Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 19/01/2025 09:01
Thứ hai, 04/09/2023 12:09
TMO - Khu vực phía Tây huyện Ba Tơ (Quảng Ngãi) được đánh giá là hành lang quan trọng để bảo tồn loài Chà vá chân xám và các giá trị đa dạng sinh học quan trọng. Vì vậy, địa phương này có chủ trương sẽ lập Khu dự trữ thiên nhiên khu Tây Ba Tơ thuộc huyện miền núi Ba Tơ.
Khu dự trữ thiên nhiên khu Tây Ba Tơ dự kiến thành lập có diện tích khoảng 18.000ha nằm trên địa bàn các xã: Ba Xa, Ba Nam, Ba Lế, là khu vực rừng tự nhiên tập trung nhất của tỉnh Quảng Ngãi, nằm tiếp giáp với 3 tỉnh: Bình Định, Gia Lai và Kon Tum. Khí hậu nơi đây mang đặc trưng của vùng chuyển tiếp từ trung du lên cao nguyên, hệ sinh thái rừng lá rộng thường xanh mưa ẩm nhiệt đới liền vùng rộng lớn. Khu vực này đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Khu dự trữ thiên nhiên và được Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ngãi cụ thể hóa bằng việc phê duyệt Quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học tỉnh Quảng Ngãi đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Hiện nay, khu vực này được đưa vào quy hoạch rừng đặc dụng (Khu dự trữ thiên nhiên) trong Quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học quốc gia, Quy hoạch lâm nghiệp quốc gia, Quy hoạch tỉnh Quảng Ngãi. Qua các tài liệu nghiên cứu hiện có cho thấy, hệ sinh thái Khu dự trữ thiên nhiên khu Tây Ba Tơ chứa đựng giá trị đa dạng sinh học cao, với nhiều loài động, thực vật nguy cấp, quý, hiếm và đặc hữu có giá trị cho khoa học và kinh tế.
Rừng phòng hộ Ba Tơ được đánh giá là khu vực có giá trị đa dạng sinh học cao, với nhiều loài động, thực vật nguy cấp, quý, hiếm.
Trong năm 2022 đã quan sát được 10 đàn Chà vá chân xám tại rừng phòng hộ huyện Ba Tơ với khoảng 169 cá thể. Đây là loài cực kỳ nguy cấp theo phân hạng của Tổ chức bảo tồn thiên nhiên quốc tế, nằm trong danh sách đỏ các loài có nguy cơ tuyệt chủng và là loài được ưu tiên bảo tồn theo Quyết định số 628 của Thủ tướng Chính phủ.
Các tổ chức trên nhận định, nếu điều tra, đánh giá đầy đủ có thể có tới 20 đàn Chà vá chân xám sinh sống ở đây. Các kết quả nghiên cứu trước đó còn cho thấy, khu vực này có giá trị đa dạng sinh học cao với 580 loài động vật và 698 loài thực vật các loại. Trong đó có 45 loài nguy cấp, quý hiếm, có giá trị cao về kinh tế và khoa học; 28 loài được ghi vào Danh mục đỏ IUCN 2017.
Với vị trí tiếp giáp với Khu Bảo tồn thiên An Toàn (tỉnh Bình Định) và Khu Bảo tồn thiên Kon Chư Răng (tỉnh Gia Lai), nên khu vực rừng phòng hộ Ba Tơ còn được giới chuyên gia đánh giá là hành lang quan trọng để bảo tồn loài Chà vá chân xám nói riêng, các giá trị đa dạng sinh học quan trọng nói chung và có ý nghĩa quan trọng trong kết nối hành lang đa dạng sinh học. Ngoài ra, về động vật khu vực này còn có sự xuất hiện của các loài như: các loài báo gấm, báo lửa, mang lớn, voọc chà vá chân xám, vượn đen má vàng hay các loài thực vật như: trọng lâu nhiều lá, lan kim tuyến, lim xanh, dó trầm và loài nấm phễu có vòng.
Sự xuất hiện của loài voọc chà vá chân xám cùng nhiều loài quý hiếm khác đòi hỏi khu vực này cần được bảo tồn nghiêm ngặt. Ảnh: BB.
Kết quả đặt bẫy ảnh khảo sát vào cuối tháng 7, đầu tháng 8 năm 2023, nhóm điều tra đã ghi nhận được 44 loài động vật có xương sống trên cạn thuộc 30 họ và 16 bộ. Trong đó, lớp thú có 12 loài, 9 họ và 6 bộ; lớp chim có 18 loài, 12 họ và 8 bộ; lớp bò sát có 8 loài, 6 họ và 1 bộ; lớp lưỡng cư có 6 loài, 3 họ và 1 bộ. Đặc biệt, có 2 loài thuộc diện nguy cấp, quý, hiếm được ghi nhận là 3 đàn vượn thông qua tiếng hót tại tiểu khu 463, 461 và quan sát trực tiếp 1 đàn chà vá chân xám tại tiểu khu 462.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Ngãi cho biết, mặc dù là hành lang đa dạng sinh học quan trọng song do chưa thành lập được khu bảo tồn thiên nhiên nơi đây nên công tác quản lý, bảo vệ rừng phòng hộ trên địa bàn huyện Ba Tơ đang gặp nhiều khó khăn, thách thức bởi tác động của cộng đồng dân cư vùng đệm như: Săn bắn, bẫy bắt, khai thác lâm sản; các cơ chế, chính sách liên quan đến lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách còn nhiều bất cập.
Bên cạnh đó, rất khó để quản lý và bảo vệ hiệu quả quần thể Voọc chà vá chân xám và đa dạng sinh học tại đây do thiếu dữ liệu về đa dạng sinh học cũng như chưa có các dự án đầu tư, hỗ trợ ngoài ngân sách Nhà nước nhằm xúc tiến hoạt động thành lập khu bảo tồn. Vì vậy, việc xây dựng dự án thành lập Khu dự trữ thiên nhiên khu tây Ba Tơ là hết sức cần thiết
Mục tiêu xây dựng dự án thành lập Khu dự trữ thiên nhiên khu Tây Ba Tơ làm cơ sở để quản lý, bảo tồn và phát triển bền vững rừng đặc dụng, sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên, giá trị đa dạng sinh học, cảnh quan, dịch vụ môi trường; là cơ sở cho việc đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng rừng đặc dụng; huy động sự tham gia rộng rãi của các thành phần kinh tế trong và ngoài nước vào hoạt động bảo tồn và phát triển rừng đặc dụng, góp phần nâng cao nhận thức và mức sống của người dân, bảo vệ an ninh quốc phòng, trật tự an toàn xã hội và thích ứng với biến đổi khí hậu.
Thu Hiền
Bình luận