Hotline: 0941068156
Thứ bảy, 23/11/2024 04:11
Thứ ba, 22/10/2024 14:10
TMO - San hô là một phần quan trọng của hệ sinh thái biển, tuy nhiên trong gần 2 năm qua 77% diện tích san hô toàn cầu trải qua đợt tẩy trắng, ảnh hưởng đến hệ sinh thái biển.
Cơ quan Quản lý Khí quyển và Đại dương quốc gia Mỹ (NOAA) cho biết, từ năm 2023 đến ngày 10/10/2024, khoảng 77% diện tích rạn san hô trên thế giới đã trải qua mức căng thẳng nhiệt độ dẫn đến hiện tượng tẩy trắng. Đây là đợt tẩy trắng san hô do nhiệt độ cao lớn nhất từ trước đến nay, gây lo ngại cho sức khỏe của các hệ sinh thái biển quan trọng.
San hô là động vật không xương sống biển cấu tạo từ những cá thể đơn lẻ gọi là polyp, có quan hệ cộng sinh với tảo sống trong mô của chúng. Tảo cung cấp thức ăn, chất dinh dưỡng và cả màu sắc hấp dẫn cho san hô. Khi nước biển quá ấm - như trong các đợt sóng nhiệt tác động đến khu vực từ Florida đến Australia năm qua - san hô đẩy tảo ra ngoài và chuyển thành màu trắng. Hiện tượng này gọi là tẩy trắng, khiến san hô dễ mắc bệnh và chết, dẫn đến nguy cơ tuyệt chủng.
Hiện tượng tẩy trắng nghiêm trọng diễn ra ở rạn san hô Great Barrier, Australia.
Đợt tẩy trắng đang diễn ra là lần thứ tư kể từ năm 1998. Đợt tẩy trắng lần này đã vượt qua kỷ lục cũ là 65,7% diện tích rạn san hô trong thời gian chỉ bằng một nửa, và vẫn đang tăng quy mô. Con số 65,7% được thiết lập trong sự kiện tẩy trắng toàn cầu thứ ba, kéo dài từ năm 2014 đến năm 2017. Hai sự kiện trước đó diễn ra vào các năm 1998 và 2010.
NOAA đã xác nhận báo cáo về tẩy trắng san hô hàng loạt từ 74 quốc gia và vùng lãnh thổ kể từ tháng 2/2023. Dữ liệu này bao gồm những địa điểm ở cả bán cầu bắc và nam của Đại Tây Dương, Thái Bình Dương, Ấn Độ Dương. Tháng 3 năm nay, Australia thông báo rằng rạn san hô Great Barrier nổi tiếng - hệ thống san hô lớn nhất thế giới - đã trải qua sự kiện tẩy trắng hàng loạt thứ 5 trong vòng 8 năm.
Để ứng phó với tình trạng san hô bị tẩy trắng lớn kỷ lục này, các nhà khoa học đã triệu tập một cuộc họp khẩn cấp đặc biệt về rạn san hô. Phiên họp sẽ được tổ chức tại Hội nghị thượng đỉnh Công ước Liên hợp quốc về Đa dạng sinh học (COP16) tại Colombia vào cuối tháng 10 này. Các nhà lãnh đạo thế giới sẽ thảo luận về những chiến lược cuối cùng để ngăn chặn sự tuyệt chủng về mặt chức năng của san hô - bao gồm các biện pháp bảo vệ và tài trợ bổ sung.
Theo Quỹ quốc tế Bảo vệ thiên nhiên, khoảng 850 triệu người trên thế giới dựa vào các rạn san hô để có thực phẩm, việc làm và bảo vệ bờ biển khỏi bão và tình trạng xói lở. Các hệ sinh thái này cung cấp nơi trú ẩn cho sinh vật biển, với hơn 25% số loài sinh vật biển coi chúng là nhà.
Hải Minh
Bình luận