Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 19/01/2025 06:01
Thứ tư, 29/11/2023 15:11
TMO - Với sự đa dạng sinh học cao, Vườn quốc gia Phước Bình (Ninh Thuận) hiện đang là điểm đến thực địa của các nhà khoa học, sinh viên tới tham quan, nghiên cứu. Bên cạnh đó, Vườn đang là nơi thu hút du khách đến tham gia trải nghiệm các loại hình du lịch sinh thái, văn hóa hấp dẫn.
Vườn quốc gia Phước Bình (huyện Bác Ái, tỉnh Ninh Thuận) rộng gần 25.000 ha với hệ sinh thái phong phú, nhiều loài động, thực vật quý hiếm, có ý nghĩa quan trọng trong công tác bảo tồn, nghiên cứu khoa học và phát triển các loại hình du lịch sinh thái. Theo Ban Quản lý Vườn quốc gia Phước Bình, với địa hình trải dài từ độ cao từ 300 đến gần 2.000 mét so với mực nước biển, Vườn Quốc gia Phước Bình có cảnh quan tự nhiên và hệ động, thực vật rất phong phú.
Qua thống kê, Vườn quốc gia Phước Bình hiện có 1.321 loài thực vật; trong đó có tới 75 loài thực vật quý hiếm, 36 loài được ghi trong Sách Đỏ Việt Nam và 58 loài được ghi trong Danh lục đỏ thế giới (IUCN). Bên cạnh đó, hệ động vật của Vườn cũng đa dạng với 327 loài, trong đó 50 loài trong Sách Đỏ Việt Nam và 29 loài ghi trong Danh lục đỏ thế giới. Đặc biệt, nơi đây có 4 loài thú đặc hữu Đông Dương đang được thế giới quan tâm gồm: Vượn má hung, Chà vá chân đen, Cầy vằn bắc và Mang lớn. Ngoài ra, Vườn còn được công nhận là một trong 63 vùng chim và là nơi có số lượng Bò tót, Nai nhiều nhất các khu bảo tồn ở Việt Nam hiện nay.
Trong thời gian qua, Ban quản lý VQG Phước Bình đã thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm như tăng cường công tác quản lý bảo vệ rừng, phát triển rừng, nghiên cứu khoa học và hợp tác quốc tế, giao khoán bảo vệ rừng cho cộng đồng thôn vùng đệm, lực lượng vũ trang, phát triển du lịch sinh thái… Đặc biệt, công tác nghiên cứu khoa học và hợp tác quốc tế đã được Ban quản lý VQG Phước Bình quan tâm, cùng với VQG Bi Duop-Núi Bà (Lâm Đồng), VQG Chư Yang Sin (Đăk Lắk), Khu bảo tồn thiên nhiên Hòn Bà (Khánh Hòa) tạo thành vùng liên hoàn với khoảng 150.000 ha, góp phần bảo tồn đa dạng sinh học, gìn giữ giá trị tự nhiên và văn hoá lịch sử của đồng bào các dân tộc trong khu vực.
Công tác nghiên cứu, hợp tác trong bảo tồn đa dạng sinh học được VQG Phước Bình đẩy mạnh triển khai với các địa phương lân cận.
Đến nay, VQG Phước Bình, đã thực hiện bảo tồn nguồn gen bằng phương pháp bảo tồn âm sâu và phát tán hệ sợi, bào tử nấm ra ngoài tự nhiên; phối hợp với Trung tâm Sâm và Dược liệu TP. HCM phân tích độc tính, dược chất quan trọng có trong nấm, đang thực nghiệm các mô hình trồng nấm hiện đại và thân thiện với môi trường. VQG Phước Bình còn phối hợp với Trung tâm Sâm và Dược liệu TP.HCM thực hiện đề tài “Nghiên cứu bảo tồn và phát triển một số nguồn gen thanh thiên quỳ (Nervilia spp.) hiện có tại tỉnh Ninh Thuận”; Viện Sinh thái học miền Nam thực hiện đề tài “Xây dựng cơ sở dữ liệu và đề xuất các giải pháp quản lý các loài động vật và thực vật đặc hữu, nguy cấp, quý, hiếm tại VQG Phước Bình.
Dựa vào những lợi thế trên, trong những năm qua, VQG Phước Bình đã xây dựng đề án du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí và đã được UBND tỉnh Ninh Thuận phê duyệt. Hiện nay, đơn vị này đang tiến hành các thủ tục cần thiết để rà soát, điều chỉnh, bổ sung đề án theo hướng dẫn của Cục Lâm nghiệp tại văn bản số 1183/TCLN-ĐDPH ngày 31/8/2021 cho phù hợp với tình hình thực tế. Ngoài ra, VQG Phước Bình còn tăng cường công tác giới thiệu, quảng bá sản phẩm du lịch địa phương đến các công ty lữ hành, các trường học trong và ngoài tỉnh; khai thác các tuyến du lịch theo đề án. Hiện nay, đơn vị chức năng đã và đang khai thác tuyến du lịch Suối Gia Nhông bước đầu đạt hiệu quả, lượng du khách đến tham quan VQG Phước Bình tăng đều qua các năm.
Theo định hướng phát triển, Vườn quốc gia Phước Bình tập trung xây dựng các sản phẩm du lịch khám phá thiên nhiên; trải nghiệm văn hóa, nghệ thuật, ẩm thực, tập quán canh tác nông nghiệp của đồng bào Raglai; du lịch về nguồn, tham quan di tích lịch sử trận địa bẫy đá Pi năng Tắc; du lịch trải nghiệm tham quan trang trại bò tót lai; du lịch giải trí thể thao; du lịch lưu trú, nghỉ dưỡng với hệ thống phòng nghỉ liên kết và biệt lập mang kiến trúc truyền thống địa phương kết hợp với hiện đại.
Bên cạnh đó, Vườn phát triển các sản phẩm du lịch tĩnh dưỡng, chữa bệnh bằng các loài thảo dược tự nhiên, thiền, yoga; du lịch thực nghiệm hiện trường, nghiên cứu khoa học, hội nghị, hội thảo. Ban Quản lý Vườn còn phát triển các tuyến, điểm du lịch sinh thái và các điểm cho thuê môi trường rừng để kinh doanh dịch vụ du lịch, nghỉ dưỡng, giải trí. Việc phát triển tuân theo nguyên tắc không làm thay đổi cảnh quan, không gây tác động xấu đến tài nguyên động, thực vật hoặc làm giảm tính đa dạng sinh học để đảm bảo phát triển bền vững.
Vườn quốc gia Phước Bình tập trung xây dựng các sản phẩm du lịch khám phá thiên nhiên; trải nghiệm văn hóa, nghệ thuật, ẩm thực...
Mặc dù sở hữu tính đa dạng sinh học cao, tuy nhiên biến đổi khí hậu và tác động của con người đã khiến nguồn tài nguyên thiên nhiên của Vườn Quốc gia Phước Bình bị ảnh hưởng không nhỏ. Tình trạng khô hạn kéo dài khiến việc bảo tồn, phát triển rừng gặp không ít khó khăn. Lâm phần của vườn trải dài giáp với hai tỉnh Khánh Hòa và Lâm Đồng có địa hình hiểm trở gây khó khăn trong việc truy quét, ngăn chặn các hành vi xâm hại tài nguyên rừng. Tỷ lệ người dân vùng đệm sống phụ thuộc vào rừng còn cao.
Bên cạnh đó, công tác bảo tồn và nghiên cứu khoa học vẫn gặp nhiều khó khăn bởi nguồn kinh phí còn hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu của công tác bảo tồn đa dạng sinh học. Các nghiên cứu mới chỉ tập trung điều tra, kiểm kê về thành phần loài, chưa chuyên sâu về tập tính sinh thái, tình trạng, phân bố, cấu trúc, mật độ và số lượng cá thể, quần thể để làm cơ sở cho việc quản lý, bảo tồn.
Để nâng cao nhận thức của cộng đồng về bảo tồn đa dạng sinh học, Vườn quốc gia Phước Bình tăng cường tuyên truyền luật pháp và chính sách Nhà nước về bảo vệ rừng tại các thôn, làng. Qua đó, nâng cao ý thức của người dân cùng tham gia bảo vệ tài nguyên thiên nhiên. Đồng thời, Vườn tăng cường huy động các nguồn lực đầu tư phục vụ cho công tác nghiên cứu, bảo tồn đa dạng sinh học theo hướng bảo tồn và phát triển, phát huy các giá trị sinh thái, nhân văn của Vườn thông qua các hoạt động du lịch. Vườn tăng cường quảng bá hình ảnh, sản phẩm du lịch của đơn vị, cộng đồng dân cư trong lâm phần; đẩy mạnh liên kết với trung tâm xúc tiến du lịch, đoàn lữ hành, công ty du lịch, các đơn vị có loại hình dịch vụ lịch để kết nối hình thành các tour du lịch đến Vườn để khai thác các tiềm năng của các đơn vị, địa phương.
Ninh Thuận là một trong những địa phương có tính đa dạng sinh học phong phú. Toàn tỉnh có trên 147.419 ha rừng tự nhiên và trên 10.666 ha rừng trồng. Tỷ lệ che phủ rừng hiện đạt 47,11%. Đặc biệt, tỉnh có nhiều lợi thế khi sở hữu Khu Dự trữ Sinh quyển thế giới Núi Chúa và Vườn quốc gia Phước Bình. Đây đều là những nơi chứa sự đa dạng sinh học cao, cảnh quan thiên nhiên độc đáo với nhiều loài động, thực vật quý hiếm đang được ưu tiên bảo tồn và phát triển.
Xác định tài nguyên đa dạng sinh học có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội, tỉnh Ninh Thuận tập trung quy hoạch, bảo tồn và phát triển đa dạng sinh học tại hai Vườn Quốc gia, bảo vệ các hệ sinh thái rừng tự nhiên và phát triển diện tích rừng trồng, bảo tồn các loài động, thực vật nguy cấp, quý hiếm; xây dựng vườn thực vật, khu vực cứu hộ sinh vật biển phục vụ nghiên cứu khoa học, giáo dục môi trường kết hợp phát triển du lịch sinh thái.
Công tác bảo tồn đa dạng sinh học tuy đã được các cấp, ngành quan tâm bảo vệ tốt hơn. Tuy nhiên, cũng như các địa phương khác trong cả nước, đa dạng sinh học của Ninh Thuận đang đứng trước nguy cơ suy thoái, thể hiện qua các cấp độ, đó là giảm chất lượng và chức năng của hệ sinh thái, nhiều loài đang bị đe dọa tuyệt chủng, suy giảm quần thể. Trong một số trường hợp, đa dạng gen của quần thể các loài trọng tâm dễ bị suy thoái do mất nơi sống và chia cắt sinh cảnh, giảm hành lang đa dạng sinh học, làm cô lập một số quần thể.
Nguồn tài nguyên hệ động vật, thực vật đang bị đe dọa từ những tác động đa chiều do áp lực từ gia tăng dân số, tình trạng cháy rừng, chiếm dụng đất rừng làm nương rẫy, săn bắt trái phép các loài động vật hoang dã, ô nhiễm môi trường, rác thải, biến đổi khí hậu. Thực trạng này đòi hỏi cần có giải pháp tổng thể để bảo tồn và phát triển bền vững đa dạng sinh học các hệ sinh thái trên cạn, đất ngập nước, rạn san hô, thảm cỏ biển…
Nhằm kiểm soát việc sử dụng hợp lý các nguồn tài nguyên thiên nhiên, hạn chế tối đa các tác động tiêu cực đối với đa dạng sinh học, UBND tỉnh Ninh Thuận đã giao Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng các cơ quan có liên quan đánh giá hiện trạng, diễn biến đa dạng sinh học trên địa bàn; xây dựng các giải pháp bảo vệ và sử dụng bền vững tài nguyên đa dạng sinh học; bảo vệ diện tích rừng và số loài động thực vật quý hiếm bị đe dọa; tăng.
Theo UBND tỉnh Ninh Thuận, để phát huy hiệu quả bảo tồn đa dạng sinh học, tỉnh chỉ đạo các cơ quan, ban, ngành liên quan tiếp tục tăng cường thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm trong lĩnh vực bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ rừng và bảo vệ nguồn lợi thủy sản để giảm thiểu tối đa những tác động, rủi ro của thiên tai và các hoạt động của con người tới tài nguyên đa dạng sinh học, góp phần tích cực vào chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Nguyễn Thanh
Bình luận