Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 04/05/2025 13:05
Chủ nhật, 04/05/2025 06:05
TMO - Hiện nay, tỉnh Bắc Ninh đang tập trung nguồn lực để nâng cấp, gia cố hệ thống đê điều nhằm đảm bảo an toàn trong mùa mưa bão năm 2025. Các công trình trọng điểm được đẩy nhanh tiến độ, góp phần tăng cường khả năng phòng chống thiên tai và bảo vệ sản xuất, đời sống Nhân dân.
Tính đến cuối năm 2024, Bắc Ninh có gần 200 km đê ngăn lũ đi qua nhiều địa bàn khu dân cư và gần 4.400 km kênh mương thuỷ lợi. Để nâng cao khả năng phòng, chống lũ cho hệ thống đê điều, nâng cao năng lực tưới, tiêu cho các công trình thuỷ lợi, những năm qua Bắc Ninh chú trọng việc đầu tư tu bổ, nâng cấp, đồng thời, chỉ đạo ngành chức năng, các địa phương thực hiện nghiêm kiểm tra, xử lý, ngăn chặn tình trạng lấn chiếm, từng bước lập lại trật tự hành lang đê điều, công trình thuỷ lợi.
Đơn cử, tại trạm bơm tiêu Văn Thai A gồm 6 tổ máy, lưu lượng 12.500 m3/tổ máy/giờ có nhiệm vụ tiêu úng cho gần 10.000 ha canh tác, dân sinh của huyện Lương Tài, Gia Bình (Bắc Ninh) và huyện Cẩm Giàng (Hải Dương).
Do ảnh hưởng của bão Yagi xảy ra tháng 9-2024, nước trên sông Thái Bình lên cao trên mức báo động 3, tại khu vực bể xả trạm bơm Văn Thai A xuất hiện sự cố lún, nứt, rò rỉ qua khớp nối tường và đáy bể xả trạm bơm gây lún sụt đáy bể xả, nền nhà trung gian và làm hư hỏng toàn bộ các thiết bị điện khiến trạm bơm không hoạt động được. Theo đề xuất của ngành Nông nghiệp và Môi trường, UBND tỉnh Bắc Ninh đã quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư kinh phí xấp xỉ 30 tỷ đồng khắc phục khẩn cấp sự cố. Những năm gần đây, từ nguồn kinh phí hỗ trợ của Trung ương và địa phương, các tuyến đê của tỉnh đã được nhựa hóa, bê tông hóa 100%;
Công tác nâng cấp, cải tạo hệ thống đê điều được xác định là nhiệm vụ quan trọng của Bắc Ninh. Ảnh: VS.
Các công trình kè, cống, trạm bơm cũng được đầu tư xây mới, nâng cấp. Nhờ đó, 196 km đê, 105 cống và 40 kè hộ bờ và chống sóng trên toàn tỉnh đã tạo thành hành lang vững chắc vừa đáp ứng yêu cầu phục vụ phòng, chống thiên tai vừa phục vụ nhu cầu đi lại và bảo đảm an toàn cho người dân. Lãnh đạo Chi cục Thuỷ lợi (Sở Nông nghiệp và Môi trường) khẳng định, với chức năng, nhiệm vụ được giao, Chi cục Thuỷ lợi tham mưu cho ngành, do tỉnh thường xuyên thực hiện tốt việc đầu tư xây dựng, tu bổ, nâng cấp, duy tu, bảo dưỡng đê điều.
Đến nay, hệ thống đê của tỉnh cơ bản đạt cao trình thiết kế chống lũ an toàn, góp phần quan trọng trong công tác phòng, chống thiên tai và phát triển kinh tế-xã hội của địa phương. Mặc dù được đầu tư tu bổ, nâng cấp thường xuyên, cơ bản đáp ứng cao trình phòng, chống lũ, tuy nhiên do ảnh hưởng của cơn bão Yagi, hệ thống đê của tỉnh xuất hiện hàng chục sự cố đe doạ an toàn, khả năng phòng, chống thiên tai trong mùa mưa bão năm nay.
Để khắc phục các sự cố, đáp ứng yêu cầu chống lũ, ngoài nguồn kinh phí duy tu, bão dưỡng thường xuyên của Bộ Nông nghiệp và Môi trường, ngân sách tỉnh bố trí 168 tỷ đồng, trong đó gần 82 tỷ đồng sửa chữa, cải tạo, gia cố hoàn chỉnh mặt đê, gần 15 tỷ đồng gia cố mái kè bảo vệ đê, hơn 30 tỷ đồng gia cố đường hành lang chân đê, dốc lên xuống đê, hơn 26 tỷ đồng khảo sát, phát hiện, xử lý mối, ẩn hoạ và khoan phụt vữa gia cố thân đê, 15 tỷ đồng sửa chữa công trình phục vụ quản lý, bảo vệ đê điều, thu gom vật tư dự phòng.
Cùng với các dự án, công trình xử lý cấp bách đã được triển khai, hiện tại các đơn vị được giao nhiệm vụ chủ đầu tư thuộc ngành Nông nghiệp và Môi trường, các địa phương đang tích cực khảo sát, lập phương án thiết kế bản vẽ thi công, dự toán chi tiết gửi cấp thẩm quyền phê duyệt, chuẩn bị lựa chọn nhà thầu thi công trong thời gian sớm nhất.
Đáng chú ý, để bảo vệ hệ thống đê điều, Bắc Ninh thực hiện nghiêm kiểm tra, xử lý, ngăn chặn tình trạng lấn chiếm. Như tại huyện Tiên Du, thống kê của Phòng Nông nghiệp và Môi trường huyện Tiên Du, trong số 210 trường hợp phát sinh từ 2020 đến nay, huyện xử lý 149 trường hợp, trong đó 39 trường hợp vi phạm đê điều, 110 trường hợp vi phạm công trình thuỷ lợi.
Các trường hợp tồn tại chủ yếu là lều quán, nhà tạm, công trình phụ, tường rào, trồng cây, vi phạm khác đang được huyện đôn đốc xử lý trong năm 2024, chậm nhất đến năm 2026.
Kè Hoài Thượng (Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh) được đầu tư nâng cấp. (Ảnh: BBN).
Thực hiện chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh về việc triển khai nhiệm vụ phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn; kỹ thuật hộ đê, phòng chống thiên tai và triển khai kế hoạch xử lý vi phạm Luật Đê điều, Luật Thủy lợi trên địa bàn tỉnh, đến nay 8/8 huyện, thị xã, thành phố hoàn thành xây dựng kế hoạch xử lý vi phạm đê điều, công trình thuỷ lợi.
Theo Lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Môi trường, Bắc Ninh luôn yêu cầu các địa phương nâng cao tinh thần trách nhiệm, tổ chức rà soát, phân loại, đánh giá mức độ vi phạm đối với từng trường hợp để đưa ra mốc thời gian xử lý. Từng bước chấn chỉnh, góp phần ngăn chặn, phòng ngừa các trường hợp vi phạm phát sinh, hạn chế và giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra.
Trong thời gian tới, để xử lý dứt điểm tình trạng lấn chiếm hành lang đê điều, công trình thuỷ lợi, thời gian tới các địa phương tiếp tục tập trung tổ chức rà soát, phân loại vi phạm về đê điều, công trình thủy lợi; đánh giá mức độ vi phạm đối với từng trường hợp và đưa ra các mốc thời gian, các trường hợp cụ thể phải xử lý trong năm 2024, 2025, 2026; đồng loạt ra quân cao điểm xử lý vi phạm.
Đặc biệt chú ý bảo đảm an toàn các công trình đê điều phục vụ công tác phòng chống lụt bão, đáp ứng yêu cầu phòng chống thiên tai, giao thông đi lại, tưới tiêu phục vụ sản xuất nông nghiệp và dân sinh.
Đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân các khu vực giải phóng mặt bằng phục vụ tu bổ đê điều tạo đồng thuận đẩy nhanh tiến độ tu bổ đê, kè cống, sẵn sàng cho công tác phòng, chống thiên tai, bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản của nhân dân trong mùa bão lũ.
Với mục tiêu nâng cấp hệ thống đê điều, gần đây nhất, ngày 21/2/2025, Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Bắc Ninh ban hành Quyết định điều chỉnh dự án Nâng cấp tuyến đê hữu Đuống. Về quy mô điều chỉnh, tiến hành nâng cấp tuyến đê hữu Đuống tỉnh Bắc Ninh với tổng chiều dài khoảng 30.136m (gồm đoạn từ K21+600÷K38+430 và đoạn từ K41+200÷K54+600), trong đó: Đắp mở rộng mặt đê B=(11,5012,50)m với tổng chiều dài khoảng 30.136m. Kiên cố hóa mặt đê rộng B=10,5m với tổng chiều dài khoảng 17.540m đảm bảo tiêu chuẩn đường giao thông cấp IV. Xây dựng các công trình phụ trợ: Hệ thống biển báo giao thông, cột km đê, mốc chỉ giới hành lang, tre chắn sóng, hộ lan giao thông, hệ thống điện chiếu sáng, xử lý mối và ẩn họa...
Việc Bắc Ninh tập trung nguồn lực nâng cấp đê điều trước mùa mưa bão mang ý nghĩa quan trọng cả về phòng chống thiên tai lẫn phát triển kinh tế-xã hội. Đây là bước chuẩn bị chủ động nhằm bảo vệ tính mạng, tài sản của người dân, hạn chế thiệt hại do lũ lụt gây ra, đồng thời bảo vệ hệ thống hạ tầng sản xuất nông nghiệp, giao thông và dân sinh. Mặt khác, công tác này cũng thể hiện trách nhiệm của chính quyền địa phương trong việc thích ứng với biến đổi khí hậu và nâng cao năng lực phòng ngừa rủi ro thiên tai trong dài hạn.
Trường Giang
Bình luận