Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 24/11/2024 04:11
Thứ ba, 29/08/2023 07:08
TMO - Nguồn nước dưới đất có vai trò rất quan trọng để phục vụ cấp nước cho sinh hoạt cho nhân dân và phục vụ sản xuất để phát triển kinh tế xã hội. Tuy nhiên, do việc khai thác chưa hợp lý, chưa được kiểm soát chặt chẽ, thiếu quy hoạch dẫn đến nguồn nước dưới đất tại một số khu vực đã bị hạ thấp mực nước quá mức, nhất là tại các khu vực đô thị đã gây ra tình trạng xâm nhập mặn, sụt lún bề mặt đất.
Cục Quản lý tài nguyên nước cho biết, lãnh thổ Việt Nam được phân chia khoảng 28 đơn vị chứa nước dưới đất. Theo kết quả Dự án Biên hội, thành lập bản đồ tài nguyên nước dưới đất tỷ lệ 1: 200.000 (năm 2018) do Bộ Tài nguyên và Môi trường triển khai thực hiện, tổng trữ lượng tài nguyên nước dưới đất dự báo trên toàn lãnh thổ Việt Nam (chưa kể phần hải đảo) được đánh giá vào khoảng 189,3 triệu m3/ngày (nước nhạt) và khoảng 61,4 triệu m3/ngày (nước mặn) và thuộc loại lớn so với khu vực. Tuy nhiên khả năng khai thác lại phụ thuộc nhiều vào đặc điểm, điều kiện địa chất thủy văn của từng khu vực. Chỉ có các khu vực đồng bằng, đồng bằng ven biển và khu vực Tây Nguyên là có điều kiện thuận lợi để khai thác nước dưới đất tập trung, với quy mô lớn để phục vụ các nhu cầu sử dụng nước.
Theo thống kê sơ bộ, tổng lượng khai thác nước dưới đất trên toàn quốc ước tính khoảng 10,5 triệu m3/ngày đêm (chiếm khoảng 17,2% trữ lượng nước dưới đất có thể khai thác), trong đó có nhiều thành phố, đô thị lớn chủ yếu khai thác nguồn nước dưới đất như Hà Nội, Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Mỹ Tho (Tiền Giang), Vũng Tàu, Buôn Mê Thuột,… Nguồn nước dưới đất được khai thác để cấp nước cho nhiều mục đích khác nhau, trong đó chủ yếu cấp nước sinh hoạt (đô thị, nông thôn), sản xuất, ngoài ra còn khai thác để phục vụ cho một số mục đích khác (tưới cà phê, cây công nghiệp ở Tây Nguyên; nuôi trồng thủy sản, nuôi tôm trên cát ở ven biển miền Trung, bán đảo Cà Mau,…).
Nước ngầm được sử dụng tưới tiêu trong hoạt động sản xuất nông nghiệp.
Tại Đồng bằng sông Cửu Long, nước dưới đất trong các tầng chứa nước hầu hết phải đối mặt với tình trạng hạ thấp sâu và xâm nhập mặn vào mùa khô. Ở nhiều địa phương, mực nước dưới đất có tốc độ hạ thấp mạnh từ 0,3 - 0,5m/năm như: TP. Hồ Chí Minh, Long An, Tiền Giang, Sóc Trăng, Trà Vinh, Vĩnh Long, Cần Thơ, Cà Mau,… Thậm chí, một số địa phương tốc độ hạ thấp đến 0,55m/năm (Thị trấn Tân Trụ, Tân Trụ, Long An); 0,92m/năm (Thị trấn Lai Vung, Lai Vung, Đồng Tháp); Một số khu vực có xu hướng gia tăng xâm nhập mặn cả về diện tích và nồng độ như: Long An, Trà Vinh, Hậu Giang, Cà Mau…
Ngay từ khi có Luật Tài nguyên nước năm 1998 thì việc bảo vệ nước dưới đất đã được chú trọng, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ban hành Quyết định số 15/2008/QĐ-BTNMT quy định bảo vệ tài nguyên nước dưới đất; Quyết định số 14/2007/QĐ-BTNMT quy định về việc xử lý, trám lấp các giếng khoan không sử dụng. Khi Luật tài nguyên nước năm 2012 được ban hành và có hiệu thực thì trên cơ sở các nội dung Luật tài nguyên nước năm 2012 giao, Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành các Thông tư có liên quan trong việc bảo vệ nước dưới đất gồm: Thông tư số 24/2016/TT-BTNMT quy định việc xác định và công bố vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt; Thông tư số 47/2017/TT-BTNMT quy định về giám sát khai thác, sử dụng tài nguyên nước; Thông tư số 72/2017/TT-BTNMT quy định về xử lý, trám lấp giếng khoan không sử dụng; Thông tư số 75/2017/TT-BTNMT quy định bảo vệ nước dưới đất trong các hoạt động khoan, đào, thăm dò, khai thác nước dưới đất.
Để kiểm soát, hạn chế khai thác tại các vùng nước dưới đất bị suy thoái, ô nhiễm, sụt lún đất hoặc có nguy cơ bị suy thoái, ô nhiễm, Bộ đã trình Chính phủ ban hành Nghị định số 167/2018/NĐ-CP ngày 26/12/2018 quy định việc hạn chế khai thác nước dưới đất, trong đó quy định Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh phải thực hiện việc khoanh định các vùng hạn chế khai thác nước dưới đất và thực hiện các biện pháp hạn chế khai thác để bảo vệ nguồn nước dưới đất. Bộ cũng đã gửi các văn bản đôn đốc các địa phương triển khai thực hiện việc hạn chế khai thác nước dưới đất, tăng cường công tác bảo vệ nước dưới đất đồng thời gắn liền với việc bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức cá nhân.
Bên cạnh đó, Bộ cũng đã trình Chính phủ ban hành Nghị định số 82/2017/NĐ-CP quy định phương pháp tính, mức thu tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước, được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 41/2021/NĐ-CP, theo đó quy định các tổ chức, cá nhân phải nộp tiền cấp quyền khai thác tài nguyên căn cứ theo lượng nước sử dụng. Nghị định đã có tác động đến các tổ chức, cá nhân trong việc tăng cường ý thức khai thác, sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả góp phần bảo vệ tài nguyên nước dưới đất. Rất nhiều tổ chức, cá nhân đã thay đổi quy trình, nâng cao hiệu quả mô hình sử dụng nước tiết kiệm và đã đề nghị điều chỉnh giấy phép giảm lưu lượng khai thay vì việc sử dụng lãng phí theo thói quen cũ.
Hiện nay, Bộ Tài nguyên và Môi trường đang tập trung sửa đổi Luật Tài nguyên nước, trong đó sẽ sửa đổi, bổ sung các điều, khoản theo hướng kiểm soát, giám sát chặt chẽ việc khai thác nước dưới đất đảm bảo mục tiêu kép là tăng cường bảo vệ nước dưới đất, đồng thời đảm bảo đầy đủ quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân trong việc khai thác, sử dụng nước dưới đất.
Công tác quản lý hoạt động khai thác nước ngầm cần được siết chặt quản lý trước hệ quả sụt lún, cạn kiệt nguồn nước. Ảnh: HV.
Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, một trong những nguyên nhân chính gây ra hiện tượng sụt lún đất, ô nhiễm, suy thoái, cạn kiệt nguồn nước dưới đất hiện nay là bởi hầu hết các hoạt động khoan, đào, thí nghiệm trong thăm dò địa chất, khai thác khoáng sản và xây dựng công trình ngầm chưa được các cấp quan tâm, quản lý đúng mức. Thậm chí, tại một số địa phương xảy ra các hiện tượng trên còn chưa được xử lý, khắc phục kịp thời, gây ảnh hưởng đến đời sống của nhân dân. Do vậy, Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố khẩn trương chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan rà soát, đôn đốc các chủ giếng thực hiện xử lý, trám lấp các loại giếng khoan không sử dụng trên địa bàn theo quy định.
Trọng tâm là rà soát, xử lý các giếng khoan thuộc các dự án nghiên cứu, đánh giá nước dưới đất; dự án nghiên cứu, điều tra, thăm dò địa chất và khoáng sản, khảo sát địa chất công trình đã thực hiện xong trên địa bàn mà không có nhu cầu sử dụng, hư hỏng... Ngoài ra, các địa phương cũng cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát các hoạt động khoan, đào, thí nghiệm trong thăm dò địa chất, khai thác khoáng sản, xử lý nền móng công trình, xây dựng công trình ngầm, tháo khô mỏ theo quy định, nhằm sớm phát hiện, xử lý, khắc phục kịp thời các sự cố, không để ảnh hưởng tới nhân dân.
PV
Bình luận