Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 24/11/2024 02:11
Thứ bảy, 14/10/2023 12:10
TMO - Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Giao thông Vận tải đang đẩy mạnh công tác rà soát, tháo gỡ những vướng mắc trong khai thác cát tại các địa phương vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) để đẩy nhanh tiến độ cung ứng cát cho các dự án giao thông trọng điểm tại vùng này.
Trong bối cảnh cát đang khan hiếm, tỉnh Đồng Tháp nỗ lực tính toán cung ứng cát phục vụ thi công dự án cao tốc trong và ngoài tỉnh. Địa phương có những đề xuất, kiến nghị tháo gỡ khó khăn, nhất là vấn đề liên quan đến trình tự thủ tục khai thác mỏ nhằm sớm cung cấp đủ khối lượng cát và đúng quy định.
Theo UBND tỉnh Đồng Tháp, tổng khối lượng cát mà Đồng Tháp cung ứng cho 2 dự án đường cao tốc Cần Thơ - Hậu Giang - Cà Mau và Cao Lãnh - An Hữu là hơn 10,5 triệu m3. Riêng năm 2023, tỉnh cung ứng cát cho 2 dự án nói trên với tổng khối lượng dự kiến 4 triệu m3, trong đó, cao tốc Cao Lãnh - An Hữu là 0,7 triệu m3, cao tốc Cần Thơ - Hậu Giang - Cà Mau là 3,3 triệu m3.
UBND tỉnh Đồng Tháp cho biết, thực hiện theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Đồng Tháp rất chủ động và nghiêm túc trong việc cung ứng cát cho dự án cao tốc; thực hiện chặt chẽ trình tự thủ tục khai thác cát. Đối với dự án cao tốc Cao Lãnh - An Hữu, UBND tỉnh Đồng Tháp đã dự kiến 3 mỏ cát phục vụ cung ứng cát cho dự án. Đó là mỏ cát thuộc xã Tân Thuận Đông, thành phố Cao Lãnh và xã Mỹ An Hưng A, Mỹ An Hưng B, huyện Lấp Vò; mỏ cát trên nhánh sông Tiền thuộc xã Long Khánh A, xã Thường Lạc, huyện Hồng Ngự và phường An Lạc, thành phố Hồng Ngự; mỏ cát trên sông Tiền thuộc xã An Hiệp và An Nhơn, huyện Châu Thành. UBND tỉnh chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường khẩn trương thực hiện các thủ tục để đưa vào khai thác cung ứng cho dự án.
Tỉnh Đồng Tháp nỗ lực tính toán cung ứng cát phục vụ thi công dự án cao tốc trong và ngoài tỉnh. Ảnh: TD.
Để đáp ứng nhu cầu cát ngay trong tháng 9 và tháng 10/2023 cho dự án cao tốc Cao Lãnh - An Hữu, trên cơ sở rà soát đề xuất của Sở Giao thông Vận tải, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông và Tổ Điều phối cát của tỉnh, UBND tỉnh Đồng Tháp đã xem xét, thống nhất chủ trương tạm điều chuyển 121.011 m3 cát (lần 1 là 51.011 m3, lần 2 là 70.000 m3) để ưu tiên cung ứng cho cao tốc Cao Lãnh - An Hữu thi công san lấp một số hạng mục công trình.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu tỉnh Đồng Tháp ưu tiên bố trí 7 triệu m3 cát cho cao tốc Cần Thơ - Hậu Giang - Cà Mau. Đến nay, Đồng Tháp đã cung ứng xong 371.000 m3; giới thiệu 6 mỏ cát cho nhà thầu khai thác theo cơ chế đặc thù. Hiện, Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận và các nhà thầu thi công đang phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường thực hiện lập các hồ sơ, thủ tục khai thác theo cơ chế đặc thù.
Qua khảo sát, thực hiện thủ tục của nhà thầu, có 5/6 mỏ có chất lượng cát đáp ứng yêu cầu phục vụ thi công cao tốc với gần 3,5 triệu m3. Ngày 20/9/2023, UBND tỉnh đã bàn giao một mỏ cát tại thực địa (mỏ cát thuộc xã An Nhơn, huyện Châu Thành) để nhà thầu tiến hành khai thác. Còn lại 4 mỏ đã thông qua Hội đồng thẩm định trữ lượng, Hội đồng đánh giá báo cáo tác động môi trường, phấn đấu trong tháng 10/2023 hoàn thành thủ tục đưa vào khai thác.
Theo UBND tỉnh Đồng Tháp, tỉnh sẽ tiếp tục rà soát, đánh giá lại trữ lượng các mỏ cát hoặc giới thiệu những mỏ cát mới để giao nhà thầu khai thác theo cơ chế đặt thù theo quy định. Để tháo gỡ khó khăn, cung cấp đủ khối lượng cát được giao để phục vụ thi công cao tốc, UBND tỉnh Đồng Tháp đã đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường cho khảo sát, tiến hành đánh giá sản tổng thể lượng cát và tác động môi trường trên các tuyến sông Tiền và sông Hậu để xác định sản lượng, chất lượng khoáng sản, có kế hoạch khai thác hợp lý, hiệu quả, bền vững.
UBND tỉnh Đồng Tháp đề xuất Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp các bộ, ngành liên quan nghiên cứu, ban hành quy chế phối hợp thực hiện và trách nhiệm cụ thể của các bộ, ngành liên quan, chủ đầu tư, nhà thầu và địa phương đối với các mỏ cát thực hiện theo cơ chế đặc thù; trong đó, làm rõ về trách nhiệm kiểm tra, giám sát sản lượng khai thác, cung ứng cát và thẩm quyền xử lý các sai phạm (nếu có) trong quá trình thực hiện.
Tỉnh An Giang sẽ phân bổ hơn 7,1 triệu m3 cát để thi công 2 dự án cao tốc Châu Đốc – Cần Thơ - Sóc Trăng đoạn qua địa bàn tỉnh An Giang và cao tốc Cần Thơ – Cà Mau. Theo UBND tỉnh An Giang, hiện nguồn cát An Giang cung cấp san lấp cho 2 tuyến cao tốc Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng và cao tốc Cần Thơ – Cà Mau còn 4 khu mỏ có giấy phép khai thác còn hiệu lực, với tổng diện tích 155,98 ha, công suất khai thác 2,37 triệu m3/năm.
Trong số đó, có 1 khu mỏ được cấp phép thông qua đấu giá quyền khai thác khoáng sản và 3 khu mỏ được cấp phép thông qua hình thức lựa chọn đơn vị thăm dò, khai thác khoáng sản để phục vụ cho công trình ngân sách nhà nước. Trữ lượng còn lại của 3 khu mỏ cấp phép không thông qua đấu giá được tỉnh phân bổ cung cấp cho cao tốc Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng đoạn qua tỉnh An Giang khối lượng 1 triệu m3 và dự kiến cung cấp cho cao tốc Cần Thơ – Cà Mau khối lượng trên 1,58 triệu m3.
Tỉnh An Giang sẽ phân bổ hơn 7,1 triệu m3 cát để thi công 2 dự án cao tốc trọng điểm tại vùng ĐBSCL.
Để cung cấp cát cho 2 tuyến cao tốc Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng đoạn qua tỉnh An Giang và cao tốc Cần Thơ – Cà Mau, An Giang đang huy động thêm nguồn vật liệu từ Dự án nạo vét chỉnh trị dòng chảy sông Vàm Nao hạn chế sạt lở bờ xã Mỹ Hội Đông (xã Kiến An, huyện Chợ Mới) với khối lượng 3,3 triệu m3; từ Dự án nạo vét chỉnh trị dòng chảy sông Tiền (khu vực xã Vĩnh Hòa, thị xã Tân Châu) để cung cấp cho cao tốc Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng đoạn qua tỉnh An Giang với khối lượng 1,2 triệu m3.
Để chuẩn bị nguồn vật liệu cát san lấp phục vụ công trình đường cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng đoạn qua tỉnh An Giang, Cần Thơ, Hậu Giang và cao tốc Cần Thơ – Cà Mau, hiện UBND tỉnh An Giang đã phê duyệt danh mục khu vực khoáng sản cát sông phục vụ nguồn vật liệu cho các dự án đầu tư xây dựng công trình đường bộ cao tốc khu vực Đồng bằng sông Cửu Long… và phê duyệt danh mục khu vực không đấu giá quyền khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh.
Hiện tỉnh An Giang cũng đang xây dựng Kế hoạch triển khai các bước thực hiện cơ chế đặc thủ trong cấp phép khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường giao mỏ cho nhà thầu thi công để phục vụ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng và cao tốc Cần Thơ - Cà Mau. Đồng thời trên cơ sở danh mục khu vực khoáng sản cát sông phục vụ nguồn vật liệu cho các dự án đầu tư xây dựng công trình đường bộ cao tốc đã được phê duyệt, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh đã có buổi làm việc để giới thiệu đến chủ đầu tư cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng và cao tốc Cần Thơ - Cà Mau về các khu vực có nguồn vật liệu phục vụ cao tốc.
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh đề nghị tỉnh An Giang đẩy nhanh việc điều phối nguồn cát cho các dự án cao tốc đang triển khai; tăng cường công tác quản lý các mỏ cát đang khai thác phải đúng trữ lượng, hồ sơ thiết kế; tiến hành rà soát, quy hoạch bài bản các mỏ, khu vực khai thác cát cung cấp cho các công trình cao tốc đây là trách nhiệm của tỉnh và Bộ Tài nguyên và Môi trường sẵn sàng hỗ trợ An Giang nhân sự, máy móc đánh giá trữ lượng các mỏ cát để công tác cấp phép, khai thác cát đạt hiệu quả cao, cung cấp kịp thời cho thi công các tuyến cao tốc.
An Giang rà soát lại quy trình cấp phép khai thác cát trên địa bàn. Đối với các mỏ cát đã cấp phép đang khai thác UBND tỉnh An Giang cần tập trung rà soát lại trữ lượng và có thể nâng công suất khai thác để chia sẻ cát cho một số dự án cao tốc đang triển khai tại ĐBSCL. Đối với các mỏ cát mới chưa cấp phép khai thác, phải đảm bảo đúng quy trình, thủ tục trước khi cấp phép khai thác như phải tiến hành khảo sát, đo đạt trữ lượng, khối lượng từ mỏ và phải đánh giá tác động môi trường trước khi cấp phép khai thác.
Trước thực trạng khan hiếm cát lấp đắp nền, đặc biệt tại bốn dự án đường cao tốc đang triển khai ở khu vực ĐBSCL gồm cao tốc Cần Thơ - Cà Mau, Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, Cao Lãnh - An Hữu, Mỹ An - Cao Lãnh với tổng chiều dài 355km cần khoảng 53,68 triệu m3, giải pháp đắp nền thay thế bằng cát biển đang được đắp thí điểm 300m tại tuyến đường tỉnh 978 ở tỉnh Bạc Liêu (thuộc dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía đông giai đoạn 2021 - 2025). Trong đó, 60m đoạn hạ âm và 240m đoạn thử nghiệm với ba mái ta luy, nền đường. Ngoài việc thí điểm dùng cát biển để đắp nền, các địa phương tại khu vực ĐBSCL cũng đang gấp rút hoàn tất thủ tục để giao trực tiếp mỏ cát cho chủ đầu tư, các nhà thầu thi công các công trình giao thông trọng điểm để khai thác phục vụ dự án.
PV
Bình luận