Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 19/01/2025 11:01
Thứ năm, 13/04/2023 13:04
TMO - Rừng tràm Tân Tuyến (tỉnh An Giang) là khu rừng đặc dụng thuộc hệ sinh thái đất ngập nước điển hình của vùng Tứ giác Long Xuyên, có nhiều loài động, thực vật đa dạng. Thời gian qua, tỉnh An Giang đã triển khai nhiều giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ nguồn tài nguyên tại khu vực này, phát huy bền vững giá trị mà các hệ sinh thái tiêu biểu mang lại.
Rừng tràm Tân Tuyến (xã Tân Tuyến, huyện Tri Tôn) là khu rừng đặc dụng với diện tích hơn 256ha. Năm 2018, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Công văn 1545/TTg-NN đồng ý xác lập rừng tràm Tân Tuyến là Khu bảo vệ cảnh quan và bổ sung vào quy hoạch hệ thống rừng đặc dụng cả nước đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Ngày 2/3/2020, UBND tỉnh An Giang đã ra Quyết định 418/QĐ-UBND phê duyệt thành lập Khu bảo vệ cảnh quan rừng tràm Tân Tuyến.
Khu bảo vệ cảnh quan rừng tràm Tân Tuyến có các cảnh quan tiêu biểu của vùng Tứ giác Long Xuyên, gồm: Các trảng cỏ ngập nước theo mùa; các kênh, rạch; đầm lầy và hệ sinh thái rừng tràm. Nơi đây còn có 7 quần xã thực vật ưu thế là tràm, sen, súng, năng ống, cỏ ống, mồm móc, sậy, tạo nên một hệ sinh thái đa dạng, phong phú.
Điều này đã tạo nên hệ sinh thái đất ngập nước ở đây có tính đa dạng sinh học cao, với 154 loài thực vật, trong đó có 1 loài được xếp vào danh lục các loài thực vật cần được bảo tồn ở thứ hạng “sẽ nguy cấp” của sách đỏ Việt Nam; 63 loài chim, trong đó có 1 loài rất nguy cấp trên quy mô toàn cầu (BirdLife International 2018); 82 loài cá, trong đó có 2 loài cá xuất hiện thuộc danh mục các loài quý hiếm trong sách đỏ Việt Nam (2007) và sách đỏ IUCN (2014).
Chủ động phòng chống cháy rừng nhằm giảm tác động đến hệ sinh thái được các lực lượng tại Khu bảo vệ cảnh quan rừng tràm Tân Tuyến đẩy mạnh thực hiện. Ảnh: MH.
Bước vào mùa khô hạn năm 2023, tỉnh An Giang đã khoanh vùng trọng điểm có nguy cơ dễ xảy ra cháy rừng. Trong đó, tại huyện Tri Tôn với diện tích hơn 4.000 ha có nguy cơ cháy cao, gồm vùng đồi núi với diện tích 2.550 ha và vùng đồng bằng với diện tích hơn 1.856 ha (như: Rừng Tràm Bình Minh, rừng Tràm Tân Tuyến, rừng Tràm Lâm trường tỉnh đội, đồi 81, đồi 400, đồi Tức Dụp)… Nhằm thực hiện tốt công tác khai thác, quản lý và bảo tồn đa dạng sinh học, Ban Quản lý Rừng phòng hộ và đặc dụng tỉnh đã thực hiện tốt công tác bảo vệ, phòng cháy, chữa cháy rừng. Đồng thời, quản lý bảo tồn đa dạng sinh học bằng cách kiểm soát và điều tiết nguồn nước.
Theo Ban Quản lý Rừng phòng hộ và đặc dụng, việc quản lý, bảo vệ đa dạng sinh thái Khu bảo vệ cảnh quan rừng tràm Tân Tuyến còn gặp nhiều khó khăn. Nguyên nhân là do sự đe dọa của lửa trong mùa khô và sự xâm phạm của con người từ bên ngoài. Cơ sở hạ tầng tại khu rừng tràm hiện đang xuống cấp; các kênh, mương đã lâu không được nạo vét nên lắng đọng và bồi lấp.
Ngoài ra, một số vị trí đê bao xung quanh khu rừng chưa thông suốt, ảnh hưởng lớn đến quản lý điều tiết nước, rửa phèn, bảo vệ nguồn lợi thủy sản, cũng như công tác phòng, chống cháy rừng mùa khô. Ảnh hưởng biến đổi khí hậu đã tác động trực tiếp công tác bảo tồn đa dạng sinh học, đặc biệt trong mùa khô, gây ra khô hạn, kênh, rạch bị phèn, ảnh hưởng đến nguồn lợi thủy sản. Lực lượng bảo vệ rừng còn thiếu, gây khó khăn cho công tác bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng. Mặc dù vậy, các lực lượng tại khu vực này quyết tâm phòng cháy tốt, chữa cháy kịp thời, hiệu quả, hạn chế thấp nhất thiệt hại do cháy rừng gây ra theo phương châm 4 tại chỗ (chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, dụng cụ, phương tiện tại chỗ và hậu cần tại chỗ).
Tỉnh An Giang khai thác cảnh quan, môi trường và sự đa dạng về tài nguyên tự nhiên của hệ sinh thái rừng, đất ngập nước phát triển du lịch sinh thái gắn với công tác bảo tồn. Ảnh: MH.
Trong năm 2022, UBND tỉnh An Giang đã phê duyệt đề án Du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí khu bảo vệ cảnh quan rừng tràm Tân Tuyến, giai đoạn 2021-2030, nhằm khai thác tiềm năng tự nhiên về cảnh quan, môi trường và sự đa dạng về tài nguyên tự nhiên của hệ sinh thái rừng, đất ngập nước để phát triển du lịch sinh thái. Thông qua phát triển du lịch, góp phần tuyên truyền, giáo dục người dân địa phương và du khách về giá trị tự nhiên, đặc điểm sinh thái của vùng, từ đó nâng cao ý thức bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, môi trường.
Theo đề án, khu bảo vệ cảnh quan rừng tràm Tân Tuyến là một khu rừng đặc dụng, các loại hình du lịch sinh thái có thể thực hiện ở khu này, bao gồm tham quan sinh cảnh và tài nguyên đất ngập nước; giải trí, thư giãn trong môi trường rừng yên bình, trong lành; khám phá các đặc trưng tiêu biểu của tài nguyên thiên nhiên; nghiên cứu khoa học về rừng tràm và đất ngập nước, nhất là các sinh cảnh đồng cỏ ngập nước theo mùa; trải nghiệm các nét văn hóa trong sinh hoạt, ẩm thực truyền thống của cộng đồng địa phương.
Các phân khu chức năng của khu bảo vệ cảnh quan rừng tràm Tân Tuyến có: phân khu bảo vệ nghiêm ngặt 81,85 ha; phân khu phục hồi sinh thái 94,06 ha; phân khu dịch vụ-hành chính 80,48 ha. Trong giai đoạn 10 năm, đến năm 2030, chiến lược phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí ở khu bảo vệ cảnh quan rừng tràm Tân Tuyến là một trong những hoạt động chủ yếu của Ban Quản lý rừng phòng hộ và đặc dụng tỉnh An Giang. Đây vừa là hoạt động bảo tồn thiên nhiên, vừa góp phần phát triển kinh tế, du lịch địa phương.
Hoạt động bảo tồn tài nguyên tại khu vực đất ngập nước gắn với phát triển du lịch được triển khai chủ yếu ở phân khu phục hồi hệ sinh thái. Chức năng chủ yếu của phân khu này là tiến hành biện pháp kỹ thuật bảo tồn và phục hồi rừng tràm; trảng cỏ ngập nước theo mùa; sinh cảnh của các loài chim nước và thủy sản; phục vụ nghiên cứu khoa học, giảng dạy và học tập. Các loại hình du lịch sinh thái với sản phẩm du lịch được triển khai như: Đưa khách du lịch đi bằng xuồng chèo tay, xuồng máy tham quan, khám phá cảnh quan đất ngập nước (kênh, mương, rừng tràm, trảng cỏ, đầm lầy...) để khách du lịch hiểu về hệ sinh thái tự nhiên là đất ngập nước và một phần đất quê hương An Giang đại diện cho vùng đất ngập nước Tứ giác Long Xuyên.
Minh Đức
Bình luận