Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 24/11/2024 12:11
Thứ ba, 14/06/2022 20:06
TMO - Buôn bán trái phép động vật hoang dã (ĐVHD) là hoạt động xuyên quốc gia bất hợp pháp lớn thứ tư trên thế giới, xếp sau buôn ma tuý, buôn người và buôn lậu hàng giả. Hiện nay, tốc độ tuyệt chủng của các loài, nhất là động vật hoang dã qua mỗi năm lại tăng nhanh hơn gấp nhiều lần so với trước kia. Thực tế, hành vi săn bắt, khai thác và buôn bán động vật hoang dã hiện đang là một thách thức mang tính toàn cầu chứ không của riêng bất cứ quốc gia nào.
Nhiều loài ĐVHD đứng trên bờ tuyệt chủng
Sự đa dạng sinh học của ĐVHD vốn được coi là một loại tài nguyên mang tính sống còn đối với sự tồn tại của Trái đất. Mặc dù không thể biết một cách đầy đủ các loài trong hệ sinh thái tự nhiên có tác động qua lại lẫn nhau như thế nào, nhưng sự biến mất của một loài sinh vật hoặc ĐVHD chắc chắn sẽ ảnh hưởng tới hệ sinh thái và con người.
Ban Quản lý rừng phòng hộ Tây Giang (Quảng Nam) bàn giao cá thể tê tê Java cho Trung tâm cứu hộ Vinpearl Hội An chăm sóc.
Việt Nam là một trong 16 quốc gia có mức độ đa dạng sinh học cao nhất thế giới song lại là quốc gia thứ hai trong khu vực Đông Á về số lượng các loài bị đe dọa tuyệt chủng. Trong những năm trở lại đây, bảo vệ ĐVHD là một trong những vấn đề được Nhà nước đặc biệt quan tâm.
Khi dịch Covid-19 bùng phát, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Chỉ thị số 29/CT-TTg về một số giải pháp cấp bách quản lý ĐVHD, trong đó yêu cầu kiên quyết loại bỏ các khu vực chợ, tụ điểm mua bán ĐVHD trái pháp luật. Chế tài đã có, tuy nhiên ĐVHD vẫn được buôn bán cả công khai và lén lút, từ nhỏ lẻ cho đến có tổ chức.
Thực tiễn cho thấy, săn bắt, buôn bán ĐVHD và các sản phẩm từ ĐVHD trái pháp luật đã gây nên sự tuyệt chủng của rất nhiều loài. Một số loài vốn được coi là biểu tượng của Việt Nam nhưng hiện nay đã không còn tồn tại trong tự nhiên cũng như đang phải đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng rất cao như: tê giác Java, theo sách đỏ IUCN thì hổ đã bị tuyệt chủng về mặt sinh thái, voi châu Á cũng chỉ còn dưới 100 cá thể tồn tại, sao la cũng chỉ còn dưới 20 cá thể, 25 loài linh trưởng ở Việt Nam cũng ở trong tình trạng cực kỳ nguy cấp...
Phát hiện loài cu li quý hiếm tại Khu bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên (Thanh Hóa). (Ảnh: TTXVN)
Thay đổi tư duy và hành vi của cộng đồng
Để bảo tồn các loài ĐVHD của Việt Nam, ngoài việc Chính phủ và các cơ quan chức năng triển khai thực thi pháp luật, hỗ trợ phát triển sinh kế bền vững cho cộng đồng địa phương..., những hoạt động truyền thông, giáo dục nâng cao nhận thức về ĐVHD được kỳ vọng là một giải pháp quan trọng trong bối cảnh nhận thức, thái độ và hành vi của cộng đồng về bảo tồn ĐVHD còn hạn chế.
Ngày 3/6, Trung tâm cứu hộ Gấu Việt Nam, Tổ chức Động vật châu Á phối hợp với Chi cục Kiểm lâm tỉnh Sơn La tiếp nhận một cá thể gấu ngựa do một hộ dân ở thành phố Sơn La tự nguyện giao nộp - Ảnh: IT
Bàn về vấn đề này, theo Tổ chức Wildlife Conservation Society (WCS), cần có các giải pháp đồng bộ từ chính sách, thực thi pháp luật và tuyên truyền nâng cao nhận thức và sự tham gia của cộng đồng trong bảo vệ ĐVHD.
Về chính sách, cần sửa đổi và ban hành và đẩy mạnh thực hiện một số chính sách nhằm ngăn ngừa những rủi ro và tác động bệnh dịch từ ĐVHD sang người như: Nghiêm cấm các hoạt động nhiều nguy cơ nhất trong chuỗi cung ứng ĐVHD, đặc biệt liên quan đến các loài có nguy cơ cao nhất như các loài chim và thú hoang dã; Thắt chặt quy định và giám sát hoạt động của các trang trại gây nuôi thương mại ĐVHD để lấy da và chế biến thuốc đông y; Xây dựng hướng dẫn về tiêu chuẩn an toàn trong quá trình xử lý ĐVHD bị tịch thu nhằm giảm nguy cơ lây nhiễm mầm bệnh sang các cán bộ thực thi pháp luật và các nhân viên cứu hộ ĐVHD;
Về thực thi pháp luật, cần tăng cường công tác điều tra, xử lý triệt để các vụ việc vi phạm pháp luật về bảo vệ ĐVHD, đặc biệt là các vụ việc bắt giữ ĐVHD với số lượng lớn, qua biên giới, tại các cảng biển, làm rõ được người có liên quan, chủ lô hàng, đối tượng cầm đầu nhằm triệt phá tận gốc các đường dây buôn bán có tổ chức, xuyên quốc gia thông qua tối ưu hóa các nguồn lực như: hợp tác quốc tế (hiệp định tương trợ tư pháp về hình sự), sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ…
Tăng cường hợp tác thực thi pháp luật quốc tế giữa các bên và các quốc gia có liên quan. Tăng cường sử dụng cơ chế hợp tác quốc tế đa phương và song phương trong phát hiện, điều tra, xử lý các đường dây tội phạm ĐVHD có tổ chức, xuyên quốc gia thông qua sử dụng cơ chế sẵn có mà Việt Nam là thành viên (ví dụ: Công ước Liên hợp quốc về chống tham nhũng (UNCAC) năm 2009; Công ước Liên hợp quốc về chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia (UNTOC) vào năm 2012) hoặc một số Hiệp định song phương, Biên bản ghi nhớ đã ký kết với các quốc gia nguồn ở Châu Phi (Mozambique, Nam Phi, Angola). Đồng thời, các cơ quan chức năng Việt Nam, đặc biệt là Hải quan, Cảnh sát môi trường, Cảnh sát kinh tế cần tăng cường hợp tác thực thi pháp luật với các quốc gia trung chuyển trong chuỗi cung ứng (Malaysia, Singapore, Campuchia…) để nâng cao kết quả phát hiện, điều tra, xử lý.
Tăng cường điều tra, xử lý các loại hình vi phạm và tội phạm khác liên quan đến ĐVHD như tội phạm mạng, tội phạm rửa tiền, tham nhũng, tội phạm tài chính, tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua tăng cường phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan liên quan.
Về tuyên truyền, Thực hiện các giải pháp nhằm nâng cao nhận thức người dân để họ hiểu các quy định pháp luật, tránh tiếp tay cho các hành vi sai phạm. Ngoài ra, mỗi cá nhân, gia đình, tổ chức cần thấy được sự nguy hại từ việc buôn bán ĐVHD và có ý thức bảo tồn, phát triển các loài động vật quý hiếm; hoặc đơn giản là thay đổi thói quen tiêu dùng hàng ngày, không sử dụng các loại thực phẩm cũng như không mua bán, tiêu thụ các loại đồ vật trang trí, đồ dùng có nguồn gốc từ ĐVHD; xóa bỏ lối sống xa hoa, sử dụng sản phẩm ĐVHD như "thần dược" để chữa bệnh.
Tiếp tục duy trì các biện pháp tuyên truyền về các tác động tiêu cực/nguy cơ rủi ro của hoạt động buôn bán, sử dụng trái pháp luật ĐVHD, đặc biệt là nguy cơ lây lan dịch bệnh, ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng; nguy cơ bị lừa đảo, chiếm đoạt tài sản. Thay đổi hành vi và thực hành của các tác nhân trong chuỗi cung ứng ĐVHD: từ trang trại, người thu gom, vận chuyển, buôn bán và người tiêu dùng.
Con người cũng có thể là những tác nhân gây ra những ảnh hưởng tiêu cực cho ĐVHD. Do đó, chỉ con người mới có thể ngăn chặn và quyết định dừng lại hành vi tiêu cực để bảo vệ các sự sống còn sót lại trong tự nhiên. Mọi hành vi của con người có khả năng quyết định vận mệnh của hệ sinh thái và của chính mình trong tương lai. Ngay bây giờ, hãy ngừng “săn đón” ĐVHD cho nhu cầu xa xỉ, chung tay thúc đẩy tái hoang dã không chỉ giúp lưu truyền các giá trị vô giá cho thế hệ về sau, mà còn có thể mở ra nhiều triển vọng tốt đẹp cho hệ sinh thái tương lai. |
Thiên Trường
Bài 3. Buôn bán động vật hoang dã: “Ma trận” tận diệt trên “chợ ảo”
Bài 2. Buôn bán trái phép động vật hoang dã đang là vấn nạn toàn cầu
Bình luận