Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 19/01/2025 09:01
Thứ sáu, 16/06/2023 07:06
TMO - Việc triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm quản lý, bảo vệ hệ sinh thái biển và đất ngập nước ở nước ta giữ vai trò quan trọng trong bảo tồn tính toàn vẹn của đa dạng sinh học. Trong đó, việc nghiên cứu thúc đẩy cơ chế chi trả dịch vụ hệ sinh thái biển và đất ngập nước được đánh giá là giải pháp quan trọng.
Vùng biển Việt Nam có khoảng 20 hệ sinh thái điển hình, phân bố trên 1 triệu km2 diện tích ở Biển Đông, với 155.000 ha rừng ngập mặn, khoảng 1.300 km2 rạn san hô, gần 500 km2 đầm phá và khoảng 16.000 ha cỏ biển, nhiều khu vực bãi triều và cửa sông, với chừng 11.000 loài sinh vật cư trú, trong đó có xấp xỉ 6.000 loài động vật đáy; 2.038 loài cá (có hơn 100 loài cá kinh tế); 653 loài rong biển; 657 loài động vật phù du; 537 loài thực vật phù du; 94 loài thực vật ngập mặn; 225 loài tôm biển; 14 loài cỏ biển; 15 loài rắn biển; 12 loài thú biển; 5 loài rùa biển và 43 loài chim nước... Theo ước tính, mỗi năm, khoản lợi nhuận thu được từ các hệ sinh thái biển và ven biển của Việt Nam từ 60 - 80 triệu USD, tức là khoảng 56 - 100 USD/năm/gia đình cư dân sống ở các huyện ven biển.
Với diện tích khoảng 12 triệu ha, các vùng đất ngập nước ở nước ta chiếm khoảng 37% tổng diện tích đất tự nhiên của cả nước. Các hệ sinh thái đất ngập nước tự nhiên quan trọng như các hồ, đầm, rừng ngập mặn, vùng đất ngập nước ven biển rất có giá trị về đa dạng sinh học. Ước tính có khoảng 1.028 loài cá, 848 loài chim, 800 loài động vật không xương sống ở hệ sinh thái nước ngọt. Có trên 11.000 loài sống ở hệ sinh thái đất ngập nước biển, ven biển với 6.300 loài sinh vật đáy, 2.500 loài cá, 653 loài rong biển, trên 300 loài san hô, 94 loài cây ngập mặn, 15 loài rắn biển và 25 loài động vật biển có vú tại các vùng đất ngập nước tại Việt Nam.
Các vùng này góp phần quan trọng giúp cân bằng sinh thái, là không gian sinh tồn của hàng nghìn loài sinh vật; đồng thời là nguồn sống của hàng triệu người dân. Nhận thức được tầm quan trọng nêu trên, công tác bảo tồn và phát triển bền vững các vùng đất ngập nước giàu tài nguyên và đa dạng sinh học của Việt Nam luôn được Đảng, Nhà nước ta xác định là một trong những mục tiêu phát triển bền vững của đất nước.
Đa dạng sinh học tại các hệ sinh thái biển, vùng đất ngập nước thúc đẩy Việt Nam triển khai đồng bộ các giải pháp bảo tồn.
Theo đánh giá của các chuyên gia, chi trả dịch vụ hệ sinh thái (PES) đã được công nhận rộng rãi như một công cụ chính sách thành công để quản lý tài nguyên thiên nhiên ở hơn 60 quốc gia. Các chương trình này đã được áp dụng cho các dịch vụ hệ sinh thái khác nhau trên phạm vi quốc tế, bao gồm bảo tồn đa dạng sinh học, dịch vụ lưu vực sông, hấp thụ các-bon và vẻ đẹp cảnh quan. Tổng số tiền chi trả hàng năm của các chương trình PES trên toàn thế giới trên 36 tỷ USD.
Tại Việt Nam, chi trả dịch vụ môi trường rừng đã được triển khai thành công trong hơn một thập kỷ qua, góp phần tăng nguồn lực tài chính cho bảo vệ và phát triển rừng. Những bài học kinh nghiệm từ việc chi trả dịch vụ môi trường rừng là cơ sở để nhân rộng cơ chế tương tự cho các hệ sinh thái khác, trong đó có môi trường biển và đất ngập nước.
Một số địa phương đã áp dụng PES trong thực tiễn bao gồm thu phí dịch vụ tham quan đối với các khu vực biển và vùng đất ngập nước được bảo vệ, như tại vịnh Hạ Long, Vườn quốc gia Cát Bà, khu bảo tồn biển Cù Lao Cham; mô hình đồng quản lý nguồn lợi thủy sản, hay phát triển các phương pháp nuôi trồng thủy sản thân thiện với môi trường ở một số vùng ven biển với sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế và các ngành liên quan. Nghiên cứu mới nhất từ Viện Khoa học lâm nghiệp Việt Nam cho thấy sự thành công của các chương trình PES phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau, và có thể không phải lúc nào cũng tối ưu hóa chi phí.
Mặc dù Việt Nam đã triển khai các sáng kiến giống PES như thu phí dịch vụ tham quan đối với các khu vực biển và vùng đất ngập nước được bảo vệ, mô hình đồng quản lý nguồn lợi thủy sản, hay phát triển các phương pháp nuôi trồng thủy sản thân thiện với môi trường ở một số vùng ven biển với sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế và các ngành liên quan, nhưng hiện tại vẫn chưa có chi trả toàn diện cho dịch vụ hệ sinh thái biển và đất ngập nước.
Theo đánh giá của các chuyên gia, các chương trình này hoạt động tốt nhất khi các dịch vụ được xác định rõ ràng, và những người thụ hưởng được tổ chức tốt. Cùng với đó, các cộng đồng quản lý đất đai và tài nguyên có quyền sở hữu rõ ràng và khung pháp lý vững chắc. Các hệ thống PES chủ yếu tập trung vào các dịch vụ hệ sinh thái/môi trường có giá trị cao đối với người hưởng lợi, và chi phí cung cấp dịch vụ thấp. Các dịch vụ đầu nguồn, dịch vụ môi trường rừng, bảo tồn đa dạng sinh học, hấp thụ carbon và vẻ đẹp cảnh quan là những mục tiêu chính của các chương trình PES trên toàn cầu.
Tuy nhiên, tại Việt Nam, hiện chưa có quy định chi trả đối với nhiều dịch vụ hệ sinh thái biển và đất ngập nước như cung ứng thực phẩm, nguồn lợi thủy sản; giảm nhẹ tác động của thiên tai; làm sạch không khí, làm sạch nước; hỗ trợ giao thông, vận tải…Cùng với đó, các cá nhân, hộ gia đình sử dụng dịch vụ thường có quy mô nhỏ lẻ, không đăng ký, không khai báo với chính quyền; cũng như chưa có quy định xử phạt với việc không hoặc chậm thực hiện chi trả dịch vụ.
Theo đó, các chuyên gia khuyến nghị Việt Nam cần xây dựng tiêu chí và phương pháp đánh giá dịch vụ hệ sinh thái biển và đất ngập nước quốc gia, hỗ trợ đánh giá và đánh giá dịch vụ hệ sinh thái ở cấp cơ sở, và lập bản đồ hiện trạng dịch vụ hệ sinh thái biển và đất ngập nước ở Việt Nam. Cùng với đó, xây dựng hướng dẫn cho cấp tỉnh và cấp cơ sở đề án cơ chế chi trả, thí điểm chi trả dịch vụ hệ sinh thái đối với hệ sinh thái biển và đất ngập nước, hoàn thiện chính sách, quy định về chi trả dịch vụ hệ sinh thái tự nhiên, trọng tâm là hệ sinh thái biển và đất ngập nước.
Việc nghiên cứu thúc đẩy cơ chế chi trả dịch vụ hệ sinh thái biển và đất ngập nước được đánh giá là giải pháp quan trọng trong nhiệm vụ bảo tồn các hệ sinh thái trên. Ảnh: HN.
Bảo vệ đa dạng sinh học, tính toàn vẹn của hệ sinh thái biển cũng như các vùng đất ngập nước, các Bộ, ngành chức năng, các địa phương đã triển khai đồng bộ các giải pháp. Theo đó, để thực sự đưa Việt Nam trở thành quốc gia biển mạnh, phát triển bền vững, thịnh vượng, an ninh, an toàn như Nghị quyết Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22/10/2018) đã nêu, việc ngăn chặn xu thế ô nhiễm, suy thoái môi trường biển và phục hồi hệ sinh thái biển đã được xác định là một trong những nhiệm vụ cấp bách trong thời gian tới.
Theo đó, cần kiểm soát hiệu quả bảo tồn các hệ sinh thái biển trước tác động của các nguồn gây ô nhiễm môi trường bằng biện pháp áp dụng các công cụ kinh tế và chính sách trong quản lý môi trường biển, như: lệ phí ô nhiễm, lệ phí xả thải, phí sử dụng biển, phí sản phẩm, lệ phí hành chính thuế, cấp phép và thu hồi Giấy phép khai thác, sử dụng biển, đảo, các quỹ môi trường biển và các khoản trợ cấp khác…
Cần có sự liên kết phối hợp liên tỉnh, liên vùng và liên ngành chặt chẽ, hiệu quả trong việc kiểm soát các hoạt động khai thác và làm suy kiệt hệ sinh thái biển, kiểm soát các nguồn trực tiếp gây ô nhiễm, suy thoái môi trường vùng biển ven bờ, đặc biệt là nguồn thải từ các khu đô thị, khu công nghiệp, khu chế xuất, cơ sở nuôi trồng, chế biến thủy sản, hoạt động thương mại, dịch vụ… dọc theo bờ biển, trên các đảo, cụm đảo; bảo đảm nước thải phải được xử lý đạt quy chuẩn kỹ thuật trước khi xả ra biển.
Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quyết định số 1975/QĐ-TTg ban hành Kế hoạch hành động quốc gia về bảo tồn và sử dụng bền vững các vùng đất ngập nước giai đoạn 2021-2030 với mục tiêu bảo tồn, sử dụng bền vững đa dạng sinh học và dịch vụ hệ sinh thái của các vùng đất ngập nước, góp phần phát triển bền vững kinh tế-xã hội, ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường, bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học và thực hiện các nghĩa vụ của quốc gia thành viên Công ước về các vùng đất ngập nước có tầm quan trọng quốc tế.
Đến năm 2025, Việt Nam hoàn thành việc điều tra, thống kê, kiểm kê diện tích các vùng đất ngập nước trên phạm vi toàn quốc; xác lập được các vùng đất ngập nước quan trọng, các vùng đất ngập nước quan trọng có dấu hiệu bị suy thoái và xây dựng được cơ sở dữ liệu về các vùng đất ngập nước quan trọng.
Đến năm 2030, các vùng đất ngập nước quan trọng trên toàn quốc được kiểm soát có hiệu quả việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất và phát triển các hoạt động, chương trình du lịch sinh thái, du lịch thân thiện với môi trường; chi trả dịch vụ hệ sinh thái đối với vùng đất ngập nước quan trọng được áp dụng tại khu bảo tồn đất ngập nước, khu Ramsar; năng lực và trang thiết bị cho các tổ chức, cá nhân làm công tác bảo tồn và sử dụng bền vững các vùng đất ngập nước quan trọng được tăng cường...
Thành Trung
Bình luận