Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 19/01/2025 02:01
Thứ năm, 30/11/2023 14:11
TMO - Khu bảo tồn vịnh Nha Trang (tỉnh Khánh Hóa) là nơi có hệ sinh thái rạn san hô đa dạng sinh học cao bậc nhất của Việt Nam. Tuy nhiên gần đây, môi trường biển vịnh Nha Trang đang đứng trước tác động tiêu cực chủ yếu từ hoạt động của con người. Do đó, tỉnh Khánh Hòa đang nỗ lực triển khai nhiều giải pháp bảo vệ tài nguyên, môi trường biển khu vực này.
Theo quyết định của UBND tỉnh năm 2005, vịnh Nha Trang (còn gọi là vịnh Bình Cang - Nha Trang) có tổng diện tích gần 250km2, bao gồm gần 212km2 mặt biển và 37,8km2 các đảo trong vịnh. Vịnh Nha Trang tiếp giáp với đầm Nha Phu ở phía bắc; phía đông tiếp giáp với vùng lãnh hải Việt Nam; phía nam giáp với cửa ngõ phía bắc vào vịnh Cam Ranh; phía tây là vùng bờ biển kéo dài theo hướng vòng cung từ mũi Kê Gà đến mũi Cù Hin.
Nghiên cứu của các chuyên gia tại Viện Hải Dương học cho thấy, vịnh Nha Trang là một trong những hình mẫu tự nhiên hiếm có của hệ thống vũng, vịnh trên thế giới khi chứa đựng hầu hết các hệ sinh thái điển hình của vùng biển nhiệt đới, trong đó rạn san hô, rừng ngập mặn và thảm cỏ biển được cho là những hệ sinh thái tiêu biểu. Vịnh Nha Trang là vùng biển ven bờ có mức độ đa dạng sinh học cao nhất ở Việt Nam; một trong những vùng có mức độ đa dạng sinh học cao của thế giới.
Các rạn san hô ở vịnh Nha Trang có hơn 350 loài san hô (chiếm 40% san hô tạo rạn trên thế giới). Kết quả nghiên cứu chi tiết năm 2002, ở vùng rạn san hô có 200-300 loài sinh vật kích thước lớn, mật độ cá rạn san hô ở đây rất dày. Ngoài ra, các nhà khoa học đã xác định trong khu vực vịnh Nha Trang có 9 loài cây ngập mặn, 10 loài cỏ biển (chiếm 2/3 số loài cỏ biển được ghi nhận tại Việt Nam).
Tuy nhiên, từ tháng 6/2022 kết quả khảo sát của ngành chức năng tỉnh cho thấy, không chỉ có rạn san hô tại vùng biển Hòn Mun mà san hô ở nhiều khu vực khác trong vịnh Nha Trang đều bị hư hại rất nhiều. Ở nhiều địa điểm, san hô suy giảm 70 - 80% so với kết quả khảo sát từ năm 2015. Trong đó, guyên nhân dẫn đến việc suy giảm phần lớn rạn san hô tại vịnh Nha Trang là một quá trình chịu tác động tích lũy từ nhiều năm, gồm cả nguyên nhân khách quan và chủ quan.
Bên cạnh tác động của biến đổi khí hậu, ảnh hưởng của các cơn bão nói trên, còn có nguyên nhân chủ quan là do công tác quản lý nhà nước, sự phối hợp giữa các sở, ngành, địa phương liên quan, hoạt động của Ban quản lý vịnh Nha Trang còn nhiều bất cập, hạn chế, thiếu sót. Nhiều hoạt động của con người tác động lên hệ sinh thái biển vịnh Nha Trang nói chung và rạn san hô tại Khu bảo tồn biển Hòn Mun nói riêng vẫn chưa được xử lý kịp thời, như: Nạn khai thác thủy sản trái phép, nạo vét, xây dựng các công trình ven biển không đúng quy định, xả thải từ các hoạt động du lịch…
Công tác làm sạch môi trường biển, phục hồi rạn san khô tại vinh Nha Trang được UBND tỉnh chỉ đạo các ngành chức năng, đơn vị đẩy mạnh triển khai.
Ngay sau đó, Tỉnh ủy Khánh Hòa đã yêu cầu phải giữ gìn và phục hồi vịnh Nha Trang, bao gồm rạn san hô trong khu vực biển Hòn Mun và xác định đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng, vừa cấp thiết, vừa lâu dài của tỉnh nói chung và TP.Nha Trang nói riêng. Đặc biệt, tháng 11/2022, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch tổng thể phục hồi vịnh Nha Trang đến năm 2030 với 16 giải pháp vừa có tính cấp thiết vừa có tính lâu dài. “Mục tiêu của kế hoạch phục hồi được các hệ sinh thái rạn san hô đã bị suy thoái ở khu vực biển Hòn Mun và trong vịnh Nha Trang; huy động được các doanh nghiệp, cộng đồng dân cư tham gia giám sát, bảo vệ và bảo tồn rạn san hô trong vịnh gắn với phát triển sinh kế bền vững và các hoạt động kinh tế thân thiện với môi trường.
Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh đã tham mưu trình UBND tỉnh đề xuất Bộ KH&CN thực hiện đề tài cấp quốc gia “Nghiên cứu, đánh giá hiện trạng, tác động và đề xuất giải pháp bảo tồn, sử dụng bền vững tài nguyên rạn san hô vùng biển ven bờ tỉnh Khánh Hòa”. Ban quản lý vịnh Nha Trang cũng đã xây dựng đề tài nghiên cứu khoa học cấp cơ sở “Ứng dụng kỹ thuật trồng phục hồi và tái tạo hệ sinh thái rạn san hô nhằm tạo vườn ươm cung cấp giống san hô ở vịnh Nha Trang theo phương pháp vi mảnh” với mục tiêu tạo vườn ươm san hô có khả năng đảm bảo nguồn giống trồng phục hồi và tái tạo hệ sinh thái san hô vịnh Nha Trang.
Đầu tháng 8/2023, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh phối hợp với UBND TP. Nha Trang, Ban quản lý vịnh Nha Trang, Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga và Chương trình tài trợ các dự án nhỏ Quỹ Môi trường toàn cầu tại Việt Nam đã khởi động Dự án “Thúc đẩy đối thoại, hợp tác giữa cộng đồng và khối tư nhân với cơ quan nhà nước trong bảo tồn rạn san hô và phát triển bền vững khu vực biển Hòn Mun”.
Dự án có 3 mục tiêu chính: Xây dựng và triển khai thực hiện cơ chế đối thoại công - tư trong bảo vệ môi trường vịnh Nha Trang và bảo tồn rạn san hô phân khu bảo vệ nghiêm ngặt Hòn Mun, vịnh Nha Trang; tăng cường sự hợp tác giữa cộng đồng và khối tư nhân với cơ quan nhà nước trong bảo vệ môi trường, bảo tồn rạn san hô trong phân khu bảo vệ nghiêm ngặt Hòn Mun, vịnh Nha Trang và xác lập nền tảng sinh kế bền vững cho cộng đồng dân cư Tổ dân phố Bích Đầm sống lân cận phân khu bảo vệ nghiêm ngặt Hòn Mun, vịnh Nha Trang…".
Tỉnh Khánh Hòa triển khai Kế hoạch tổng thể phục hồi vịnh Nha Trang đến năm 2030 với 16 giải pháp vừa có tính cấp thiết vừa có tính lâu dài.
Quy hoạch tỉnh Khánh Hòa thời kỳ 2021-2030 tầm nhìn đến năm 2050 nhấn mạnh đến phương án quản lý, phát triển các khu bảo tồn thiên nhiên. Trong đó, đối với Khu bảo tồn vịnh Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa sẽ quy hoạch khu vực vịnh gắn liền với chiến lược phát triển của toàn thành phố Nha Trang, toàn tỉnh Khánh Hòa và với chiến lược phát triển du lịch quốc gia. Đánh giá sức tải của Khu bảo tồn vịnh Nha Trang để đưa ra những định hướng xây dựng phát triển du lịch hợp lý, trong khả năng tiếp nhận của khu vực vịnh.
Thiên nhiên được hình thành từ lâu đời và có giá trị lâu dài, giá trị của các dự án trong khu vực vịnh cần được đánh giá kỹ để đảm bảo không vì giá trị ngắn hạn mà đánh mất tiềm năng và giá trị to lớn, lâu dài của thiên nhiên: thiên nhiên của vịnh Nha Trang là tài sản vô giá được hình thành từ hàng triệu năm. Do vậy, chỉ những dự án đảm bảo được tính bền vững của thiên nhiên thì mới có thể chấp nhận. Với quan điểm này, tiềm năng thiên nhiên đã được đánh giá và làm nổi bật những tiêu chí, khía cạnh chính cần được bảo tồn để thiên nhiên có thể giữ được bản sắc chính.
Bảo vệ, tôn tạo cảnh quan thiên nhiên hoang sơ ở phía Đông Vịnh. Đối với vùng mặt nước trong phạm vi khu bảo tồn, cần hạn chế hoạt động du lịch, giữ gìn an toàn đối với rạn san hô. Trong vùng lõi của Khu bảo tồn, cần sử dụng những phương tiện giao thông biển sạch, không gây ô nhiễm và có quản lý vệ sinh chặt chẽ. Không tăng thêm mật đô xây dựng và đặc biệt chú trọng biện pháp bảo vệ môi trường trong các khu vực hiện có dân cư sinh sống tại khu vực Đầm Bấy, Bích Đầm. Các vùng rừng trong khu vực này cần được bảo tồn và phục hồi, cấm tuyệt đối những hoạt động khai thác, đốt than và xây dựng, trừ một số công trình công cộng như trung tâm thông tin, giáo dục về bảo tồn biển và một số tiện ích phục vụ du lịch.
Đề xuất một số vùng phục hồi và bảo tồn rừng, bao gồm: phía Tây đảo Hòn Tre, Hòn Tằm và Hòn Trí Nguyên: Ngoài các khu vực quy hoạch xây dựng các khu đô thị và dịch vụ, các khu vực còn lại trên các đảo được xác định là khu vực bảo tồn và phục hồi rừng, nghiêm cấm các hoạt động khai thác, đốt than và xây dựng. Sử dụng công viên ven biển Nha Trang là không gian kết nối đô thị và biển, đồng thời kết nối một cách hiệu quả các không gian đặc trưng khác nhau dọc bờ biển. Tại những khu vực đã khai thác phát triển du lịch, ưu tiên hình thức đô thị du lịch biển đảo với nhiều không gian công cộng cho du lịch cộng đồng, khuyến khích tăng hệ số sử dụng đất để đáp ứng nhu cầu sử dụng.
Nguyễn Thanh
Bình luận