Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 19/01/2025 01:01
Thứ hai, 16/09/2024 07:09
TMO - Vùng đất ngập nước Bàu Sấu được đánh giá là nơi có đa dạng sinh học bậc nhất của tỉnh Đồng Nai. Thời gian qua, tỉnh Đồng Nai tăng cường chỉ đạo các đơn vị đẩy mạnh kiểm tra, giám sát bảo tồn nguồn tài nguyên đa dạng tại khu vực này.
Khu đất ngập nước Bàu Sấu (thuộc Vườn quốc gia Cát Tiên, huyện Tân Phú), khu vực này có giá trị cao về đa dạng sinh học, môi trường, cảnh quan và du lịch. Khu đất ngập nước Bàu Sấu có diện tích 13.759ha, bao gồm 5.360ha đất ngập nước theo mùa và 151ha đất ngập nước thường xuyên. Bao bọc xung quanh bàu là các mảng rừng, có nhiều vùng nước ngập sâu. Hệ động, thực vật vô cùng đa dạng phong phú: Phù du thực vật gồm 250 loài thuộc 7 ngành tảo; thảm thực vật với 127 loài thuộc 55 họ gồm các loài thực vật trên cạn, thực vật thủy sinh. Bên cạnh các loài thực vật đặc trưng cho khu vực nước ngập quanh năm còn có nhiều loài thực vật thích nghi với đời sống bán ngập nước hoặc độ ẩm cao.
Hệ động vật có động vật phù du, động vật đáy, các loài bò sát, ếch, cá, chim, thú… Mỗi loài có nhiều họ, bộ khác nhau, trong đó có nhiều loài quý như cá sấu nước ngọt, các loài chim nước, các loài thú lớn… Bàu Sấu cũng là một trong các vùng chim đặc hữu của vùng đất thấp Nam Việt Nam, bao gồm cả các loài bản địa và các loài chim di trú, trong đó, có các loài chim quý hiếm như hạc cổ trắng, công, già đẫy java, cò quắm cánh xanh, ngan cánh trắng...
Khu đất ngập nước Bàu Sấu có 4 giá trị cơ bản là: sinh thái, môi trường và ĐDSH; nghiên cứu khoa học; kinh tế - xã hội; cảnh quan, giáo dục, du lịch. Trong đó, giá trị lớn nhất là sinh thái, môi trường và ĐDSH vì là hồ nội địa tiếp giáp với rừng tự nhiên. Bàu Sấu nằm trong vùng lõi Khu Dự trữ sinh quyển thế giới nên ít bị tác động bởi các yếu tố bất lợi của thời tiết, môi trường, con người nên số lượng loài, cá thể từng loài ngày một gia tăng.
Vùng đất ngập nước Bàu Sấu được đánh giá là nơi có đa dạng sinh học bậc nhất của tỉnh Đồng Nai.
Mặc dù vậy, vùng đất ngập nước duy nhất ở Đồng Nai đang đối mặt với nhiều thách thức. Đó là các trường hợp xâm phạm trái phép tài nguyên rừng như: khai thác gỗ, đánh bắt cá, bẫy chim và động vật rừng. Sự xâm nhập của các loài ngoại lai như cây mai dương, cỏ trấp làm thu hẹp môi trường sống của các loài dưới nước, xử lý cây này tốn kém, mất nhiều thời gian mà không triệt để.
Vấn đề ô nhiễm nguồn nước sông Đồng Nai (do sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, nước thải chưa qua xử lý) tác động trực tiếp đến môi trường sống của các loài thủy sinh, nước uống của động vật hoang dã. Ngoài ra, do biến đổi khí hậu và tác động xã hội, cùng với đó là việc quản lý, giám sát và các loài ngoại lai xâm phạm khiến một số loài bị suy giảm cả về số lượng và chất lượng. Đây là thách thức to lớn đến công tác bảo tồn vùng đất ngập nước.
Những năm qua, Vườn quốc gia Cát Tiên đã và đang tiến hành khai thác tiềm năng phát triển du lịch mà Bàu Sấu là một trong những điểm đến được quan tâm bởi Bàu Sấu không chỉ là khu đất ngập nước có hệ thực vật phong phú mà còn là một trong số ít nơi còn lưu giữ được di chỉ của nền văn hoá Óc Eo. Các phong tục tập quán, lễ hội truyền thống khá đặc sắc của đồng bào các dân tộc S’tiêng, Châu Mạ sinh sống trong khu vực Vườn quốc gia và vùng phụ cận cũng trở thành những ưu thế để khai thác, phát triển loại hình du lịch.
Bên cạnh đó, Bàu Sấu còn là địa điểm lý tưởng để tổ chức các hoạt động nghiên cứu khoa học, học tập về sinh thái, sinh học, địa lí, thổ nhưỡng, đồng thời là nơi phù hợp với tham quan ngắm cảnh, giải trí. Tại đây, du khách được trải nghiệm không gian nghỉ dưỡng yên tĩnh, tận hưởng bầu không khí trong lành và tham gia các hoạt động vui chơi, sinh hoạt truyền thống…
Nhằm bảo tồn giá trị đa dạng sinh học tại vùng đất ngập nước Bàu Sấu, các đơn vị tại Vườn quốc gia Cát Tiên tiếp tục triển khai những nhiệm vụ tại Dự án "Cải thiện sự tham gia của cộng đồng trong việc bảo tồn và sử dụng bền vững hệ sinh thái đất ngập nước Ramsar - Bàu Sấu lồng ghép với các hoạt động sản xuất nông nghiệp thân thiện với môi trường" ở các xã vùng đệm do Trung tâm Đất ngập nước Ramsar Đông Á (RRC-EA) tài trợ.
Đồng thời, thực hiện Kế hoạch hành động quốc gia về bảo tồn và sử dụng bền vững các vùng đất ngập nước giai đoạn 2021-2030. Trong đó, đẩy mạnh nghiên cứu áp dụng thí điểm mô hình đồng quản lý, kêu gọi sự tham gia của người dân, doanh nghiệp trong việc bảo vệ và chia sẻ lợi ích tài nguyên vùng đất ngập nước Bàu Sấu.
Vườn quốc gia Cát Tiên cũng đang phối hợp với các cơ quan nghiên cứu, các tổ chức, đơn vị thực hiện các dự án nghiên cứu về thực vật rừng, động vật rừng, các loài thủy sản, nấm… để xây dựng bộ cơ sở dữ liệu về tài nguyên rừng phục vụ công tác bảo tồn đa dạng sinh học, phục hồi sinh thái, phục hồi loài, làm cơ sở cho công tác theo dõi, đánh giá và giám sát tài nguyên rừng và đa dạng sinh học. Đặc biệt, chú trọng đến bảo tồn những giá trị tài nguyên tại vùng đất ngập nước Bàu Sấu.
Vườn quốc gia Cát Tiên đã đề ra một số giải pháp khai thác phát triển du lịch và bảo tồn hệ sinh thái - đa dạng sinh học hợp lí, đảm bảo mục tiêu phát triển bền vững khu đất ngập nước Bàu Sấu.
Ban Quản lý Vườn quốc gia Cát Tiên đã đề ra một số giải pháp khai thác phát triển du lịch và bảo tồn hệ sinh thái - đa dạng sinh học hợp lí, đảm bảo mục tiêu phát triển bền vững khu đất ngập nước Bàu Sấu. Về công tác quy hoạch, thực hiện quy hoạch và chiến lược phát triển du lịch theo hướng bền vững. Xây dựng, thiết lập cơ chế gắn kết khu đất ngập nước Bàu Sấu vào tổng thể phát triển chung của Vườn quốc gia Cát Tiên với chức năng là “hạt nhân động lực” phát triển của Vườn và vùng phụ cận. Quy hoạch khu hệ Bàu Sấu thành khu du lịch thông qua việc mở các tuyến đường thủy, đường bộ trong khuôn viên bàu; đầu tư cải tạo, nâng cấp cơ sở hạ tầng và các dịch vụ du lịch như lưu trú, ẩm thực, sức khỏe, vui chơi giải trí.
Xây dựng mô hình du lịch cộng đồng trong phát triển xây dựng mô hình cộng đồng nhằm nâng cao vai trò, trách nhiệm của dân cư địa phương, khách du lịch, doanh nghiệp kinh doanh du lịch trong việc bảo vệ môi trường, phát triển bền vững trong quá trình khai thác phát triển sản phẩm, thực hiện các hoạt động du lịch. Giải quyết hài hòa mối quan hệ và đảm bảo ổn định các quyền lợi về kinh tế, xã hội và văn hóa cho các bên tham gia, đảm bảo du lịch phải góp phần cải thiện chất lượng cuộc sống dân cư địa phương, khách du lịch phải được hưởng những sản phẩm du lịch chất lượng cao và doanh nghiệp du lịch phải có lợi ích kinh tế xứng đáng với đầu tư.
Đồng thời, tăng cường các nghiên cứu khoa học về bảo tồn và phát triển. Khuyến khích các nhà khoa học chuyên ngành (sinh học, môi trường, địa chất, qui hoạch, nhân học, khí hậu…) thực hiện các công trình nghiên cứu xác lập mối quan hệ và khẳng định “tuổi thọ” và độ bền vững của các thành phần trong hệ sinh thái thuộc khu Ramsar và toàn bộ Vườn quốc gia. Triển khai các nghiên cứu sâu rộng để xác định các giá trị kinh tế và bảo tồn hệ sinh thái tự nhiên, duy trì nền tảng văn hóa của cộng đồng dân cư địa phương khi tiến hành khai các hoạt động du lịch.
Việt Nam hiện có tổng diện tích đất ngập nước khoảng 11,85 triệu ha (không kể diện tích sông suối ngập nước theo mùa và điểm nước nóng, nước khoáng và đảo Hoàng Sa, Trường Sa), chiếm 37% tổng diện tích đất tự nhiên của cả nước. Các dòng sông tạo nên các vùng đồng bằng châu thổ rộng lớn và phì nhiêu phục vụ sản xuất nông nghiệp như đồng bằng sông Hồng và Đồng bằng sông Cửu Long.
Các vùng đất ngập nước ven biển cung cấp nguồn lợi thủy sản cho nhiều cộng đồng dân cư sống xung quanh từ nhiều đời nay. Cùng với giá trị kinh tế không nhỏ, các hệ sinh thái đất ngập nước còn có vai trò điều hòa môi trường, hỗ trợ chống lại các tác động của thiên tai và biến đổi khí hậu; là nguồn cội của nhiều giá trị lịch sử, văn hóa lâu đời trong cộng đồng dân cư. Trong nhiều năm qua, công tác quản lý đất ngập nước ở Việt Nam đặt mục tiêu bảo tồn, phát triển bền vững cũng như duy trì đặc tính sinh thái của hệ sinh thái đất ngập nước, trong đó tập trung cho các vùng đất ngập nước có hệ sinh thái đặc thù, đa dạng sinh học cao, có chức năng duy trì nguồn nước và cân bằng sinh thái, có tầm quan trọng quốc tế, quốc gia.../.
Quốc Dũng
Bình luận