Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 24/11/2024 06:11
Chủ nhật, 20/03/2022 12:03
TMO – Những năm gần đây, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đã tác động lớn khiến tình hình thời tiết có nhiều bất thường. Trong khí đó, sự chống chịu, thích ứng của các đô thị trước hiểm họa từ thiên nhiên lại chưa được quan tâm và nhận thức đầy đủ, nên buộc chúng ta phải có giải pháp và tầm nhìn mang tính bền vững, lâu dài.
Bài 1. Những bất cập trong phát triển đô thị
Theo kết quả công bố của Cục Phát triển Đô thị (Bộ Xây dựng) về thí điểm bộ chỉ số tại năm đô thị và nhân rộng tại 28 đô thị khác. Trong đó, Hà Nội có chỉ số chống chịu tổng hợp ở mức thấp nhất, đạt 5,6 trên thang điểm 10. Ngoài ra, chỉ có 10 đô thị đạt mức điểm trung bình khá (từ 7 trở lên). Thay vì thuần túy đưa ra số liệu liên quan hạ tầng kỹ thuật, giao thông, các đơn vị đã thu thập số liệu và trả lời các câu hỏi liên quan đến khả năng chống chịu toàn diện trên bốn khía cạnh: sức khỏe-phúc lợi, kinh tế-xã hội, hạ tầng-môi trường, lãnh đạo-chính sách….
Các chuyên gia đánh giá, thiên tai khó dự đoán và gây thiệt hại lớn, ảnh hưởng nặng nề đến đời sống người dân, gia tăng khoảng cách giàu-nghèo. Việt Nam hiện có 862 đô thị các loại và được xác định nằm trong nhóm 10 quốc gia chịu nhiều thiên tai nhất thế giới, mỗi đô thị đều có mức độ bị tổn thương khác nhau. Bão, lũ lụt và nước biển dâng đang tác động xấu đến phát triển hệ thống đô thị ven biển và vùng đồng bằng sông Cửu Long với 138 đô thị có nguy cơ ngập cao, trong đó có 24 đô thị thuộc 15 tỉnh, thành phố có nguy cơ ngập nặng đến rất nặng. Khu vực miền núi và Tây Nguyên có nhiều nguy cơ, trong đó có 17 đô thị có khả năng chịu ảnh hưởng rất lớn. Khả năng chống chịu, thích ứng của đô thị là việc giảm rủi ro và thiệt hại do thiên tai, đồng thời liên quan khả năng nhanh chóng trở lại trạng thái ổn định.
Ngập úng là một trong những thách thức đối với quy hoạch đô thị
Theo các chuyên gia, khả năng chống chịu của đô thị không chỉ liên quan biến đổi khí hậu, mà còn liên quan nỗ lực giảm nghèo, tăng cường hiệu quả năng lượng, phát triển tốt hệ thống hạ tầng và giao thông, quản lý chất thải hợp lý, nâng cao sức khỏe cộng đồng... Nhiều năm qua, các biện pháp thích ứng biến đổi khí hậu và khả năng chống chịu chưa được các tỉnh, thành phố quan tâm thích đáng. Điều này đòi hỏi phải có sự đổi mới sâu sắc và quyết liệt trong công tác quy hoạch, cải tạo, điều chỉnh quy hoạch và quản trị đô thị.
Về mặt môi trường, cũng theo các chuyên gia, mặc dù phát triển với tốc độ nhanh song các đô thị Việt Nam hiện vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu xã hội hoá nhà ở cho mọi đối tượng. Các đô thị lớn có sức hút mạnh đang tạo ra sự tập trung dân cư, công nghiệp quá tải mà chưa tìm ra những giải pháp hữu hiệu điều hoà quá trình tăng trưởng, trong khi các đô thị nhỏ và vừa thì kém sức hấp dẫn, không có khả năng đảm nhiệm nổi vị trí và vai trò trung tâm của mình trong mạng lưới đô thị quốc gia. Tình trạng ô nhiễm môi trường đô thị chậm được cải thiện do sự gia tăng lượng các chất thải độc hại vào môi trường sống không những phá vỡ cảnh quan mà còn tác động tới cân bằng sinh thái đô thị, ảnh hưởng tới sức khoẻ cộng đồng và sự phát triển bền vững của các đô thị cũng như khu vực lân cận.
Hiện nay, nhiều khu vực ngoại thành đang đối mặt với sự phát triển thiếu bền vững do phải ổn định đời sống dân cư, vấn đề bảo đảm an ninh lương thực, sử dụng hợp lý quỹ đất nông nghiệp… Thêm vào đó, thể chế quản lý và kiểm soát phát triển đô thị thiếu hiệu quả trên từng vùng trong cả nước đã tạo nên những tranh chấp không đáng có. Các cơ chế, chính sách nhằm phát huy sức mạnh cộng đồng trong việc tạo ra nguồn vốn để hướng đến mục đích xây dựng đô thị còn thiếu…dẫn tới việc thiết lập một trật tự đô thị trong bối cảnh còn nhiều thách thức.
Lê Hùng
Bình luận