Hotline: 0941068156
Thứ hai, 20/01/2025 21:01
Thứ ba, 08/08/2023 07:08
TMO - Tỉnh Bắc Kạn có hệ sinh thái phong phú và đa dạng, gồm: Rừng tự nhiên trên núi đá, núi đất; rừng trồng; đất nông nghiệp; khu dân cư và đất ngập nước. Ðây là nguồn tài nguyên đa dạng sinh học vô cùng quý giá đang được tỉnh nỗ lực bảo tồn gắn với phát triển kinh tế.
Toàn tỉnh hiện có hơn 160.000ha rừng tự nhiên, chủ yếu tập trung ở 02 khu bảo tồn thiên nhiên, 01 khu bảo vệ cảnh quan, 01 vườn quốc gia và gần 290.000ha rừng sản xuất, cụ thể là: Khu bảo tồn thiên nhiên Kim Hỷ, với diện tích vùng lõi hơn 15,7 nghìn hecta và vùng đệm gần 23 nghìn hecta; Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Nam Xuân Lạc, hơn 4,1 nghìn hecta, vùng đệm trong 8ha, vùng đệm ngoài 16,3 nghìn hecta; Khu bảo vệ cảnh quan Thác Giềng khoảng 500ha; Vườn Quốc gia Ba Bể, diện tích rộng hơn 10 nghìn hecta.
Hệ thực vật tại các khu, vườn nói trên có gần 2.000 loài, trong đó, có 144 loài quý hiếm có nguy cơ đe dọa; hệ động vật có 84 loài thú, 314 loài chim, 69 loài lưỡng cư và bò sát, 1.091 loài côn trùng, năm bộ động vật nổi, ba bộ động vật đáy và 108 loài cá, trong đó, có hàng chục loài có tên trong Sánh đỏ Việt Nam, Danh lục đỏ thế giới cần được bảo vệ nghiêm ngặt.
Diện tích rừng tại khu bảo tồn thiên nhiên, vườn quốc gia được bảo vệ là điều kiện để bảo tồn, phát triển hệ sinh thái.
Trên địa bàn tỉnh hiện có 5 kiểu hệ sinh thái, gồm rừng tự nhiên trên núi đá vôi và núi đất; rừng trồng; đất canh tác nông nghiệp; khu vực dân cư; khu đất ngập nước Ramsar. Nguồn gen bản địa về cây trồng và vật nuôi của tỉnh Bắc Kạn rất phong phú, có nhiều nguồn gen mang tính giá trị cao trong thực tiễn sản xuất như các giống cây trồng hồng không hạt, cam, quýt, lê Ngân Sơn, khoai môn, chè tuyết, gừng đá, lúa nếp Khẩu nua Lếch, lúa Bao thai, Khẩu nua Pái Chợ Đồn và một số cây dược liệu quý... Ngoài ra, nguồn gen động vật quý hiếm tại Bắc Kạn có giống bò, trâu, gà của đồng bào Mông, lợn địa phương, vịt bầu cổ xanh, dê cỏ, ngựa bạch... với nhiều đặc điểm ưu việt.
Hiện nay, người dân trên địa bàn tỉnh đang sử dụng 38 loài cây trồng với hàng trăm giống khác nhau trong sản xuất nông nghiệp, phân loại là các giống cây trồng bản địa và các giống cây trồng mới. Về cây dược liệu, tính đến thời điểm hiện tại, tỉnh đã mở rộng diện tích trồng đạt 111,65 ha ngoài ra với những loại dược liệu đem lại giá trị kinh tế cao. Một số loại cây được chế biến thành tinh dầu, tinh bột như quýt, nghệ, hồi, quế.
Sở TN&MT tỉnh Bắc Kạn, những nguồn gen này đang có nguy cơ bị suy thoái về giống do nhiều nguyên nhân khác nhau. Trong những năm gần đây, việc đẩy mạnh các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh đã làm cho diện tích rừng tự nhiên có chất lượng bị thu hẹp, mục đích sử dụng đất bị chuyển đổi, tài nguyên sinh vật bị khai thác quá mức. Nhiều giống mới du nhập vào tỉnh không được kiểm soát và tình trạng ô nhiễm môi trường ngày càng tăng.
Việc bảo vệ, phát triển rừng không gắn với phát triển kinh tế - xã hội gây mất cân bằng, đời sống người dân còn nhiều khó khăn khi chưa có sinh kế bền vững. Bên cạnh đó, nạn phá rừng làm nương rẫy, cháy rừng; khai thác lâm sản quá mức, săn bắn chim thú trái phép, đánh bắt thủy sản bằng các biện pháp hủy diệt; việc sử dụng phân hóa học, thuốc bảo vệ thực vật quá mức không theo quy định, đặc biệt hoạt động khai thác khoáng sản trái phép diễn biến phức tạp đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đối với việc bảo vệ các khu bảo tồn thiên nhiên của tỉnh.
Bảo vệ động vật hoang dã, tái thả về môi trường tự nhiên được lực lượng chức năng tỉnh đẩy mạnh triển khai.
Trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn, VQG Ba Bể được đánh giá là không gian bảo tồn nhiều loài động thực vật quý hiếm. Về đa dạng sinh học ở đây, thực vật có 162 họ, 672 chi, 1.268 loài thực vật bậc cao có mạch, trong đó có 77 loài được ghi tên trong Sách đỏ Việt Nam, 38 loài có mức độ đe dọa toàn cầu được ghi trong Danh lục đỏ thế giới; động vật có 81 loài thú, 322 loài chim, 44 loài bò sát lưỡng cư, 106 loài cá, trong đó, có rất nhiều loài được ghi trong Sách đỏ Việt Nam và Sách đỏ thế giới. Ba Bể cũng là vùng sinh cảnh quan trọng của 2 loài linh trưởng là voọc đen má trắng, voọc mũi hếch và 01 loài bò sát đặc hữu hẹp đó là cá cóc bụng hoa và nhiều loài thú quý hiếm khác.
Để đảm bảo vừa khai thác du lịch, phát triển kinh tế, bảo tồn các giá trị văn hóa của cộng đồng các dân tộc sống trong khu vực hồ Ba Bể, đồng thời bảo vệ đa dạng sinh học, bảo vệ cảnh quan thiên nhiên, môi trường, những năm qua, chính quyền các cấp huyện Ba Bể cùng các ngành chức năng, trong đó chủ chốt là lực lượng Kiểm lâm Vườn Quốc gia thường xuyên đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân bảo vệ các diện tích rừng đặc dụng, động vật hoang dã, kết hợp nắm thông tin ở thôn, bản. Cùng với đó, tiến hành ký kết giao khoán toàn bộ diện tích cho các thôn, bản quản lý, bảo vệ, trung bình mỗi thôn nhận khoán từ 50-70ha, phối hợp với Kiểm lâm tuần rừng từ 3-4 lần/tuần...
Tại VQG Ba Bể, du lịch sinh thái gắn với công tác bảo tồn đa dạng sinh học đang được tích cực triển khai.
Bắc Kạn phê duyệt Quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Tỉnh đặt mục tiêu đến năm 2030 giải quyết sinh kế ổn định cho người dân vùng đệm khu bảo tồn; bảo tồn, sử dụng và phát triển bền vững các loài đặc hữu, quý hiếm, giá trị kinh tế cao. Từ năm 2005 đến nay, trung bình mỗi năm, Bắc Kạn trồng mới hơn 8.000 ha rừng, gồm các loại cây, như: Keo, mỡ, thông, lát… Rừng xanh trở lại, đa dạng sinh học được bảo vệ.
Tỉnh Bắc Kạn đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2030: Thành lập 07 cơ sở bảo tồn đa dạng sinh học tại các Khu bảo tồn, gồm: Vườn thực vật Ba Bể với diện tích 20 ha, Trung tâm cứu hộ và bảo tồn, phát triển sinh vật với diện tích 2,55 ha, Bảo tàng thiên nhiên với diện tích 0,5 ha thuộc Vườn Quốc gia Ba Bể; Vườn thực vật Lũng Lỳ với diện tích 7,13 ha, Vườn ươm Kéo Nàng với diện tích 02 ha thuộc Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Nam Xuân Lạc; Vườn thực vật với diện tích 220 ha, Trung tâm bảo tồn Du Sam diện tích 01 ha thuộc Khu bảo tồn thiên nhiên Kim Hỷ; xây dựng cơ sở dữ liệu đa dạng sinh học của tỉnh Bắc Kạn; khai thác hợp lý tiềm năng du lịch của các khu bảo tồn để phát triển du lịch.
Theo Sở Tài nguyên và Môi trường Bắc Kạn, thực hiện chiến lược quốc gia về đa dạng sinh học, để làm giàu rừng, giải pháp ưu tiên sẽ là trồng mới trên trảng cỏ không có tái sinh bằng cây bản địa ở vùng phục hồi sinh thái; bổ sung, nâng cao số lượng cây có giá trị kinh tế bằng tái sinh nhân tạo hoặc xúc tiến tái sinh tự nhiên; quy tụ, lưu trữ, bảo tồn, phát huy nguồn gien thực vật và các thảm thực vật hiện có.
Ðể phát huy tiềm năng đa dạng sinh học, tỉnh đã phê duyệt đề án tái cơ cấu nông lâm nghiệp giai đoạn đến năm 2025, tầm nhìn 2030, trong đó sẽ tập trung bảo vệ, phát triển rừng; xây dựng ngành hàng có thế mạnh về dược liệu, sản phẩm OCOP. Tỉnh phấn đấu trong tháng 6-2020 sẽ ban hành kế hoạch phát triển du lịch sinh thái gắn với nông lâm nghiệp để tạo sinh kế bền vững, thu nhập cao cho người dân. Một trong những giải pháp quan trọng là tìm kiếm, đa dạng hóa các nguồn tài chính đầu tư cho bảo tồn đa dạng sinh học và tìm kiếm nguồn tài trợ từ các tổ chức trong và ngoài nước. Ưu tiên lồng ghép các hoạt động bảo tồn đa dạng sinh học vào các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Tỉnh cũng đang tăng cường liên kết, hợp tác với các tỉnh, đặc biệt là các tỉnh lân cận về bảo tồn đa dạng sinh học, phối hợp thực hiện tốt quy hoạch hành lang đa dạng sinh học Ba Bể (Bắc Kạn) - Na Hang (Tuyên Quang). Tăng cường các hoạt động hợp tác quốc tế về bảo tồn đa dạng sinh học, nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế trong các lĩnh vực đào tạo, chuyển giao công nghệ, tư vấn kỹ thuật về đa dạng sinh học.
Trung Nguyễn
Bình luận