Hotline: 0941068156
Thứ hai, 20/01/2025 20:01
Thứ tư, 12/04/2023 04:04
TMO - Tỉnh Thanh Hóa đẩy mạnh các giải pháp nhằm tăng cường quản lý nhà nước về khoáng sản làm vật liệu xây dựng (VLXD) trên địa bàn tỉnh, đáp ứng yêu cầu phát triển của ngành VLXD, phục vụ triển khai xây dựng các công trình, dự án, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Toàn tỉnh hiện có 233 mỏ đất làm VLXD thông thường, với diện tích 2.469 ha, trữ lượng khoảng 235 triệu m3; 187 mỏ đá làm VLXD thông thường, với diện tích 3.976 ha, trữ lượng khoảng 652 triệu m3; 13 mỏ khoáng sản phân tán nhỏ lẻ, với diện tích 146 ha, trữ lượng khoảng 649.351 tấn; 124 điểm mỏ, mỏ cát làm VLXD, với diện tích 571 ha, trữ lượng khoảng 18 triệu m3.
Các mỏ khoáng sản trên đã được UBND tỉnh tích hợp vào Phương án bảo vệ, thăm dò, khai thác và sử dụng khoáng sản trong Quy hoạch tỉnh Thanh Hóa thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045, trình Thủ tướng Chính phủ; đồng thời, đang tiếp tục rà soát để xem xét đề nghị bổ sung vào Quy hoạch khoáng sản của Trung ương và địa phương đối với 05 mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng (01 mỏ đất, 03 mỏ cát, 01 mỏ đá làm nguyên liệu sản xuất xi măng).
Nhu cầu khai thác khoáng sản làm VLXD thông thường trên địa bàn tỉnh tăng cao, đòi hỏi công tác kiểm soát, quản lý cần được siết chặt.
UBND tỉnh đã phê duyệt một số quy hoạch thăm dò, khai thác và sử dụng khoáng sản làm VLXD trên địa bàn tỉnh, như: Quy hoạch thăm dò, khai thác khoáng sản đá làm VLXD thông thường tỉnh Thanh Hóa đến năm 2020, định hướng đến năm 2030; Quy hoạch thăm dò, khai thác khoáng sản đất sét làm gạch, ngói nung tuynel tỉnh Thanh Hóa đến năm 2025; Quy hoạch các mỏ đất làm vật liệu đắp đê tỉnh Thanh Hóa đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; Quy hoạch thăm dò, khai thác và sử dụng khoáng sản cát, sỏi làm VLXD tỉnh Thanh Hóa đến năm 2025 tầm nhìn đến năm 2030...
Đồng thời, phê duyệt một số quy hoạch phát triển VLXD, như: Quy hoạch phát triển VLXD tỉnh Thanh Hóa đến năm 2025, định hướng đến năm 2035 đối với 07 nhóm vật liệu xây dựng (vật liệu xây, vật liệu lợp, đá xây dựng, cát xây dựng, bê tông, tấm thạch cao, vôi công nghiệp); Đề án phát triển VLXD tỉnh Thanh Hóa thời kỳ 2021-2030, định hướng đến năm 2045 đối với 14 nhóm VLXD (xi măng; gạch gốm ốp lát; đá ốp lát; sứ vệ sinh; kính xây dựng; gạch đất sét nung; vật liệu xây không nung; vật liệu lợp; đá xây dựng; cát, sỏi xây dựng; vật liệu san lấp; bê tông; vôi công nghiệp; các loại vật liệu hữu cơ, vật liệu thay thế, vật liệu đặc biệt cho khu vực biển và hải đảo...).
Theo dự báo đến năm 2025, nhu cầu sử dụng VLXD trên địa bàn tỉnh: Đất làm vật liệu san lấp khoảng 178 triệu m3; đá làm VLXD khoảng 34,75 triệu m3; cát làm VLXD khoảng 21,87 triệu m3. Về cơ bản, các mỏ khoáng sản đã quy hoạch đáp ứng nhu cầu VLXD. Tuy nhiên, trữ lượng khai thác của các mỏ khoáng sản đã cấp phép chưa đáp ứng đủ nhu cầu VLXD cho các công trình, dự án trên địa bàn tỉnh, cụ thể: đất san lấp thiếu khoảng 165 triệu m3; đá xây dựng thiếu khoảng 2 triệu m3; cát xây dựng thiếu khoảng 16 triệu m3.
Nhằm đảm bảo nguồn VLXD phục vụ thi công các công trình, dự án trên địa bàn tỉnh, UBND tỉnh giao Sở Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với các sở, ngành chức năng, đơn vị liên quan và UBND các huyện, thị xã, thành phố rà soát, xác định và dự báo nhu cầu sử dụng VLXD thông thường (đất, đá, cát…) đối với các dự án đang thi công, sẽ triển khai trong giai đoạn 2023 - 2025 và các năm tiếp theo, để tham mưu bổ sung quy hoạch các mỏ khoáng sản làm VLXD thông thường.
Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan khẩn trương rà soát, cung cấp thông tin về các mỏ VLXD thông thường đã cấp phép (đất, đá, cát…) trên địa bàn tỉnh (trữ lượng, công suất, địa bàn); đề xuất nâng công suất đối với các mỏ đang hoạt động khai thác và đề nghị đưa các mỏ mới có trong quy hoạch vào khu vực không đấu giá để cấp phép khai thác (nếu đảm bảo các điều kiện); đồng thời, đẩy nhanh tiến độ tổ chức đấu giá các khu vực mỏ khoáng sản đã được phê duyệt kế hoạch đấu giá thuộc thẩm quyền cấp phép của UBND tỉnh...
Năm 2023, địa phương này đồng thời triển khai hiệu quả kế hoạch đấu giá quyền khai thác khoáng sản cũng như thực hiện việc đóng cửa các mỏ đã hết thời hạn khai thác. Ảnh: BTH.
Trong năm 2023, tỉnh Thanh Hóa sẽ triển khai kế hoạch đấu giá các mỏ khoáng sản, trong đó đấu giá quyền khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường đối với mỏ đất sét đồi làm vật liệu san lấp và làm gạch tuynel tại xã Thọ Tiến, huyện Triệu Sơn. Mỏ này có diện tích khoảng 2,94ha, trữ lượng đánh giá đất làm vật liệu san lấp là 156.103m3; đất sét làm gạch tuynel là 150.349m3.
Thực hiện đấu giá quyền khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường đối với mỏ đất làm vật liệu san lấp và đá ong phong hóa không chứa kim loại tự sinh hoặc khoáng vật kim loại tại xã Tượng Sơn, huyện Nông Cống. Mỏ này có diện tích khoảng 9,7ha; trữ lượng đánh giá đất san lấp khoảng 1,7 triệu m3, đá ong phong hóa không chứa kim loại tự sinh hoặc khoáng vật kim loại khoảng 158.621m3, tương đương 300.702 tấn.
Trung tâm dịch vụ đấu giá tài sản Thanh Hóa đã tổ chức công bố đấu giá quyền khai thác 10 mỏ khoáng sản trên địa bàn. 10 mỏ khoáng sản đã Trung tâm Dịch vụ đấu giá tài sản Thanh Hóa tổ chức đấu giá quyền khai thác thành công, gồm: 1 mỏ đá vôi tại xã Cẩm Vân, huyện Cẩm Thủy (diện tích mỏ 8,2 ha); 1 mỏ đá vôi tại xã Thiệu Thành, huyện Thiệu Hóa (diện tích mỏ 2,2 ha); 1 mỏ đá bazan tại xã Vĩnh Thịnh, huyện Vĩnh Lộc (diện tích mỏ 36,1 ha); 1 mỏ đá bazan tại xã Hà Tiến, huyện Hà Trung (diện tích mỏ 9,8 ha); 1 mỏ đá bazan tại xã Vĩnh Thịnh, huyện Vĩnh Lộc (diện tích mỏ 15 ha). Bên cạnh đó, 4 mỏ đất san lấp gồm 2 mỏ tại xã Hà Sơn, huyện Hà Trung (diện tích mỗi mỏ là 2,5 ha); 1 mỏ tại xã Hà Long, huyện Hà Trung (diện tích mỏ 1,91 ha); 1 mỏ tại xã Vĩnh Hòa, huyện Vĩnh Lộc (diện tích mỏ 8,0 ha) và duy nhất 1 mỏ cát tại xã Cẩm Ngọc, huyện Cẩm Thủy (diện tích mỏ 21,6 ha).
Thời gian qua giá vật liệu xây dựng, cát, đất đắp nền trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá có nhiều biến động lớn, nguồn cung khan hiếm khiến các dự án có nguy cơ chậm tiến độ. UBND tỉnh Thanh Hoá phê duyệt kế hoạch đấu giá quyền khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường góp phần đảm bảo nguồn vật liệu san lấp cho các dự án.
UBND tỉnh Thanh Hóa giao Sở Tài nguyên và Môi trường căn cứ quy định của pháp luật và tình hình thực tế, hoàn thiện thủ tục thu hồi giấy phép khai thác khoáng sản và đóng cửa mỏ theo quy định; hướng dẫn, đôn đốc các chủ mỏ lập hồ sơ đóng cửa mỏ đối với các mỏ mà quá trình khai thác để lại các vách, moong, hố nham nhở; quá thời hạn trên nếu doanh nghiệp nào không thực hiện, báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh xem xét, xử lý theo quy định.
Đồng thời, giao UBND các huyện, thị xã, thành phố nêu trên tăng cường công tác quản lý nhà nước về tài nguyên khoáng sản trên địa bàn, bảo vệ khoáng sản chưa khai thác theo quy định, tuyệt đối không để xảy ra tình trạng khai thác khoáng sản trái phép trong quá trình thực hiện các thủ tục thu hồi, đóng cửa các mỏ khoáng sản đã hết hạn khai thác nêu trên, đảm bảo theo đúng quy định hiện hành của pháp luật.
UBND tỉnh Thanh Hóa vừa thống nhất chủ trương đóng cửa mỏ, thu hồi giấy phép và cải tạo môi trường đối với các mỏ đã hết thời hạn khai thác. Theo đó, tỉnh Thanh Hoá thu hồi giấy phép khai thác khoáng sản, đóng cửa mỏ đối với 04 mỏ có giấy phép khai thác hết hạn đã cấp cho các công ty. Cùng với đó, thu hồi giấy phép khai thác khoáng sản và đóng cửa mỏ đối với 15 mỏ khoáng sản có giấy phép khai thác hết hạn, khu vực mỏ đã trở về trạng thái an toàn, các chủ mỏ không phải cải tạo, phục hồi môi trường. Huyện Cẩm Thủy 04 mỏ (03 mỏ đất, 1 mỏ đá vôi); Ngọc Lặc 02 mỏ (01 mỏ đá, 01 mỏ cát); Thị Xã Nghĩ Sơn 02 mỏ (đất san lấp); Như Thanh 01 mỏ (mỏ đất); Quan Hóa 01 mỏ (mỏ cát); huyện Bá Thước 01 mỏ (đất san lấp); Quan Sơn 01 mỏ (mỏ cát); Đông Sơn 01 mỏ (đất); Lang Chánh 01 mỏ (cát); TP. Thanh Hóa 01 mỏ (cát).
Ngoài ra, Thanh Hóa thực hiện lập hồ sơ đóng cửa mỏ đối với 07 mỏ khoáng sản trong quá trình khai thác để lại các vách, moong, hố nham nhở. Yêu cầu các chủ mỏ khẩn trương lập hồ sơ đóng cửa mỏ, phục hồi môi trường, nộp về Trung tâm phục vụ Hành chính công tỉnh trước ngày 30/5/2023.
Hoàng Bình
Bình luận