Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 24/11/2024 04:11
Thứ bảy, 03/06/2023 12:06
TMO - Để bảo đảm nguồn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp, dân sinh trong cao điểm mùa khô năm nay cũng như những dự báo về tình hình khô hạn thời gian tới, UBND tỉnh Thừa Thiên -Huế đã yêu cầu các sở, ngành địa phương triển khai đồng bộ các giải pháp điều tiết, cung ứng đủ nguồn nước đáp ứng nhu cầu của người dân.
Theo dự báo của Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh Thừa Thiên-Huế, từ tháng 4-6/2023, hiện tượng ENSO tiếp tục duy trì trạng thái trung tính với xác suất 80-90%; sau đó nhiệt độ mặt nước biển khu vực trung tâm Thái Bình Dương (NINO3.4) tiếp tục có xu hướng tăng dần và nghiêng về pha El Nino. Trên địa bàn tỉnh, tháng 5 và 6/2023, mỗi tháng xuất hiện 2-4 đợt nắng nóng và nắng nóng gay gắt trên diện rộng, nắng nóng và nắng nóng gay gắt kéo dài nhiều ngày liên tiếp trong thời kỳ từ giữa tháng 5 đến cuối tháng 6/2023. Dung tích trữ hiện tại các hồ chứa thủy lợi đạt 86% dung tích thiết kế, hồ chứa thủy điện phổ biến khoảng 44% dung tích thiết kế.
Nhằm bảo đảm nguồn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp, dân sinh, UBND tỉnh yêu cầu các địa phương, ngành nông nghiệp xây dựng kế hoạch sử dụng nguồn nước vụ hè thu 2023 phù hợp với thực trạng nguồn nước. Trong đó, cần lưu ý xác định nguy cơ bị ảnh hưởng của hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn chi tiết đến từng vùng, khu vực để có giải pháp cụ thể, không bị động khi hạn hán xảy ra.
Cụ thể, xây dựng kế hoạch sử dụng nguồn nước vụ Hè Thu 2023 phù hợp với thực trạng nguồn nước. Trong đó, cần lưu ý xác định nguy cơ bị ảnh hưởng của hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn chi tiết đến từng vùng, khu vực để có giải pháp cụ thể. Thường xuyên kiểm kê nguồn nước trong công trình thủy lợi, thực hiện tiết kiệm nước ngay từ đầu vụ Hè Thu 2023, có kế hoạch phân phối nước hợp lý từ đầu vụ sản xuất và điều chỉnh hợp lý khi nguồn nước bị thiếu hụt để bảo đảm cung cấp đủ cho các nhu cầu thiết yếu cho cả mùa khô năm 2023.
Ngành Nông nghiệp tỉnh chủ động triển khai các giải pháp đảm bảo nguồn nước cho cây trồng trong mùa khô.
Bố trí cơ cấu sản xuất nông nghiệp, thời vụ gieo trồng phù hợp với khả năng nguồn nước, tránh gieo trồng ở vùng không bảo đảm chủ động về nguồn nước trong cả vụ sản xuất; bố trí vùng sản xuất cây trồng có cùng khả năng chịu hạn, mặn và nhu cầu dùng nước để thuận tiện cho việc điều tiết nước. Tăng cường nạo vét các cửa lấy nước, hệ thống kênh mương, đắp đập ngăn mặn, trữ ngọt trong hệ thống kênh mương, đào ao trữ nước, lắp đặt và vận hành các trạm bơm dã chiến để tận dụng tối đa nguồn nước, giảm thất thoát, lãng phí nước; thực hiện các giải pháp tưới tiên tiến, tiết kiệm nước cho lúa và cây trồng cạn, bảo đảm đáp ứng nhu cầu nước tối thiểu vào các thời kỳ nhạy cảm về nước của cây trồng, đặc biệt với cây ăn quả, cây trồng có giá trị kinh tế cao.
Bên cạnh đó ưu tiên nguồn lực đầu tư sửa chữa, phục hồi các công trình thủy lợi, công trình cấp nước sinh hoạt tập trung bị ảnh hưởng do các đợt mưa bão trong năm 2022. Đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình thủy lợi để nâng cao năng lực khai thác nguồn nước và hiệu quả khai thác công trình thủy lợi; xây dựng các phương án thi công, dẫn dòng phù hợp để đảm bảo không gây ách tắc, cản trở dòng chảy cấp nước phục vụ sản xuất nông nghiệp. Chủ động sử dụng kinh phí từ ngân sách địa phương và huy động các nguồn hợp pháp khác để tăng cường thực hiện các giải pháp bảo đảm nguồn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp và dân sinh; phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn hiệu quả.
Đảm bảo vận hành an toàn, phát huy hiệu quả trong điều tiết cung ứng nguồn nước từ công trình thủy lợi là nhiệm vụ quan trọng được địa phương này triển khai (Ảnh minh họa).
Tận dụng tối đa nguồn nước tự nhiên còn lại từ ao, hồ, sông suối, kênh rạch để cung cấp cho sản xuất vụ Hè Thu 2023. Tăng cường công tác thủy lợi nội đồng để khôi phục hoạt động của công trình bị ảnh hưởng trong đợt mưa lũ vừa qua. Các diện tích tưới thuộc vùng hạ du các sông có hồ chứa thủy điện cần có kế hoạch điều tiết các hồ chứa thủy điện để bổ sung nước cho hạ du trong các thời kỳ khô hạn.
Đối với các công trình cấp nước sinh hoạt loại hình tự chảy: Thực hiện chống rò rỉ, hao hụt, thất thoát từ đập dâng và hố thu nước đầu nguồn để tập trung nguồn nước về khu xử lý chất lượng và bể chứa. Kiểm tra xử lý hệ thống đường ống cấp nước đảm bảo không rò rỉ thất thoát, hệ thống van điều tiết hoạt động tốt để có thể điều tiết cấp nước luân phiên theo từng cụm dân cư khi bị thiết hụt nguồn cung cấp.
Đối với nuôi trồng thủy sản: Những diện tích thiếu nước cần tăng cường sử dụng các giống nuôi thích ứng với điều kiện hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn. Các diện tích không đảm bảo nguồn nước thì các địa phương chủ động chuyển đổi hoặc bỏ hoang, không tổ chức nuôi trồng thủy sản tránh gây thiệt hại cho nhân dân. Giảm số lượng lồng nuôi, mật độ cá giống thả và tăng cường các thiết bị, biện pháp kỹ thuật về cho ăn, chăm sóc đối với nuôi cá lồng trên sông Bồ, sông Đại Giang và sông Ô Lâu. Thu hoạch sớm, thu tỉa sản phẩm thủy sản thương phẩm theo khung lịch thời vụ.
Các đơn vị quản lý công trình thủy lợi cần chủ động phối hợp với các địa phương chuẩn bị sẵn sàng phương án phòng, chống hạn hán, xâm nhập mặn, xác định cụ thể từng vùng có khả năng thiếu nước để có kế hoạch chống hạn và biện pháp cấp nước hợp lý. Tổ chức theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, nguồn nước, vận hành các công trình thủy lợi, các công trình ngăn mặn, giữ ngọt Thảo Long, Cửa Lác, các cống trên đê, trên sông hợp lý phục vụ chống hạn; tổ chức tưới hiệu quả và tiết kiệm nước.
Cục Thủy lợi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, dung tích các hồ chứa thủy lợi ở Trung Bộ hiện đang khoảng 44 - 85% dung tích thiết kế, cao hơn trung bình nhiều năm. Nguồn nước cơ bản đảm bảo cung cấp cho sản xuất nông nghiệp vụ Hè Thu 2023 nhưng cũng khó tránh khỏi nguy cơ thời điểm cao điểm mùa khô, nắng nóng kéo dài một số vùng có khả năng xảy ra hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn. Tuy nhiên, thời điểm cao điểm mùa khô, nắng nóng kéo dài một số vùng có khả năng xảy ra hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn phải triển khai các giải pháp ứng phó cho khoảng 9.500-14.000 ha canh tác như: Thanh Hóa từ 3.000 - 5.000 ha, Nghệ An từ 5.000 - 6.000 ha, Hà Tĩnh 300 ha, Quảng Bình từ 100-600 ha, Quảng Trị từ 1.000-2.000 ha; Thừa Thiên Huế 100 ha.
Lê Vân
Bình luận