Hotline: 0941068156
Thứ bảy, 23/11/2024 10:11
Thứ năm, 14/03/2024 07:03
TMO - Tỉnh Nghệ An triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm bảo vệ và giải quyết tình trạng suy thoái môi trường di sản thiên nhiên, sử dụng và khai thác hợp lý nguồn tài nguyên thiên nhiên, bảo tồn đa dạng sinh học, hỗ trợ nghiên cứu, giám sát, đào tạo và giáo dục cộng đồng về bảo tồn và phát triển bền vững tại Khu dự trữ sinh quyển miền Tây Nghệ An.
Khu dự trữ sinh quyển miền Tây Nghệ An là khu dự trữ sinh quyển có diện tích lớn nhất khu vực Đông Nam Á với tổng diện tích 1.303.285ha; là hành lang xanh nối kết 3 vùng lõi gồm Vườn Quốc gia Pù Mát, Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Huống và Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt. Khu dự trữ này có giá trị về khoa học, môi trường mà còn mang đậm bản sắc văn hóa, nhân văn và lịch sử cần được bảo tồn và phát triển.
Ngày 18/9/2007, Khu dự trữ sinh quyển miền Tây Nghệ An được UNESCO chính thức công nhận là Khu dự trữ sinh quyển thế giới. Khu dự trữ sinh quyển miền Tây Nghệ An là khu Khu dự trữ sinh quyển có diện tích lớn nhất trong 11 Khu dự trữ sinh quyển Thế giới của Việt Nam. Khu dự trữ nằm trong địa giới hành chính của 9 huyện miền núi với 182 xã và thị trấn, 2.125 xóm, bản; bao gồm toàn bộ lưu vực đầu nguồn Sông Cả với 3 chi lưu quan trọng là Sông Hiếu, Sông Nậm Nơn và Sông Nậm Mộ, thuộc phạm vi vùng sinh thái dãy Trường Sơn.
Khu dự trữ sinh quyển miền Tây Nghệ An có tính đa dạng sinh học rất cao.
Khu dự trữ sinh quyển miền Tây Nghệ An có tính đa dạng sinh học rất cao, đại diện cho hầu hết các kiểu rừng của rừng mưa nhiệt đới, các sinh cảnh sống rất đa dạng bao gồm núi, đất ngập nước, suối và sinh cảnh khác. Đây là khu vực có mức độ đa dạng sinh học cao với sự đa dạng và phong phú về loài, hệ sinh thái và nguồn gene động, thực vật. Hiện đã ghi nhận 3.627 loài thực vật, trong đó có nhiều loài thực vật nguy cấp, quý hiếm, 134 loài trong Sách đỏ Việt Nam 2007, 20 loài trong danh mục cảnh báo nguy cơ suy thoái và tuyệt chủng của IUCN 2021, 56 loài trong Nghị định số 84 và nhiều loại dược liệu quý hiếm được phát hiện và khai thác.
Để bảo tồn, phát triển Khu DTSQ này, UBND tỉnh Nghệ An đã ban hành Kế hoạch quản lý và bảo vệ môi trường Khu DTSQ miền Tây Nghệ An giai đoạn 2023-2027, định hướng đến năm 2030. Kế hoạch được ban hành nhằm đảm bảo các mục tiêu bảo vệ và giải quyết các tình trạng suy thoái môi trường di sản thiên nhiên, sử dụng và khai thác hợp lý nguồn tài nguyên thiên nhiên. Đồng thời, bảo tồn đa dạng sinh học, hỗ trợ nghiên cứu, giám sát, đào tạo và giáo dục cộng đồng về bảo tồn và phát triển bền vững, thúc đẩy các hoạt động bảo vệ môi trường, phát triển kinh tế-xã hội bền vững và thích ứng biến đổi khí hậu ở Khu DTSQ miền Tây Nghệ An.
Phát triển kinh tế bền vững, xây dựng các mô hình kinh tế sinh thái thông qua các hoạt động phát triển kinh tế xã hội, khai thác và quản lý hiệu quả, bền vững các tài nguyên thiên nhiên, giá trị đặc sắc văn hoá truyền thống cộng đồng. Đặc biệt là phát huy giá trị đa dụng hệ sinh thái rừng, chi trả dịch vụ môi trường rừng, kinh doanh tín chỉ Carbon, phát triển du lịch sinh thái, cảnh quản, phát triển lâm sản ngoài gỗ và dược liệu dưới tán rừng, gắn liền với bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường, thích ứng biến đổi khí hậu; Phát huy giá trị của tài nguyên sinh vật, của các hệ sinh thái rừng, của các giá trị văn hoá tuyền thống, các tri thức bản địa,… nhằm tạo thêm sinh kế, nâng cao giá trị sản phẩm và cải thiện thu nhập; Góp phần thực hiện chiến lược quốc gia, các cam kết quốc tế về tăng trưởng xanh, phát triển bền vững, tiến tới nền kinh tế Carbon thấp.
Bên cạnh đó, bảo tồn và phát triển bền vững giá trị đặc trưng của khu DTSQ miền Tây Nghệ An, trọng tâm là giá trị đa dạng sinh học, đa dạng cảnh quan thiên nhiên, đa dạng bản sắc văn hoá và tri thức truyền thống; Bảo vệ và phát triển vốn rừng, duy trì đảm bảo các chức năng hệ sinh thái rừng bị suy thoái, cải thiện nâng cao chất lượng môi trường, giảm phát thải khí nhà kính. Phát huy chức năng hỗ trợ và phát triển của khu DTSQ thế giới, góp phần phát triển bền vững kinh tế, xã hội gắn với hoạt động quản lý bền vững tài nguyên rừng, bảo tồn đa dạng sinh học và bảo vệ môi trường di sản thiên nhiên; Góp phần ổn định an ninh, dân cư và đời sống văn hoá tinh thần của cộng đồng dân cư sinh sống trong khu DTSQ thông qua các hoạt động quản lý bảo vệ và phát triển rừng, sinh kế bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Công tác quản lý, bảo tồn đa dạng sinh học tại Khu DTSQ này được đẩy mạnh triển khai.
Các hoạt động quản lý, bảo vệ môi trường, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học cụ thể ở trong vùng lõi và vùng đệm, vùng chuyển tiếp khu DTSQ miền Tây Nghệ An cũng được nêu ra, như: Điều tra đánh giá định kỳ 5 năm (2023-2027) về diễn biến môi trường và các giá trị thiên nhiên cần bảo vệ, bảo tồn theo 07 tiêu chí công nhận khu DTSQ miền Tây Nghệ An; Triển khai thực hiện hiệu quả phương án bảo vệ môi trường theo phân vùng môi trường khu DTSQ phù hợp với quy hoạch phân vùng môi trường tỉnh Nghệ An; Thành lập khu bảo tồn thiên nhiên Pù Xai Lai Leng thuộc khu DTSQ miền Tây Nghệ An.
Xây dựng quy hoạch tổng thể các hành lang đa dạng sinh học, kết nối với các hành lang liên vùng (Thanh Hoá, Hà Tĩnh) và liên biên giới với nước Cộng hoà Dân chủ Nhân dân Lào; Rà soát điều chỉnh 03 loại rừng để tích hợp vào quy hoạch tỉnh, quy hoạch Lâm nghiệp cấp quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 phù hợp với quy định của pháp luật và tình hình thực tế; Rà soát và bàn giao cho chính quyền địa phương quản lý sử dụng đất ở và đất sản xuất cho người dân sống ở vùng đệm của các VQG Pù Mát, Khu bảo tồn thiên thiên Pù Hoạt và Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Huống; thực hiện chương trình giám sát 02 loài gấu ngựa và gấu chó bằng phương pháp đặt máy bẫy ảnh (giai đoạn 2024-2026) và chương trình quan trắc loài sơn dương (2025-2027) tại vườn quốc gia Pù Mát;…
Kế hoạch cũng đưa ra 5 chương trình quản lý, bảo vệ môi trường, bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học, bao gồm: Thứ nhất là hoàn thiện thể chế, cơ chế tổ chức, điều hành, năng lực quản lý; Thứ hai là bảo tồn đa dạng sinh học, sử dụng hợp lý tài nguyên, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu; Thứ 3 là bảo tồn, phát huy giá trị văn hoá, phát triển du lịch thân thiện; Thứ 4 là phát triển kinh tế bền vững trong bối cảnh biến đổi khí hậu; Thứ năm là giáo dục, truyền thông và hỗ trợ.
UBND tỉnh yêu cầu các mục tiêu quản lý và bảo vệ môi trường của khu DTSQ miền Tây Nghệ An được lồng ghép vào các quy hoạch, kế hoạch, chương trình phát triển của các cấp, các ngành, các đơn vị, địa phương… nhằm đảm bảo các mục tiêu bảo tồn thiên nhiên, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững khu DTSQ miền Tây Nghệ An. Vì vậy kế hoạch này sẽ khuyến khích sự tham gia của toàn xã hội và huy động các nguồn lực từ các chương trình khác nhau. Bên cạnh đó, Ban quản lý khu DTSQ miền Tây Nghệ An chủ động mở rộng quan hệ hợp tác trong và ngoài nước nhằm tăng cường nguồn lực cho các hoạt động mà Ban quản lý khu DTSQ chủ trì. Bản quản lý cũng chủ động xây dựng cơ chế, quy chế phối hợp liên ngành nhằm huy động và điều phối các bên liên quan cùng thực hiện kế hoạch.
Thu Thảo
Bình luận