Hotline: 0941068156
Thứ ba, 21/01/2025 00:01
Thứ sáu, 14/07/2023 07:07
TMO - Việc khai thác, sử dụng phải gắn với bảo vệ tài nguyên nước, bảo vệ nguồn sinh thủy, sự lưu thông dòng chảy, các hồ, ao có chức năng điều hòa, có giá trị đa dạng sinh học phù hợp với chức năng nguồn nước trên lưu vực sông Sê San.
Trên lãnh thổ Việt Nam, lưu vực sông Sê San và Srêpôk nằm trọn trong vùng Tây Nguyên gồm 5 tỉnh, xếp theo thứ tự vị trí địa lý từ Bắc xuống Nam gồm Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông và Lâm Đồng. Đây là vùng có vị trí chiến lược hết sức quan trọng về kinh tế, chính trị, quốc phòng đối với cả nước và khu vực Đông Dương, có nhiều tiềm năng ưu thế để phát triển kinh tế, hiện tại là một trong hai vùng sản xuất hàng hóa nông sản xuất khẩu lớn nhất của cả nước sau đồng bằng sông Cửu Long.
Mặc dù đã đạt được thành quả đáng kể trong phát triển kinh tế xã hội, các tỉnh trên lưu vực sông Sê San vẫn còn đối mặt với nhiều thách thức như: kết nối hạ tầng phục vụ thông thương, yêu cầu sản xuất hàng hóa nông sản theo hướng chất lượng cao, công nghiệp hóa hiện đại hóa sản xuất,…. Bên cạnh đó, nguồn tài nguyên nước có hạn cũng chịu những áp lực của phát triển kinh tế-xã hội như: nhu cầu nước cho các ngành ngày càng gia tăng, ảnh hưởng của việc gia tăng hồ chứa thủy điện thượng nguồn trong thời gian qua đến hạ lưu, cụ thể các vấn đề chính trên lưu vực sông Sê San. Điều này, đòi hỏi các địa phương trên lưu vực sông cần có phương án nhằm bảo đảm an ninh nguồn nước.
Trên lưu vực sông Sê San hiện có khoảng 140 công trình hồ chứa. Tổng lượng tài nguyên nước mặt trên lưu vực sông Sê San là 12,84 tỷ m3 . Tổng lượng nước mặt trong năm tháng mùa lũ (tháng 6 đến tháng 11) của lưu vực sông Sê San là 10,1 tỷ m3, chiếm khoảng 78% tổng lưu lượng hàng năm. Tổng lượng nước mặt trong 6 tháng còn lại của mùa khô của lưu vực sông là 2,738 tỷ m3, chiếm khoảng 22% tổng lưu lượng hàng năm.
Kết quả tính toán cho thấy trên 6 tiểu lưu vực thuộc Sê San, các tiểu lưu vực có tiềm năng nước dưới đất lớn nhất gồm: Hạ Sê San (1.628.744 m³/ngày), tiếp đến là các tiểu lưu vực Hạ Đắk Bla (1.028426 m³/ngày). Tiểu lưu vực có tiềm năng nước dưới đất thấp nhất là Sa Thầy (76.653 m³/ngày), các tiểu lưu vực còn lại tiềm năng nước dưới đất dự báo từ vài trăm đến dưới 1 triệu m³/ngày. Tài nguyên nước dưới đất dự báo trên lưu vực sông Sê San là 4.248.370 m³/ngày, trong đó Hạ Sê San là tiểu lưu vực có tiềm năng lớn nhất (1.628.744 m³/ngày).
Theo đó, tổng lượng nước trung bình trên lưu vực sông Sê San đến năm 2020 là 14,4 tỷ m3, trong đó lượng nước mặt là 12,8 tỷ m3, lượng nước dưới đất tiềm năng là 1,5 tỷ m3; đến năm 2030 tổng lượng nước trung bình trên toàn lưu vực là 15,6 tỷ m3, trong đó lượng nước dưới đất tiềm năng là 1,68 tỷ m3; đến năm 2050 tổng lượng tài nguyên nước trung bình trên toàn lưu vực là 16 tỷ m3 trong đó lượng tài nguyên nước mặt là 14,3 tỷ m3, lượng nước dưới đất tiềm năng là 1,78 tỷ m3.
Nguồn nước trên lưu vực sông Sê San được quy hoạch nhằm đáp ứng nhu cầu sử dụng của các địa phương.
Kết quả điều tra của ngành chức năng cho thấy, hiện tại người dân trong vùng đang sử dụng nguồn nước từ các hình thức: công trình cấp nước sinh hoạt tập trung nông thôn (423 công trình) và công trình cấp nước sinh hoạt tập trung nhỏ lẻ ( hơn 20.700 công trình). Trong lưu vực sông Sê San, các khu công nghiệp và cụm công nghiệp nằm rải rác và phân bố không đều ở các huyện. Diện tích các khu công nghiệp và cụm công nghiệp trong lưu vực sông Sê San là 806,825 hecta với tổng lượng nước ước tính sử dụng là 32.273 m³/ngày.
Trên lưu vực sông Sê San có 74 đập dâng lớn nhỏ và 17 trạm bơm với diện tích tưới là 2.583,95 hecta. Theo số liệu điều tra, thu thập của dự án, tổng số công trình thuỷ lợi phục vụ tưới tiêu trên lưu vực sông Sê San bao gồm 125 công trình hồ chứa thuỷ lợi với năng lực tưới là 22.486,4 hecta. Trong đó, số lượng hồ lớn là 51 hồ với tổng diện tích tưới là 19.131,70 hecta, hồ vừa là 23 hồ với tổng diện tích tưới là 2.042,10 hecta. Số lượng hồ nhỏ còn lại là 51 hồ với tổng diện tích tưới là 1.312,60 hecta.
Hiện nay, trên lưu vực sông Sê San có 8 nhà máy thuỷ điện thuộc quy trình vận hành liên hồ chứa theo Quyết định 215 và 38 nhà máy thủy điện vừa và nhỏ, tổng công suất lắp máy 2.202,46 MW. Trong đó có 8 nhà máy thuỷ điện thuộc quy trình vận hành liên hồ chứa với tổng công suất 1.846 MW, 38 nhà máy thuỷ điện vừa và nhỏ có tổng công suất 356,46 MW.
Tổng nhu cầu sử dụng nước toàn LVS Sê San năm 2017 là 639,21 triệu m³, nhu cầu lớn nhất tại hạ lưu Sê san là 201,99 triệu m³ (chiếm tỷ lệ 31,60%) và nhỏ nhất tại vùng thượng Sê san là 28,74 triệu m³ (chiếm tỷ lệ 4,5%). Nhu cầu cho tưới chiếm tỷ lệ cao nhất là 503,87 triệu m³ (chiếm 78,82%) và nhỏ nhất là nhu cầu cho du lịch 0,16 triệu m³ (chiếm 0,02%). Đến năm 2030 tổng nhu cầu sử dụng nước toàn vùng là 1.042,66 triệu m³. Nhu cầu lớn nhất tại Hạ Đắk Bla là 333,09 triệu m³ (chiếm tỷ lệ 31,95 %) và nhỏ nhất tại vùng Sa Thầy là 43,90 triệu m³ (chiếm tỷ lệ 4,21%).
Nhu cầu cho tưới chiếm tỷ lệ cao nhất là 673,56 triệu m³ (chiếm 64,56%) và nhỏ nhất là nhu cầu cho du lịch 1,52 triệu m³ (chiếm 0,07%). Đến năm 2050 tổng nhu cầu sử dụng nước toàn vùng là 1.584,12 triệu m³. Nhu cầu lớn nhất tại Hạ Đắk Bla là 507,09 triệu m³ (chiếm tỷ lệ 32,01%) và nhỏ nhất tại Sa Thầy là 65,39 triệu triệu m³ (chiếm tỷ lệ 4,13%). Nhu cầu cho tưới chiếm tỷ lệ cao nhất là 766,71 triệu m³ (chiếm 48,4%) và nhỏ nhất là nhu cầu cho du lịch 1,11 triệu m³ (chiếm 0,07%).
Hiện nay nguồn tài nguyên nước trên lưu vực sông Sê San đối diện với nhiều thách thức như: Biến đổi khí hậu ngày càng cực đoan gây hạn hán thiếu nước; Chia cắt lớn các nguồn nước bởi các công trình thủy điện, thủy lợi dòng chính; Thiếu công trình điều tiết, phát triển nguồn nước, bao gồm (bao gồm công trình có chức năng điều tiết nước lớn; các giải pháp cấp nước liên vùng; và các giải pháp kết nối, điều hòa, chuyển nước; Hệ thống công trình khai thác (thủy lợi) xuống cấp, năng lực không đảm bảo; Thông số thiết kế công trình chưa đảm bảo yêu cầu thiết kế (tích trữ nước) và yêu cầu sử dụng nước hiện tại, nhiệm vụ phục vụ thay đổi; Sự phát triển tự phát các cây công nghiệp có giá trị kinh tế cao gây nên bị động về nguồn nước; Lập và quản lý hành lang bảo vệ nguồn nước chưa được thực hiện đồng bộ.
Các địa phương phát huy hiệu quả các công trình thủy điện trong điều tiết nhằm đảm bảo an ninh nguồn nước.
Do vậy để đảm bảo an ninh nguồn nước, đáp ứng nhu cầu sử dụng nguồn nước như dự báo ở trên thì việc khai thác, sử dụng phải gắn với bảo vệ tài nguyên nước, bảo vệ nguồn sinh thủy, sự lưu thông dòng chảy, các hồ, ao có chức năng điều hòa, có giá trị đa dạng sinh học phù hợp với chức năng nguồn nước trong kỳ Quy hoạch.
Theo đó, các địa phương cần quản lý chặt chẽ rừng đầu nguồn, phấn đấu duy trì tỷ lệ che phủ rừng là nguồn sinh thủy trên lưu vực sông, đặc biệt là tại thượng lưu các sông Sê San, Đắk BIa và Sa Thầy. Quản lý không gian tiêu thoát nước, bảo đảm lưu thông dòng chảy trên các sông, suối gồm: Sê San, Đắk Bla, Sa Thầy, Đăk Pơ Ne, Kon Keng, Đăk Po Kei, Ia Krom, Đắk Cấm, Đăk Pru, Đăk Rơ Long, Đăk Ne, Đăk Psi, Đăk Ta Kan, Ia Nhinh, Ia Krel, Đăk Rơ Mao, Ia Tri.
Các dự án kè bờ, gia cố bờ sông, san, lấp, lấn sông, cải tạo cảnh quan các vùng đất ven sông không được thu hẹp quá 5% bề rộng lòng sông. Các sông, suối khác căn cứ vào tầm quan trọng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, điều hòa, cảnh quan môi trường cơ quan quản lý có thẩm quyền xem xét, quyết định việc quản lý không gian tiêu thoát nước cho phù hợp.
Quản lý, giám sát các cơ sở sản xuất có hoạt động xả nước thải, thu gom, xử lý nước thải đô thị xả vào nguồn nước để bảo đảm chức năng nguồn nước theo quy định. Công bố, quản lý chặt chẽ danh mục các hồ, ao không được san lấp, các hồ, ao có chức năng điều hòa, có giá trị cao về đa dạng sinh học.
Xây dựng và duy trì mạng quan trắc, giám sát tài nguyên nước theo Quy hoạch tổng thể điều tra cơ bản tài nguyên nước đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Thực hiện việc giám sát dòng chảy, chất lượng nước ở các vị trí trên các sông, suối.Theo Quy hoạch tổng thể điều tra cơ bản tài nguyên nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, trong toàn phạm vi LVS Sê San bao gồm các loại trạm quan trắc liên quan đến nguồn nước gồm: Toàn bộ LVS Sê San hiện có 04 trạm quan trắc tài nguyên nước mặt, mạng quan trắc nước dưới đất lưu vực sông Sê San có 55 trạm.
Trên LVS Sê San quy hoạch bổ sung 12 trạm quan trắc nước mặt, không bổ sung thêm trạm nào quan trắc nước dưới đất vào các giai đoạn sau. Hiện trạng quan trắc môi trường có 1 trạm và theo quy hoạch bổ sung thêm 20 trạm các giai đoạn sau...Giai đoạn đến năm 2025: Ưu tiên xây dựng các điểm giám sát tài nguyên nước, khai thác, sử dụng nguồn nước tại vị trí vị trí tính toán, các vị trí có nguy cơ cạn kiệt nguồn nước Giai đoạn đến năm 2025: Ưu tiên xây dựng các điểm giám sát tài nguyên nước, khai thác, sử dụng nguồn nước tại vị trí vị trí tính toán, các vị trí có nguy cơ cạn kiệt nguồn nước.
Trường hợp xảy ra thiếu nước nghiêm trọng, căn cứ hiện trạng nguồn nước, bản tin dự báo về tình hình khí tượng, thủy văn, tài nguyên nước, mức độ hạn hán, thiếu nước, lượng nước tích trữ trong các hồ chứa hiện có trên lưu vực sông, khả năng khai thác nước dưới đất các địa phương phối hợp với các bộ, ngành có liên quan xây dựng phương án sử dụng nguồn nước hiện có, nguồn nước dự phòng gửi Bộ TN&MT xem xét, quyết định phương án điều hòa, phân bổ nước phù hợp.
Việc khai thác, sử dụng nước phải bảo đảm giá trị dòng chảy tối thiểu trên sông, suối. Trường hợp xây dựng mới các công trình khai thác, sử dụng nước, căn cứ vào điều kiện thực tế, đặc điểm nguồn nước, Bộ TN&MT, UBND cấp tỉnh xem xét quyết định giá trị dòng chảy tối thiểu sau công trình theo thẩm quyền, bảo đảm giá trị dòng chảy tối thiểu trên sông quy định.
Lê Hồng
Bình luận