Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 24/11/2024 02:11
Thứ sáu, 06/10/2023 07:10
TMO - Trước yêu cầu phải bảo đảm cung ứng đủ than, khí cho sản xuất điện và các ngành công nghiệp khác, Bộ Công Thương đã yêu cầu các đơn vị liên quan triển khai nhiều giải pháp đã được triển khai.
Theo Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, 9 tháng qua, khối lượng than cấp cho các nhà máy nhiệt điện than đã đạt trên 30 triệu tấn, tương đương 75% khối lượng hợp đồng; dự kiến cả năm sẽ tăng khoảng 15% so với năm trước. Năm 2023, sản lượng than cần đủ cho sản xuất điện ước tính là trên 46 triệu tấn. Để có được số lượng than này, việc tháo gỡ khó khăn, nâng sản lượng khai thác là yêu cầu đặt ra đối với mỗi doanh nghiệp.
Năm 2024 sẽ cần trên 56 triệu tấn than để đảm bảo vận hành cho 33 nhà máy nhiệt điện than trên cả nước. Tuy nhiên việc đẩy mạnh khai thác, đảm bảo nguồn cung đang là thách thức đặt ra đối với các doanh nghiệp. Để gỡ khó cho các doanh nghiệp khai thác than, hiện Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp đã cùng với các bộ, ngành xem xét, xin ý kiến sửa đổi các quy định của Luật Khoáng sản, Luật Đầu tư, Luật Quy hoạch... và các quy định có liên quan. Với nguồn cung hiện chiếm tới 30% đến từ nguồn nhập khẩu, việc nâng công suất khai thác, điều chỉnh kế hoạch sản xuất trong nước, sẽ đảm bảo sản lượng than cần huy động trong giai đoạn tới.
Để đảm bảo cung cấp đủ than và khí cho sản xuất điện, Bộ Công Thương vừa yêu cầu các đơn vị khẩn trương xây dựng kế hoạch thực hiện nhiệm vụ đảm bảo cung ứng than, khí cho sản xuất điện các tháng cuối năm nay và các năm tiếp theo. Các đơn vị khẩn trương xây dựng kế hoạch thực hiện nhiệm vụ đảm bảo cung ứng than, khí cho sản xuất điện các tháng cuối năm 2023 và các năm tiếp theo, báo cáo về Bộ Công Thương trong tháng 10 năm 2023.
Trong đó cần xác định rõ nhiệm vụ, trách nhiệm cụ thể của từng tổ chức và cá nhân liên quan, dự kiến tiến độ hoàn thành, khó khăn và vướng mắc, giải pháp giải quyết. đối với chủ đầu tư nhà máy nhiệt điện than: Chịu trách nhiệm thu xếp nguồn than hợp pháp để cung cấp đủ, ổn định, liên tục theo yêu cầu huy động của hệ thống điện và trong suốt thời gian tồn tại của nhà máy; vận hành ổn định, hiệu quả, an toàn các tổ máy phát điện và nhanh chóng khắc phục sự cố tổ máy (nếu có). Trong mọi trường hợp không được để xảy ra thiếu than cho sản xuất điện, đặc biệt trong giai đoạn mùa khô hàng năm.
Các đơn vị chủ động rà soát tính toán chính xác nhu cầu sử dụng than các tháng cuối năm 2023 và các năm tiếp theo để đảm bảo nguồn cung cho sản xuất điện.
Rà soát, tính toán chính xác nhu cầu sử dụng than các tháng cuối năm 2023 và các năm tiếp theo; rà soát, hoàn thiện lại Hợp đồng mua bán than dài hạn đã ký với các đơn vị cung cấp than để đảm bảo cung cấp đủ, ổn định than cho sản xuất điện của nhà máy trong suốt thời gian tồn tại. Khẩn trương hoàn thành việc ký Hợp đồng mua bán than cho sản xuất điện năm 2024 và báo cáo Bộ Công Thương trước ngày 30/11/2023 để phục vụ việc xây dựng Biểu đồ cấp than cho điện năm 2024.
Đối với các đơn vị cung cấp than cho sản xuất điện: Thực hiện đồng bộ, quyết liệt và hiệu quả các biện pháp chỉ đạo, điều hành, tổ chức sản xuất để nâng cao năng lực, năng suất và sản lượng khai thác than trong nước đảm bảo an toàn, bảo vệ môi trường và tuân thủ quy định của pháp luật liên quan; đẩy mạnh công tác nhập khẩu than để pha trộn cung cấp cho các hộ tiêu thụ, đặc biệt là cho sản xuất điện (trong đó xem xét việc ưu tiên mua than của Lào cho sản xuất điện theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Văn bản số 745/TTg-CN ngày 15/8/2023), đảm bảo tuân thủ quy định pháp luật, đáp ứng yêu cầu hiệu quả.
Thường xuyên rà soát, tính toán năng lực cung cấp than (kể cả sản xuất trong nước, nhập khẩu, pha trộn than) và xây dựng, thực hiện kế hoạch cụ thể về khai thác, nhập khẩu, pha trộn, vận chuyển than... để bảo đảm cung cấp đủ, ổn định than cho sản xuất điện theo đúng cam kết tại hợp đồng đã ký; phối hợp chặt chẽ với chủ đầu tư nhà máy nhiệt điện trong việc ký kết và tổ chức thực hiện nghiêm các cam kết tại hợp đồng.
Đối với Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam và Tổng công ty Đông Bắc, ngoài các nhiệm vụ chung nêu trên cần khẩn trương thực hiện các công việc sau: Rà soát, hoàn thiện Kế hoạch sản xuất kinh doanh và đầu tư phát triển 5 năm giai đoạn 2021-2025 và dài hạn, báo cáo cơ quan đại diện chủ sở hữu để xem xét phê duyệt/trình cấp thẩm quyền phê duyệt theo quy định; trong đó bao gồm đề xuất cụ thể các cơ chế chính sách phù hợp để phát triển ổn định, đem lại hiệu quả cao nhất, tốt nhất cho đất nước, gắn với thực hiện cam kết quốc tế của Việt Nam về phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050, đồng thời phù hợp với quan điểm, định hướng và mục tiêu phát triển phân ngành than trong Quy hoạch tổng thể về năng lượng quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 893/QĐ-TTg ngày 26/7/2023...
Đảm bảo việc khai thác vận hành các mỏ dầu khí an toàn, ổn định đáp ứng việc cung cấp khí thiên nhiên cho sản xuất điện.
Thứ tư, đối với Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và Tổng công ty Khí Việt Nam: Tiếp tục thực hiện theo đúng quan điểm, mục tiêu phát triển ngành dầu khí được Bộ Chính trị đề ra tại Nghị quyết số 55/NQ-TW ngày 11/2/2020 về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Nghị quyết số 41/NQ-TW ngày 23/7/2015 về định hướng Chiến lược phát triển ngành dầu khí Việt Nam đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2035.
Đảm bảo việc khai thác vận hành các mỏ dầu khí an toàn, ổn định theo đúng kế hoạch năm 2023 đề ra, đáp ứng việc cung cấp khí thiên nhiên cho sản xuất điện theo đúng cam kết trong các hợp đồng mua bán khí đã ký. Chủ động làm việc với chủ đầu tư các nhà máy điện và Tập đoàn Điện - lực Việt Nam/Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia (AO) để đảm bảo kế hoạch huy động khí cho sản xuất điện theo các hợp đồng đã ký kết phù hợp với khả năng vận hành khai thác, vận hành và an toàn kỹ thuật.
Tích cực triển khai các nhiệm vụ thúc đẩy các dự án trọng điểm nhà nước về dầu khí, đảm bảo cung cấp khí cho sản xuất điện theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Văn bản số 745/TTg-CN ngày 15 tháng 8 năm 2023 và Quyết định số 893/QĐ-TTg ngày 26 tháng 7 năm 2023 phê duyệt Quy hoạch tổng thể về năng lượng quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, 9 tháng đầu năm sản lượng điện toàn hệ thống đạt 209,9 tỷ kWh, tăng 3,1% so với cùng kỳ. Sản lượng điện sản xuất toàn hệ thống tháng 9/2023 đạt 23,5 tỷ kWh (trung bình 784,9 triệu kWh/ngày), tăng 6,7% với cùng kỳ năm 2022; sản lượng ngày cao nhất đạt 869,9 triệu kWh và công suất cao nhất đạt 42.054 MW (ngày 22/9). Huy động từ nhiệt điện than là 97,2 tỷ kWh, chiếm 46,3%; từ thủy điện đạt 58,05 tỷ kWh, chiếm 27,7%; Năng lượng tái tạo đạt 29,13 tỷ kWh, chiếm 13,9% (trong đó điện mặt trời đạt 20,45 tỷ kWh, điện gió đạt 8.01 tỷ kWh); Tua bin khí là 20,82 tỷ kWh, chiếm 9,9%; Điện nhập khẩu là 3,1 tỷ kWh, chiếm 1,5%; Nhiệt điện dầu là 1,23 tỷ kWh, chiếm 0,6%.
Theo nhận định xu thế thời tiết của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, trong tháng 10/2023, nhiệt độ trung bình trên cả nước phổ biến cao hơn từ 0,5-1,00C so với trung bình nhiều năm. Do đó, sản lượng tiêu thụ điện bình quân ngày toàn hệ thống dự kiến ở mức 754,4 triệu kWh/ngày, tăng 7,22% so với cùng kỳ năm 2022. Tình hình cung cấp điện trong tháng dự kiến vẫn tiếp tục được đảm bảo.
Để giảm bớt những khó khăn trong vận hành hệ thống điện, EVN tiếp tục khuyến cáo người dân, các cơ quan công sở, doanh nghiệp sản xuất trong việc sử dụng điện an toàn, tiết kiệm vào các giờ cao điểm trưa (từ 11h30 đến 14h30), cao điểm tối (từ 20h00 đến 22h00); đồng thời chú ý sử dụng hợp lý điều hoà nhiệt độ (đặt ở mức 26 -27 độ trở lên, sử dụng kết hợp với quạt) và không nên sử dụng đồng thời nhiều thiết bị điện có công suất lớn…
Bích Ngọc
Bình luận