Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 19/01/2025 09:01
Thứ năm, 24/08/2023 07:08
TMO - TP.HCM đề cử rừng phòng hộ Cần Giờ (huyện Cần Giờ) thành khu Ramsar, tức vùng đất ngập nước có tầm quan trọng quốc tế nhằm nâng cao công tác quản lý bảo tồn và khai thác tài nguyên có hiệu quả.
Ramsar là một Công ước quốc tế về bảo tồn và sử dụng hợp lý đất ngập nước và các nguồn tài nguyên từ đất ngập nước. Khu Ramsar là vùng đất ngập nước có tầm quan trọng quốc tế được ban thư ký Công ước Ramsar công nhận. Rừng phòng hộ Cần Giờ được hình thành, phát triển trên nền đất phù sa do hệ thống sông Sài Gòn, Đồng Nai mang đến, lắng đọng. Khu vực dần hình thành nền đất, kết hợp với điều kiện khí hậu nhiệt đới gió mùa cận xích đạo, chế độ thủy triều bán nhật triều, mật độ sông rạch dày đặc tạo sự thuận lợi cho sự phát triển của hệ sinh thái rừng ngập mặn.
Theo báo cáo của Ban Quản lý rừng phòng hộ Cần Giờ, khu rừng ngập mặn này đáp ứng 4 tiêu chí của tổ chức công ước Ramsar quy định, đủ để đề cử công nhận trở thành khu Ramsar. Theo đó, tại tiêu chí 1: Rừng phòng hộ Cần Giờ chứa đựng một mẫu về sự độc đáo, hiếm và đại diện cho một kiểu đất ngập nước tự nhiên hoặc gần với tự nhiên trong vùng địa lý sinh học đặc biệt. Qua tổng hợp kết quả công trình nghiên cứu về thành phần thực vật của rừng ngập mặn Cần Giờ, ghi nhận có 35 loại thực vật ngập mặn. Rừng ngập mặn Việt Nam hiện có 37 loài ngập mặn thực thụ. Do đó, rừng Cần Giờ là nơi gần như có đầy đủ các thành phần loài thực vật ngập mặn thực thụ trong cả nước.
Đây là một trong những tiêu chí quan trọng trong quá trình đề cử thành công khu dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn Cần Giờ là hệ thống rừng ngập mặn tái sinh tự nhiên. Rừng ngập mặn Cần Giờ là một hệ sinh thái hỗn giao tự nhiên bao gồm hầu hết các loài cây rừng ngập mặn "thực thụ" và loài "gia nhập". Điều này giúp tạo nên sự đa dạng sinh học và di sản các hệ thống tự nhiên cho tương lai.
TP.HCM đề cử rừng phòng hộ Cần Giờ (huyện Cần Giờ) thành khu Ramsar, nhằm nâng cao công tác quản lý bảo tồn và khai thác tài nguyên có hiệu quả.
Rừng phòng hộ Cần Giờ đáp ứng tiêu chí 2 tại Công ước đố là: Nuôi dưỡng các loài cực kỳ nguy cấp, nguy cấp, hoặc sắp nguy cấp, các quần xã sinh thái đang bị đe dọa, theo tiêu chuẩn của Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN). Hiện trong 316 loài thực vật được ghi nhận ở Cần Giờ, đã có 108 loài được đánh giá mức độ nguy cấp. Một số loài ngập mặn thực thụ được xếp ở cấp độ sẽ nguy cấp, sắp bị đe dọa nguy cấp như gỗ nước, chà là biển, sú, bần ổi, cóc đỏ, chiếc bàng và chùm lé, chân danh Trung Quốc và gội mum. Về động vật có 11 loài bò sát có tên trong Sách đỏ Việt Nam như tắc kè, kỳ đà nước, trăn đất, trăn gấm, rắn cạp nong, rắn hổ mang, rắn hổ chúa, vích, cá sấu hoa cà.
Đối với tiêu chí 5: Thường xuyên hỗ trợ, cung cấp thức ăn, nơi dừng chân từ 20.000 cá thể chim nước trở lên. Hiện nay, trong khu phòng hộ huyện Cần Giờ có khu quy hoạch sân chim Vàm Sát, thuộc xã Lý Nhơn, ước lượng có từ 20.000 cá thể chim nước trở lên về đây cư trú hằng năm.
Tại tiêu chí 8: Nơi cung cấp nguồn thức ăn quan trọng cho các loài cá, nơi sinh sản, nuôi dưỡng và đường di cư mà nhờ đó các loài cá có thể sinh sôi nảy nở. Rừng ngập mặn Cần Giờ là cái nôi tự nhiên cho rất nhiều loài tôm, cá. Tuy các loài tôm, cá ít sống trọn vòng đời ở rừng ngập mặn nhưng hầu hết chúng đều đến rồi đi theo dòng thủy triều hoặc trải qua một phần của vòng đời ở các vùng cửa sông tại rừng ngập mặn. Chúng lấy rừng ngập mặn là nơi sinh sống, cung cấp thức ăn, sinh sản…Đặc biệt, vùng đất ngập nước Cần Giờ gắn liền với hệ sinh thái rừng ngập mặn được phục hồi sau chiến tranh và được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hiệp quốc (UNESCO) công nhận là Khu Dự trữ sinh quyển thế giới đầu tiên ở Việt Nam.
Khu rừng ngập mặn này đáp ứng 4 tiêu chí của tổ chức công ước Ramsar quy định.
Theo chính quyền TP.HCM, việc công nhận rừng phòng hộ Cần Giờ là khu Ramsar, sẽ tạo uy tín cho thành phố mở rộng các quan hệ hợp tác trong nước và quốc tế về quản lý có hiệu quả đất ngập mặn, tăng khả năng hỗ trợ kỹ thuật, tư vấn xây dựng quốc tế về quản lý có hiệu quả đất ngập nước; tiếp cận sự hỗ trợ của quốc tế thực hiện các dự án bảo tồn đa dạng sinh học, đất ngập nước; đào tạo huấn luyện nâng cao năng lực quản lý cho cán bộ - công chức trong các lĩnh vực liên quan...
Theo thống kê, hiện Việt Nam có 9 khu đất ngập nước được công nhận là khu Ramsar thế giới gồm Vườn quốc gia Xuân Thủy (Nam Định); Bàu Sấu thuộc Vườn quốc gia Cát Tiên (Đồng Nai); Hồ Ba Bể (Bắc Kạn); Tràm Chim (Đồng Tháp); Vườn quốc gia Mũi Cà Mau (Cà Mau); Vườn quốc gia Côn Đảo (Bà Rịa- Vũng Tàu); Khu bảo tồn đất ngập nước Láng Sen (Long An); Vườn quốc gia U Minh Thượng (Kiên Giang) và Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Vân Long (Ninh Bình).
Theo Kế hoạch hành động quốc gia về bảo tồn và sử dụng bền vững các vùng đất ngập nước giai đoạn 2021-2030 của Chính phủ, mục tiêu đến năm 2025 cả nước có 13 khu đất ngập nước được công nhận là khu Ramsar. Các khu Ramsar Việt Nam chú trọng các hoạt động, chương trình du lịch sinh thái, du lịch thân thiện với môi trường góp phần thu hút sự chú ý của quốc tế trong việc bảo tồn đất ngập nước. Đồng thời, tăng cường nguồn tài nguyên du lịch tự nhiên của cả nước nói chung và các khu Ramsar nói riêng, góp phần phát triển kinh tế - xã hội.
09 tiêu chí xác định Khu đất ngập nước (ĐNN) có tầm quan trọng quốc tế:
Tiêu chí 1: Một vùng ĐNN được coi là có tầm quan trọng quốc tế nếu nó mang tính chất tiêu biểu, hiếm hoặc một hình mẫu độc đáo của loại hình ĐNN tự nhiên hoặc bán tự nhiên trong một vùng sinh-địa thích hợp.
Tiêu chí dựa trên loài và quần xã sinh thái:
Tiêu chí 2: Một vùng ĐNN được coi là có tầm quan trọng quốc tế những loài nguy cấp , dễ tổn thương hoặc những loài nguy cấp khẩn cấp hoặc những quần xã sinh thái bị đe doạ.
Tiêu chí 3: Một vùng ĐNN được coi là có tầm quan trọng quốc tế nếu nó hỗ trợ những quần thể thực vật và/hay những loài động vật quan trọng cho duy trì đa dạng sinh học của một vùng sinh-địa lý cụ thể.
Tiêu chí 4: Một vùng ĐNN được coi là có tầm quan trọng quốc tế nếu nó hỗ trợ những loài thực vật và/hay động vật tại một giai đoạn quan trọng trong chu kỳ sống của chúng hoặc cung cấp nơi trú ẩn trong những điều kiện khó khăn.
Tiêu chí cụ thể dựa trên chim nước
Tiêu chí 5: Một vùng ĐNN được coi là có tầm quan trọng quốc tế nếu nó thường xuyên hỗ trợ 20.000 hoặc hơn chim nước
Tiêu chí 6: Một vùng ĐNN được coi là có tầm quan trọng quốc tế nếu nó thường xuyên hỗ trợ 1% trong một quần thể của một loài hay phụ loài của chim nước
Tiêu chí cụ thể dựa trên cá
Tiêu chí 7: Một vùng ĐNN được coi là có tầm quan trọng quốc tế nếu nó hỗ trợ một bộ phận quan trọng của những loài, phụ loài cá hoặc họ, một giai đoạn sống cá bản địa, những tương tác loài và/hoặc những quần thể tiêu biểu cho những lợi ích của ĐNN và/hoặc những giá trị và do đó đóng góp cho đa dạng sinh học toàn cầu.
Tiêu chí 8: Một vùng ĐNN được coi là có tầm quan trọng quốc tế nếu nó là một nguồn thức ăn quan trọng cho cá, nơi đẻ trứng, ương giống và/hoặc đường di cư mà cá trong ĐNN hoặc từ nơi khác phải phụ thuộc.
Tiêu chí dựa vào phân loại khác
Tiêu chí 9: Một vùng ĐNN được coi là có tầm quan trọng quốc tế nếu nó thường xuyên hỗ trợ 1% cá thể trong một quần thể của một loài hay phụ loài của một loài động vật không phải chim phụ thuộc vào ĐNN.
Minh Thúy
Bình luận