Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 19/01/2025 06:01
Thứ sáu, 13/05/2022 13:05
TMO - Vùng biển Lý Sơn (tỉnh Quảng Ngãi) sở hữu đa dạng sinh học cao với các hệ sinh thái biển đặc trưng như rạn san hô, thảm cỏ biển cùng nhiều loài sinh vật biển có giá trị. Thời gian qua, công tác bảo tồn đa dạng sinh học, giữ gìn, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thuỷ sản trong vùng biển ven bờ đảo Lý Sơn luôn được tỉnh Quảng Ngãi duy trì và phát triển.
Theo đánh giá, vùng biển Lý Sơn có 157 loài san hô, 202 loài cá biển, 137 loài rong biển, 96 loài giáp xác, 40 loài da gai, 6 loài cỏ biển. Ngoài ra, khu vực này còn có 25 loài nằm trong danh mục các loài thuỷ sinh quý hiếm có nguy cơ tuyệt chủng ở Việt Nam cần được bảo vệ, phục hồi và phát triển.
Tuy nhiên, những năm qua đa dạng sinh học ở vùng biển ven đảo Lý Sơn đang dần bị suy giảm nghiêm trọng bởi tình trạng đánh bắt thủy sản quá mức và bằng phương tiện mang tính hủy diệt. Ngoài ra, sự phát triển của hoạt động du lịch đang ảnh hưởng đến chất lượng môi trường biển.
Vùng biển Lý Sơn sở hữu tính đa dạng sinh học cao
Trước thực trạng trên, Ban quản lý Khu bảo tồn biển Lý Sơn đã triển khai nhiều giải pháp nhằm bảo tồn hệ sinh thái biển đa dạng, có giá trị này. Theo đó, trong năm 2021, đơn vị đã thực hiện quan trắc, đánh giá đa dạng sinh học hệ sinh thái thảm cỏ biển tại Khu bảo tồn biển Lý Sơn hiện nay có 7 loại cỏ biển bao gồm: cỏ vích, cỏ hẹ ba răng, cỏ năn biển, cỏ xoan nhỏ, cỏ xoan, cỏ kiệu tròn.
Kết quả cho thấy độ phủ cỏ biển trung bình toàn vùng là 53% giảm 17% so với năm 2010. Một số nguồn lợi sinh vật đáy kích thước lớn có giá trị kinh tế cao sống trong thảm cỏ biển có xu hướng giảm dần nhưng ngược lại sinh vật đáy kích thước nhỏ lại có xu hướng tăng lên.
Ban quản lý Khu bảo tồn biển Lý Sơn thực hiện chương trình lặn bắt sao biển nhằm bảo vệ hệ sinh thái san hô
Ngoài ra, đơn vị này thực hiện chương trình lặn bắt sao biển gai được 167 con nhằm tiêu diệt kẻ thù của san hô giúp cân bằng hệ sinh thái, đảm bảo đa dạng sinh học được duy trì tại hai phân khu bảo vệ nghiêm ngặt ở phía Bắc và phía Nam.
Thực hiện chương trình giám sát rác thải ngầm san hô với kết quả làm sạch rác hơn 600m chiều dài tại 3 bãi rạn san hô (trạm Trố Hòn, trạm cảng Bến Đình, trạm Đình làng An Hải) với trọng lượng gần 150 kg rác thải biển (bao gồm lưới ma, dây ống thở, vỏ lon nước ngọt, quần áo vải, dây cước câu, lưỡi câu, chì lưới...) được thải ra từ các nghề khai thác, đánh bắt hải sản và các hoạt động vận tải trên biển.
Việc bảo tồn nguồn gen quý hiếm cũng được chú trọng, góp phần phát triển nguồn gen phục vụ sản xuất. Theo đó, 5 nguồn gen của loài hải sản nguy cấp, quý hiếm bản địa được bảo tồn trong giai đoạn 2021 -2025 bằng các giải pháp bảo tồn tại chỗ, ứng dụng tạo giống và nuôi thành phẩm trong quy mô hàng hóa địa phương.
Đến năm 2025, thực hiện hoàn thành xác định được thực trạng, giá trị nguồn gen, đánh giá ban đầu ít nhất 25 nguồn gen, tư liệu hóa được ít nhất 25 nguồn gen, xây dựng ít nhất 2 mô hình bảo tồn, đề xuất giải pháp bảo tồn.
Tái tạo nguồn lợi thủy sản được đơn vị chú trọng triển khai
Ban Quản lý Khu bảo tồn biển Lý Sơn đã phối hợp với Trung tâm Giống tỉnh Quảng Ngãi thả 500 con giống hải sâm vú trắng và 5.000 con giống bào ngư 9 lỗ tại phân khu bảo vệ nghiêm ngặt và phân khu phục hồi sinh thái; thực hiện thả 47 cá thể cua huỳnh đế mang trứng (tổng trọng lượng 11,7 kg) vào phân khu phục hồi sinh thái khu bảo tồn biển Lý Sơn….
Những hoạt động này nhằm mục đích phục hồi, tái tạo, làm tăng nguồn lợi thủy sản có giá trị cao, góp phần tăng tính đa dạng sinh học của vùng biển Lý Sơn, đồng thời tuyên truyền đến ngư dân lựa chọn hình thức khai thác thuỷ sản hợp lý, theo đúng mùa vụ, không khai thác những cá thể còn non hoặc đang mang trứng và khai thác theo quy định của pháp luật.
Bích Hà
Bình luận