Hotline: 0941068156
Thứ sáu, 15/11/2024 03:11
Thứ năm, 14/11/2024 19:11
TMO – Những tháng cuối năm 2024, Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan, địa phương theo chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền được giao triển khai các giải pháp thúc đẩy sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, nhất là công nghiệp chế biến, chế tạo, sản xuất và phân phối điện, khôi phục sản xuất tại các vùng bị ảnh hưởng bởi thiên tai; tăng cường liên kết vững chắc trong chuỗi cung ứng; tiếp tục đầu tư hạ tầng và triển khai thu hút đầu tư các khu, cụm công nghiệp.
Tình hình kinh tế-xã hội tháng 10 và 10 tháng năm 2024 tiếp tục xu hướng tích cực và tốt hơn tháng 9, tính chung 10 tháng tốt hơn cùng kỳ trên hầu hết các lĩnh vực. Cụ thể, kinh tế tiếp tục đà tăng trưởng tích cực trong cả 3 khu vực: Khu vực nông nghiệp tiếp tục tăng trưởng ổn định; Khu vực công nghiệp tiếp tục xu hướng tích cực, tháng 10 tăng 4% so với tháng 9 và tăng 7% so cùng kỳ; tính chung 10 tháng tăng 8,3%; Khu vực dịch vụ tiếp tục tăng khá; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 8,5%.
Đầu tư phát triển đạt kết quả tích cực. Giải ngân vốn đầu tư công 10 tháng đạt 52,29% kế hoạch. Thu hút FDI đạt 27,26 tỷ USD, tăng 1,9%, cao nhất từ 2019 đến nay; vốn FDI thực hiện đạt 19,58 tỷ USD, tăng 8,8%, cao nhất trong 5 năm qua.
Các lĩnh vực văn hóa, xã hội được chú trọng; an sinh xã hội được bảo đảm. Đã hỗ trợ người dân 21.800 tấn gạo. Trong tháng 10, có 95,4% số hộ gia đình đánh giá có thu nhập ổn định hoặc cao hơn cùng kỳ. Các chương trình tín dụng chính sách 10 tháng đã hỗ trợ vay vốn cho trên 1,9 triệu đối tượng, tạo việc làm cho gần 584.000 lao động. Tai nạn giao thông giảm ở cả 3 tiêu chí. Chính trị - xã hội ổn định; quốc phòng, an ninh được tăng cường; trật tự an toàn xã hội được bảo đảm; đối ngoại, hội nhập quốc tế được đẩy mạnh; uy tín, vị thế đất nước được nâng lên.
Về nhiệm vụ và các giải pháp phát triển kinh tế-xã hội thời gian tới, đặc biệt là những tháng cuối năm 2024, Nghị quyết 218/NQ-CP phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 10 năm 2024 (vừa ban hành), Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan, địa phương có tỷ lệ giải ngân dưới mức trung bình của cả nước tập trung chỉ đạo, đôn đốc, tăng cường hơn nữa trách nhiệm của người đứng đầu trong giải ngân vốn đầu tư công. Các bộ, cơ quan, địa phương được Thủ tướng Chính phủ giao bổ sung kế hoạch năm 2024, khẩn trương thực hiện phân bổ chi tiết cho các nhiệm vụ, dự án, phấn đấu giải ngân 100% kế hoạch vốn mới được bổ sung.
Các bộ, cơ quan, địa phương tăng cường hoạt động của các Tổ công tác kiểm tra, đôn đốc giải ngân đầu tư công, nhất là đối với các bộ, cơ quan, địa phương có mức phân bổ vốn lớn nhưng tốc độ giải ngân chậm. Kịp thời xử lý khó khăn, vướng mắc, giải quyết dứt điểm tồn tại kéo dài để đẩy nhanh tiến độ các công trình, dự án hạ tầng quan trọng, trọng điểm quốc gia, không để xảy ra thất thoát, lãng phí.
Tiếp tục đẩy mạnh triển khai giải ngân vốn thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia; khẩn trương sửa đổi, bổ sung hoặc trình cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung các văn bản về quản lý, tổ chức thực hiện các Chương trình theo ngành, lĩnh vực và địa bàn được phân công; chủ động rà soát, phát hiện khó khăn, vướng mắc, có giải pháp tháo gỡ hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, xử lý kịp thời. Phát huy hiệu quả các Hội đồng điều phối vùng, thúc đẩy liên kết vùng gắn với tăng cường xúc tiến đầu tư; nghiên cứu xây dựng cơ chế, chính sách phù hợp với điều kiện phát triển, phát huy tiềm năng, lợi thế của từng vùng.
Đẩy mạnh các hoạt động sản xuất công nghiệp. Ảnh minh họa.
Các Bộ, ngành, địa phương cần đẩy mạnh triển khai các giải pháp thúc đẩy sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, nhất là công nghiệp chế biến, chế tạo, sản xuất và phân phối điện, khôi phục sản xuất tại các vùng bị ảnh hưởng bởi thiên tai; tăng cường liên kết vững chắc trong chuỗi cung ứng; tiếp tục đầu tư hạ tầng và triển khai thu hút đầu tư các khu, cụm công nghiệp. Nắm chắc tình hình thị trường, đánh giá nguồn cung, nhu cầu hàng hóa, nhất là các mặt hàng điện, xăng dầu, lương thực, thực phẩm và các hàng hóa thiết yếu khác để điều tiết sản xuất, quản lý thị trường, bảo đảm cân đối cung cầu, ổn định thị trường, giá cả, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, gián đoạn nguồn hàng gây tăng giá đột biến trong những tháng cuối năm và Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025.
Tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp phát triển thị trường trong nước, tăng cường các chương trình khuyến mại, kích cầu tiêu dùng, hỗ trợ tiêu thụ trong giai đoạn cao điểm cuối năm, góp phần tăng tổng cầu trong nước; đẩy mạnh hỗ trợ doanh nghiệp giới thiệu, quảng bá, xúc tiến thương mại, tiêu thụ sản phẩm trên các nền tảng số, thương mại điện tử.
Với Bộ Công Thương, Chính phủ giao Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương tập trung nghiên cứu, đề xuất các chính sách, giải pháp đồng bộ, hiệu quả để kích cầu tiêu dùng và thúc đẩy phát triển thị trường trong nước, khai thác xu hướng tiêu dùng cuối năm 2024 và đầu năm 2025. Tăng cường quản lý hoạt động thương mại điện tử xuyên biên giới, phòng, chống gian lận xuất xứ, buôn lậu; chủ động, kịp thời triển khai các giải pháp phòng vệ thương mại để bảo vệ hàng hóa sản xuất trong nước theo quy định.
Đảm bảo an ninh lương thực quốc gia. Ảnh minh họa.
Thúc đẩy xuất khẩu sang các thị trường lớn, giàu tiềm năng đối với các sản phẩm có thế mạnh, nhất là các thị trường lớn ở Trung Đông, Bắc Phi, Mỹ La-tinh, các nước Pakistan, Ai Cập…; thông tin, hỗ trợ doanh nghiệp đáp ứng nhanh, kịp thời các tiêu chuẩn mới của các thị trường xuất khẩu trên cơ sở kết quả các hoạt động đối ngoại của Lãnh đạo cấp cao, tiếp tục đẩy mạnh đàm phán, ký kết các hiệp định thương mại tự do mới.
Chính phủ yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tập trung chỉ đạo sản xuất, mở rộng thị trường tiêu thụ nông, lâm, thủy sản và thúc đẩy xuất khẩu nông sản; thực hiện hiệu quả các giải pháp bảo đảm an ninh lương thực quốc gia, tuyệt đối không để xảy ra thiếu nguồn cung lương thực, thực phẩm cho tiêu dùng trong nước…/.
K. LINH
Bình luận