Hotline: 0941068156
Thứ sáu, 22/11/2024 07:11
Thứ bảy, 03/08/2024 06:08
TMO - Mở rộng các nguồn thu từ rừng, tăng giá trị kinh tế của rừng, góp phần khôi phục chất lượng của các khu rừng, mang lại thu nhập ổn định cho người dân. Ðây là một hướng đi quan trọng nhằm phát triển giá trị đa dụng của hệ sinh thái rừng được tỉnh Bắc Kạn đẩy mạnh triển khai.
Hệ sinh thái rừng đóng vai trò quan trọng trong cuộc sống con người. Rừng cung cấp thức ăn, nguyên liệu gỗ, nước sạch cho sinh hoạt; điều hòa khí hậu, nâng cao chất lượng không khí, kiểm soát xói mòn, hấp thụ các-bon; cung cấp môi trường du lịch sinh thái, góp phần bảo tồn giá trị văn hóa, xã hội thúc đẩy kinh tế phát triển ổn định, bền vững…
Kết quả cập nhật diễn biến rừng năm 2023 trên địa bàn tỉnh Bặc Kạn cho thấy, diện tích đất có rừng toàn tỉnh bao gồm cả rừng trồng chưa khép tán là 374.027,12 ha, trong đó rừng tự nhiên 271.804,94 ha và rừng trồng 102.222,18 ha. Tỷ lệ che phủ rừng tỉnh Bắc Kạn năm 2023 đạt 73,38 %, tăng 0,03% so với năm 2022.
Rừng của tỉnh Bắc Kạn có tính đa dạng sinh học cao, giàu tài nguyên, góp phần quan trọng trong việc điều hòa không khí. Đặc biệt 3 khu rừng đặc dụng là Vườn Quốc gia Ba Bể, Khu bảo tồn thiên nhiên Kim Hỷ, Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Nam Xuân Lạc có hệ thống động, thực vật rất phong phú với nhiều loài quý hiếm. Không chỉ có giá trị sinh thái, cảnh quan cho phát triển du lịch, mà còn được coi là một trung tâm bảo tồn nguồn gen động, thực vật của vùng Đông Bắc.
Bắc Kạn là tỉnh miền núi với 86% tổng diện tích tự nhiên là đất lâm nghiệp và độ che phủ rừng 73,35%, do đó Lâm nghiệp đóng vai trò hết sức quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội. Đảng bộ tỉnh Bắc Kạn các nhiệm kỳ từ năm 2010 đến nay luôn đề ra các mục tiêu phát triển rừng và kinh tế rừng đưa vào nghị quyết. Nhiệm vụ trong giai đoạn 2020 - 2025 là diện tích trồng rừng bình quân mỗi năm đạt 3.500 ha (trồng lại rừng sau khai thác và cây phân tán); duy trì tỷ lệ che phủ rừng 72,9%.
Rừng của tỉnh Bắc Kạn có tính đa dạng sinh học cao, giàu tài nguyên, góp phần quan trọng trong việc điều hòa không khí.
Tỉnh Bắc Kạn cũng thực hiện tốt những chính sách quản lý, bảo vệ rừng và chế độ đối với người quản lý rừng. Đối với rừng tự nhiên, người dân tham gia hoạt động bảo vệ rừng có được thu nhập từ nguồn kinh phí hỗ trợ khoán bảo vệ rừng tự nhiên của Trung ương. Tuy nhiên cũng phải thừa nhận là mức hỗ trợ còn thấp, chỉ là 300.000 đồng/ha đối với khu vực I và 400.000 đồng/ha đối với khu vực II và III.
Với diện tích rừng trồng hơn 100.000ha, sản lượng gỗ khai thác bình quân của tỉnh những năm qua luôn đạt trên 300.000 mét khối/năm; tạo nguyên liệu gỗ cho khoảng 200 cơ sở chế biến lâm sản, với công suất chế biến đạt tới 148.000m3/năm; sản lượng gỗ xuất khẩu trung bình trên 83.000 mét khối/năm, góp phần nâng giá trị gia tăng trong hoạt động sản xuất lâm nghiệp. Bên cạnh đó, diện tích rừng lớn cũng là cơ hội cho tỉnh Bắc Kạn phát triển cung ứng các loại dịch vụ môi trường rừng, trồng cây dược liệu quý dưới tán rừng. Cũng đã hình thành và tạo nên các khu du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng trong tương lai, phù hợp với định hướng phát triển nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn hiện nay.
Hiện nay có trên 70% người dân Bắc Kạn sinh sống có thu nhập từ việc trồng rừng và kinh tế khác từ rừng; ngành chế biến gỗ rừng trồng xuất khẩu cũng đóng vai trò chính của lĩnh vực sản xuất công nghiệp của tỉnh Bắc Kạn những năm qua và chắc chắn là cả trong tương lai. Những cánh rừng Bắc Kạn có vai trò vô cùng quan trọng trong đời sống, kinh tế không chỉ của riêng tỉnh mà còn là của cả đất nước. Vì vậy tỉnh Bắc Kạn tiếp tục thực hiện quyết liệt các giải pháp bảo vệ rừng tự nhiên; thực hiện hiệu quả các chính sách hỗ trợ bảo vệ rừng; coi trọng phát triển lâm nghiệp gắn với giảm nghèo bền vững ở các vùng đặc biệt khó khăn, dân tộc thiểu số...
Với giá trị này, thời gian tới tỉnh Bắc Kạn triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm phát triển các giá trị đa dụng của hệ sinh thái rừng. Qua đó, phát huy tiềm năng, thế mạnh và giá trị đa dụng của hệ sinh thái rừng; bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học và bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu. Nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh doanh rừng trồng, cấp chứng chỉ rừng; phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí, dịch vụ môi trường rừng; phát triển dược liệu dưới tán rừng. Khai thác giá trị của hệ sinh thái rừng gắn với tạo việc làm, nâng cao thu nhập, ổn định đời sống cho đồng bào các dân tộc thiểu số, người dân ở khu vực có rừng và người làm nghề rừng.
Phát triển nguồn cung nguyên liệu cho chế biến gỗ thông qua việc thực hiện thâm canh, mở rộng diện tích trồng rừng; góp phần nâng cao năng suất, giá trị của rừng trồng và giá trị gia tăng của ngành chế biến gỗ; đáp ứng 100% nhu cầu thị trường trong tỉnh vào năm 2030 và hướng đến xuất khẩu; đến năm 2050 có 100% các sản phẩm gỗ đều được sử dụng từ nguồn nguyên liệu gỗ hợp pháp. Giá trị lâm sản ngoài gỗ, dược liệu được chế biến tăng trên 1 lần vào năm 2030 so với năm 2020; phấn đấu tăng gấp khoảng 2 lần và hướng đến xuất khẩu vào năm 2050.
Phát triển các hình thức tổ chức sản xuất nông, lâm, ngư kết hợp hiệu quả, bền vững trên cơ sở khai thác tiềm năng, lợi thế của từng vùng, từng địa phương gắn với phát huy có hiệu quả tri thức bản địa nhằm nâng cao giá trị gia tăng từ rừng, tạo ra nhiều sản phẩm và dịch vụ; đến năm 2030 giá trị kinh tế trên một đơn vị diện tích canh tác được gia tăng khoảng 20% ngoài giá trị gỗ rừng trồng.
Quản lý, sử dụng có hiệu quả nguồn thu từ dịch vụ môi trường rừng đảm bảo phù hợp với quy định của pháp luật; tiếp cận, triển khai hiệu quả dịch vụ hấp thụ và lưu giữ các-bon của rừng, tiến tới tham gia thị trường lưu giữ các-bon trong nước và quốc tế; giảm phát thải khí nhà kính từ hạn chế mất rừng và suy thoái rừng, quản lý rừng bền vững, tăng trưởng xanh; phấn đấu nguồn thu từ dịch vụ môi trường rừng tăng trưởng ổn định, bình quân khoảng 5%/năm. Nâng cao hiệu quả công tác bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học trong các hệ sinh thái rừng đặc dụng; bảo tồn các loài động vật rừng nguy cấp, quý hiếm trên địa bàn toàn tỉnh.
Ngành chức năng tỉnh triển khai đồng bộ các giải pháp trong quản lý, bảo vệ rừng nhằm tiếp tục phát triển giá trị đa dụng của hệ sinh thái rừng trên địa bàn tỉnh.
Bắc Kạn sẽ hình thành một số vùng trồng rừng sản xuất tập trung, ưu tiên phát triển rừng gỗ lớn, chuyển hóa từ rừng trồng gỗ nhỏ sang rừng trồng gỗ lớn. Định hướng và khuyến khích chủ rừng chuyển đổi cơ cấu cây trồng có giá trị kinh tế cao và lựa chọn cây trồng phù hợp với điều kiện lập địa của từng vùng, khu vực nhằm phát huy tiềm năng, thế mạnh của địa phương, trong đó tập trung trồng rừng gỗ lớn như: Thông, Mỡ, Giổi, Keo,… cây đa mục đích như: Hồi, Quế, Dẻ ván ghép, Trám đen ghép,... và đẩy mạnh phát triển cây lâm sản ngoài gỗ như: Trà hoa vàng, Giang lấy lá (Giang nhung), Thảo quả,… để nâng cao chất lượng rừng trồng, từng bước hình thành được vùng sản xuất nguyên liệu tập trung góp phần hoàn thành mục tiêu Đề án cơ cấu lại ngành nông nghiệp tỉnh Bắc Kạn theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững giai đoạn 2020 - 2025, tầm nhìn đến 2035
Điều tra, đánh giá, phân vùng bảo tồn, phát triển các loài lâm sản ngoài gỗ, cây dược liệu dưới tán rừng; đề xuất kế hoạch bảo tồn, khai thác và sử dụng bền vững theo tiềm năng, thế mạnh của từng sản phẩm, từng vùng sinh thái. Đầu tư, hỗ trợ phát triển vùng trồng dược liệu quý thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I: Từ năm 2021 đến năm 2025 và Nghị quyết số 13/2022/NQ-HĐND ngày 18/10/2022 của HĐND tỉnh Bắc Kạn Quy định nội dung hỗ trợ, mẫu hồ sơ, trình tự, thủ tục lựa chọn dự án, kế hoạch, phương án sản xuất, lựa chọn đơn vị đặt hàng trong thực hiện các hoạt động hỗ trợ phát triển sản xuất thuộc các Chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn.
Hình thành các vùng sản xuất nguyên liệu lâm sản ngoài gỗ, dược liệu tập trung phù hợp điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng, thích hợp với yêu cầu sinh thái của mỗi loài, ưu tiên một số loài cây có giá trị kinh tế cao như: Trà hoa vàng, Khôi nhung tía, Khôi nhung, Hà Thủ ô, Ba kích, Xạ đen, Cà gai leo, Cát sâm, Sa nhân, Hồi lai; khảo sát, nghiên cứu hình thành một số vùng trồng cây Giang lấy lá, Thảo quả,... khi có điều kiện thích hợp. Cấp mã số vùng trồng cho các vùng nguyên liệu đối với diện tích đủ điều kiện để đảm bảo truy xuất nguồn gốc.
Xây dựng các mô hình phát triển kinh tế nông, lâm kết hợp như: Nuôi trồng, phát triển cây dược liệu dưới tán rừng; mô hình vườn rừng; phát triển cây đa mục đích, chăn nuôi dưới tán rừng. Lựa chọn các loài cây trồng, vật nuôi có giá trị cao, đa mục đích phù hợp với điều kiện của từng địa phương và nhu cầu, thị hiếu của thị trường. Áp dụng các biện pháp canh tác hiệu quả và quản lý chất lượng cây trồng, vật nuôi,… kết hợp dưới tán rừng, không gây mất rừng và ảnh hưởng đến môi trường tự nhiên và đa dạng sinh học của các hệ sinh thái rừng.
Tổ chức hợp tác, liên kết sản xuất giữa các doanh nghiệp, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân và cộng đồng bền vững, hiệu quả; bảo đảm hài hòa quyền và lợi ích hợp pháp của các bên tham gia. Phát triển dịch vụ môi trường rừng, quan tâm, tiếp cận dịch vụ hấp thụ và lưu giữ các-bon của rừng; giảm phát thải khí nhà kính từ hạn chế mất rừng và suy thoái rừng, quản lý rừng bền vững, tăng trưởng xanh. Tăng cường quản lý, nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn thu từ dịch vụ môi trường rừng để đầu tư cho bảo vệ, phát triển bền vững tài nguyên rừng; đảm bảo chia sẻ công bằng lợi ích với cộng đồng người dân địa phương; từng bước nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống của người trực tiếp tham gia quản lý bảo vệ và phát triển rừng.
Kiểm soát chặt chẽ, giảm thiểu những tác động tiêu cực của hoạt động du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí đối với công tác quản lý rừng, bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học các hệ sinh thái rừng và phát triển kinh tế - xã hội. Tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả các hoạt động du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí phù hợp theo phương án quản lý rừng bền vững đã được Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt.
Tuyên truyền, tăng cường hợp tác giữa chủ rừng với cộng đồng, khuyến khích cộng đồng, hộ gia đình tham gia vào quá trình lập kế hoạch, quản lý du lịch, cung cấp sản phẩm, dịch vụ du lịch; đảm bảo chia sẻ lợi ích công bằng đối với cộng đồng địa phương. Phát triển các mô hình du lịch sinh thái gắn du lịch cộng đồng. Thu hút các nguồn lực tham gia phát triển bền vững du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí trong các hệ sinh thái rừng; hỗ trợ tạo việc làm, nâng cao sinh kế thông qua việc sử dụng lao động địa phương.../.
Thu Giang
Bình luận