Hotline: 0941068156
Thứ bảy, 18/01/2025 12:01
Chủ nhật, 01/12/2024 06:12
TMO - Quảng Ngãi là địa phương hội tụ nhiều tộc người với hơn 187.000 người dân là đồng bào dân tộc thiểu số. Đặc biệt đồng bào nơi đây có nét văn hoá đậm đà bản sắc, tạo nền tảng cho phát triển du lịch bền vững, góp phần thiết thực nâng cao đời sống nhân dân, thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội của địa phương.
Lãnh đạo Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam khẳng định: Việt Nam là một quốc gia dân tộc với 54 dân tộc anh em, mỗi dân tộc đều có bản sắc văn hóa riêng, góp phần làm đa dạng văn hóa, tạo nhiều màu sắc cho văn hóa Việt Nam và tất cả các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể đặc sắc đó tạo thành nguồn tài nguyên du lịch văn hóa, nền tảng của những sản phẩm du lịch hấp dẫn của Việt Nam.
Tuy nhiên bên cạnh đó còn nhiều giá trị văn hóa chưa thực sự được phát huy, trong đó có giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số. Chính vì vậy việc phát huy giá trị của văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch để quảng bá các giá trị văn hóa, mang lại những lợi ích kinh tế cho cộng đồng địa phương rất quan trọng, cần được triển khai rộng trên khắp cả nước.
Trước nhận định trên, thời gian qua tỉnh Quảng Ngãi đã đẩy mạnh phát huy giá trị văn hóa của đồng bào các dân tộc thiểu số cùng các giá trị thiên nhiên tươi đẹp vùng miền núi, biên giới để xây dựng thành những sản phẩm du lịch hấp dẫn, đặc sắc.
Từ đó thu hút du khách khám phá, trải nghiệm. Trong đó, vai trò chủ thể của người dân tộc thiểu số không ngừng được phát huy. Không chỉ là người sáng tạo và bảo tồn văn hóa mà chính đồng bào dân tộc thiểu số đang từng bước lan tỏa, đưa nét đặc sắc văn hóa truyền thống của dân tộc mình để phát triển ngành du lịch của Quảng Ngãi.
Với những điều kiện trên, tỉnh Quảng Ngãi đã triển khai công tác “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi”. Theo Sở VHTT&DL tỉnh, Quảng Ngãi là nơi hội tụ, cộng cư của đồng bào các dân tộc thiểu số như Hrê, Cor, Ca Dong.
Hiện nay toàn tỉnh có trên 187 nghìn người là đồng bào dân tộc thiểu số, chiếm 13% dân số toàn tỉnh. Đồng bào các dân tộc trên địa bàn đã sáng tạo ra những giá trị di sản văn hóa, truyền thống, giàu bản sắc và đã được lưu truyền, gìn giữ qua nhiều thế hệ. Bên cạnh đó, toàn tỉnh có gần 40 di sản văn hóa phi vật thể được kiểm kê, 10 di sản văn hóa phi vật thể được công nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Các hoạt động bảo tồn văn hoá của đồng bào dân tộc thiểu số được tỉnh Quảng Ngãi chú trọng triển khai. (Ảnh minh hoạ: BQN).
Trong đó có 5 di sản phi vật thể của đồng bào dân tộc thiểu số được công nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia gồm: Lễ hội điện Trường Bà, nghệ thuật cồng chiêng dân tộc Cor, nghệ thuật trang trí cây nêu của người Cor; nghề dệt thổ cẩm Làng Teng, nghệ thuật trình diễn chiêng Ba của người Hrê. Lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Ngãi cho hay, cùng với truyền thống lịch sử hào hùng, Quảng Ngãi còn là vùng đất giàu bản sắc văn hóa, nơi hội tụ, giao thoa của nhiều dân tộc anh em.
Trong đó, các dân tộc thiểu số như Hrê, Cor, Ca Dong…đã và đang được lưu giữ những nét văn hóa độc đáo từ trang phục, ẩm thực, phong tục, đến những làn điệu dân ca và nghi lễ truyền thống giàu bản sắc được lưu giữ qua nhiều thế hệ.
Đáng chú ý, nghề dệt thổ cẩm của người H’rê, đã được Bộ VH-TT-DL công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia, đang được chính người H’rê bảo tồn, phục hồi, phát huy ở một số buôn làng, trong đó, tiêu biểu tại làng Teng (huyện Ba Tơ).
Hay Làng du lịch cộng đồng Gò Cỏ (phường Phổ Thạnh, thị xã Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi) cũng là điểm đến được du khách quan tâm. Làng Gò Cỏ là một ngôi làng cổ của dân tộc Chăm, làng quê này từng có lớp cư dân cổ - chủ nhân nền văn hóa Sa Huỳnh (niên đại cách đây 2.500 - 3.000 năm). Đây là ngôi làng chứa đựng nhiều giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của người Chăm được gìn giữ, bảo tồn.
Người dân tộc thiểu số huyện Ba Tơ biểu diễn tiết mục múa dân vũ Hrê. (Ảnh minh hoạ: QN).
Theo các chuyên gia, tỉnh Quảng Ngãi có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch gắn với đồng bào dân tộc thiểu số, nổi bật là các giá trị về lễ hội, ẩm thực dân gian, các nghề truyền thống, các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể, không gian văn hóa....
Hiện nay, tỉnh Quảng Ngãi đang nỗ lực phấn đấu, quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX, trong đó có mục tiêu đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội gắn với bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc của các dân tộc thiểu số. Đây không chỉ là trách nhiệm mà còn là cơ hội để Quảng Ngãi khai thác tiềm năng phát triển du lịch bền vững, góp phần xây dựng một nền kinh tế xanh và hòa nhập hơn.
Mô hình du lịch cộng đồng giúp người dân tộc thiểu số tại Quảng Ngãi nói riêng và tại các địa phương khác trên cả nước nói chung vừa bảo vệ các nét đẹp văn hóa truyền thống, vừa phát triển kinh tế - xã hội. Trong những năm gần đây, họ ngày càng tích cực sáng tạo, đổi mới sản phẩm du lịch thu hút khách hàng.
Du lịch cộng đồng hiện nay cũng là một cách để người dân tộc thiểu số có thêm thu nhập, phát triển kinh tế - xã hội. Mô hình du lịch cộng đồng không chỉ đem lại lợi ích to lớn cho việc gìn giữ, phát huy bản sắc dân tộc, mà còn tạo thêm kế sinh nhai, nâng cao đời sống, xã hội cho người dân tộc thiểu số, giúp thu nhập bình quân của người đồng bào tăng gấp nhiều lần so với thời trước, từ đó ổn định đời sống cho bà con nhân dân.
Đề phát triển và bảo tồn các giá trị văn hoá, đặc biệt đối với đồng bào dân tộc thiểu số, ngày 30-10-2024, Bộ VH-TT-DL đã ban hành Quyết định số 3222/QĐ-BVHTTDL phê duyệt Đề án Phát triển du lịch cộng đồng tại Việt Nam. Trong đó, đưa ra mục tiêu đến năm 2025, tại các điểm du lịch cộng đồng được công nhận ở Việt Nam, cơ bản các giá trị, bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc được bảo tồn và phát huy; có 20% điểm du lịch cộng đồng có nhà sinh hoạt cộng đồng; 20% điểm du lịch cộng đồng có đội văn hóa, văn nghệ (câu lạc bộ) truyền thống hoạt động thường xuyên, có chất lượng.../.
Ngô Trang
Bình luận