Hotline: 0941068156
Thứ bảy, 18/01/2025 17:01
Thứ ba, 11/06/2024 08:06
TMO - Vườn quốc gia Cúc Phương được đánh giá là một trung tâm đa dạng sinh học và có tiềm năng phát triển thành vườn cây thuốc quốc gia tại vùng đồng bằng Bắc Bộ của Việt Nam. Nguồn tài nguyên dược liệu nhất là các cây thuốc của Vườn chắc chắn sẽ còn tăng nếu tiếp tục điều tra, đánh giá chuyên sâu về các loài cây thuốc.
Theo kết quả điều tra năm 2008, nguồn tài nguyên cây thuốc của Vườn quốc gia Cúc Phương có 649 loài thuộc 455 chi, 148 họ thực vật được sử dụng làm thuốc. Trong đó, có 51 loài cây thuốc có nguy cơ bị tuyệt chủng cần ưu tiên bảo tồn, 29 loài thường xuyên được khai thác. Con số này sẽ còn tăng nếu tiếp tục điều tra, đánh giá chuyên sâu về các loài cây thuốc. Tại vùng này cũng có nhiều loài cây thuốc có giá trị như: Trà hoa vàng Cúc Phương, hài long, hài đốm, bổ béo, khôi, trám đen, cốt toái bổ, hoàng đằng, lan một lá, ba gạc vòng, lan kim tuyến, gù hương, đảng sâm, thiên tuế lá dài, tuế hòa bình, thạch hộc, pơ-mu, các loài bình vôi,…
Trung tâm Cứu hộ, bảo tồn và Phát triển sinh vật (VQG Cúc Phương) cho biết, Vườn thực vật cũng được xây dựng từ năm 1985, diện tích 167 ha, với trên 800 loài thực vật; đặc biệt, xây dựng được 3 bộ sưu tập của các nhóm loài nguy cấp, quý hiếm gồm: Bộ sưu tập, bảo tồn lan hơn 100 loài; bộ sưu tập, bảo tồn 24 loài tuế của Việt Nam, bộ sưu tập bảo tồn cây thuốc hơn 200 loài. Ngoài ra, Vườn thực hiện một số đề tài về bảo tồn, khai thác và phát triển nguồn gen một số loại dược liệu có giá trị như: Trà hoa vàng Cúc Phương, hoàng đằng, khôi tía, đà nam…
Công tác bảo tồn, khai thác nguồn dược liệu đặc biệt là các cây thuốc tại VQG Cúc Phương đang được đẩy mạnh thực hiện.
Để bảo tồn cây thuốc, Vườn cũng đã xuất bản cuốn sách về những cây thuốc và bài thuốc người Mường sử dụng, tập hợp được 394 loài cây thuốc; thực hiện điều tra thống kê được 700 loài cây thuốc có trong khu vực, chữa trị được 21 nhóm bệnh và đã sưu tập trồng bảo tồn được 296 loài; thực hiện một số đề tài về bảo tồn, khai thác và phát triển nguồn gen cây thuốc trà hoa vàng Cúc Phương, bổ béo, khôi tía, hoàng đằng, đà nam…
Dù tiềm năng dược liệu rất lớn, nhưng đến nay, việc khai thác, phát triển chưa nhiều. Việc khai thác mới chỉ dừng ở một số loài thực vật do thiếu nguồn lực, cũng như các quy định của pháp luật còn chưa có cơ chế thuận lợi để đẩy mạnh việc phát triển dược liệu dưới tán rừng. Những khó khăn, thách thức trong công tác bảo tồn, đó là nguồn kinh phí còn hạn hẹp để triển khai các hoạt động nghiên cứu khoa học. Các quy định của pháp luật chưa thật sự khai thác và phát huy được đầy đủ giá trị dược liệu tại các khu rừng đặc dụng.
Do đó, thời gian tới, Vườn quốc gia Cúc Phương sẽ tiếp tục hợp tác nghiên cứu gắn với chuyển giao kỹ thuật, xây dựng các mô hình bảo tồn, mô hình kinh tế, chú trọng khai thác phát triển dược liệu dưới tán rừng. Bên cạnh khai thác cây dược liệu, các nhà chuyên môn của Vườn quốc gia Cúc Phương cũng cho rằng, cần phối hợp các nhà khoa học nghiên cứu để khai thác và sử dụng côn trùng, các loài nấm của Cúc Phương như một loại dược liệu bởi nơi đây có hàng nghìn loài côn trùng và rất nhiều loài nấm có tiềm năng. Các chuyên gia về dược liệu cho rằng, nếu điều tra tổng thể thì số lượng các loài cây thuốc ở vùng lõi, vùng đệm của Vườn quốc gia Cúc Phương còn nhiều hơn so với con số thống kê hiện nay.
Trung tâm Tài nguyên dược liệu (Bộ Y tế) cho biết, Vườn quốc gia Cúc Phương được xác định là một trong 7 trung tâm đa dạng thực vật của Việt Nam, là nơi cung cấp các loài thực vật quý hiếm có giá trị kinh tế cao. Vườn quốc gia Cúc Phương có tiềm năng phát triển thành vườn bảo tồn và phát triển cây thuốc quốc gia đại diện vùng Đồng bằng Bắc Bộ của Việt Nam. Đây là một trong những định hướng để đẩy mạnh hợp tác nghiên cứu và đào tạo giữa Trung tâm Tài nguyên dược liệu (Viện Dược liệu) và Vườn quốc gia Cúc Phương trong thời gian tới.
Để bảo tồn và phát triển tài nguyên cây thuốc của Vườn, sẽ cần điều tra tiềm năng và hiện trạng nguồn tài nguyên dược liệu; đề xuất các giải pháp nhằm quản lý, bảo tổn và sử dụng bền vững nguồn tài nguyên dược liệu tại đây; điều tra về thành phần loài và phân bố của một số chi có tiềm năng khai thác và phát triển; nghiên cứu xây dựng quy trình khai thác bền vững và trồng một số loài có tiềm năng phát triển tạo nguồn nguyên liệu và sản phẩm; xây dựng vườn bảo tồn và phát triển cây thuốc....
Lê Diệp
Bình luận