Hotline: 0941068156
Thứ ba, 15/04/2025 11:04
Thứ năm, 10/04/2025 06:04
TMO - Nguồn nước có vai trò quan trọng trong đời sống, sinh hoạt, sản xuất của người dân Bắc Giang. Để bảo vệ nguồn nước mặt, ngăn chặn kịp thời các nguy cơ gây ô nhiễm, nhiều giải pháp được các cấp ngành địa phương quyết liệt triển khai, góp phần nâng cao công tác quản lý tài nguyên nước.
Hiện nay, công tác giám sát, bảo vệ tài nguyên nước trên địa bàn Bắc Giang luôn được tỉnh quan tâm, chỉ đạo chặt chẽ, quyết liệt. Tỉnh đề ra nhiều giải pháp thực hiện như ngăn chặn, hạn chế, phòng ngừa các vấn đề ô nhiễm nguồn nước mặt; khoanh định, công bố vùng hạn chế khai thác nước dưới đất; áp dụng các biện pháp quản lý, giảm thiểu và hạn chế việc khai thác nước dưới đất;...
Bắc Giang có 3 con sông lớn có lưu lượng nước quanh năm là sông Cầu, sông Lục Nam và sông Thương, với tổng chiều dài gần 350 km. Ngoài sông suối, trên địa bàn tỉnh còn có hơn 270 hồ, đập chứa nước với tổng dung tích khoảng 382 triệu m3. Các hồ, đập chứa nước có nhiệm vụ cấp nước phục vụ sản xuất nông nghiệp; trong đó có hồ Cấm Sơn và hồ Khe Đặng có nhiệm vụ kết hợp cấp nước sinh hoạt; riêng hồ Cấm Sơn còn kết hợp phát điện. Tuy nhiên, theo đánh giá của Sở Nông nghiệp và Môi trường, ao, hồ, sông, suối là nơi tiếp nhận nước thải các khu dân cư tập trung, khu đô thị, từ hoạt động chăn nuôi, làng nghề, sản xuất nông nghiệp,... hàm lượng ô nhiễm hữu cơ, ô nhiễm kim loại đang có dấu hiệu tăng.
Vì vậy cần có những biện pháp kiểm soát và cải thiện chất lượng nguồn nước tại các khu vực này. Bên cạnh đó, các huyện miền núi, vùng cao chính là thượng nguồn của các sông, suối, hồ, mặc dù có mật độ dân cư thấp nhưng điều kiện cơ sở hạ tầng của khu vực này còn nhiều hạn chế, hệ thống thu gom nước thải sinh hoạt, nước mưa chảy tràn chưa đồng bộ, thu gom rác thải sinh hoạt không thường xuyên.
Đáng nói, đây chính là các khu vực có hoạt động sản xuất nông nghiệp như chăn nuôi, trồng trọt phát triển mạnh càng làm tăng nguy cơ ô nhiễm nguồn nước mặt. Tại huyện Đình Lập (tỉnh Lạng Sơn) và huyện Sơn Động là đầu nguồn sông Lục Nam song với việc tồn tại một số nhà máy sản xuất, trang trại chăn nuôi lớn xả thải ra sông, suối đã làm tăng nguy cơ ô nhiễm nguồn nước. Thực tế một số doanh nghiệp có trang trại chăn nuôi trên địa bàn hai địa phương kể trên đã từng bị cơ quan chức năng xử lý do vi phạm các quy định về môi trường. Cùng với đó hồ Cấm Sơn (Lục Ngạn) là công trình đại thủy nông, ngoài cung cấp nước cho sản xuất còn có vai trò đặc biệt quan trọng là cấp nước sinh hoạt cho hơn 32 nghìn hộ dân trên địa bàn huyện Lạng Giang và thành phố Bắc Giang.
Theo nhận định của cơ quan chức năng, trên hồ có các đảo là vùng trồng nhiều loại cây ăn quả, trong quá trình canh tác người dân sử dụng một số loại phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, dư lượng của chúng có thể tác động tiêu cực tới nguồn nước. Cùng đó, hoạt động du lịch tại đây tuy chưa quá nhộn nhịp nhưng cũng sẽ xả thải ra môi trường và trực tiếp ảnh hưởng tới chất lượng nước hồ. Lãnh đạo UBND xã Sơn Hải (Lục Ngạn) thông tin, trên địa bàn thôn Cai Lé, xã Kiên Thành (thị xã Chũ) hiện có nhà máy xử lý rác thải với khối lượng lớn, mỗi khi trời mưa nước thải rò rỉ qua suối rồi chảy về lòng hồ, làm tăng nguy cơ ô nhiễm môi trường nước hồ, việc này khiến chính quyền xã và Nhân dân hết sức lo ngại.
Sông Thương qua địa phận Thành phố Bắc Giang.
Qua kết quả quan trắc năm 2024 của cơ quan chức năng, nước hồ Cấm Sơn bị ô nhiễm bởi thông số mangan vượt tiêu chuẩn 1,81 lần. Trên sông Thương, theo đại diện Công ty cổ phần Nước sạch Bắc Giang, hoạt động sản xuất nông nghiệp có sử dụng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật, cũng như hoạt động của tàu, thuyền đậu đỗ trên sông gần khu vực khai thác nước của đơn vị có thể ảnh hưởng đến chất lượng nước.
Đặc biệt, đoạn sông qua thành phố Bắc Giang có một số khu vực xuất hiện hoạt động xả thải từ sản xuất công nghiệp, mặc dù vị trí xả thải nằm phía dưới khu vực khai thác nước của nhà máy nhưng vẫn tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn nguồn nước khi dòng chảy ngược. Để khắc phục, Công ty thường xuyên cử người giám sát các hoạt động trong vùng bảo hộ lấy nước sinh hoạt của công trình, mỗi khi có hiện tượng xả thải gây nguy cơ ô nhiễm sẽ dừng khai thác nước. Trên địa phận tỉnh có 3 sông lớn và hàng trăm suối, hồ chứa thủy lợi.
Nguồn nước mặt được khai thác chủ yếu phục vụ sản xuất nông nghiệp, một phần tạo nguồn cho công trình cấp nước sinh hoạt, công nghiệp, nuôi thủy sản. Theo kết quả quan trắc năm 2024 của Sở Nông nghiệp và Môi trường đối với nước mặt sông Thương, sông Cầu, sông Lục Nam (đều sử dụng một phần cho mục đích cấp nước sinh hoạt), tại 38 vị trí qua 4 đợt quan trắc cho thấy bị ô nhiễm bởi các thông số: Nitrit, Amoni, sắt, mangan, đồng, cadimi với mức ô nhiễm vượt tiêu chuẩn cho phép từ 1,01 - 65,2 lần, mức ô nhiễm cao hơn so với năm 2023. Theo đại diện Sở Nông nghiệp và Môi trường, nồng độ các chất trong nguồn nước mặt trên địa bàn tỉnh đang có dấu hiệu lớn dần theo thời gian và một số chỉ tiêu đã vượt quy chuẩn cho phép.
Đặc biệt, trên đoạn sông Thương qua thành phố Bắc Giang, sông Cầu địa phận huyện Hiệp Hòa, sông Lục Nam địa phận thị trấn Đồi Ngô, huyện Lục Nam tiếp nhận lượng nước thải dân cư, khu công nghiệp lớn nên nồng độ các chỉ tiêu đều cao hơn rất nhiều so với các khu vực khác. Chất lượng nước xấu nhất nằm trên 2 lưu vực sông lớn của tỉnh là sông Cầu và sông Thương. Thời gian tới, Sở Nông nghiệp và Môi trường sẽ tăng cường phối hợp với cơ quan liên quan kiểm tra cơ sở hoạt động gây ô nhiễm môi trường nước mặt, kiên quyết xử lý nghiêm các vi phạm.
Tỉnh Bắc Giang tích cực bảo vệ nguồn nước để phục vụ nhu cầu sản xuất, sinh hoạt.
Đồng thời đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải sinh hoạt tập trung của các khu đô thị và khu, cụm công nghiệp. Cùng đó, thực hiện cắm mốc hành lang bảo vệ nguồn nước theo quy định, xây dựng mạng quan trắc giám sát việc khai thác, sử dụng tài nguyên nước nhằm phát hiện sớm các vi phạm. Để bảo vệ nguồn nước và giảm những tác động tiêu cực, thời gian tới Sở sẽ tăng cường phối hợp với cơ quan liên quan kiểm tra cơ sở hoạt động gây ô nhiễm môi trường nước mặt trên địa bàn, kiên quyết xử lý nghiêm các vi phạm. Chú trọng bảo vệ nguồn sinh thủy bằng cách duy trì, phát triển diện tích rừng đầu nguồn, rừng phòng hộ…
Để bảo vệ hiệu quả nguồn tài nguyên nước, tránh gây ô nhiễm nguồn nước, UBND tỉnh Bắc Giang ban hành Quyết định số 1455/QĐ-UBND ngày 28/12/2023 về danh mục nguồn nước phải lập hành lang bảo vệ trên địa bàn tỉnh Bắc Giang.
Theo đó, Danh mục nguồn nước phải lập hành lang bảo vệ trên địa bàn tỉnh Bắc Giang, gồm: 17 nguồn nước mặt là sông, suối, ngòi; 39 nguồn nước là hồ chứa thủy lợi thuộc quản lý của các Công ty TNHH một thành viên khai thác công trình thủy lợi; 128 nguồn nước là hồ chứa thủy lợi, ao, hồ trong khu dân cư thuộc quản lý của UBND các huyện.
UBND tỉnh Bắc Giang yêu cầu Sở Nông nghiệp và Môi trường có trách nhiệm chỉ đạo các đơn vị khai thác, bảo vệ công trình thủy lợi cắm mốc, quản lý hành lang bảo vệ nguồn nước đối với các hồ chứa thủy lợi thuộc phạm vi quản lý theo quy định của Nghị định số 43/2015/NĐ-CP ngày 06/5/2015 của Chính phủ và pháp luật về khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi. Trước ngày 15/12 hàng năm, tổng hợp, báo cáo kết quả cắm mốc hành lang bảo vệ công trình thủy lợi gửi về Sở Tài nguyên và Môi trường để tổng hợp báo cáo UBND tỉnh.
Các Sở, ban ngành, các cấp khác khác có liên quan theo chức năng triển khai, thực hiện nhiệm vụ và lĩnh vực quản lý của mình phối hợp với Sở Nônng nghiệp và Môi trường cung cấp các thông tin liên quan đến các hoạt động trong hành lang bảo vệ nguồn nước để tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh…/.
Ngọc Thanh
Bình luận