Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 19/01/2025 09:01
Chủ nhật, 25/09/2022 04:09
TMO - Với mức độ đa dạng sinh học phong phú tại các đầm phá ven biển, thời gian qua tỉnh Bình Định đang triển khai đồng bộ nhiều giải pháp đảm bảo khai thác, sử dụng hợp lý gắn với bảo tồn hệ sinh thái tại các khu vực này.
Tỉnh Bình Định có bờ biển dài 134 km với nhiều hệ sinh thái đặc trưng như thảm cỏ biển, rừng ngập mặn, rạn san hô….Trong đó, đầm Thị Nại. Đề Gi là vùng đất ngập nước có tính đa dạng sinh học cao với nhiều loài thủy sinh, chim nước có tính điển hình.
Kết quả dự án “Điều tra, thống kê định kỳ các hệ sinh thái, các loài động vật, thực vật đặc hữu, có giá trị khoa học, kinh tế hoặc đang có nguy cơ tuyệt chủng tại đầm Thị Nại, đầm Trà Ổ”, ghi nhận tại đầm Thị Nại (huyện Tuy Phước, Phù Cát) có 141 loài thực vật, 11 loài chim, 7 loài thú, 5 loài bò sát, 101 loài cá và 187 loài động vật không xương sống. Về các loài có giá trị kinh tế, đã xác định ở đầm Thị Nại có 211 loài. Căn cứ theo Sách đỏ Việt Nam năm 2007, đầm Thị Nại có 1 loài nguy cấp, 10 loài sẽ nguy cấp và 1 loài ít bị đe dọa.
Đầm Thị Nại là một trong những khu vực có hệ sinh thái với đa dạng sinh học phong phú nhất trên địa bàn tỉnh Bình Định
Đầm Đề Gi (huyện Phù Cát, Phù Mỹ) là một trong ba đầm phá lớn ở Bình Định có mức độ đa dạng sinh học phong phú, thực hiện Dự án “Điều tra, thống kê định kỳ các hệ sinh thái, các loại động vật, thực vật đặc hữu có giá trị khoa học, kinh tế đang có nguy cơ tuyệt chủng tại đầm Đề Gi”, Sở TN&MT ban đầu xác định tại đầm Đề Gi hiện không có loài đặc hữu nào, nhưng lại có 7 loài động vật quý hiếm nằm trong Sách Đỏ Việt Nam; 3 loài trong Sách Đỏ Liên minh Bảo tồn thiên nhiên quốc tế; 1 loài sẽ nguy cấp, 2 loài ít quan tâm; 58 loài động, thực vật có giá trị kinh tế; 14 loài sinh vật ngoại lai…
Thực hiện Quy hoạch Bảo tồn đa dạng sinh học tỉnh Bình Định đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, trong năm 2022, Sở TN&MT tiến hành lập dự án thành lập Khu dự trữ thiên nhiên đầm Thị Nại, tạo cơ sở pháp lý trình UBND tỉnh thành lập Khu dự trữ thiên nhiên đầm Thị Nại với mục tiêu bảo tồn hệ sinh thái và các loài động vật quý hiếm tại đầm Thị Nại - một hệ sinh thái đất ngập nước ven biển quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến hệ sinh thái biển.
Ngoài ra, địa phương tiếp tục công tác điều tra, đánh giá hệ sinh thái đầm Đề Gi, qua đó phân tích, đánh giá các tác động ảnh hưởng trực tiếp đến hệ sinh thái đất ngập nước ven biển nhằm xây dựng kế hoạch quản lý, bảo tồn phù hợp nhất cho địa phương.
Đặc thù địa lý và sự đa dạng tự nhiên của núi - rừng - đầm - biển như vùng đầm Đề Gi là nguồn tài nguyên quý giá, tỉnh Bình Định nên cho khảo sát dữ liệu về các loài chim di cư theo mùa, các chỉ số lý hóa, sinh học, giám sát chất lượng môi trường; lập bản đồ hệ sinh thái để chính quyền địa phương quản lý, bảo tồn đa dạng sinh học tại đầm Đề Gi…
Theo báo cáo của Trung tâm Khuyến nông tỉnh Bình Định, diện tích rừng ngập mặn trên địa bàn tỉnh (tính đến 12/2021) là 88,11 ha. Khu vực trồng rừng ngập mặn tập trung ở vùng bãi triều ven đầm Thị Nại (thuộc các xã Phước Hòa, Phước Sơn, Phước Thuận của huyện Tuy Phước; phường Nhơn Bình thuộc thành phố Quy Nhơn) và đầm Đề Gi (thuộc xã Mỹ Chánh của huyện Phù Mỹ và xã Cát Khánh thuộc huyện Phù Cát).
Hiện nay diện tích rừng trồng phát huy chức năng phòng hộ bảo vệ môi trường, chống xói lở và cố định các bãi bồi ven đầm, góp phần đa dạng sinh học.
UBND tỉnh Bình Định xác định, hệ sinh thái rừng ngập mặn có vai trò rất quan trọng trong việc ổn định môi trường sinh thái, tạo cảnh quan, ứng phó với tác động cực đoan của biến đổi khí hậu và bảo đảm cho đa dạng sinh học cao. Vì thế, công tác bảo vệ, phát triển diện tích rừng ngập mặn tại 2 đầm phá trên được tỉnh chú trọng triển khai
Theo Kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng ngập mặn giai đoạn 2021 - 2025, Sở NN&PTNT giao Trung tâm Khuyến nông tỉnh tổ chức trồng mới thêm 10 ha rừng ngập mặn ở các khu vực còn trống, các bờ bao…; phối hợp với các hộ dân được giao khoán bảo vệ rừng thực hiện chăm sóc, bảo vệ rừng. Đồng thời, Trung tâm Khuyến nông tỉnh phối hợp với các trung tâm dịch vụ nông nghiệp ở các địa phương có rừng ngập mặn triển khai một số mô hình nuôi trồng thủy sản tổng hợp kết hợp với bảo vệ rừng ngập mặn.
Ngoài ra, tổng diện tích giao khoán bảo vệ 55,41 ha, trong đó tiếp tục khoán bảo vệ đối với diện tích 42,77 ha rừng hiện có và 12,64 ha rừng trồng tạo mới trong giai đoạn 2016-2020. Phát triển rừng trồng mới rừng ngập mặn giai đoạn 2021-2025 là 10,0 ha, thực hiện chăm sóc rừng 38,8 lượt ha.
Bên cạnh việc quản lý, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản, không để xảy ra hiện tượng đánh bắt quá mức, ngăn chặn đánh bắt cá bằng chất nổ, xung điện…, các đơn vị của tỉnh tiếp tục phối hợp triển khai có hiệu quả công tác bảo vệ, phục hồi và phát triển diện tích rừng ngập mặn và rừng phòng hộ ven biển nhằm bảo vệ hệ sinh thái tại các khu vực này.
Minh An
Bình luận