Hotline: 0941068156
Thứ ba, 26/11/2024 05:11
Thứ hai, 25/04/2022 19:04
TMO - Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang, xâm nhập mặn mùa khô 2021-2022 trên địa bàn tỉnh đến sớm hơn trung bình nhiều năm. Bám sát tình hình dự báo, rút kinh nghiệm từ các mùa khô trước trong năm 2022, tỉnh đã chủ động triển khai các giải pháp để phòng, chống hạn, mặn.
Căn cứ vào dự báo của các cơ quan chuyên môn, UBND tỉnh đã ban hành phương án phòng chống, ứng phó với hạn, xâm nhập mặn trong mùa khô năm 2021 – 2022, với mục tiêu bảo vệ trên 179.200 ha diện tích sản xuất nông nghiệp và đảm bảo cấp nước sinh hoạt cho khoảng 1,3 triệu dân trên địa bàn tỉnh, gồm: Vùng dự án Ngọt hóa Gò Công; vùng dự án Phú Thạnh- Phú Đông; vùng dự án Bảo Định mở rộng sang vùng kiểm soát lũ; vùng cù lao Tân Phong, Ngũ Hiệp và cù lao Long Đức, xã Tam Bình, huyện Cai Lậy.
Để bảo vệ sản xuất cho các huyện phía Đông, ngành Nông nghiệp tiếp tục triển khai thực hiện Đề án cắt vụ, chuyển đổi mùa vụ và cơ cấu cây trồng các huyện phía Đông. Theo đó, các địa phương tập trung vận động người dân cắt vụ lúa thu đông để né mặn.
UBND các huyện, thị xã trên địa bàn tỉnh chú trọng đến công tác nạo vét kênh mương, chủ động chống hạn, mặn
Trong năm 2022, Sở NN&PTNT tỉnh, UBND các huyện, thị xã tiếp tục triển khai nạo vét 82 tuyến kinh với chiều dài hơn 59 km, kinh phí trên 29 tỷ đồng và đầu tư, sửa chữa 23 cống, kinh phí 34,3 tỷ đồng để phục vụ cho công tác phòng, chống hạn, mặn trong mùa khô năm 2022 và các năm tiếp theo.
Theo đánh giá của Sở NN&PTNT, nhờ sự chủ động trong công tác phòng, chống hạn, xâm nhập mặn và hạn, tỉnh Tiền Giang đã bảo vệ thành công hoạt động sản xuất nông nghiệp, đảm bảo đủ nước sinh hoạt cho người dân trong suốt mùa khô.
Các địa phương trên địa bàn tỉnh thu hoạch thắng lợi vụ lúa đông xuân
Đối với sản xuất nông nghiệp, vụ đông xuân năm 2021 - 2022, tỉnh đã bảo vệ thành công và cho thu hoạch 49.101 ha lúa. Diện tích xuống giống vụ lúa xuân hè là 24.711 ha, hiện trà lúa đang phát triển tốt. Đặc biệt, tổng diện tích cây ăn trái của toàn tỉnh là 82.776 ha đã được bảo vệ an toàn trong mùa hạn, mặn năm nay.
Để đảm bảo cấp nước cho người dân các huyện phía Đông, đến thời điểm hiện nay, tỉnh đã triển khai đắp đập Nguyễn Tấn Thành ngăn mặn xâm nhập từ sông Tiền vào để đảm bảo nguồn nước cho hai tỉnh Tiền Giang và Long An, bảo đảm cấp nước cho 800 ngàn người dân ở thành phố Mỹ Tho và các huyện phía Đông.
Ngoài việc đắp đập, ngăn mặn, trữ ngọt, tỉnh đã vận hành các giếng dự phòng để cấp nước cho nhà máy nước Đồng Tâm cũng như nhà máy nước Bình Đức để đem nguồn nước về cho các huyện phía Đông. Bên cạnh đó, tỉnh đã vận hành ba giếng dự phòng ở xã Đăng Hưng Phước, huyện Chợ Gạo để cấp nước cho người dân các huyện phía Tây của thị trấn để đảm bảo nguồn nước của nhà máy nước Đồng Tâm và nhà máy nước Bình Đức đưa về các huyện phía Đông.
Tỉnh Tiền Giang thực hiện đắp đập ngăn mặn, đảm bảo nguồn nước cho sản xuất và sinh hoạt của người dân
Đồng thời, tỉnh đã triển khai dự án đầu tư xây dựng công trình mạng lưới đường ống cấp nước phía Đông và trạm bơm tăng áp Gò Công. Đến ngày 14/4, công trình đạt 39% khối lượng và dự kiến sẽ hoàn thành, đưa vào sử dụng trong năm 2022. Trong mùa khô 2022, tỉnh đã mở 43/103 vòi nước công cộng tại huyện Gò Công Đông và huyện Tân Phú Đông để cấp miễn phí cho người dân thuộc các xã vùng sâu, ngoài đê, các hộ sống phân tán chưa được sử dụng nước từ các trạm cấp nước tập trung.
Hồng Thắm
Bình luận