Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 19/01/2025 09:01
Thứ ba, 15/08/2023 13:08
TMO - Kinh tế lâm nghiệp mang lại giá trị cao, đưa trồng rừng trở thành phong trào mạnh mẽ ở tỉnh Bắc Kạn. Tuy nhiên, do địa hình chia cắt nên việc vận chuyển cây giống cũng như khai thác, vận chuyển lâm sản của người dân rất khó khăn.
Toàn tỉnh Bắc Kạn hiện có hơn 100.000ha rừng trồng, tỷ lệ che phủ rừng đạt 73,35% hoạt động sản xuất, chế biến gỗ xuất khẩu khởi sắc, doanh thu xuất khẩu ngày càng tăng cao… Công tác trồng và bảo vệ rừng được các địa phương trên địa bàn tỉnh đẩy mạnh triển khai. Đáng chú ý việc triển khai Chỉ thị số 13-CT/TW ngày 12/01/2017 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, từ năm 2017 đến nay, toàn tỉnh đã trồng được 37.169ha (trồng rừng mới, trồng sau khai thác 24.410ha, trồng cây phân tán 12.759ha), tỷ lệ che phủ rừng cao nhất cả nước với hơn 73%; sản lượng gỗ khai thác từ rừng trồng đạt 300.000m3 - 350.000m3/năm.
Tuy nhiên, do địa hình chia cắt nên việc vận chuyển cây giống, cũng như khai thác gỗ sau thu hoạch của người dân rất khó khăn. Thiếu đường vận chuyển khiến người trồng rừng ở Bắc Kạn phải bỏ ra nhiều công sức, tốn kém việc thuê vận chuyển gỗ ra ngoài bán. Sau 7 - 8 năm, bình quân 1ha rừng sản xuất sẽ cho thu hoạch khoảng 100 triệu đồng, nhưng lại phải trừ đi khoảng 20 - 30 triệu đồng chi phí khai thác và vận chuyển. Trong trường hợp này, người trồng rừng cũng dễ bị ép giá khi người thu mua viện vào lý do như vậy.
Tuyến đường lâm nghiệp trên địa bàn TP. Bắc Kạn được mở mới trong năm 2023.
Diện tích rừng trồng đã đến tuổi khai thác của Bắc Kạn khoảng 50.000 ha, bao gồm: Hơn 13.000 ha cây keo trồng năm 2015 trở về trước, 25.000 ha cây mỡ, gần 3.000 ha cây thông, hơn 400 ha cây quế trồng từ năm 2011 trở về trước. Khi có đường lâm nghiệp, lợi nhuận sẽ tăng thêm khoảng 10 triệu đồng/ha/chu kỳ khai thác, như vậy với 100.000ha, số tiền lên đến hàng nghìn tỷ đồng.
Theo tính toán của ngành Nông nghiệp, để đáp ứng cho hằng trăm nghìn héc-ta rừng trồng sản xuất, tỉnh ta cần phải đầu tư xây dựng hệ thống đường lâm nghiệp là 1.655km. Năm 2015, Hội đồng nhân dân tỉnh Bắc Kạn đã thông qua quy hoạch hệ thống đường lâm nghiệp giai đoạn 2015-2025, tầm nhìn đến năm 2030. Theo đó, giai đoạn 2015-2025, Bắc Kạn quy hoạch xây dựng 356 tuyến đường lâm nghiệp với tổng chiều dài 1.208km.
Cuối năm 2021, Bắc Kạn phê duyệt Dự án đường lâm nghiệp, giai đoạn 2021-2025. Tỉnh đầu tư 200 tỷ đồng để xây dựng 183 tuyến đường lâm nghiệp trên địa bàn 73 xã, phường, thị trấn thuộc 8 huyện, thành phố. Đến tháng 6/2023, Bắc Kạn đã hoàn thành xây dựng hơn 614km đường lâm nghiệp. Để phục vụ cho việc vận chuyển lâm sản, vận chuyển cây con giống, vật tư phân bón (để trồng lại sau khai thác) đối với những diện tích rừng trồng đến tuổi khai thác trên cần phải đầu tư xây dựng thêm hơn 1.000km đường lâm nghiệp.
Thi công đường lâm nghiệp tại huyện Pác Nặm. Ảnh: TS.
Để chủ động giải quyết khó khăn từ khâu vận chuyển lâm sản, các tổ chức, cá nhân tham gia trồng rừng với diện tích lớn đã liên kết với nhau để tự đầu tư mở mới các tuyến đường lâm nghiệp. Khởi đầu là các cơ sở khai thác, chế biến, tiếp đó là các hộ dân hoặc nhóm hộ đã tự bỏ một khoản kinh phí lớn để thuê máy móc mở đường lên những cánh rừng gỗ đã đến tuổi khai thác. Đến thời điểm hiện nay, nhiều cánh rừng đã có đường lâm nghiệp từ chân lên đỉnh núi để vận chuyển thuận lợi hơn.
Huyện Chợ Đồn có 15 xã được hưởng lợi từ Dự án, gồm 33 địa điểm xây dựng với tổng chiều dài hơn 78 km. Huyện đã ban hành văn bản, chỉ đạo các phòng chuyên môn, xã tuyên truyền, vận động người dân hiến đất, cây cối, hoa màu trong chỉ giới xây dựng để thực hiện Dự án. Các địa phương đã triển khai mục đích của Dự án đến các thôn, tổ và người dân cùng chung tay thực hiện hiệu quả.
Thời gian qua, tỉnh Bắc Kạn đã huy động nguồn vốn từ các chương trình, dự án, vốn xây dựng nông thôn mới, vốn Dự án Hỗ trợ kinh doanh cho nông hộ (CSSP) và nguồn vốn xã hội hóa khác để tập trung xây dựng, mở mới các tuyến đường lâm nghiệp. Ngoài ra, các địa phương đang chú trọng xây dựng đường lâm nghiệp vào các thôn, bản vùng sâu, vùng xa.
Qua rà soát, các huyện, thành phố đã đề xuất bổ sung 296 tuyến với tổng chiều dài hơn 620km vào quy hoạch. Bắc Kạn đã chỉ đạo ngành chuyên môn kiểm tra thực địa và xác định có 214 tuyến với tổng chiều dài hơn 428km đủ điều kiện, bảo đảm các tiêu chí, các yếu tố khả thi trong tổ chức thực hiện để bổ sung vào Quy hoạch đường lâm nghiệp tỉnh Bắc Kạn giai đoạn 2015-2025, tầm nhìn 2030.
Hội đồng nhân dân tỉnh Bắc Kạn đã thông qua quy hoạch đường lâm nghiệp tỉnh Bắc Kạn giai đoạn 2015-2025, tầm nhìn 2030 bổ sung thêm 214 tuyến đường mới. Tổng mức đầu tư thực hiện quy hoạch tăng từ hơn 600 tỷ đồng lên hơn 800 tỷ đồng. Quy hoạch đường lâm nghiệp cũng gắn kết với mạng lưới giao thông quốc gia, từ đường tỉnh, đường huyện, đường xã và sự liên kết giữa các vùng. Không chỉ là kết hợp kinh tế với quốc phòng, an ninh, mà có nhiệm vụ chính là phục vụ việc vận chuyển vật tư nông nghiệp, các loại nông sản, kết hợp giao thông nông thôn góp tăng giá trị sản xuất của người dân tăng lên.
Lê Hải
Bình luận