Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 24/11/2024 23:11
Thứ hai, 12/12/2022 12:12
TMO - Nhằm giảm thiểu những thiệt hại trong sản xuất nông nghiệp, cũng như đáp ứng nhu cầu sử dụng nguồn nước trên địa bàn tỉnh Đồng Nai trong mùa khô 2022-2023, địa phương này đang triển khai các phương án liên quan đến vận hành, điều tiết nguồn nước, hoạt động sản xuất phù hợp.
Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh, tổng lượng mưa đến nay đạt khoảng 109% so với trung bình nhiều năm, dung tích hồ chứa đạt khoảng 94,69% so với tổng dung tích và tăng 5,19% so với cùng kỳ năm trước. Nguồn nước các hồ chứa đảm bảo nước phục vụ sản xuất và sinh hoạt của người dân theo kế hoạch. Hiện các địa phương trên địa bàn tỉnh đã triển khai xây dựng, lắp đặt hệ thống tưới nước tiết kiệm gồm tưới gốc, tưới phun mưa trên diện tích gần 57 ngàn ha. Trong đó, nhóm cây hằng năm hơn 11 nghìn ha, nhóm cây ăn trái 23 nghìn ha, nhóm cây lâu năm và cây công nghiệp 22 nghìn ha, còn lại là cây lâm nghiệp. Việc ứng dụng hệ thống tưới tiên tiến, tiết kiệm nước góp phần nâng cao hiệu quả cây trồng, tiết kiệm khoảng 25% nhân công tưới nước, tiết kiệm khoảng 20% lượng nước tưới.
Các đơn vị đảm bảo vận hành hiệu quả các công trình thủy lợi trong điều tiết nguồn nước phục vụ sản xuất (Ảnh minh họa)
Chi cục Thủy lợi Đồng Nai cho biết, căn cứ khả năng phục vụ của các công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh, Chi cục đã lên kế hoạch tưới, tiêu, cấp nước năm 2023 với tổng diện tích là 63.999 ha (tăng 1.045 ha so với năm 2022). Trong đó, diện tích tưới là 47.575 ha, diện tích tiêu là 10.470 ha, diện tích ngăn mặn là 5.953 ha; cấp nước phục vụ sinh hoạt, công nghiệp khoảng 37.710.000 m3/năm. Báo cáo của Sở NN&PTNT tỉnh cho biết, vụ mùa năm 2022, toàn tỉnh dự kiến sẽ gieo trồng hơn 45,2 nghìn ha. Trong đó, cây lúa có diện tích gần 19 nghìn ha, cây bắp hơn 12,2 nghìn ha. Diện tích còn lại là các loại rau, màu khác.
Để đảm bảo nguồn nước phục vụ sản xuất trong mùa khô 2022-2023, ngoài các công việc như kiểm tra, sửa chữa công trình thủy lợi, nạo vét kênh mương... ngành nông nghiệp Đồng Nai và các huyện sẽ phối hợp tuyên truyền, khuyến cáo người dân vào vụ đồng loạt để nâng cao hiệu quả phục vụ tưới, không mở rộng thêm diện ngoài kế hoạch và ngoài khả năng phục vụ của công trình.
Các huyện Tân Phú, Cẩm Mỹ, Xuân Lộc và Long Thành thường xuyên rà soát, xác định các khu vực trọng điểm có nguy cơ xảy ra thiếu nước phục vụ sản xuất (Khu tưới của đập Năm Sao, đập Đồng Hiệp, hồ Gia Ui, đập Lang Minh, hồ Suối Vọng, đập Bàu Tre …), qua đó triển khai kế hoạch phục vụ sản xuất, phương án ứng phó phù hợp. Các huyện Nhơn Trạch, Long Thành theo dõi chặt chẽ diễn biến ảnh hưởng xâm nhập mặn đối với cây trồng tại các khu vực trọng điểm như: Hệ thống thủy lợi Ông Kèo và hệ thống bờ bao thuộc các xã Phú Hữu, Phú Hội, Đại Phước, Long Tân; báo cáo kịp thời và đề xuất biện pháp xử lý diện tích bị ảnh hưởng do xâm nhập mặn gây ra.
UBND tỉnh chỉ đạo các ngành chức năng triển khai giải pháp khai thác điều tiết, đảm bảo nguồn nước phục vụ sản xuất trong mùa khô
Đồng Nai hiện có gần 28 nghìn ha đất sản xuất nông nghiệp, không tính đất nuôi thủy sản. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 137 công trình thủy lợi đang hoạt động gồm: 18 hồ chứa, 56 đập dâng, 39 trạm bơm, 24 công trình ngăn mặn, ngăn lũ, tiêu thoát lũ và trên 636km kênh mương; tỷ lệ kênh mương được kiên cố hóa đạt hơn 51,4%. Tổng năng lực phục vụ tưới gần 51 nghìn ha, tiêu và ngăn mặn hơn 9,3 nghìn ha; cấp nước sinh hoạt, công nghiệp gần 112 nghìn m3/ngày đêm.
Các công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh đã và đang phát huy hiệu quả, góp phần phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Tỉnh đang tập trung đầu tư cho hệ thống thủy lợi phục vụ sản xuất. Giai đoạn 2021-2025, toàn tỉnh có 40 dự án thủy lợi với tổng kinh phí thực hiện khoảng 6.560 tỷ đồng. Hiện nay, có 5 dự án đã triển khai thi công hoàn thành và đang lập hồ sơ quyết toán vốn đầu tư để đưa vào sử dụng, góp phần tăng khả năng phục vụ tưới 450ha, tiêu 4.570ha, cấp nước 12.150 m3/ngày. Có 10 dự án đang triển khai thi công và 25 dự án đang trong giai đoạn lập hồ sơ.
Nguyên Bình
Bình luận