Hotline: 0941068156
Thứ bảy, 18/01/2025 17:01
Thứ năm, 18/07/2024 13:07
TMO - Vườn quốc gia Ba Bể (tỉnh Bắc Kạn) là khu vực đa dạng sinh học cao với hệ sinh thái phong phú và nhiều loài động, thực vật quý hiếm. Do vậy công tác bảo vệ rừng, đa dạng sinh học là một trong những nhiệm vụ quan trọng được chú trọng triển khai.
Vườn quốc gia Ba Bể có diện tích tự nhiên hơn 10.048ha, nằm trên địa bàn 07 xã: Thượng Giáo, Khang Ninh, Cao Thượng, Quảng Khê, Nam Mẫu, Hoàng Trĩ của huyện Ba Bể và xã Nam Cường của huyện Chợ Đồn. Diện tích vùng đệm là 25.309ha thuộc 07 xã: Thượng Giáo, Cao Thượng, Khang Ninh, Hoàng Trĩ, Quảng Khê, Đồng Phúc - huyện Ba Bể và xã Nam Cường huyện Chợ Đồn, với 45 cộng đồng thôn bản đang thụ hưởng chính sách quản lý bảo vệ rừng, hỗ trợ theo quy định.
Vườn quốc gia Ba Bể có độ che phủ rừng gần 80%, trong đó diện tích rừng giàu và rừng trung bình chiếm tới 60% diện tích có rừng; trữ lượng rừng tự nhiên đạt 1,3 triệu mét khối. Đây là nơi dự trữ cacbon lớn của tỉnh Bắc Kạn, là nguồn thu lớn của tỉnh khi gia nhập thị trường carbon thế giới. Diện tích đất có rừng và giá trị đa dạng sinh học hiện có hoàn toàn đáp ứng các quy định về tiêu chí đối với rừng đặc dụng và Vườn quốc gia theo Nghị định số 156/2018/NĐ-CP của Chính phủ.
Theo số liệu thống kê hiện nay Vườn có gần 400 loài động vật có xương sống. Thành phần loài đặc trưng cho khu hệ núi đá vôi, xen lẫn núi đất ngập nước ở Đông Bắc Bộ. Trong đó, có 88 loài động vật nguy cấp, quý hiếm. Theo tiêu chuẩn Sách đỏ Việt Nam, hệ thực vật VQG Ba Bể có 34 loài quý, hiếm có nguy cơ bị đe dọa tuyệt chủng ở tự nhiên cần được bảo vệ trong tổng số khoảng 1.200 loài thực vật ghi nhận được.
Lực lượng kiểm lâm VQG Ba Bể tổ chức tuần tra bảo vệ rừng.
Để bảo vệ hệ sinh thái, đa dạng sinh học và cảnh quan thiên nhiên VQG Ba Bể, Ban Quản lý VQG Ba Bể đang triển khai nhiều giải pháp phát triển rừng bền vững. Hằng năm, Ban Quản lý VQG Ba Bể đã chủ động phối hợp với UBND các xã trên địa bàn tổ chức tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân thông qua các cuộc họp thôn, ký cam kết về việc bảo vệ rừng, phòng chống cháy rừng, rà soát bổ sung nhân lực đối với các tổ/nhóm đã nhận giao khoán bảo vệ rừng. Kiểm lâm địa bàn phối hợp với các tổ/nhóm đi tuần rừng tại các khu rừng đặc dụng, rừng phòng hộ và rừng tự nhiên dễ bị xâm phạm.
Ban Quản lý VQG Ba Bể tích cực phối hợp với các cơ quan liên quan và chính quyền địa phương thực hiện các hoạt động khai thác dịch vụ du lịch, tạo việc làm thu hút lao động, tạo sinh kế cho người dân để từng bước ổn định, nâng cao đời sống kinh tế cho cán bộ, công nhân viên thực hiện việc quản lý, bảo vệ rừng và cộng đồng dân cư địa phương sinh sống ở vùng lõi, vùng đệm VQG Ba Bể. Trong khu vực của VQG Ba Bể có nhiều cộng đồng dân cư địa phương sinh sống, với trên 3.500 nhân khẩu, khoảng 1.500 hộ gia đình. Ban Quảng lý đã vận dụng các chính sách giao khoán, bảo vệ rừng cho cộng đồng địa phương, góp phần nâng cao thu nhập, thay đổi nhận thức của người dân về lĩnh vực đa dạng sinh học.
Cùng với thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng cho các cộng đồng tham gia nhận khoán theo chính sách chi trả dịch vụ môi trường của Nhà nước, VQG đã xây dựng các dự án bảo tồn đa dạng sinh học gắn với phát triển sinh kế. Năm 2017, xây dựng dự án phát triển chuỗi cây rau Bò khai – một loại thực vật dây leo trong VQG Ba Bể để làm món ăn đặc sản, phục vụ nhu cầu của khách du lịch. Sản phẩm phù hợp với khí hậu địa phương, ít bị sâu bệnh nên cho chất lượng tốt và đem lại thu nhập khá cao cho người dân. triển khai chuỗi nuôi ong lấy mật với giống ong địa phương. Sản phẩm chủ yếu phục vụ khách du lịch và có giá trị cao, đem lại thu nhập đáng kể cho người dân.
Hồ Ba Bể có nguồn lợi thủy sản phong phú, sản lượng lớn và tính đa dạng cao. Ban Quản lý VQG cũng gắn bảo tồn với sử dụng bền vững các loài sinh vật trong hồ, bằng cách là hướng dẫn người dân quản lý và thực hiện khai thác bền vững. Người dân sử dụng các công cụ truyền thống như chài, lưới, đánh bắt theo kích cỡ và theo mùa, đảm bảo duy trì thường xuyên nguồn lợi thủy sản. Gần đây, cùng với nỗ lực của các cấp, các ngành địa phương, VQG Ba Bể cũng vận động 1 phần kinh phí để thả bổ sung cá giống vào hồ, tăng nguồn lợi thủy sản, phục vụ khai thác bền vững.
Công tác tái thả động vật hoang dã được VQG Ba Bể đẩy mạnh triển khai.
Để thực hiện có hiệu quả các giải pháp phát triển rừng bền vững, Ban Quản lý VQG Ba Bể đã phối hợp với các đơn vị chức năng liên quan đánh giá hiện trạng tài nguyên rừng, đất đai và kết quả quản lý, bảo vệ phát triển rừng, bảo tồn đa dạng sinh học của VQG Ba Bể, trên cơ sở đó định hướng quản lý phát triển bền vững VQG Ba Bể giai đoạn 2021-2030. Mục tiêu là quản lý, bảo vệ tốt tổng diện tích 10.048ha đất rừng và đất ngập nước của VQG Ba Bể, bảo tồn các nguồn tài nguyên thiên nhiên, đa dạng sinh học, các nguồn gen động, thực vật nguy cấp, quý hiếm, sinh thái cảnh quan, các giá trị văn hóa, lịch sử và các giá trị dịch vụ môi trường rừng.
Trong thời gian tới, Ban Quản lý VQG Ba Bể sẽ chủ động thực hiện, tích cực phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương và các cơ quan liên quan tuyên truyền các chủ trương, chính sách pháp luật về các nội dung này. Bên cạnh đó, chỉ đạo Hạt Kiểm lâm tăng cường tuần tra, kịp thời phát hiện, ngăn chặn các hành vi xâm hại tới cảnh quan thiên nhiên, khai thác tài nguyên thiên nhiên. Công tác giao khoán quản lý bảo vệ rừng, chi trả dịch vụ môi trường rừng, thực hiện chính sách đầu tư và phát triển rừng đặc dụng cho cộng đồng địa phương sẽ tiếp tục được triển khai tới người dân.
VQG này cũng sẽ tổ chức theo dõi, giám sát sự biến động của một số loài động vật thực vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm, đặc hữu. Vườn xây dựng các đề xuất triển khai các đề tài nghiên cứu khoa học, dự án bảo tồn và phát triển nguồn gen, các loài động vật, thực vật quý hiếm; chú trọng các mô hình lồng ghép bảo tồn đa dạng sinh học với phát triển kinh tế-xã hội, du lịch sinh thái địa phương, bảo tồn gắn với sinh kế, dựa vào cộng đồng.
Ngoài các biện pháp đã nêu trên, đơn vị còn chú trọng nâng cao năng lực giám sát và quản lý của lực lượng kiểm lâm, tăng cường tuần tra và xử lý các hành vi vi phạm. Lập quy hoạch bảo tồn chi tiết, xác định các khu vực trọng điểm cần bảo vệ, tạo hành lang sinh học kết nối các khu vực sinh thái quan trọng. Tổ chức các chương trình giáo dục môi trường cho người dân địa phương và du khách, nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của bảo tồn đa dạng sinh học.
Phương Thùy
Bình luận