Hotline: 0941068156
Thứ bảy, 23/11/2024 15:11
Thứ bảy, 09/12/2023 06:12
TMO - Vườn quốc gia Tà Đùng (Đắk Nông) với nguồn tài nguyên rừng và hệ động thực vật phong phú, đang được ngành chức năng tỉnh Đắk Nông triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm bảo vệ và phát triển giá trị tài nguyên trên.
Vườn quốc gia Tà Đùng được thành lập theo Quyết định 185/QĐ-TTg, ngày 08/02/2018 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt chuyển hạng Khu Bảo tồn thiên nhiên Tà Đùng thành Vườn quốc gia Tà Đùng, tỉnh Đắk Nông. Nằm trên địa giới hành chính của xã Đắk Som, huyện Đắk Glong, tỉnh Đắk Nông, Vườn quốc gia Tà Đùng có tổng diện tích tự nhiên là khoảng 21.000ha, có tỷ lệ che phủ tới 85% diện tích vùng lõi. Khu vực này có thảm thực vật rừng rộng lớn với sự đa dạng của các hệ sinh thái và sinh cảnh phù hợp cho sự cư trú, sinh trưởng, phát triển của khu hệ động vật phong phú.
Theo kết quả điều tra, Vườn quốc gia Tà Đùng có 1.406 loài thực vật bậc cao (trong đó có 89 loài có nguy cơ tuyệt chủng), có 69 loài được ghi trong Sách đỏ Việt Nam (2007), 27 loài có tên trong Danh mục đỏ IUCN. Hệ động vật ở VQG Tà Đùng có 574 loài thuộc 38 bộ, 124 họ. Trong đó, có 37 loài thuộc diện quý hiếm cần bảo vệ, 34 loài có tên trong Sách đỏ Việt Nam (2007)... Nằm trên khu vực giáp ranh giữa hai tỉnh Đắk Nông và Lâm Đồng, Tà Đùng được xác định là địa điểm bảo tồn quan trọng thuộc khu vực bảo tồn cảnh quan lưu vực sông Đồng Nai, khu vực bảo tồn cảnh quan Nam Trường Sơn và là một phần của khu vực chim đặc hữu cao nguyên Đà Lạt – một trong bốn vùng chim đặc hữu của Việt Nam và một trong 222 vùng chim đặc hữu trên toàn thế giới.
Vườn quốc gia Tà Đùng (Đắk Nông) có nguồn tài nguyên rừng và hệ động thực vật phong phú. Ảnh: BĐN.
Những năm qua, lực lượng quản lý, bảo vệ rừng của VQG Tà Đùng bám sát địa bàn, tăng cường công tác quản lý, bảo vệ rừng, động vật hoang dã. Nhờ vậy, trên lâm phần quản lý, hầu như ít xảy ra tình trạng phá rừng, khai thác lâm sản trái phép. Việc bảo vệ rừng và bảo tồn đa dạng sinh học được VQG Tà Đùng tiến hành dưới nhiều hình thức như: giao khoán bảo vệ rừng, trồng rừng và chăm sóc rừng, khoanh nuôi tái sinh tự nhiên...
Bên cạnh công tác quản lý, bảo vệ rừng tập trung, để huy động sức dân tham gia phối hợp quản lý, bảo vệ rừng, đồng thời tạo sinh kế bền vững cho bà con, cộng đồng các dân tộc thiểu số sống gần rừng, giai đoạn 2017 – 2020, VQG Tà Đùng đã tổ chức thực hiện khoán bảo vệ rừng cho hơn 200 hộ là đồng bào dân tộc thiểu số với diện tích hơn 6.000ha. Trong giai đoạn này, VQG Tà Đùng đã chi trả tiền nhận khoán bảo vệ rừng gần 22 tỷ đồng (bao gồm cả tiền dịch vụ môi trường rừng và ngân sách nhà nước hỗ trợ). Mức chi trả hàng năm cho các hộ nhận khoán bảo vệ rừng 20-25 triệu đồng/hộ/năm. Trong giai đoạn 2021 – 2025, VQG Tà Đùng tiếp tục thực hiện khoán bảo vệ rừng cho 153 hộ là đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống tại vùng đệm với tổng diện tích hơn 3.000 ha, ước kinh phí chi trả trên 16 tỷ đồng.
Trước đó, thực hiện Chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2015 - 2020 theo Quyết định 24/2012/QĐ-TTg, ngày 01/6/2012 chủa Thủ tướng Chính phủ về chính sách đầu tư phát triển rừng đặc dụng giai đoạn 2011 – 2020, VQG Tà Đùng đã hỗ trợ cho gần 90 lượt vùng đệm (18 vùng đệm/năm) để thực hiện các công trình công cộng như: Cổng chào, nhà văn hòa, đường giao thông,… góp phần phát triển vùng đệm VQG. Tổng kinh phí hỗ trợ cho các chương trình này gần 3,6 tỷ đồng.
Tiếp tục thực hiện có hiệu quả Quyết định số 809/QĐ-TTg ngày 12/07/2022 của Thủ tướng Chính phủ về chương trình phát triển Lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2021-2025, Ban quản lý VQG Tà Đùng đã triển khai hỗ trợ cộng đồng cho 26 thôn, bon thuộc 5 xã nằm trên địa bàn vùng đệm của đơn vị thuộc địa giới hành chính 2 tỉnh Đắk Nông và Lâm Đồng. Có 26 thôn, bon thuộc các xã Đắk Som, Đắk R’Măng (Đắk Nông) và xã Phi Liêng, Đạ K’Nàng, Đinh Trang Thượng (Lâm Đồng) được hỗ trợ kinh phí hỗ trợ cho cộng đồng vùng đệm theo Chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững năm 2023.
Công tác tái thả động vật hoang dã về môi trường tự nhiên được Ban Quản lý VQG Tà Đùng đẩy mạnh thực hiện.
Theo Ban Quản lý VQG Tà Đùng, rừng, đất rừng đơn vị được giao quản lý nằm trải dài trên địa giới hành chính ở 7 xã, thuộc 2 tỉnh Đắk Nông, Lâm Đồng. Trên lâm phần đơn vị được giao quản lý có địa hình phức tạp, người dân có lịch sử canh tác từ lâu đời. Việc thực hiện có hiệu quả chương trình hỗ trợ cho cộng đồng vùng đệm được kỳ vọng sẽ góp phần nâng cao nhận thức của người dân sống gần rừng, đáp ứng nguyện vọng thực tế của địa phương, góp phần giảm áp lực lên tài nguyên rừng, đất rừng VQG Tà Đùng.
Thông qua hỗ trợ phát triển kinh tế, việc triển khai chính sách hỗ trợ và phát triển vùng đệm nhằm mục tiêu nâng cao nhận thức cộng đồng, thúc đẩy sự tham gia của người dân vùng đệm vào nhiệm vụ quản lý, bảo vệ, phát triển rừng. Trong đó, hỗ trợ đầu tư cho cộng đồng dân cư vùng đệm nâng cao năng lực phát triển sản xuất, bao gồm: khuyến nông, khuyến lâm, hỗ trợ giống cây, giống con, thiết bị chế biến nông lâm sản quy mô nhỏ; hỗ trợ vật liệu xây dựng cho thôn, bản (đối với các công trình công cộng của cộng đồng như nước sạch, điện chiếu sáng, thông tin liên lạc, đường giao thông thôn bản, nhà văn hoá…).
Ban Quản lý VQG Tà Đùng đã tham gia họp các thôn, bon để hướng dẫn các nội dung được hỗ trợ và các nội và thực hiện các cam kết bảo vệ rừng. Đại diện các thôn, bon đã ký cam kết bảo vệ rừng, trong đó, cam kết thực hiện đúng quy định Luật phòng cháy và chữa cháy; Luật Hình sự; Luật Đa dạng Sinh học; Luật Lâm nghiệp; một số Nghị định của Chính phủ về quản lý bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng, bảo vệ động vật hoang dã.
Tuy nhiên, công tác quản lý bảo vệ rừng, bảo tồn đa dạng sinh học tại VQG Tà Đùng vẫn còn gặp nhiều khó khăn, thách thức. Nguyên nhân là do địa bàn rộng, địa hình phức tạp, chia cắt, dân di cư ngoài quy hoạch diễn biến phức tạp có nguy cơ tác động đến công tác bảo vệ rừng và bảo tồn đa dạng sinh học bất cứ lúc nào. Mặt khác, hiện nay vẫn còn một bộ phận người dân có lịch sử canh tác lâu đời đang sinh sống trong vùng lõi rất khó quản lý, có nguy cơ tác động đến công tác bảo tồn đa dạng sinh học từ việc săn bắn, khai thác các sản vật rừng.
Để nâng cao hiệu quả phương án khoán bảo vệ rừng, Ban Quản lý VQG Tà Đùng đang tiếp tục đổi mới cách thức huy động sự tham gia, cách thức tuần tra có hiệu quả của lực lượng nhận khoán; Tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, trình độ của lực lượng nhận khoán thông qua các lớp đào tạo, tập huấn; Thường xuyên đôn đốc các tổ, hộ nhận khoán tăng cường công tác tuần tra, kiểm tra rừng nhằm phát hiện và ngăn chặn kịp thời các hành vi xâm hại tài nguyên rừng của Vườn quốc gia Tà Đùng.
Thùy Minh
Bình luận