Hotline: 0941068156
Thứ hai, 20/01/2025 11:01
Thứ tư, 22/11/2023 13:11
TMO - Lãnh đạo UBND tỉnh Bắc Giang yêu cầu UBND các các huyện, thành phố xây dựng kế hoạch xử lý các vi phạm về đê điều, phòng, chống thiên tai trong phạm vi bảo vệ đê điều và trong hành lang thoát lũ trên địa bàn.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bắc Giang cho biết, từ đầu năm 2023 đến nay các địa phương trong tỉnh đã xử lý được 126 trường hợp vi phạm Luật Đê điều, xử phạt hành chính với tổng số tiền trên 740 triệu đồng (trong số đó, 12 bãi vật liệu và bến bãi kinh doanh khoáng sản không có nguồn gốc hợp pháp; 5 trường hợp khai thác khoáng sản; 109 trường hợp xe quá tải trên đê); xử lý 10 bến bãi kinh doanh cát, sỏi; sửa chữa, lắp đặt barrier, lắp đặt biển hạn chế tải trọng 134 vị trí (huyện Việt Yên 16 barie, biển hạn chế tải trọng, huyện Hiệp Hoà 13 barie, biển hạn chế tải trọng, huyện Lạng Giang 16 biển hạn chế, 04 barie; huyện Yên Dũng 02 biển hạn chế tải trọng; thành phố Bắc Giang 83 biển hạn chế).
Trong đó, trên tuyến đê tả Cầu thuộc địa bàn huyện Hiệp Hòa có 7 bến bãi không đủ điều kiện hoạt động phải giải tỏa. Đến nay UBND huyện Hiệp Hòa đã chỉ đạo UBND các xã lấp dốc, cắt điện; hiện tại các bãi đã dừng hoạt động nhưng vẫn còn vật liệu, máy móc trên bãi chưa giải tỏa hết (5 bãi đã di chuyển hết số vật liệu, 2 bãi địa bàn xã Hương Lâm và xã Đông Lỗ khối lượng vật liệu trên bãi vẫn còn chưa di chuyển hết). Qua kiểm tra cụ thể có 1.178 trường hợp hộ dân sinh sống ven đê và công trình, dự án liên quan đến phạm vi bảo vệ đê, bảo vệ bờ sông, bãi sông tại 11 xã ven đê, việc cấp quyền sử dụng đất lên cả mặt đê, mái đê, cơ đê và trong hành lang bảo vệ đê trên tuyến đê Cầu thuộc huyện Hiệp Hòa…
Bên cạnh đó, trên địa bàn thành phố Bắc Giang hiện có 2 bến bãi không đủ điều kiện hoạt động phải giải tỏa của hộ gia đình ông Đinh Văn Hải tại K42+300 đê hữu Thương và cảng Hà Bắc tại K10+300 đê tả Thương. UBND thành phố Bắc Giang đã lắp đặt 83 biển báo hạn chế tải trọng trên 12 tấn, 45 trụ bê tông ngăn xe tải trọng lớn trên các tuyến đê…
UBND tỉnh Bắc Giang yêu cầu các sở ngành liên quan, các địa phương có đê ở tỉnh tăng cường quản lý, xử lý nghiêm vi phạm pháp luật về đê điều và phòng chống thiên tai. Ảnh: SQ.
Trước tình trạng vi phạm pháp luật về đê điều trên địa bàn còn xảy ra nhiều và phức tạp, UBND tỉnh Bắc Giang yêu cầu các sở ngành liên quan, các địa phương có đê ở tỉnh tăng cường quản lý, xử lý nghiêm vi phạm pháp luật về đê điều và phòng chống thiên tai; xe quá tải trọng và khai thác cát, sỏi lòng sông ảnh hưởng đến hệ thống đê điều trên địa bàn.
Theo đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh tăng cường kiểm tra; phối hợp với các địa phương, các ngành xử lý những trường hợp tập kết cát sỏi vi phạm hành lang bảo vệ các công trình đê điều, thủy lợi theo quy định. Tăng cường quản lý đê điều trên các tuyến đê, kịp thời phát hiện và kiên quyết xử lý triệt để các trường hợp vi phạm ngay từ khi mới phát sinh. Đồng thời, đôn đốc UBND các huyện, thành phố xử lý, giải tỏa bến bãi không đủ điều kiện hoạt động theo đúng quy định đảm bảo an toàn đê điều và phòng, chống thiên tai.
Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh kiểm tra, xác minh và xử lý trường hợp cấp đất sai quy định, cấp đất ở trong hành lang bảo vệ đê điều, khu vực bãi sông có nguy cơ sạt lở cao. Kiểm tra, giám sát dự án duy tu tuyến đường thủy nội địa kết hợp tận thu khoáng sản lòng sông; dự án khai thác cát sỏi ở bãi ven sông để xử lý vi phạm.
UBND tỉnh Bắc Giang cũng lưu ý Sở Giao thông Vận tải phối hợp các đơn vị liên quan kiểm tra hoạt động bến thủy nội địa đối với các bến bãi tập kết, trung chuyển vật liệu xây dựng; thu hồi giấy phép hoặc đình chỉ hoạt động bến thủy nội địa đối với các bến bãi tập kết, trung chuyển vật liệu xây dựng không phù hợp với quy hoạch và không đúng giấy phép. Công an tỉnh tăng cường kiểm tra, phát hiện, xử lý kịp thời các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật về đê điều, khai thác trái phép, sai phép tài nguyên khoáng sản trên các tuyến sông thuộc địa bàn tỉnh; tăng cường kiểm tra, phát hiện ngăn chặn, xử lý xe có tải trọng vượt quá tải trọng được phép đi trên đê.
UBND các huyện, thành phố xử lý, giải tỏa bến bãi không đủ điều kiện hoạt động theo đúng quy định đảm bảo an toàn đê điều và phòng, chống thiên tai.
UBND các huyện, thành phố, lãnh đạo tỉnh yêu cầu các đơn vị này chỉ đạo cơ quan chuyên môn và chính quyền địa phương xử lý triệt để các trường hợp vi phạm đê điều và phòng chống thiên tai trên các tuyến đê. Đối với các trường hợp vi phạm bức xúc, kéo dài đề nghị thiết lập hồ sơ xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Nghị định 03/2022/NĐ-CP ngày 06/01/2022 của Chính phủ và cưỡng chế theo quy định của pháp luật.
Đối với khu dân cư nằm trong hành lang bảo vệ đê, các huyện, thành phố tiếp tục rà soát, lập kế hoạch di dời tập trung hoặc xen ghép; rà soát, kiểm tra làm rõ việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trong hành lang bảo vệ đê để có hướng giải quyết phù hợp. Ngoài ra, các huyện, thành phố tập trung quản lý quy hoạch, hoạt động xây dựng trên bãi sông theo quy định; có biện pháp xử lý nghiêm các công trình xây dựng trên bãi sông đã được cấp phép không đúng thẩm quyền hoặc thực hiện sai phép…
Trong năm 2022, các ngành, địa phương trên địa bàn tỉnh đã tích cực giải quyết, xử lý các vi phạm về đê điều và phòng, chống thiên tai (trong năm đã xử lý được 90 trường hợp: Hiệp Hòa 11 trường hợp, Việt Yên 04 trường hợp, Yên Dũng 13 trường hợp, Lạng Giang 12 trường hợp, Tân Yên 04 trường hợp, thành phố Bắc Giang 14 trường hợp, Lục Nam 32 trường hợp).
Tuy nhiên, tình trạng vi phạm pháp luật về lĩnh vực đê điều và phòng, chống thiên tai trên địa bàn tỉnh vẫn diễn ra phức tạp, vi phạm mới thường xuyên phát sinh, một số địa phương chưa thực sự vào cuộc, lãnh chỉ đạo chưa quyết liệt trong công tác giải quyết vi phạm và ngăn chặn vi phạm ngay từ khi mới phát sinh. Vi phạm mới vẫn thường xuyên phát sinh, trong khi đó số vụ vi phạm cũ còn tồn tại gây nhiều khó khăn cho công tác quản lý và bảo vệ đê điều. Tình trạng xe quá tải trọng hoạt động trên đê còn diễn ra dù đã có biển báo hạn chế tải trọng gây hư hỏng mặt đê…
Hồng Thái
Bình luận