động, thực vật quý hiếm.
Trong năm qua Khu BTTN Mường Nhé cho phép đoàn nghiên cứu của Viện sinh thái và Tài nguyên sinh vật thuộc Viện Hàn lâm khoa học và Công nghệ Việt Nam đến khảo sát thực địa, thu thập một số mẫu, tiêu bản các loài thực vật bậc cao có mạch phân bố tại Khu BTTN Mường Nhé phục vụ cho công tác nghiên cứu, bổ sung tư liệu mẫu vật. Theo đó, các đoàn đã nghiên cứu đặc điểm đa dạng sinh học, thu thập mẫu rêu tản và rêu sừng, qua đó thu thập 235 mẫu rêu để nghiên cứu khoa học. Nghiên cứu tính đa dạng thực vật bậc cao có mạch ở Việt Nam và thu thập 101 số hiệu tiêu bản mẫu vật nghiên cứu…
Xác định nhiệm vụ bảo vệ rừng đóng vai trò quan trọng trong bảo vệ hệ sinh thái nhất là đa dạng sinh học tại Khu BTTN Mường Nhé, Ban Quản lý KBTN Mường Nhé đã tập trung chỉ đạo, tổ chức thực hiện tốt công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng theo Chỉ thị số 13-CT/TW, ngày 12/01/2017 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng; thực hiện quản lý theo Quyết định phê duyệt 3 loại rừng trên địa bàn huyện Mường Nhé; tổ chức xác định các nhiệm vụ trọng tâm trong lĩnh vực lâm nghiệp, thực hiện Đề án Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp tỉnh Điện Biên đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030.
Chính sách khoán bảo vệ rừng, chi trả dịch vụ môi trường rừng góp phần nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ rừng tại địa phương.
Thực hiện có hiệu quả chính sách khoán bảo vệ rừng, chi trả dịch vụ môi trường rừng đối với cộng đồng bản vùng đệm đã góp phần tạo sinh kế, nâng cao thu nhập cho cộng đồng, tạo động lực để nhân dân gắn bó, bảo vệ rừng, từng bước thay đổi nhận thức của người dân về vai trò KBTTN Mường Nhé trong cuộc sống; tạo dựng được niềm tin của nhân dân vào chủ trương, đường lối của Đảng, và chính sách, pháp luật của Nhà nước.
Bên cạnh đó, Ban quản lý cũng thực hiện nghi công tác phối hợp theo quy chế phối hợp giữa các lực lượng kiểm lâm, đồn biên phòng, quân sự, công an trong công tác quản lý bảo vệ rừng trên địa bàn huyện Mường Nhé. Chỉ đạo Hạt Kiểm lâm khu bảo tồn phối hợp với các nhóm nhận khoán bảo vệ rừng tổ chức tuần tra, kiểm tra bảo vệ lâm phần của Khu BTTN.
Để nâng cao hiệu quả công tác bảo tồn đa dạng sinh học, Ban Quản lý dự án Khu BTTN Mường Nhé thực hiện đã đề ra nhóm giải pháp gồm: Giải pháp về giám sát, đánh giá đa dạng sinh học; giải pháp về quy hoạch quản lý bảo tồn đa dạng sinh học; giải pháp về hệ thống tổ chức bộ máy và cơ chế phối hợp; giải pháp về khoa học công nghệ; giải pháp về tuyên truyền giáo dục. Giải pháp về nguồn vốn đầu tư và huy động các nguồn lực đầu tư.
Ban Quản lý dự án Khu BTTN Mường Nhé kiến nghị các đơn vị có liên quan chú trọng việc xây dựng hệ thống quản lý thông tin về thực trạng đa dạng sinh học theo kết quả điều tra để phân tích, xây dựng hệ kế hoạch giám sát đa dạng sinh học có định hướng và thường xuyên, tập trung vào các loài động, thực vật quý hiếm, có giá trị tại Khu bảo tồn…
Các Sở, ngành, địa phương cũng cần tổ chức các đợt điều tra đánh giá tài nguyên đa dạng sinh học, hệ sinh thái đặc trưng, các loài quý hiếm, các loài ngoại lai xâm hại trên địa bàn tỉnh để có phương án quản lý, bảo vệ và bảo tồn cho phù hợp. Đồng thời, nghiên cứu, quy hoạch bãi chăn thả gia súc và vùng sản xuất nương rãy của đồng bào dân tộc thiểu số ra ngoài khu vực rừng đặc dụng. Bảo vệ nguyên vẹn hiện trạng tài nguyên rừng tự nhiên trong khu rừng đặc dụng và tổ chức bảo vệ nguyên trạng sinh cảnh ở 4 khu vực cư trú quan trọng của động vật hoang dã.
Công tác chăm sóc, tải thả động vật hoang dã về môi trường tự nhiên được Khu BTTN chú trọng triển khai.
Cần nghiên cứu chính sách phù hợp, thu hút sự đầu tư, hỗ trợ từ các tổ chức, cá nhân trong nước cũng như quốc tế trong việc thực hiện các chương trình, dự án nghiên cứu khoa học tại Khu BTTN, đặc biệt là các đề tài, dự án bảo tồn các loài động, thực vật quý, hiếm có giá trị bảo tồn cao. Đồng thời tiếp tục tập huấn nâng cao năng lực, chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ làm công tác truyền thông, môi trường và cán bộ làm công tác bảo tồn; tăng cường các nguồn tài trợ của các tổ chức, cá nhân trong nước và quốc tế đầu tư cho công tác nghiên cứu khoa học, bảo tồn đa dạng sinh học, kiểm soát và bảo vệ các loài động, thực vật nguy cấp, quý, hiếm.
Công tác bảo tồn đa dạng sinh học là giải pháp quan trọng nhất trong quản lý, bảo vệ động, thực vật hoang dã. Do vậy, Khu BTTN đã thường xuyên rà soát, thống kê kịp thời tình trạng các loại động vật, thực vật hoang dã, nguy cấp quý hiếm. Bên cạnh đó, Khu BTTN cũng là nơi tiếp nhận các cá thể động vật hoang dã do cá nhân, tổ chức giao nộp. Năm 2022, Ban quản lý Khu BTTN Mường Nhé đã tiếp nhận và tái thả thành công 20 cá thể động vật hoang dã nguy cấp, quý hiếm. Trong đó gồm có: 16 cá thể rùa (15 cá thể rùa núi viền, và 1 cá thể rùa đầu to), 2 cá thể khỉ mặt đỏ, 1 cá thể khỉ đuôi lợn và 1 cá thể khỉ mặt vàng.
Minh Hương
Bình luận