Hotline: 0941068156
Thứ bảy, 23/11/2024 15:11
Thứ ba, 05/12/2023 15:12
TMO - Tỉnh Bắc Giang phấn đấu đến năm 2025, toàn tỉnh có khoảng từ 16 nghìn ha (tính lũy kế) rừng trồng gỗ lớn trở lên, tương đương với 20% tổng diện tích rừng trồng tập trung trên địa bàn toàn tỉnh.
Bắc Giang là địa phương có diện tích rừng trên 160 nghìn ha. Trong đó, có hơn 55 nghìn ha rừng tự nhiên, trên 92 nghìn ha rừng trồng và khoảng 12 nghìn ha rừng mới trồng chưa đạt tiêu chí thành rừng. Hiện trên địa bàn tỉnh có hơn 900 cơ sở chế biến gỗ, thời gian qua UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo ngành Nông nghiệp tham mưu xây dựng cơ chế chính sách trồng rừng gỗ lớn, chuyển hóa từ rừng trồng kinh doanh gỗ nhỏ sang trồng kinh doanh gỗ lớn, đến năm 2030 chiếm 20% diện tích rừng trồng. Cùng với đó, phát triển lâm sản ngoài gỗ dưới tán rừng. Tỉnh đang hỗ trợ cấp chứng chỉ rừng FSC, phấn đấu năm 2030, khoảng 17.000ha rừng được cấp chứng chỉ.
Chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2021-2025 nhấn mạnh đến mục tiêu ổn định vùng rừng nguyên liệu tập trung khoảng 80 nghìn ha (chiếm 74% tổng diện tích đất rừng sản xuất); hàng năm trồng khoảng 8.000 ha rừng trồng tập trung và khoảng 6 triệu cây phân tán, trong đó diện tích rừng trồng gỗ lớn chiếm 30% diện tích rừng trồng hàng năm; lũy kế đến năm 2025, diện tích rừng trồng gỗ lớn đạt 17.000 ha, diện tích rừng được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững (do tổ chức quốc tế FSC hoặc Văn phòng chứng chỉ rừng Việt Nam cấp) đạt 12.500 ha; đến năm 2025, năng suất bình quân rừng trồng sản xuất đạt khoảng 22 m3 /ha/năm, sản lượng gỗ khai thác đạt 1,0 triệu m3 , trong đó 40% sản lượng gỗ khai thác rừng trồng được đưa vào chế biến sâu phục vụ xuất khẩu.
Giai đoạn 2021-2025, tăng diện tích có phương án quản lý rừng bền vững thêm khoảng 8.000 ha; nâng tổng số diện tích rừng thực hiện phương án quản lý rừng bền vững khoảng trên 48.600 ha. Khuyến khích hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư hoặc hộ gia đình cá nhân liên kết hình thành nhóm hộ để xây dựng, thực hiện phương án quản lý rừng bền vững và cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững; đẩy mạnh mở rộng diện tích cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững, nâng diện tích rừng được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững đến năm 2025 đạt khoảng 12.500 ha.
Thời gian tới, địa phương này triển khai kế hoạch trồng rừng gỗ lớn, chuyển hóa rừng trồng gỗ nhỏ sang kinh doanh rừng trồng gỗ lớn giai đoạn 2024-2025 với mục tiêu đến năm 2025, toàn tỉnh có khoảng từ 16.000 ha (tính lũy kế) rừng trồng gỗ lớn trở lên, tương đương với 20% tổng diện tích rừng trồng tập trung trên địa bàn toàn tỉnh; Nâng cao giá trị sản xuất, kinh doanh rừng trồng và phát triển lâm nghiệp bền vững về kinh tế, xã hội và môi trường; gắn kết theo chuỗi từ trồng rừng, chế biến và tiêu thụ sản phẩm để nâng cao giá trị lâm sản hàng hóa, khả năng cạnh tranh và phát triển bền vững góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu Chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 809/QĐ-TTg ngày 12/7/2022.
Trồng rừng gỗ lớn và chuyển hóa rừng trồng gỗ nhỏ sang kinh doanh gỗ lớn phải phù hợp với điều kiện thực tế tại địa phương, như: Điều kiện tự nhiên, thổ nhưỡng, loài cây trồng; tập trung phát triển trên diện tích của các vùng sản xuất lâm nghiệp tập trung đã được Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang phê duyệt tại Quyết định số 100/QĐ-UBND ngày 18/01/2023 về việc phê duyệt kết quả “Rà soát, cập nhật, chỉnh sửa bản đồ số hóa các vùng sản xuất tập trung, chuyên canh các sản phẩm nông sản chủ lực, đặc trưng; các vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn tỉnh Bắc Giang”.
Tỉnh Bắc Giang triển khai kế hoạch trồng rừng gỗ lớn, chuyển hóa rừng trồng gỗ nhỏ sang kinh doanh rừng trồng gỗ lớn. Ảnh: SQ.
Các địa phương cần xác định rõ diện tích dự kiến phát triển trồng rừng gỗ lớn và chuyển hóa rừng trồng gỗ nhỏ sang kinh doanh gỗ lớn tới từng địa phương cơ sở (cấp huyện, xã) theo từng năm để có kế hoạch tổ chức thực hiện. Trong đó, đối tượng hỗ trợ trồng rừng gỗ lớn là các tổ chức, cá nhân sản xuất nông, lâm nghiệp trên địa bàn các huyện: Sơn Động, Lục Ngạn, Lục Nam và Yên Thế.
Điều kiện được hỗ trợ là diện tích trồng phải phù hợp với quy hoạch hoặc kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; các tổ chức, cá nhân phải có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc quyết định giao đất, cho thuê đất, quyết định giao rừng của cấp có thẩm quyền; có hồ sơ thiết kế - dự toán trồng rừng gỗ lớn được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt và có diện tích trồng rừng gỗ lớn từ 10 ha trở lên đối với cây sinh trưởng nhanh và 5 ha trở lên đối với cây sinh trưởng chậm. Thời gian tối thiểu để khai thác rừng là 10 năm đối với loài cây sinh trưởng nhanh, 15 năm đối với loài cây sinh trưởng chậm kể từ thời điểm trồng.
Kinh phí hỗ trợ thực hiện theo Nghị quyết số 26/2023/NQ-HĐND của HĐND tỉnh. Cụ thể, đối với cây trồng sinh trưởng nhanh hỗ trợ 5,0 triệu đồng/ha vào năm 1; cây trồng sinh trưởng chậm hỗ trợ 20,0 triệu đồng/ha vào năm 1. Ngoài ra, hỗ trợ 1 lần kinh phí cho công tác khảo sát, thiết kế lập hồ sơ dự toán với mức 1,0 triệu đồng/ha.
Giai đoạn 2024-2025, toàn tỉnh phấn đấu trồng khoảng 3.317 ha. Trong đó: Trồng sinh trưởng nhanh (các loài Keo…) khoảng 2.817 ha; trồng cây sinh trưởng chậm và các loài cây bản địa (Lim xanh , Lát, Vù hương, Giổi, Thông nhựa, Thông caribe, Trám trắng, Xoan đào, Xoan nhừ….) khoảng 500 ha. Diện tích cụ thể theo địa bàn các huyện như sau:
Huyện Sơn Động: Tổng diện tích thực hiện giai đoạn 2024-2025 là 720 ha. Trong đó: Năm 2024 là 337 ha (trồng cây sinh trưởng nhanh 287 ha, trồng cây sinh trưởng chậm 50 ha); năm 2025 là 383 ha (trồng cây sinh trưởng nhanh 333 ha, trồng cây sinh trưởng chậm 50 ha); Huyện Lục Ngạn: Tổng diện tích thực hiện giai đoạn 2024-2025 là 1.420 ha. Trong đó: Năm 2024 là 700 ha (trồng cây sinh trưởng nhanh 600 ha, trồng cây sinh trưởng chậm 100 ha); năm 2025 là 720 ha (trồng cây sinh trưởng nhanh 620 ha, trồng cây sinh trưởng chậm 100 ha).
Huyện Lục Nam: Tổng diện tích thực hiện giai đoạn 2024-2025 là 807 ha. Trong đó: Năm 2024 là 397 ha (trồng cây sinh trưởng nhanh 347 ha, trồng cây sinh trưởng chậm 50 ha); năm 2025 là 410 ha (trồng cây sinh trưởng nhanh 360 ha, trồng cây sinh trưởng chậm 50 ha); Huyện Yên Thế: Tổng diện tích thực hiện giai đoạn 2024-2025 là 370 ha. Trong đó: Năm 2024 là 185 ha (trồng cây sinh trưởng nhanh 135 ha, trồng cây sinh trưởng chậm 50 ha); năm 2025 là 185 ha (trồng cây sinh trưởng nhanh 135 ha, trồng cây sinh trưởng chậm 50 ha).
Các địa phương triển khai vận động, tuyên truyền và hướng dẫn chủ rừng là tổ chức, hộ gia đình cá nhân triển khai trồng rừng gỗ lớn và chuyển hóa rừng trồng gỗ nhỏ sang kinh doanh rừng trồng gỗ lớn.
Giai đoạn 2024-2025, toàn tỉnh dự kiến chuyển hóa khoảng 5.783 ha rừng trồng gỗ nhỏ sang rừng trồng kinh doanh gỗ lớn. Trong đó: Năm 2024 là 2.802 ha, năm 2025 là 2.981 ha. Diện tích rừng trồng gỗ nhỏ chuyển sang rừng trồng kinh gỗ lớn phân theo các huyện cụ thể như sau: Huyện Sơn Động là 1.680 ha (năm 2024 là 787 ha, năm 2025 là 893 ha); Huyện Lục Ngạn là 2.000 ha (năm 2024 là 1.000 ha, năm 2025 là 1.000 ha); Huyện Lục Nam là 1.073 ha (năm 2024 là 500 ha, năm 2025 là 573 ha); Huyện Yên Thế là 1.030 ha (năm 2024 là 515 ha, năm 2025 là 515 ha). Nhà nước không hỗ trợ kinh phí thực hiện chuyển hóa rừng trồng gỗ nhỏ
UBND tỉnh giao Sở NN&PTNT tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân về hiệu quả của trồng rừng kinh doanh gỗ lớn nhằm góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống người dân và bảo vệ môi trường sinh thái; phối hợp với các địa phương vận động chủ rừng tham gia thực hiện trồng rừng gỗ lớn một cách có hiệu quả; Hàng năm, xem xét, thẩm định hồ sơ đề nghị hỗ trợ và kiểm tra, xác minh thực tế, nếu đủ điều kiện hỗ trợ thì căn cứ vào quyết định phê duyệt hỗ trợ của cơ quan có thẩm quyền và nguồn vốn được giao thực hiện hỗ trợ đối với các Ban quản lý rừng phòng hộ, đặc dụng trên địa bàn tỉnh;
UBND các huyện: Sơn Động, Lục Ngạn, Lục Nam và Yên Thế triển khai vận động, tuyên truyền và hướng dẫn chủ rừng là tổ chức, hộ gia đình cá nhân triển khai trồng rừng gỗ lớn và chuyển hóa rừng trồng gỗ nhỏ sang kinh doanh rừng trồng gỗ lớn đảm bảo diện tích tối thiểu. Triển khai hướng dẫn các chủ rừng là tổ chức, hộ gia đình cá nhân trên địa bàn (trừ chủ rừng là các Ban quản lý rừng phòng hộ, đặc dụng) đăng ký diện tích trồng rừng gỗ lớn. Tổng hợp số liệu diện tích đăng ký trồng rừng gỗ lớn, báo cáo về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn làm cơ sở đề xuất Sở Tài chính tham mưu cho Chủ tịch UBND tỉnh phân bổ kinh phí theo quy định.
Hoàng Hải
Bình luận