Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 19/01/2025 06:01
Thứ bảy, 11/11/2023 12:11
TMO - Từ một vùng đầm lầy, quanh năm ngập nước đến nay đầm Vân Long (Ninh Bình) đã được công nhận là Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước lớn nhất vùng Đồng bằng châu thổ Bắc Bộ và công nhận là khu Ramsar thứ 9 của Việt Nam. Đặc biệt, nơi đây còn được Uỷ ban Danh lục Xanh toàn cầu (IUCN) phê duyệt và chứng nhận Danh lục Xanh đầu tiên ở Đông Nam Á.
Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Vân Long nằm ở phía đông bắc huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình có diện tích khoảng 3.500ha, nơi đây có tới 457 loài thực vật bậc cao trong đó có 8 loài được ghi trong sách đỏ Việt Nam, động vật có 39 loài trong đó có 12 loài động vật quý hiếm. Đây cũng là nơi sở hữu 2 kỷ lục của Trung tâm sách kỷ lục Việt Nam đó là " Nơi có số lượng cá thể voọc mông trắng nhiều nhất" và "Nơi có bức tranh tự nhiên lớn nhất".
Trải qua hơn 20 năm bảo tồn và phát triển, đầm Vân Long đã được công nhận là khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước lớn nhất vùng Đồng bằng châu thổ Bắc Bộ và công nhận là khu Ramsar thứ 9 của Việt Nam; được Uỷ ban Danh lục Xanh toàn cầu (IUCN) phê duyệt và chứng nhận Danh lục Xanh đầu tiên ở Đông Nam Á. Đây là minh chứng rõ ràng nhất về những kết quả bảo tồn đã đạt được cũng như có đóng góp vào các mục tiêu đa dạng sinh học toàn cầu.
Đầm Vân Long với những giá trị đa dạng sinh học đặc trưng đã được công nhận là Khu Ramsar thứ 9 của Việt Nam và trở thành Danh lục Xanh đầu tiên ở Đông Nam Á.
Để từ một vùng đầm lầy, quanh năm ngập nước trở thành Danh lục Xanh đầu tiên ở Đông Nam Á chính là nhờ phần lớn từ công tác bảo tồn, phát triển du lịch của cộng đồng dân cư nơi này. Ông Trần Xuân Quang trú tại xã Gia Vân, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình – Người được mệnh danh "Ăn cơm nhà, vác tù và hàng tổng" cho đầm Vân Long suốt gần 3 thập kỷ qua chia sẻ: Vào những năm 1995-1996 ông và một số thành viên đã có suy nghĩ làm du lịch ở Vân Long. Sau đó, khách sạn Hoa Lư gợi ý hợp tác làm du lịch. Thời gian đầu, dùng thuyền câu của bà con để đi khảo sát các hang động và ghi chép lại các loài động vật. Năm 1998-1999, gặp các nhà khoa học của Hà Lan cùng Viện Quy hoạch rừng vào khảo sát tại đây, ông Quang nhận nhiệm vụ dẫn đoàn nghiên cứu đi khảo sát khắp vùng Vân Long. Đến năm 2000, huyện Gia Viễn thành lập tổ du lịch Vân Long với 13 người do ông Quang làm tổ trưởng, lúc đó ông Quang cùng các thành viên trong tổ du lịch mua được khoảng hơn 30 chiếc thuyền câu chủ yếu dùng để phục vụ cho các đoàn khảo sát và nghiên cứu.
Chia sẻ về những khó khăn nhất trong lúc làm bảo tồn đó là quá trình vận động bà con chung tay giữ gìn bảo tồn cảnh quan Vân Long vì thời điểm đó đầm Vân Long đang là nơi kiếm sống của bà con như, chăn thả dê, chặt củi rừng, săn bắn động vật, khai thác đá tiểu cảnh nhưng với ý chí cùng với sự đoàn kết nên đã tạo ra những quả ngọt sau tháng ngày cống hiến. Năm 2007-2008, tổng lượng khách quốc tế đến với Vân Long đạt trên 90.000 lượt khách/năm.
Từ những năm 1995-1996, ông Trần Xuân Quang và một số thành viên đã có suy nghĩ làm du lịch ở Vân Long, qua đó phát huy và bảo tồn giá trị tài nguyên tại khu vực này.
Đầm Vân Long không chỉ có những giá trị về bảo tồn đa dạng sinh học mà còn là nơi có cảnh quan thiên nhiên tuyệt đẹp, hiền hoà và trong lành, là địa điểm du lịch lý tưởng giúp con người gần hơn với thiên nhiên, xây dựng ý thức trách nhiệm về bảo vệ thiên nhiên, gìn giữ bảo tồn các danh lam thắng cảnh được các tổ chức quốc tế công nhận.
Để bảo tồn thiên nhiên và giá trị đa dạng sinh học ở nơi đây, các cấp, ngành và người dân sống ở khu vực xung quanh Khu bảo tồn thiên nhiên này đã tích cực bảo vệ môi trường, cải thiện môi trường sống của các loài động, thực vật, giữ lại những nét hoang sơ vốn có của Vân Long. Trong đó, huyện Gia Viễn đã tập trung xây dựng các sản phẩm du lịch xanh, tuyên truyền nâng cao nhận thức của cấp ủy, chính quyền địa phương, người dân và du khách về xử lý rác thải, nước thải, giữ gìn cảnh quan, xây dựng môi trường xanh-sạch-đẹp theo Bộ quy tắc ứng xử văn minh du lịch; gắn trách nhiệm của chính quyền địa phương trong cải thiện môi trường du lịch; xây dựng chương trình tuyên truyền, giáo dục văn hóa ứng xử của cộng đồng dân cư đối với du khách và bảo vệ tài nguyên môi trường du lịch.
Đồng thời, tập trung tuyên truyền để người dân, cộng đồng nhận thức và tham gia vào công tác bảo tồn. UBND huyện đã phối hợp chặt chẽ với các đơn vị liên quan xây dựng ranh giới, cắm mốc, thống kê các loại đất trong khu vực, không thực hiện di dân và lấy chính người dân làm hạt nhân nòng cốt để thực hiện mục tiêu bảo tồn bền vững; đồng thời thực hiện tốt công tác trồng mới và bảo vệ rừng, bảo vệ các nguồn gen quý hiếm...
Minh Anh
Bình luận