Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 23/03/2025 08:03
Thứ tư, 12/03/2025 12:03
TMO - Trong những năm gần đây, nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh Bắc Giang đã đẩy mạnh việc đưa máy móc vào phục vụ sản xuất nông nghiệp, qua đó đã góp phần giảm sức lao động, tiết giảm chi phí đầu tư, nâng cao sức cạnh tranh cho nông sản, tăng hiệu quả kinh tế, thúc đẩy liên kết sản xuất giữa các doanh nghiệp, hợp tác xã với nông dân...
Cùng với tập trung chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, ứng dụng cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp đã được các địa phương trên địa bàn tỉnh chú trọng thực hiện, tỷ lệ cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp không ngừng tăng lên.
Thời gian qua, cơ giới hóa đã được tỉnh triển khai trên 1.520 mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao sản xuất hiệu quả có liên kết tiêu thụ sản phẩm với doanh nghiệp, HTX theo chuỗi giá trị. Một số mô hình điển hình như: Sản xuất rau, hoa, nấm trong nhà lưới, nhà màng, nhà lạnh; chăn nuôi theo công nghệ chuồng kín; ứng dụng công nghệ sinh học di truyền trong chọn tạo giống vật nuôi; ứng dụng công nghệ thụ tinh nhân tạo cho gia súc, gia cầm; công nghệ sinh học trong xử lý chất thải chăn nuôi;... không chỉ giúp tiết kiệm chi phí mà còn giảm thiểu rủi ro ô nhiễm thực phẩm.
Sản phẩm từ các mô hình này có năng suất, chất lượng cao, đảm bảo chất lượng an toàn thực phẩm và có giá trị sản xuất cao hơn từ 2 - 2,5 lần so với sản xuất truyền thống. Nhiều sản phẩm như vải thiều, cam V2, bưởi Da Xanh, và dưa lưới Bắc Giang sản xuất đạt tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, mở rộng thị trường xuất khẩu đến Nhật Bản, Mỹ và EU. Đặc biệt, các giống lúa chất lượng cao như BC15, TBR 225, TBR 97, VNR20, Bắc Thơm số 7, Đài Thơm số 8, Thiên Ưu 8 và JO2 cùng với quy trình sản xuất "3 giảm, 3 tăng" được áp dụng rộng rãi, nâng cao chất lượng nông sản.
Trong chăn nuôi, việc áp dụng công nghệ chuồng kín, máng ăn tự động, và xử lý chất thải bằng công nghệ sinh học đã cải thiện đáng kể chất lượng vệ sinh thực phẩm. Các giống vật nuôi mới như bò lai 3B, lợn ngoại cao sản, và dê Boer lai không chỉ tăng năng suất mà còn đáp ứng nhu cầu thị trường cao cấp. Cùng với việc cải tiến, nâng cao chất lượng đàn vật nuôi chủ lực, nhiều giống vật nuôi bản địa như gà 6 ngón, lợn rừng, ngựa bạch... được các cơ sở, hộ chăn nuôi trên địa bàn tỉnh nuôi giữ và nhân giống đưa vào sản xuất cho hiệu quả kinh tế cao.
Địa phương này hỗ trợ nông dân đầu tư cơ sở sản xuất, trồng trọt, hiện đại, ứng dụng công nghệ cao gắn với quy trình sản xuất an toàn.
Bên cạnh đó, triển khai Chương trình Chuyển đổi số tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, các giải pháp chuyển đổi số, khoa học - công nghệ trong nông nghiệp đã được ứng dụng vào nhiều lĩnh vực sản xuất - kinh doanh nông nghiệp. Theo đó, nông dân dần làm quen, tiếp cận tra cứu thông tin tư vấn về canh tác, giá cả thị trường trên Internet. Các nền tảng, giải pháp hỗ trợ chẩn đoán sâu bệnh trên cây trồng, vật nuôi từng bước được người dân tiếp cận. Mô hình sản xuất lúa không dấu chân (sử dụng máy bay không người lái sạ lúa và phun thuốc BVTV). Mô hình trồng cây ăn quả áp dụng khoa học - kỹ thuật tưới tiêu bằng điện thoại thông minh…
Theo đánh giá của Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh, việc cơ giới hóa trong khâu làm đất đạt 97%; mạ khay, máy cấy khoảng 40%; thu hoạch lúa đạt 91%; vận chuyển vật tư, nông sản đạt 95%. Ứng dụng cơ giới hóa giúp tiết kiệm chi phí, thời gian lao động, bảo vệ sức khỏe người dân, tăng hiệu quả kinh tế.
Những năm qua, ngành Nông nghiệp và các địa phương của tỉnh đã tích cực thực hiện cơ chế, chính sách khuyến khích người dân, doanh nghiệp, HTX đầu tư đưa cơ giới hóa vào sản xuất như: Nghị quyết số 46/2016/NQ-HĐND ngày 08/12/2016 của HĐND tỉnh quy định chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp công nghệ cao giai đoạn 2017–2020; Nghị quyết số 07/2019/NQ-HĐND ngày 11/7/2019 của HĐND tỉnh quy định cơ chế, chính sách đặc thù khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2019-2025…
Nhằm đẩy mạnh ứng dụng cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp và chế biến nông, lâm, thủy sản, Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh triển khai Kế hoạch thực hiện Chiến lược phát triển cơ giới hóa nông nghiệp và chế biến nông, lâm, thủy sản trên địa bàn tỉnh đến năm 2030.
Thời gian tới, tỉnh Bắc Giang ứng dụng cơ giới hóa trong sản xuất, thu hoạch, bảo quản, chế biến, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh tế, xã hội và bảo vệ môi trường nông nghiệp tại các vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung được cơ giới hóa. Phát triển chế biến nông sản hiện đại, hiệu quả và bền vững, đáp ứng được nhu cầu, quy định của thị trường tiêu thụ, nâng cao giá trị sản phẩm nông sản của tỉnh.
Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh tiếp tục chỉ đạo các địa phương đẩy mạnh phát triển cơ giới hóa đồng bộ trong nông nghiệp, ứng dụng công nghệ hiện đại, công nghệ thông minh, sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả và bảo vệ môi trường phù hợp với quy mô, trình độ sản xuất, lợi thế từng ngành hàng, vùng sản xuất nông nghiệp với các tổ chức sản xuất có quy mô lớn theo chuỗi giá trị nông sản.
Sử dụng công nghệ tiên tiến, công nghệ thân thiện với môi trường, hiện đại hóa trang thiết bị bảo quản, chế biến nông sản để đa dạng hóa sản phẩm chế biến, giảm tổn thất sau thu hoạch, hạ giá thành; tăng cường chế biến sâu tạo ra giá trị gia tăng cao, tăng khả năng cạnh tranh nông sản; kiểm soát được chất lượng, an toàn thực phẩm và truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Khuyến khích đầu tư mới và mở rộng cơ sở chế biến, bảo quản đảm bảo đủ năng lực chế biến, bảo quản đối với những ngành hàng chủ lực, có tiềm năng, lợi thế của tỉnh gắn với vùng sản xuất nguyên liệu tập trung.
Tập trung vào các lĩnh vực, sản phẩm có thế mạnh, tiềm năng phát triển như cây vải, cây có múi (cam Đường Canh, cam Vinh, bưởi Diễn,...); lúa hàng hóa, lúa chất lượng; cây lạc; cây rau chế biến, rau an toàn; đàn gà (gà đồi) và lợn thịt; thủy sản; cây lấy gỗ và cây dược liệu; phối hợp với các ngành, địa phương xây dựng tỉnh Bắc Giang là vùng cây ăn quả trọng điểm của Quốc gia…/.
Hồng Hạnh
Bình luận