Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 19/01/2025 01:01
Thứ ba, 10/09/2024 15:09
TMO - Biến đổi khí hậu ảnh hưởng lớn đến tài nguyên nước tại địa phương. Trước thực tế này, tỉnh Bạc Liêu đã triển khai nhiều giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả quản lý, bảo vệ nguồn nước mặt, phục vụ cho các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội.
Trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu, nguồn nước ngọt phục vụ cho sản xuất và sinh hoạt chủ yếu là nước mưa tại chỗ, một phần được bổ sung từ nguồn nước sông Hậu và nguồn nước ngầm. Trong đó, nguồn nước từ sông Hậu ước tính chảy vào địa bàn Bạc Liêu khoảng 1,4 tỷ m3/năm. Bên cạnh đó, lượng nước mưa hàng năm đủ đáp ứng nhu cầu sản xuất của tỉnh trong mùa mưa.
Theo tính toán của ngành chức năng, ước tổng lượng nước mưa cả năm trên diện tích 2.667,88 km2 khoảng hơn 5 tỷ m3 /năm, trừ lượng bốc hơi và hao hụt, sai số... còn khoảng 4 - 4,2 tỷ m3 /năm (chiếm khoảng hơn 6% tổng lượng nước mưa toàn vùng ĐBSCL); phân bố vào mùa mưa khoảng 3,5 - 3,6 tỷ m3 (chiếm 85% lượng mưa cả năm). Riêng mùa khô, nguồn nước lấy từ sông Hậu không đủ đáp ứng nhu cầu sản xuất và sinh hoạt của dân cư, do Bạc Liêu ở cuối hạ lưu sông Mê Kông và chỉ có một trục cấp nước ngọt duy nhất lấy từ sông Hậu là kênh Quản Lộ - Phụng Hiệp. Do vậy, thường xuất hiện tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn vào mùa khô hàng năm.
Bên cạnh đó, nguồn nước mặn (nước biển) là tài nguyên quý giá cho phát triển nuôi tôm, cá nước mặn, làm muối và trồng rừng phòng hộ ven biển. Với điều kiện địa hình, hệ thống sông/kênh/rạch, chế độ thủy - hải văn, triều biển Đông lớn, hệ thống thủy lợi hiện có tương đối hoàn thiện... là điều kiện thuận lợi để đưa nước mặn từ biển vào đồng ruộng cho nuôi trồng thủy sản, làm muối, phát triển rừng ngặp mặn.
Việc khai thác hiệu quả gắn với bảo vệ tài nguyên nước giữ vai trò quan trọng trong đảm bảo nguồn nước cho sản xuất và sinh hoạt của người dân trên địa bàn tỉnh (Ảnh minh họa).
Để bảo vệ nguồn nước mặt, tỉnh Bạc Liêu chú trọng công tác quan trắc môi trường. Việc quan trắc môi trường nước mặt được duy trì thường xuyên, nhằm sớm phát hiện các khu vực ô nhiễm để có phương án xử lý kịp thời, hiệu quả. Hiện nay trên địa bàn tỉnh hàng năm bố trí từ 17 điểm quan trắc môi trường nước mặt, gồm nước thượng nguồn, nước sông chính, nước chảy qua thành phố Bạc Liêu và thị trấn, nước kênh nội đồng và nước phục vụ nuôi trồng thủy sản trên toàn tỉnh. Với tần suất quan trắc 2 đợt/năm hoặc 4 đợt/năm tùy năm.
Bên cạnh đó, ngành chức năng tỉnh đẩy mạnh công tác quản lý nguồn nước khu vực nuôi trồng thuỷ sản. Việc nuôi trồng thủy sản phải được quy hoạch của ngành chức năng, đồng thời phải đầu tư hệ thống xử lý nước thải ao nuôi phù hợp, tránh những trường hợp nuôi trồng tự phát, tràn lan,...không kiểm soát được chất thải. Tỉnh Bạc Liêu có diện tích nuôi thủy sản nước lợ rất lớn (gần 130 nghìn ha), tập trung chủ yếu là mô hình nuôi tôm nước lợ vùng ven biển. Trong quá trình nuôi, lượng nước thải rất lớn, do đó cần có hệ thống xử lý nước thải, hệ thống kênh cấp – kênh thoát tách rời nhằm đảm bảo nguồn nước thải được xử lý trước khi trở lại môi trường.
Thời gian qua, địa phương này đã thực hiện và nhân rộng mô hình nhóm hộ (nhóm gia đình) trong quá trình quản lý nguồn nước phục vụ nuôi trồng thủy sản. Mô hình này được áp dụng nhằm chủ động kiểm soát nguồn nước quy mô từ 5-10 hộ gia đình, sớm khoanh vùng được nguy cơ ô nhiễm nguồn nước, tiến hành xử lý triệt để nước ô nhiễm, sau đó mới xả ra hệ thống kênh.
Một trong những giải pháp quan trọng để bảo vệ nguồn nước mặt trên địa bàn tỉnh là việc tăng cường kiểm tra, thanh kiểm tra giám sát, xử lý vi phạm Cơ quan quản lý nước tại địa phương kết hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND huyện/thị thường xuyên tổ chức đoàn thanh tra, giám sát định kỳ và đột xuất để xử phạt kịp thời những vi phạm trong lĩnh vực tài nguyên nước.
Tỉnh Bạc Liêu đặc biệt chú trọng quản lý nước thải khu dân cư tập trung. Trong đó, đối với các thị xã, thị trấn, xây dựng hệ thống thoát nước thải riêng (tách rời giữa thoát nước thải với thoát nước mưa). Nước thải sinh hoạt tại thành phố, thị xã, thị trấn phải được xử lý đạt giới hạn theo QCVN14-2008/BTNMT trước khi xả ra môi trường. Nước thải từ các khu vệ sinh trong các khu dân cư, các công trình công cộng nhất thiết phải được xử lý sơ bộ bằng các bể tự hoại và phải được thu gom bằng đường cống riêng hoặc cống bao thoát ra hệ thống cống của đô thị. Nước thải sinh hoạt tại các thị tứ, cụm dân cư tập trung quy mô nhỏ dưới 2.000 người sẽ được xử lý bằng phương pháp tự làm sạch tại các hồ sinh học. Đối với các khu đô thị mới xây dựng hệ thống nước thải riêng (tách biệt với thoát nước mưa).
Đối với khu vực nông thôm: Đối với các xã, cụm dân cư nông thôn tập trung, xây dựng hệ thống thoát nước chung (nước mưa và nước thải) và xử lý nước thải bằng hồ sinh học tự nhiên. Đối với các cụm dân cư sống phân tán, vận động nhân dân xây dựng nhà vệ sinh hình thức tự thấm, dội nước hợp vệ sinh.
Việc quản lý nước thải trong các khu công nghiệp là trách nhiệm của Ban quản lý các khu chế xuất và các KCN. Sở TN&MT kết hợp Cảnh sát môi trường có trách nhiệm giám sát, kiểm tra các điểm xả thải, đảm bảo toàn bộ nước thải phải được xử lý đạt các tiêu chí theo Quy chuẩn quốc gia về chất lượng nước mặt (giới hạn A trong Quy chuẩn số QCVN 40:2011/BTNMT) trước khi xả vào môi trường. Đối với các xí nghiệp, nhà máy có chất lượng nước thải ở mức độ độc hại cao, cần phải được xử lý sơ bộ đến tiêu chuẩn cho phép trước khi đưa ra trạm xử lý tập trung. Đối với các doanh nghiệp quy mô vừa và nhỏ nằm ngoài các KCN, CCN, và các làng nghề, cần phải được xử lý sơ bộ đến tiêu chuẩn cho phép trước khi xả ra
Đối với nguồn nước thải từ bệnh viện, ngành chức năng tỉnh tăng cường theo dõi, kiểm tra, giám sát việc xử lý nước thải tại các bệnh viện, trung tâm y tế lớn. Có biện pháp, chế tài xử lý mạnh đối với các bệnh viện, trung tâm y tế nào vi phạm quy định về xử lý nước thải trước khi thải ra môi trường.
Tỉnh Bạc Liêu khuyến khích người dân cũng như chính quyền địa phương có phương án thực hiện các biện pháp giảm thiểu nguồn ô nhiễm này như xây dựng hầm biogas và kết hợp hình thức chăn nuôi theo mô hình vườn - ao - chuồng để xử lý lượng nước thải chăn nuôi phát sinh.
Đáng chú ý, công tác quản lý nước thải tại khu vực nuôi trồng thủy sản được ngành chức năng tỉnh nhấn mạnh triển khai. Bạc Liêu là một trong những tỉnh có diện tích nuôi trồng thủy sản nước lợ lớn ở ĐBSCL (gần 130.000 ha diện tích nuôi tôm nước lợ), được nuôi ở hầu hết các huyện, thị xã, thành phố. Các mô hình nuôi chủ yếu là quảng canh cải tiến kết hợp, tôm – lúa, tôm – rừng, siêu thâm canh, thâm canh và bán thâm canh. Trong các mô hình nuôi, thì mô hình nuôi siêu thâm canh, thâm canh và bán thâm canh có nguy cơ gây ô nhiễm nguồn nước cục bộ. Việc quản lý các khu vực có nguồn ô nhiễm là vấn đề hết sức quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp tới cả môi trường nuôi, hiệu quả nuôi. Để giảm thiểu các tác động tiêu cực do nguy cơ ô nhiễm nguồn nước trong ao nuôi gây ra, cần phải quản lý nước thải trong quá trình nuôi.
Việc quản lý các nguồn nước thải trong đó có nước thải từ hoạt động nuôi trồng thủy sản được ngành chức năng tỉnh đẩy mạnh triển khai.
Thời gian tới, nhằm đảm bảo nguồn nước phục vụ cho sinh hoạt, sản xuất, nâng cao đời sống cho người dân địa phương, cùng với việc triển khai các giải pháp trên, tỉnh Bạc Liêu sẽ giám sát chặt chẽ các điểm xả thải của đơn vị, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh nhất là trong lĩnh vực nuôi trồng và chế biến thủy sản; triển khai quy hoạch vùng nuôi tôm thâm canh, bán thâm canh, nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao; đầu tư phát triển hạ tầng thủy lợi đồng bộ tại các vùng nuôi tôm tập trung, các vùng nuôi thủy trồng thủy sản trọng điểm đảm bảo cấp, thoát nước riêng biệt; góp phần hạn chế ô nhiễm môi trường nước.
Đồng thời, tỉnh Bạc Liêu sẽ siết chặt quy trình thẩm định, phê duyệt, kiểm tra, giám sát đánh giá tác động môi trường và cấp giấy phép môi trường đối với các dự án phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là với loại hình nuôi trồng và chế biến thủy sản; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp thực hiện đầy đủ các biện pháp xử lý chất thải phát sinh trong chăn nuôi, chế biến thủy sản; góp phần bảo vệ nguồn tài nguyên nước.
Ngoài ra, các cơ quan, đơn vị chức năng tỉnh Bạc Liêu cũng sẽ thường xuyên tổ chức các buổi tuyên truyền, phổ biến pháp luật về tài nguyên nước đến các cơ sở, doanh nghiệp và người dân nhằm nâng cao nhận thức và trách nhiệm trong việc sử dụng hiệu quả, tiết kiệm tài nguyên nước; khuyến khích người dân áp dụng các mô hình sản xuất thuận thiên để tiết kiệm nước; tích cực trữ nước mưa trong các ao, hồ, bể chứa để sử dụng cho sản xuất, sinh hoạt.
Trần Tuấn
Bình luận