Hotline: 0941068156
Thứ bảy, 23/11/2024 18:11
Chủ nhật, 21/08/2022 06:08
TMO - Rừng phòng hộ ven biển là lá chắn giảm nhẹ thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu và nước biển dâng. Xác định tầm quan trọng này, những năm qua, tỉnh Cà Mau đã có nhiều dự án phát triển và bảo vệ rừng phòng hộ ven biển của tỉnh.
Hiện nay, trong tổng số 96.000 ha có rừng thì diện tích rừng đặc dụng, phòng hộ ven biển tại tỉnh Cà Mau là khoảng 52.000 ha. Diện tích rừng phòng hộ chủ yếu là rừng ngập mặn của Cà Mau tập trung ở các huyện Đầm Dơi, Năm Căn, Ngọc Hiển, Phú Tân, U Minh và Trần Văn Thời, nhưng nhiều nhất ở hai huyện Năm Căn và Ngọc Hiển.
Tuy nhiên, thời gian qua diện tích rừng phòng hộ tại địa phương này luôn chịu tác động của tình trạng sạt lở ven sông, ven biển. Ngành chức năng tỉnh Cà Mau ước tính, trung bình mỗi năm Cà Mau mất từ 300 – 400 ha đất và rừng phòng hộ ven biển vì sạt lở.
Rừng ngập mặn giữ vai trò quan trọng đối với tỉnh Cà Mau
Cà Mau là địa phương duy nhất của cả nước có ba mặt giáp biển. Đặt trong điều kiện vị trí địa lý như vậy, có thể thấy rõ vai trò quan trọng hàng đầu của rừng ngập mặn, là lá chắn tự nhiên ngăn chặn xâm thực, xói lở, bảo vệ các khu vực ven biển và cộng đồng dân cư. Mặt khác, rừng ngập mặn còn giúp bồi tạo lấn biển, gia tăng diện tích đất liền.
UBND tỉnh Cà Mau cho biết, trước đây, rừng phòng hộ ven biển tỉnh Cà Mau có nhiều khu vực bồi tụ tự nhiên như khu vực bãi bồi Mũi Cà Mau huyện Ngọc Hiển; khu vực Mỹ Bình huyện Phú Tân, khu vực Khánh Hội huyện U Minh... Tuy nhiên, những năm gần đây, tình hình xói lở bờ biển diễn ra ngày càng nhanh và nghiêm trọng, làm cho dải rừng phòng hộ ven biển bị thu hẹp dần. Hiện tại, có nơi đai rừng phòng hộ còn rất mỏng, đặc biệt là bờ biển phía Tây Nam (khoảng 20 – 30m), cá biệt có những nơi không còn đai rừng.
Để khôi phục rừng phòng hộ ven biển cũng như bảo vệ rừng, bảo vệ tính mạng, tài sản và sản xuất của người dân, hàng loạt các dự án, công trình, giải pháp đã được tỉnh triển khai thực hiện trong suốt thời gian qua. Trong đó, là đầu tư xây dựng kè và các công trình chống sạt lở.
Tính đến nay toàn tỉnh đã đầu tư được hơn 54,4 km kè (biển Tây 41,5 km, Đông 12,9 km) trong tổng số hơn 171 km chiều dài bờ biển bị sạt lở ở mức độ rất nghiêm trọng và nghiêm trọng từ Tây sang Đông. Hiện nay, đang triển khai các bước đầu tư xây dựng 26 km bờ biển Tây và 28,6 km bờ biển Đông.
Nhiều diện tích rừng ngập mặn tại tỉnh đã có tuyến đê kè bảo vệ trước sóng biển, tình trạng sạt lở gia tăng. Ảnh: Nguyễn Phú
Đối với bờ biển Đông với tổng chiều dài sạt lở cần giải pháp bảo vệ là 82,3 km. Hiện nay đã và đang xây dựng, chuẩn bị đầu tư là 41,605 km. Tỉnh đang tiếp tục đề xuất mới các công trình bảo vệ bờ biển Đông với chiều dài 40,7 km.
Bên cạnh việc triển khai thực hiện đầu tư đê, kè phòng chống sạt lở để hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng mất rừng phòng hộ ven biển, thời gian qua công tác phòng, chống sạt lở luôn được theo dõi, kiểm tra và xử lý kịp thời. Theo đó, từ năm 2019 đến nay đã thực hiện các công trình kè tạo bãi để trồng rừng, triển khai dự án bơm bùn trồng rừng, khoanh nuôi tái sinh nhiều khu vực bãi bồi ổn định, trồng cây ven sông, kênh…
Trong giai đoạn 2021-2025, Thủ tướng Chính phủ đã bố trí 2.680 tỷ đồng đầu tư cho các dự án phòng, chống sạt lở bờ sông, bờ biển vùng ĐBSCL từ nguồn đầu tư công trung hạn. Theo đó, trên địa bàn tỉnh được phân bổ khoảng 380 tỷ đồng để tiếp tục đầu tư xây dựng 15 km kè giảm sóng gây bồi để trồng rừng bảo vệ bờ biển Tây.
Mới đây, Dự án kết hợp bảo vệ vùng ven biển và phục hồi đai rừng ngập mặn các tỉnh Kiên Giang và Cà Mau đã được khởi động. Với nguồn kinh phí hơn 600 tỷ đồng, dự án đặt ra mục tiêu cụ thể là xây dựng và củng cố các đê biển hiện có để đạt được đê biển cấp 2. Trồng, bảo vệ và phát triển rừng phòng hộ ven biển; nâng cao nhân lực và hiệu quả trong việc quản lý rừng, nhận thức của người dân…
Mô hình nuôi tôm dưới tán rừng phát huy hiệu quả cao tại tỉnh Cà Mau. Ảnh: NP
Cùng với giải pháp công trình, hàng loạt các giải pháp phi công trình khác cũng được triển khai nhằm giảm áp lực từ dân sinh cho rừng phòng hộ ven biển. Tạo sinh kế để người dân dưới tán rừng có thu nhập ổn định, bền vững là một trong số các giải pháp điển hình.
Trong đó, tỉnh Cà Mau đẩy mạnh nuôi trồng các loài thuỷ sản đặc trưng của rừng ngập mặn ở những khu vực được giao thuê khoanh nuôi, cung cấp các dịch vụ du lịch sinh thái, du lịch trải nghiệm là những loại hình sinh kế thời gian qua đã và đang mang lại thu nhập cao, bền vững cho người dân sinh sống trong khu vực rừng của Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau.
Thời gian qua, tỉnh Cà Mau đang triển khai mô hình tôm - rừng kết hợp Thực hiện nuôi tôm dưới tán rừng chiếm diện tích 30-40% diện tích mặt nước và phải đảm bảo ít nhất 50-60% tỷ lệ rừng. Điều này góp phần làm tăng tỷ lệ rừng, phát huy khả năng giữ đất chống sạt lở, tăng khả năng chống chịu trước biến đổi khí hậu.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh đã có khoảng 27.577 ha nuôi tôm - rừng. các tổ chức quốc tế chứng nhận cho hơn 19.000 ha tôm - rừng theo các tiêu chuẩn quốc tế (Naturland, EU Organic, Canada Organic, Selva Shrimp, ASC, BAP,…), sản phẩm được nhiều thị trường ưa chuộng và đánh giá cao.
Ngoài ra, tỉnh tiếp tục nỗ lực xây dựng các dự án khu tái định cư để bố trí nơi ở ổn định cho người dân hiện đang sinh sống tại các vùng ven rừng, ven biển thường xuyên bị ảnh hưởng thiên tai. Giúp người dân dần có được cuộc sống ổn định đồng nghĩa với việc giảm được áp lực cho rừng .
Rừng ngập mặn là một trong những hệ sinh thái quan trọng nhất và là nguồn đa dạng sinh học quý giá của Cà Mau và các tỉnh ĐBSCL. Nhờ khả năng lưu trữ carbon lớn và hoạt động như một lá chắn chống lại các điều kiện thời tiết khắc nghiệt, rừng ngập mặn đóng vai trò trung tâm trong việc ổn định điều kiện khí hậu và bảo vệ các cộng đồng ven biển.
Vừa qua, dự án AQUAM do Chương trình Aus4Innovation của Chính phủ Úc tài trợ với mục tiêu lắp đặt trạm quan trắc môi trường rừng ngập mặn tại các vị trí trọng yếu ở tỉnh Cà Mau đã hoàn thành 15 trạm quan trắc và đưa vào hoạt động Các trạm quan trắc này sẽ giúp nông dân và chính quyền địa phương cập nhật thông tin theo thời gian thực về chất lượng nước và ứng phó kịp thời với những mối nguy hại.
Hồng Thắm
Bình luận