Hotline: 0941068156
Thứ bảy, 23/11/2024 10:11
Thứ tư, 06/03/2024 14:03
TMO - Phát huy lợi thế về điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng, thời gian qua nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã triển khai các dự án, giải pháp để bảo tồn, phát triển bền vững các loài cây dược liệu, từng bước hình thành vùng nguyên liệu phục vụ chế biến, xuất khẩu.
Tỉnh Thanh Hóa hiện có 648.370 ha rừng với hàng trăm loài dược liệu quý. Để bảo tồn, phát triển nguồn gien các loại dược liệu bản địa, những năm qua ngành Nông nghiệp tỉnh đã triển khai nhiều chương trình, dự án khoa học bảo tồn phát triển các loại cây dược liệu bản địa dưới tán rừng tự nhiên và rừng trồng. Nhiều mô hình thành công, bước đầu mở ra hướng phát triển sinh kế cho người dân miền núi.
Toàn tỉnh có khoảng 5.000 ha trồng dược liệu ngắn ngày và khoảng hơn 94.000 ha trồng dưới tán rừng với khoảng 1.000 loại cây chủ yếu tập trung tại các huyện miền núi Quan Sơn, Quan Hóa, Mường Lát, Lang Chánh, Bá Thước, Ngọc Lặc... Thời gian gần đây có xu hướng phát triển ở các huyện trung du, đồng bằng như Triệu Sơn, Đông Sơn, Thiệu Hóa, Nông Cống...
Trước nhu cầu của thị trường về sử dụng các sản phẩm có nguồn gốc thảo dược, các địa phương đã lồng ghép nhiều chương trình, dự án, đề tài khoa học để xây dựng, phát triển các mô hình trồng dược liệu; chú trọng hướng dẫn, hỗ trợ người dân ưu tiên trồng các loại dược liệu quý hiếm, các giống có năng suất, chất lượng cao, áp dụng khoa học - kỹ thuật vào trồng, chăm sóc. Bên cạnh đó, toàn tỉnh có 47 HTX sản xuất, kinh doanh dược liệu đã mạnh dạn thực hiện tích tụ tập trung đất đai và vận động thành viên sản xuất các loại cây dược liệu.
Thời gian qua, tỉnh Thanh Hóa đã triển khai các dự án, giải pháp để bảo tồn, phát triển bền vững các loài cây dược liệu.
Cây dược liệu đã và đang được phát triển mạnh trên địa bàn tỉnh, góp phần thực hiện hiệu quả công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng, hiệu quả kinh tế có thể cao gấp 3 đến 4 lần so với trồng lúa và cây hoa màu khác. Tại huyện Bá Thước, mô hình trồng cây dược liệu hữu cơ được đầu tư, hiện đã cho thu hoạch những lứa đầu tiên. So với những cây trồng truyền thống, mô hình trồng cây dược liệu khá phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu và trình độ sản xuất của người dân.
Được biết tháng 8/2023, mô hình trồng cây dược liệu hữu cơ được Trung tâm Xúc tiến thương mại và Đầu tư (thuộc Liên minh HTX Việt Nam) phối hợp với Liên minh HTX tỉnh Thanh Hóa triển khai thực hiện trên địa bàn các xã Thiết Ống và Lũng Cao. Sau khi được tuyên truyền, hướng dẫn, 80 hộ nghèo, cận nghèo của hai xã đăng ký thực hiện mô hình. Cùng với đó, các hộ dân đã đưa giống cây dược liệu được hỗ trợ từ mô hình vào trồng thay thế cho các loại cây trồng mang hiệu quả kinh tế thấp, như: sắn, ngô, gai xanh...
Nhờ triển khai đồng bộ các giải pháp, từ đầu tháng 10/2023, những khu đồi trồng cây dược liệu đã hoàn thành với tổng diện tích 11,2 ha. Trong đó, khoảng 2 ha là diện tích cây ngải cứu. Theo đánh giá của các hộ dân, chất đất đồi và khí hậu mát mẻ tại địa phương khá phù hợp đối với cây dược liệu nên không cần phải chăm sóc nhiều, diện tích dược liệu phát triển khá tốt. Sau 2 tháng được trồng trên các khu đồi cao hơn 2 ha cây ngải cứu đã cho thu hoạch, mang lại thu nhập cao cho các hộ dân.
Sau gần 4 tháng triển khai sản xuất, toàn bộ diện tích trồng cây ngải cứu của người dân 2 xã Thiết Ống, Lũng Cao đã cho thu hoạch lứa đầu tiên. Tổng sản lượng khoảng 35 tấn, được HTX Dược liệu Pù Luông thu mua ngay tại đồi, giá trị kinh tế ước đạt khoảng 180 - 200 triệu đồng/ha, cao hơn trồng lúa, ngô từ 2 - 3 lần. Nhờ đó, đã nhân lên niềm tin, kỳ vọng cho người dân địa phương, đồng thời mở ra hướng phát triển kinh tế mới, tạo sinh kế để các hộ thoát nghèo và tiếp cận với nền sản xuất nông nghiệp hàng hóa, liên kết theo chuỗi giá trị.
Huyện Vĩnh Lộc đẩy mạnh bảo tồn, mở rộng vùng trồng cây dược liệu sâm báo cho hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: BNN.
Huyện Vĩnh Lộc vốn là vùng đất có khí hậu và điều kiện tự nhiên thuận lợi và nổi tiếng với loài cây bản địa là sâm báo. Trước đây, bà con trồng sâm báo chủ yếu phục vụ nhu cầu của gia đình hoặc sơ chế, bán nhỏ lẻ. Những năm gần đây, cây sâm báo đang được khôi phục, khai thác và phát triển thành cây hàng hóa bản địa.
Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Vĩnh Lộc cho biết: Sâm báo có hai loại gồm giống hoa đỏ và hoa vàng. Loại hoa vàng được cho có dược tính tốt hơn nên thường có giá trị cao hơn, dao động 800 nghìn đến 1,2 triệu đồng/kg. Để phục hồi sâm báo trở thành cây hàng hóa, những năm qua, UBND huyện Vĩnh Lộc đã thực hiện nhiều giải pháp như ban hành Đề án “Bảo tồn và mở rộng quy mô phát triển cây sâm báo trên địa bàn giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030”.
Mục tiêu cụ thể giai đoạn 2022-2025 xây dựng thành công 2ha vườn cây đầu dòng sâm báo hoa vàng (tại xã Vĩnh Hùng) để bảo tồn nguồn gen bản địa, đồng thời đề nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công nhận nguồn gốc cây sâm báo hoa vàng để gieo trồng và nhân giống, cung cấp giống nhân rộng diện tích trồng sâm báo của huyện. Đến năm 2030, duy trì nguồn gen bản địa tại núi Báo xã Vĩnh Hùng và phát triển diện tích trồng sâm báo toàn huyện đạt khoảng 250ha. Đồng thời, đưa sản phẩm sâm báo ra thị trường nước ngoài.
Tại huyện Lang Chánh, toàn huyện đã phát triển được khoảng 30 ha với các loại cây dược liệu, như: ngải cứu, bách bộ, kim ngân hoa, đinh lăng... Phòng NN&PTNT huyện cho biết, Từ hiệu quả mang lại của cây dược liệu, huyện đã khuyến khích người dân mở rộng diện tích sản xuất, tạo điều kiện thuận lợi để thu hút doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm, sản xuất và chế biến dược liệu; triển khai các dự án trồng, xây dựng các vườn ươm dược liệu trên địa bàn huyện...
Để phát triển bền vững cho cây dược liệu, các cấp chính quyền trên địa bàn tỉnh cần chú trọng công tác bảo tồn các nguồn gen dược liệu, duy trì đa dạng sinh học; phát huy tiềm năng, lợi thế để quy hoạch vùng trồng tập trung tại các địa phương, chú trọng trồng những loại dược liệu có giá trị kinh tế cao, thị trường tiêu thụ ổn định và có thể chủ động được nguồn giống.
Bên cạnh đó, xây dựng mô hình trồng thử nghiệm một số loại dược liệu mới, có giá trị kinh tế cao để đánh giá sự phù hợp, làm cơ sở để nhân rộng. Các địa phương cần phối hợp với các đơn vị chuyên môn mở các lớp đào tạo, tập huấn chuyển giao khoa học - kỹ thuật trồng cây dược liệu cho người dân, từ đó, thay đổi thói quen canh tác nhỏ lẻ, tự phát, tạo điều kiện thuận lợi thu hút doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm, sản xuất các sản phẩm từ dược liệu, đáp ứng nhu cầu của thị trường.
Trong thời gian tới, ngành Nông nghiệp tỉnh Thanh Hóa sẽ tiếp tục nghiên cứu và nhân rộng các mô hình trồng dược liệu dưới tán rừng đã thành công, tạo sinh kế cho người dân. Đồng thời, có nhiều giải pháp thu hút, kêu gọi các doanh nghiệp liên kết đầu tư theo chuỗi để gắn trồng, sản xuất và chế biến, qua đó góp phần bảo tồn và nâng cao chất lượng giá trị các loại dược liệu trồng tự nhiên.
Hà Trang
Bình luận