Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 19/01/2025 09:01
Thứ sáu, 15/09/2023 08:09
TMO - Hướng đến mục tiêu phát triển bền vững, thời gian qua tỉnh Đồng Tháp đang triển khai nhiều giải pháp nhằm phục hồi hệ sinh thái rừng ngập nước tại Vườn quốc gia Tràm Chim, bảo vệ môi trường cư trú, phát triển cho các loài động thực vật, giữ gìn tính đa dạng sinh học tại địa phương.
Vươn quốc gia Tràm Chim là vùng đất ngập nước rộng lớn thuộc địa phận các xã: Tân Công Sính, Phú Đức, Phú Thọ, Phú Thành A, Phú Thành B, Phú Hiệp và thị trấn Tràm Chim (huyện Tam Nông) với tổng diện tích tự nhiên 7.313ha. Khu vực này có thảm thực vật phong phú với hơn 130 loài thực vật bậc cao, với 6 kiểu quần xã đặc trưng: quần xã sen, lúa trời, năng, mồm mốc, cỏ ống và quần xã rừng tràm.
Hệ chim nước có 231 loài, thuộc 25 chi, 49 họ. Trong đó, có 88% được tìm thấy vào mùa khô, chiếm 1/4 tổng số các loài chim tìm thấy ở Việt Nam; có nhiều loài chim quí hiếm nằm trong Sách đỏ Việt Nam và IUCN như: cốc đế, giang sen, già sói... và đặc biệt là sếu đầu đỏ đang được thế giới bảo vệ. Thủy sản có 150 loài cá nước ngọt, các loài cá nằm trong Sách đỏ Việt Nam như: cá còm, cá mang rổ, cá duồng, cá hô; 191 loài thực vật, hệ thủy sinh vật đa dạng, phong phú với gần 180 loài tảo, 110 loài thực vật nổi, 26 loài thực vật đáy, gần 350 loài phiêu sinh thực vật, 34 loài bò sát lưỡng cư...
Với sự đa dạng sinh học cao, Vườn quốc gia Tràm Chim còn là nơi bảo tồn văn hóa lịch sử, danh lam thắng cảnh tự nhiên của vùng Đồng Tháp Mười và đây còn là nơi nghiên cứu, học tập của học sinh, sinh viên các tổ chức bảo tồn quốc tế về hệ sinh thái đất ngập nước nội địa. Đặc biệt, Vườn quốc gia Tràm Chim đã được thế giới công nhận là khu Ramsar vùng đất ngập nước có tầm quan trọng quốc tế về mặt đa dạng sinh học và bảo tồn thiên nhiên.
Với giá trị đa dạng sinh học của hệ động, thực vật phong phú đòi hỏi công tác bảo tồn tại VQG Tràm Chim cần tiếp tục được triển khai hiệu quả.
Xác định việc xâm nhập, đánh bắt trái phép động vật tại Vườn quốc gia là do người dân có hoàn cảnh khó khăn nên bên cạnh triển khai các hoạt động tuyên truyền, vận động cộng đồng dân cư vùng đệm chấp hành đúng các quy định và cam kết bảo vệ Vườn quốc gia.. địa phương này còn có các cơ chế hỗ trợ người dân vùng đệm phát triển kinh tế. Có thể kể đến Dự án hỗ trợ vốn cho chị em phụ nữ phát triển kinh tế. Mô hình không chỉ giúp nhiều hộ dân thoát nghèo mà còn giúp họ yên tâm gắn bó với rừng... Bên cạnh dự án hỗ trợ chị em phụ nữ vùng đệm vay vốn, địa phương còn triển khai các mô hình du lịch sinh thái tại Vườn với lực lượng nòng cốt là các hộ dân và con em ở những vùng đệm tham gia. Nhờ đó, số hộ vi phạm giảm đáng kể, đặc biệt thông qua đội ngũ này, việc tiếp cận, tuyên truyền đến người dân, du khách về ý thức bảo rừng được thực hiện hiệu quả hơn...
Hiện tỉnh đang triển khai Dự án Bảo tồn và Phát triển sếu đầu đỏ tại Vườn quốc gia Tràm Chim giai đoạn 2022 - 2032. Huyện Tam Nông đang rà soát thực trạng sản xuất của người dân, lập Đề án phát triển sinh kế vùng đệm Vườn quốc gia Tràm Chim, hỗ trợ cho người dân an tâm sản xuất, kinh doanh, mua bán để nâng cao đời sống, hạn chế xâm nhập vào Vườn, góp phần bảo vệ môi trường, bảo vệ các loài động, thực vật trong Vườn và vùng đệm...
Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh đang triển khai đề tài “Bảo tồn đa dạng sinh học Vườn Quốc gia Tràm Chim thích ứng với biến đổi khí hậu Mục tiêu của đề tài là đánh giá hiện trạng đa dạng sinh học của Vườn quốc gia Tràm Chim dự báo tác động của biến đổi khí hậu đến đa dạng sinh học ở khu vực này, đề xuất giải pháp thích ứng để bảo tồn đa dạng sinh học tại Vườn quốc gia Tràm Chim và xây dựng được cơ sở dữ liệu tổng hợp về đa dạng sinh học của Vườn quốc gia Tràm Chim.
Đề tài còn đánh giá lại sức chứa, dòng chảy và khả năng giữ nước, đo đạc lại cao trình mặt đất và nâng cấp hạ tầng; quản lý thủy văn; phục hồi đa dạng sinh học các khu từ A1 đến A5 và đề xuất quy trình thử nghiệm phục hồi đàn Sếu đầu đỏ; giải pháp nâng cao năng lực quản lý, tăng cường thực thi pháp luật về quản lý bảo vệ rừng, tuyên truyền giáo dục nâng cao ý thức bảo vệ rừng, nâng cao đời sống cho người dân địa phương; xây dựng chương trình điều tra giám sát và bảo vệ sinh cảnh cho Sếu đầu đỏ.
Đồng thời, kiến nghị thường xuyên thực hiện công tác quan trắc diễn biến chất lượng đất - nước và đa dạng sinh học, tăng cường hoạt động điều tra, phát hiện thường xuyên và lập bản đồ phân bổ để kiểm soát và xử lý kịp thời các vùng mới bị loài ngoại lai xâm nhiễm; nâng cao năng lực của cán bộ quản lý, đầu tư trang thiết bị công nghệ cao, quản lý chế độ thủy văn phù hợp, ưu tiên cho công tác bảo tồn.
Đối với hoạt động bảo tồn, nghiên cứu khoa học, Vườn quốc gia Tràm Chim đã phối hợp với Hạt Kiểm lâm liên huyện Tam Nông - Tân Hồng và các đơn vị tiếp nhận 20 cá thể bò sát, hơn 400 cá thể chim và 400 kg cá. Thực hiện tổ chức thống kê, giám sát các loài chim nước, quý hiếm, đã ghi nhận 8 loài chim quý hiếm, 78 loài thông thường khác, đồng thời còn tạo cảnh quan, sinh cảnh, bãi ăn cho loài chim siếu đầu đỏ tại phân khu A1 và A3.
Địa phương này kết hợp công tác bảo tồn gắn với phát triển du lịch. Ảnh: TTX.
Bên cạnh việc bảo tồn Vườn quốc gia Tràm Chim, tỉnh Đồng Tháp đã phê duyệt Phương án quản lý rừng bền vững Vườn quốc gia Tràm Chim giai đoạn 2021 – 2030 với mục tiêu doanh thu từ các hoạt động chi trả dịch vụ môi trường rừng, du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí, thuê môi trường rừng đạt khoảng 10 tỷ đồng/năm để phục vụ trở lại công tác bảo vệ rừng, bảo tồn đa dạng sinh học và phát triển Vườn quốc gia Tràm Chim.
Về môi trường, bảo tồn và phát triển các hệ sinh thái đất ngập nước, với khoảng 2.600 ha rừng tràm, 3.600 ha các sinh cảnh đồng cỏ tiêu biểu như: Sen, súng, cỏ ống, mồm mốc, hoàng đầu ấn, lúa ma, năng ống, năng kim là nơi cư trú. Phân bố của nhiều loài động thực vật nguy cấp, quý, hiếm thông qua các biện pháp quản lý điều tiết nước, các chương trình phòng cháy chữa cháy rừng, phục hồi các sinh cảnh rừng và bảo tồn đa dạng sinh học.
Từng phân khu được xác định chức năng phù hợp với điều kiện thực tế về các yếu tố tự nhiên và đa dạng sinh học để làm cơ sở thiết lập các biện pháp bảo tồn, khai thác, sử dụng hợp lý, bền vững đất ngập nước và cung cấp các dịch vụ du lịch sinh thái. Khu A1, là nơi bảo tồn tổng hợp các sinh cảnh đất ngập nước theo mùa làm nơi cư trú, kiếm ăn cho các loài chim nước. Khu A2, là nơi bảo tồn rừng tràm, các loài thủy sản và các sinh cảnh khác. Khu A3, C, nơi bảo tồn, tái tạo toàn bộ các sinh cảnh đặc trưng phục vụ công tác phát triển du lịch sinh thái. Khu A4, A5, trở thành nơi bảo tồn các sinh cảnh đồng cỏ ngập nước theo mùa phù hợp với môi trường sống của các loài chim nước.
Thu Hoài
Bình luận