Hotline: 0941068156
Thứ bảy, 23/11/2024 16:11
Thứ hai, 13/11/2023 14:11
TMO - Với những giá trị nổi bật toàn cầu của Di sản thiên nhiên thế giới, Vườn quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng (tỉnh Quảng Bình) đang triển khai nhiều giải pháp nhằm bảo tồn và phát huy giá trị di sản trong phát triển kinh tế-xã hội tại địa phương.
Vườn quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng thuộc địa phận 2 huyện Bố Trạch và Minh Hóa (Quảng Bình). Phong Nha - Kẻ Bàng nằm ở một khu vực núi đa vôi rộng khoảng 201.000 ha. Diện tích vùng lõi của Vườn quốc gia là 85.754 ha và một vùng đệm rộng 195.400 ha. Đặc trưng của vườn quốc gia này là các kiến tạo đá vôi, 300 hang động, các sông ngầm và hệ động thực vật quý hiếm nằm trong Sách đỏ Việt Nam và Sách đỏ thế giới. Trải qua nhiều thay đổi lớn về địa tầng và địa mạo, địa hình khu vực này hết sức phức tạp.
Ngày 5/7/2003, tại kỳ họp thứ 27, Ủy ban Di sản Thế giới (UNESCO) đã công nhận Vườn Quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng của Việt Nam là Di sản thiên nhiên thế giới với tiêu chí giá trị ngoại hạng toàn cầu về địa chất, địa mạo. Với những nỗ lực của nhà nước Việt Nam và hỗ trợ của quốc tế, Vườn Quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng được mở rộng lên 123.326ha để bảo tồn nguyên vẹn vùng núi đá vôi cổ lớn nhất Đông Nam Á.
VQG Phong Nha-Kẻ Bàng được công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới cho thấy nỗ lực trong hoạt động bảo tồn nguyên vẹn các giá trị tài nguyên di sản tại tỉnh Quảng Bình. Ảnh:
Đến tháng 7/2015, tại kỳ họp lần thứ 39 tại Bonn, Cộng hòa Liên bang Đức, với sự nhất trí hoàn toàn của các quốc gia thành viên Ủy ban Di sản Thế giới, Phong Nha-Kẻ Bàng lần thứ hai ghi danh vào Danh sách Di sản Thế giới theo 2 tiêu chí đa dạng sinh học, sinh thái. Phong Nha-Kẻ Bàng là ngôi nhà của gần 1.400 loài động vật và gần 3.000 loài thực vật, trong đó có nhiều loài được ghi trong sách đỏ Việt Nam và thế giới. Ðặc biệt là việc ghi nhận sự phân bố của quần thể loài Bách xanh đá 500 năm tuổi, sống trên núi đá vôi ở độ cao hơn 600m.
Việc được công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới đã trở thành một dấu mốc quan trọng không chỉ ghi nhận về giá trị ngoại hạng toàn cầu mà còn đánh giá nỗ lực trong hoạt động bảo tồn nguyên vẹn các giá trị tài nguyên di sản. Việc công nhận di sản là cơ sở hướng đến sự phát triển bền vững của di sản trên nguyên tắc hài hòa vừa phát huy các giá trị, vừa bảo tồn nguyên vẹn tài nguyên trên địa bàn tỉnh Quảng Bình.
Xác định công tác bảo vệ rừng là nhiệm vụ trọng tâm, Ban Quản lý Vườn quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng đã áp dụng công nghệ viễn thám và phần mềm giải đoán biến động, phần mềm GIS để theo dõi biến động rừng, đất lâm nghiệp tại VQG Phong Nha - Kẻ Bàng từ năm 2017; đồng thời thường xuyên phối hợp bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng và thực thi pháp luật với cơ quan chức năng, chính quyền địa phương và chủ rừng liên quan trên địa bàn. BQL Vườn đã chú trọng triển khai thực hiện kế hoạch tuyên truyền bảo vệ rừng, bảo tồn đa dạng sinh học thông qua nhiều hình thức.
Công tác bảo tồn động vật hoang dã được Ban Quản lý VQG chú trọng triển khai trong những năm qua.
Bên cạnh đó, BQL Vườn đã tổ chức điều tra, công bố danh lục 2.953 loài thực vật thuộc 1.007 chi, 198 họ, 63 bộ, 12 lớp, 06 ngành, phát hiện thêm 05 loài thực vật mới cho khoa học; điều tra, công bố danh lục 1.394 loài động vật thuộc 835 giống, 289 họ, 68 bộ, 12 lớp, 04 ngành, phát hiện 38 loài động vật mới cho khoa học và công bố trên toàn thế giới. Đây là cơ sở quan trọng để thực hiện các chương trình bảo tồn, cơ sở khoa học cho việc chỉ đạo điều hành trong quản lý bảo vệ, phát triển VQG Phong Nha - Kẻ Bàng.
Ban quản lý Vườn đã xây dựng các Khu cứu hộ, Khu tái thả động vật hoang dã, Vườn thực vật và Vườn ươm cây giống bản địa để cứu hộ, bảo tồn các loài động, thực vật hoang dã quý hiếm. Trong 20 năm, BQL Vườn đã tiếp nhận, cứu hộ 1.439 cá thể động vật hoang dã, 1.575 kg phong lan, đã thả về môi trường tự nhiên 1.335 cá thể; hiện đang nuôi cứu hộ 64 cá thể động vật hoang dã các loài, trong đó có 07 cá thể Hổ Đông Dương
Nhiều năm qua, Ban quản lý Vườn đã chủ động hợp tác với các tổ chức trong và ngoài nước thực hiện các đề tài, nhiệm vụ khoa học trên các lĩnh vực môi trường, địa chất-địa mạo, đa dạng sinh học, văn hóa-lịch sử, trên cơ sở đó để bảo tồn và phát huy các giá trị tài nguyên của di sản phục vụ phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.
Với nhận thức nghiên cứu khoa học là nền tảng cơ bản để bảo tồn, phát huy các giá trị ngoại hạng, BQL Vườn quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng đã chủ động đề xuất nghiên cứu theo từng lĩnh vực. Đến nay, đơn vị đã khảo sát, phát hiện mới 425 hang động thuộc 07 khu vực/hệ thống (Phong Nha, Nước Moọc, Vòm, Cha Lo, Tú Làn, Quảng Ninh, Lâm Hóa), trong đó có 389 hang động đã được đo vẽ với tổng chiều dài 243km. Nổi bật nhất là việc khám phá Sơn Đoòng - hang động lớn nhất thế giới, có ý nghĩa quan trọng trong nghiên cứu thám hiểm hang động ở khu vực, đóng góp hết sức to lớn quảng bá hình ảnh Việt Nam, Quảng Bình và Phong Nha - Kẻ Bàng trên khắp thế giới.
VQG đa dạng các sản phẩm du lịch, gắn với công tác bảo tồn, phát huy giá trị tài nguyên di sản.
Vườn quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng từng bước đa dạng hóa các sản phẩm du lịch, chủ động triển khai thực hiện đồng bộ cả 3 hình thức tổ chức khai thác du lịch gồm: tự thực hiện, liên doanh liên kết và cho thuê dịch vụ môi trường rừng. Ðến nay, Di sản thiên nhiên thế giới này đã có 15 tuyến, điểm du lịch đi vào hoạt động với nhiều loại hình du lịch phong phú, đa dạng, như: khám phá thiên nhiên, hang động, cắm trại, đi bộ, đu dây (zipline)... Việc phát triển dịch vụ du lịch đã thu hút lượng khách đến với di sản ngày càng tăng. Ðể bảo đảm vừa phát triển du lịch, vừa bảo tồn di sản bền vững, Ban quản lý Vườn luôn chú trọng việc theo dõi, đánh giá mức độ tác động, ảnh hưởng của các hoạt động du lịch lên các hang động để có hướng bảo tồn phù hợp nhằm hạn chế những tác động tiêu cực lên di sản.
Thời gian tới, Ban quản lý Vườn quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng tiếp tục xác định công tác quản lý, bảo vệ rừng và bảo tồn giá trị tài nguyên thiên nhiên, giá trị di sản là nền tảng, là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu; đồng thời, tiếp tục làm tốt hơn nữa công tác quản lý, bảo tồn, nghiên cứu khoa học, cứu hộ động thực vật hoang dã nhằm bảo tồn nguyên vẹn các giá trị ngoại hạng toàn cầu của di sản. Cùng với đó là phát huy có hiệu quả và bền vững giá trị tài nguyên, giá trị di sản để phục vụ quản lý, bảo tồn di sản và phát triển kinh tế-xã hội.
Tỉnh Quảng Bình đang tranh thủ sự giúp đỡ của các bộ, ngành Trung ương, sự hỗ trợ của các nhà khoa học, tổ chức quốc tế để sớm hoàn thiện hồ sơ khoa học trình UNESCO công nhận Vườn quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng là di sản lần thứ ba theo tiêu chí cảnh quan thiên nhiên và phấn đấu đưa Phong Nha-Kẻ Bàng thành di sản đầu tiên đạt 4/4 tiêu chí về Di sản thiên nhiên thế giới.
Hồng Thái
Bình luận