Hotline: 0941068156
Thứ hai, 14/04/2025 10:04
Thứ bảy, 12/04/2025 06:04
TMO - Bảo tồn và phục hồi các dòng sông là một trong những nhiệm vụ cấp thiết nhằm bảo vệ hệ sinh thái nước ngọt, duy trì nguồn tài nguyên nước và đảm bảo phát triển kinh tế-xã hội bền vững.
Theo đánh giá của Bộ Nông nghiệp và Môi trường, hiện nay nhiều dòng sông đang bị ô nhiễm nghiêm trọng do nước thải sinh hoạt, công nghiệp và nông nghiệp xả thẳng không qua xử lý; hoạt động khai thác nguồn nước quá mức dẫn đến suy giảm lưu lượng dòng chảy, cùng với đó sự biến đổi dòng chảy tự nhiên như việc xây dựng đập, hồ chứa và các công trình thuỷ điện khiến dòng chảy tự nhiên bị thay đổi, ảnh hưởng đến hệ sinh thái của các lưu vực sông.
Mặc dù Việt Nam là quốc gia sở hữu hơn 3.450 con sông, suối có chiều dài từ 10 km trở lên. Tuy nhiên, theo Báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Môi trường, nhiều con sông của nước ta đang phải đối mặt với những thách thức nghiêm trọng do suy thoái, cạn kiệt và ô nhiễm.
Tình trạng này không chỉ ảnh hưởng đến hệ sinh thái mà còn đe dọa trực tiếp đến cuộc sống của rất nhiều người phụ thuộc vào nguồn nước ngọt. Trong nhiều thập kỷ qua, các dòng sông lớn như sông Đà, sông Hồng, sông Đồng Nai, sông Mê Kông... đã đóng vai trò huyết mạch trong phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, tình trạng suy thoái chất lượng nước, sát lở, ứng ngập, thiếu nước mùa khô... đang gây ra những hậu quả đáng báo động. Đơn cử, tại Tuyên Quang, các dòng sông Lô, Gâm, sông Phó Đáy cũng đang chịu áp lực lớn từ các hoạt động kinh tế, xã hội và biến đổi khí hậu.
Tuyên Quang có mật độ sông, suối nhiều, khoảng 0,9 km/km2, với 3 con sông lớn chảy qua, gồm: Sông Lô, sông Gâm và sông Phó Đáy. Trữ lượng nước ngầm có thể khai thác tại các lưu vực sông vào khoảng 4,2 triệu m3/ngày. Hệ thống sông ngòi của tỉnh có vai trò rất quan trọng, đáp ứng nhu cầu nước sinh hoạt, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và các mục đích sử dụng khác. Tuy nhiên, thời gian qua tình trạng thiếu ý thức của một bộ phận người dân đang khiến những dòng sông, con suối tại một số địa phương bị ô nhiễm, ảnh hưởng đến chất lượng môi trường.
Sông Lô có vai trò quan trọng đối với người dân Tuyên Quang.
Con sông Lô, đoạn chảy qua địa phận các xã Quyết Thắng, Hồng Sơn, Trường Sinh (Sơn Dương) 2 năm nay đang phải gánh chịu những chất thải từ các khu dân cư, chợ dân sinh trút xuống. Theo lãnh đạo UBND xã Hồng Sơn, xã đã lập biên bản, cảnh cáo, nhắc nhở nhiều trường hợp đổ rác không đúng nơi quy định, tuy nhiên do lực lượng cán bộ mỏng, người dân thường trông chừng, đổ trộm rác lúc đêm tối dẫn đến những khó khăn trong việc ngăn chặn. Đoạn sông Lô thuộc địa phận khu vực thành phố Tuyên Quang cũng trở thành điểm tập kết phế liệu xây dựng của một bộ phận người dân thiếu ý thức.
Hay con sông Gâm đoạn qua xã Yên Lập (huyện Chiêm Hóa) rác thải sinh hoạt của các hộ dân sống gần khu vực từ túi nilong, thùng xốp, chất thải hữu cơ… vẫn đang phải hứng chịu lượng rác thải từ người dân vứt xuống, làm ô nhiễm môi trường nước, gây mất mỹ quan, phản cảm cho nhiều người đi qua khu vực.
Không chỉ ở Tuyên Quang, hiện nay sông Hồng và sông Đà - hai dòng sông trọng yếu của miền Bắc Việt Nam cũng đang đối mặt với tình trạng ô nhiễm nghiêm trọng, ảnh hưởng đến môi trường, sức khỏe cộng đồng và an ninh nguồn nước.
Ngoài ra, tình trạng sạt lở bờ sông cũng diễn ra nghiêm trọng. Tại tỉnh Phú Thọ, đoạn sông Hồng qua xã Bản Nguyên (huyện Lâm Thao) và xã Xuân Áng (huyện Hạ Hòa) trong năm 2024 đã xảy ra sạt lở với chiều dài lên tới 1 km, ảnh hưởng đến đất ở và hoa màu của người dân.
Trước tình trạng ô nhiễm, sạt lở trên đang đặt ra nhiều thách thức lớn cho công tác quản lý và bảo vệ nguồn nước. Cần có các biện pháp đồng bộ, từ kiểm soát nguồn thải, nâng cao ý thức cộng đồng đến tăng cường hợp tác liên ngành và liên vùng, nhằm bảo vệ và phục hồi các dòng sông, đảm bảo phát triển bền vững cho khu vực.
Tại tỉnh Tuyên Quang, để bảo vệ các dòng sông trên địa bàn, UBND tỉnh đề nghị các ngành, địa phương khẩn trương vào cuộc để bảo tồn và phục hồi các dòng sông. Trước đó, UBND tỉnh đã có kế hoạch thực hiện Kết luận số 36-KL/TW ngày 23/6/2022 của Bộ Chính trị về đảm bảo an ninh nguồn nước và an toàn đập, hồ chứa nước trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Đồng thời, ban hành quyết định về phê duyệt vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt của các công trình khai thác nước về quy định phân vùng các nguồn tiếp nhận nước thải trên địa bàn. Đã có 138 đoạn sông, suối lập hành lang bảo vệ. UBND tỉnh cũng yêu cầu Sở Tài nguyên và Môi trường và các sở, ngành, địa phương triển khai thực hiện nghiêm Nghị định số 02/2023/NĐ-CP ngày 1/2/2023 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Tài nguyên nước. Đồng thời tiến hành điều tra, xác định, thống kê các nguồn xả thải ô nhiễm vào nguồn nước, các nguồn tiếp nhận.
Đối với địa bàn TP.Hà Nội, thành phố đã và đang triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm bảo tồn và hồi sinh các dòng sông nội đô, đặc biệt là sông Tô Lịch, sông Lừ, sông Sét và sông Kim Ngưu. Những nỗ lực này không chỉ tập trung vào việc cải thiện chất lượng nước mà còn hướng đến phát triển cảnh quan và khai thác giá trị văn hóa, lịch sử của các dòng sông.
Thành phố Hà Nội đang tập trung xây dựng đề án phục hồi chất lượng môi trường nước, phát triển đồng bộ kỹ thuật kết hợp với quy hoạch kiến trúc cảnh quan cho bốn sông nội đô: sông Tô Lịch, sông Lừ, sông Sét và sông Kim Ngưu, giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030. Từ đầu tháng 2/2025, thành phố Hà Nội đã triển khai chiến dịch nạo vét tổng thể sông Tô Lịch, với mục tiêu hút khoảng 50.000 - 60.000m³ bùn thải trước tháng 8/2025.
Hà Nội đẩy mạnh hoàn thành dự án bổ sung nước sông Hồng vào sông Tô Lịch.
Bên cạnh đó, thành phố quyết tâm đến ngày 2/9/2025 sẽ hoàn thành dự án bổ sung nước từ sông Hồng vào sông Tô Lịch nhằm cải thiện chất lượng nước và hồi sinh dòng sông này. Đồng thời, nghiên cứu phương án bổ cập nước từ Hồ Tây về sông Tô Lịch bằng đường ống riêng tách biệt để làm sạch sông…
Tại tỉnh Hưng Yên, mạng lưới sông ngòi khá dày đặc với các hệ thống sông lớn như sông Hồng, sông Luộc… Đặc biệt, hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải qua địa phận tỉnh dài 34,5km, cung cấp nước cho khoảng 38.000ha đất nông nghiệp, 12.000ha nuôi thủy sản và cấp nước sinh hoạt cho khoảng 500.00 người dân trong tỉnh.
Tuy nhiên, kết quả quan trắc trong ba năm qua cho thấy nước sông Bắc Hưng Hải và các nhánh sông chảy vào hệ thống thủy lợi này bị ô nhiễm bởi chất hữu cơ, vi sinh như BOD5, COD, TSS, NH4, Coliforms… Trong đó, COD vượt từ 1,003 - 1,77 lần; BOD5 vượt từ 1,01 - 1,76 lần; NO2- vượt từ 1,01 - 10,82 lần; tổng dầu mỡ vượt 1,24 - 2,96 lần. Để bảo vệ nguồn nước mặt, bảo vệ hệ thống sông ngòi trong tỉnh, những năm qua, Sở Nông nghiệp và Môi trường Hưng Yên đã xây dựng cơ sở dữ liệu tài nguyên nước, quy hoạch bảo vệ nguồn nước, kiểm soát chặt chẽ hoạt động xả thải vào nguồn nước.
Tỉnh đang duy trì 26 điểm quan trắc tài nguyên nước, trong đó có 23 điểm quan trắc nước dưới đất và 3 điểm quan trắc nước mặt, đồng thời đẩy mạnh giám sát nước thải tự động tại các doanh nghiệp lớn. Ngoài ra, việc khơi thông dòng chảy, nạo vét các tuyến sông bị bồi lắng, phục hồi hệ sinh thái thủy sinh cũng rất quan trọng để tăng khả năng tự làm sạch của sông. Cùng với đó, tỉnh duy trì mạng lưới quan trắc môi trường với 7 điểm cố định lấy mẫu chất lượng nước sông.
Việc bảo tồn và phục hồi các dòng sông là trách nhiệm chung của toàn xã hội, bên cạnh sự vào cuộc của ngành chuyên môn, các địa phương, người dân cần nâng cao ý thức, trách nhiệm cộng đồng. Với những giải pháp trên đã thể hiện quyết tâm của một số tỉnh thành trong việc bảo tồn và hồi sinh các dòng sông, góp phần cải thiện môi trường sống và phát triển kinh tế-xã hội địa phương bền vững.
Minh Nhật
Bình luận